Tại Sao Hà Nội Hạn Chế Tiếng Nói Của Báo Chí…?

Nguyên Hà

Báo chí Việt Nam trong thời gian vừa qua đóng một vai trò quyết định trong công cuộc đấu tranh chống thamh nhũng, tiêu cực. Đa số các vụ án tiêu cực nổi đình nổi đám đều do báo chí phát hiện và phanh phui trước công luận: Trùm xã hội đen Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, Quota ở bộ Thương mại, Rursaka Khánh Hòa, đất đai Đồ Sơn, Điện kế điện tử TP Sài Gòn, PMU 18… Trong khí thế tưng bừng “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, ngỡ rằng báo chí sẽ được chính quyền CSVN tạo điều kiện để phát huy tối đa chức năng quyền lực thứ tư của mình. Đùng một cái, trong thời gian gần đây Hà Nội đã ra nhiều thông tư, chỉ thị và quy chế nhằm siết chặt quản lý báo chí. Hồi tháng Mười năm ngoái, Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) đặt Việt Nam vào vị trí 155 trên 168 trong Bảng xếp hạng hàng năm về tự do báo chí tại các nước trên thế giới 2006. Việt Nam bị nhiều tổ chức quốc tế liệt vào diện thiếu tự do báo chí.

Cách đây vài năm, khi hiện tượng cảnh sát giao thông Việt Nam nhận mãi lộ bị báo chí tấn công, dư luận xã hội lên án dữ dội thì có một chiến sĩ cảnh sát giao thông đã dũng cảm phát biểu trước công luận: “Nếu một cảnh sát giao thông không nhận mãi lộ thì sẽ trở thành một con sâu làm rầu nồi canh”. Điều này cũng dễ dàng nhận ra là khi lực lượng cảnh sát giao thông này bị báo chí phanh phui việc nhận hối lộ thì bị điều chuyển công tác khác; lực lượng cảnh sát giao thông khác đến thay thế, nhận mãi lộ còn dữ dội hơn trước nữa.

Một bộ phận cảnh sát giao thông là hiện tượng điển hình của CSVN: tham nhũng, tiêu cực khắp nơi, từ quan nhỏ cho đến quan lớn, từ địa phương cho đến trung ương; đảng viên nhỏ thì tham nhũng ít, đảng viên lớn thì tiêu cực nhiều; sống giữa một guồng máy chính trị như vậy thì không có một đảng viên nào mà chẳng tiêu cực, tham nhũng. Cá biệt có một vị quan tốt, thanh liêm, hết lòng vì nước vì dân thì sẽ trở thành con sâu làm rầu nồi canh, và chắc chắn không có cửa tồn tại trong bộ máy chính quyền cộng sản! Điển hình là trường hợp của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Mai Ái Trực!

Suốt mười mấy năm giữ các chức vụ trọng trách đến nay, ông Trực chỉ duy nhất một lần dùng xe mới và đó lại là chiếc xe tang vật trong một vụ án buôn lậu ôtô phía Bắc bị lực lượng chức năng triệt phá, thu hồi. Chiếc xe này do thủ tướng bấy giờ (ông Võ Văn Kiệt) giao cho tỉnh Bình Định và được phân cho ông Mai Ái Trực sử dụng trong thời gian làm chủ tịch UBND tỉnh rồi bí thư tỉnh ủy. Khi còn giữ chức phó chủ tịch tỉnh trước đó, ông Trực vẫn đi ôtô cũ của những người tiền nhiệm để lại. Ra Hà Nội nhậm chức bộ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi Trường vào năm 2002, được tiêu chuẩn ôtô trị giá khoảng 600 triệu đồng (tương đương Toyota Camry 3.0) nhưng ông Mai Ái Trực cũng không mua xe mới. Ông hỏi bộ phận giúp việc xem có chiếc xe cũ nào còn sử dụng được không và kết quả là ông dùng chiếc xe Camry 2.2 mà một dự án hợp tác nước ngoài của bộ chạy được… năm năm. Văn phòng Bộ Tài nguyên – môi trường đã nhiều lần đề nghị mua xe mới cho bộ trưởng song ông đều từ chối với lý do xe vẫn còn tốt, không việc gì phải thay cho lãng phí.

