Tại Sao CSVN Không Có Đối Sách Trước Hàng Trăm Lao Động Việt Nam Chết Ở Malaysia ?

Ngày 27 tháng 2 vừa qua, tờ Pháp Luật phát hành ở Việt Nam đăng tin cho hay tính đến nay tổng cộng có tất cả 315 lao động Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia bị chết, chỉ nội trong năm qua (2007) đã có đến 100 lao động bị chết ở Malaysia, trong đó 1/3 bị đột tử. Đọc bản tin này không ai mà không bàng hoàng, thế nhưng các cơ quan chức năng và những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lao động ở Việt Nam thì hầu như không mấy bận tâm.

Ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), làm như là giới chức thẩm quyền đã chu toàn trách nhiệm khi được nói là chúng tôi đã cử một đoàn công tác đặc biệt do các chuyên gia của bộ Lao động-Thương binh & Xã hội và bộ Y tế sang Malaysia tìm hiểu nguyên nhân chết, môi trường ăn, ở của lao động Việt Nam vào năm 2005, nhưng kết quả chỉ thấy là nguyên nhân bất thường.

Tháng tháng 4 năm 2002, khi chương trình xuất khẩu lao động sang Malaysia bắt đầu đến nay đã có 130.000 lượt lao động Việt Nam xuất khẩu sang nước này, thế mà đến đầu tháng 1 năm 2008 đã có đến 315 người bị chết, một tỷ lệ quá cao như thế thì không thể là nguyên nhân bất thường được, phải có vấn đề. Điều tra gì mà gần cả ba năm nay vẫn chưa có kết luận để tìm cách ngăn chận, ngay đến một bản thống kê về những người lao động bị chết là nam hay nữ, ở vào lứa tuổi nào, bị chết vào giờ nào, ở đâu…cũng chẳng rõ ràng, cụ thể.. Nội chừng đó chuyện đủ để cho thấy sang cho có lệ, cốt yếu là để hợp thức hóa về những cái chết đầy nghi vấn hầu hầu tránh rắc rối cho phía Malaysia mà thôi. Trường hợp các lao động bị chết đột tử thì toán điều tra đổ lỗi cho người chết là vì sinh hoạt không điều độ, ăn uống không tốt, uống rượu nhiều, đêm ngủ mở quạt máy thẳng vào người…. . Tuyệt nhiên không có một nghi vấn nào về chuyện người lao động bị chủ ép làm việc quá sức, vì theo như lời ông Hải thì khi có lao động chết tại Mã Lai, việc đầu tiên là chủ sử dụng phải báo cáo cho cảnh sát, sau đó là co quan Y tế đến kiểm tra pháp y và có kết luận nguyên nhân cái chết. Tất cả việc này đều do bên phía bạn đảm trách. Trách nhiệm của mình chỉ là phối hợp để đưa thi hài lao động xấu số về nước. Những kết luận của họ về nguyên nhân cái chết như thế nào thì mình phải tin vào đó.

Tin sao được khi mà một cái chết đột tử lại do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như trường hợp của anh Hà Hồ Nam (38 tuổi). Đầu tiên là giấy chứng tử do sứ quán Việt Nam ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia cấp vào ngày 26/1/2007 có đóng mộc đoàn hoàng ghi rằng nguyên nhân chết là do bệnh phổi. Tiếp đó, đến ngày 8/3/2007, cũng sứ quán này cấp thêm một giấy chứng tử khác ghi nguyên nhân chết là do bệnh tụy. Trong khi giấy xác nhận của chuyên gia y tế nơi anh Nam cư ngụ ở Malaysia thì lại ghi chết do xuất huyết viêm tuyến tụy cấp tính. Đằng khác, giấy báo tử của Cục Đăng lục khai sinh, khai tử tại Malaysia do người sứ quán dịch là chết do xuất huyết lá lách cấp tính.

Ông Hải, Phó cục trưởng này còn nói thêm có thể người Việt Nam không khỏe hơn so với các quốc gia khác về thể lực, đặc biệt chúng ta chỉ phù hợp với môi trường ẩm, còn sang nước khác khí hậu khô, chênh lệch nhiệt độ rất lớn nên sức đề kháng của người lao động không tốt. Điều mà ông Hải nói ra đó chỉ là lập lại những lời của ông Vũ Đình Toàn vào năm 2005 khi ông ta giữ chức như ông Hải bây giờ.

Được biết các lao động Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia đều phải đóng một số bảo hiểm như tai nạn lao động, y tế, rủi ro… Nếu chết trong thời gian hợp đồng lao động còn hiệu lực thì gia đình nạn nhân sẽ được nhận tiền bảo hiểm tùy theo loại đã đóng. Chết ngoài giờ lao động do tai nạn giao thông, đột tử… sẽ được trả từ 20 đến 23 ngàn đồng Malaysia (ringgit), tương đương 7.200 mỹ kim, số tiền này do phía Malaysia chi trả.. Tuy nhiên tờ báo Pháp luật nói rằng khi tiếp xúc với gia đình các nạn nhân thì chẳng có ai biết về khoảng này, số tiền mà họ nhận được sau khi người lao động chết là 20-30 triệu đồng Việt nam (khoảng 2 ngàn USD) từ công ty đưa người đi lao động, như thế cứ một lao động bị chết là hơn 5 ngàn mỹ kim chạy vào túi cán bộ, quan chức nhà nước Việt Nam., nhân lên 315 lần thì biết ngay là bao nhiêu liền.

Đành rằng người cộng sản chủ trương vô thần, nhưng ăn luôn trên cái chết của người lao động xấu số thì quả thất quá ác đức chẳng bút mực nào tả xiếc. Về phía những người lao động xuất khảu Việt Nam, không lẻ cứ mãi im lặng cho nhà nước CSVN tiếp tục bốc lột sức lao động của mình. Không lý bây giờ cũng là thời đại nô lệ ngày xưa hay sao.