Ông Nguyễn Thành Minh, chánh văn phòng Bộ Tài Nguyên – Môi Trường, cho biết: “Thật ra tiền mua xe mới cho bộ trưởng đã có sẵn. Chính mình và anh em trong văn phòng bộ đã đề nghị nhiều lần nhưng bộ trưởng cứ từ chối với lý do còn nhiều việc cần tiền hơn”. Dù ở cương vị bộ trưởng, ông vẫn thường xuyên nhắc cán bộ trong cơ quan chỉ được phép sử dụng xe công khi cần thiết đi công tác, tiết kiệm nhiên liệu, tránh lãng phí, dù ít hay nhiều. Những ngày cuối tuần, cần đi thăm người thân hay có việc riêng, gần thì ông đi xe máy, xa hơn thì ông đi taxi bằng tiền túi. Một cán bộ văn phòng Bộ Tài Nguyên – Môi Trường cho biết chưa bao giờ thấy Bộ trưởng Trực dùng xe công vào việc riêng. Mỗi lần về quê Bình Định hoặc ra ngoại thành thăm người thân, vãng cảnh, ông đều đi máy bay, xe lửa, taxi, xe ôm… bằng tiền túi.

Người dân bảo ông là ông bộ trưởng luôn sẵn sàng đối thoại với dân. Ông vẫn thường trần tình rằng: “Không đối thoại thì biết như thế nào để quản lý. Nghe dân, hiểu dân chỉ có lợi. Chính nhờ nghe dân, chúng tôi mới phát hiện được những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật để sửa đổi, bổ sung. Và cũng chính nhờ nghe dân, chúng tôi biết được cán bộ của ngành mình ở các cấp đã xử lý công việc như thế nào, đúng hay sai, nhanh hay chậm”. Bộ trưởng phải lặn lội xuống tận nơi để xem xét, chẳng hạn về “làng ung thư” Thạch Sơn, vào khu vực sụt lở đất ở Quảng Trị: “Càng đi nhiều tôi càng thấy người dân mình có nhiều bức xúc và cũng tốt quá. Hôm nọ, tôi có nói với Thủ tướng Phan Văn Khải là dân mình thật hiền, vụ ung thư ở Thạch Sơn do doanh nghiệp nhà nước gây ra ô nhiễm. Thế mà chúng ta chỉ mới đưa các đoàn y tế xuống khám sức khỏe, cho ít thuốc và chữa trị bệnh ung thư không mất tiền thì bà con đã biết ơn, đã cho rằng Nhà nước quan tâm lắm rồi. Thật ra người dân không đòi hỏi gì lắm đâu, họ chỉ cần Nhà nước nhìn thấy những bức xúc của họ và quan tâm giải quyết vấn đề là họ đồng tình, họ chia sẻ ngay”. Riêng cá nhân ông bộ trưởng trực tiếp trả lời email của người dân: ” Tôi nhận được rất nhiều email của dân. Có thư tôi trả lời được, nhưng cũng có thư không thể nào trả lời nổi. Ví dụ người dân hỏi: “Hồ sơ xin cấp sổ đỏ đã nộp mấy tháng rồi tại sao chưa được giải quyết? Khu vực này bị qui hoạch treo tới bao giờ? Khiếu nại của tôi tại sao chủ tịch tỉnh không giải quyết?…”. Đó là những vụ việc cụ thể thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và chỉ những người đó mới có thể trả lời được. Nhưng nhờ đó, tôi biết được cung cách quản lý của địa phương và những nơi trì trệ để chấn chỉnh.”

Bất ngờ vào ngày 23/04/2006, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi Trường (TN-MT) Mai Ái Trực đã rút tên khỏi danh sách bầu Ban chấp hành T.Ư khóa X vào giờ chót. Theo ông Mai Ái Trực là vì sức khỏe không bảo đảm để làm việc lâu. Nhưng trên thực thế thì chúng ta cũng dễ dàng hiểu được, một ông quan thanh liêm chuẩn mực, được dân tín nhiệm thì không thể nào tồn tại được trong guồng máy CSVN.

Sau hàng loạt các vụ án tham nhũng bị phát hiện và phanh phui, CSVN mất đi hàng loạt các quan chức cấp trung ương. Vụ trùm xã hội đen Năm Cam: Bùi Quốc Huy (thứ trưởng Bộ CA) , Phạm Sĩ Chiến (Phó viện trưởng kiểm sát tối cao), Trần Mai Hạnh (Tổng giám đốc đài tiếng nói Việt Nam; vụ Lã Thị Kim Oanh là: Bên cạnh 2 thứ trưởng Bộ nông nghiệp & phát triển nông thôn Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thiện Luân bị xử tù thì ông Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cũng từ chức; Vụ Quota ở Bộ thương mại Thứ trưởng Mai Văn Dâu; PMU 18 là Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến bị bắt, bộ trưởng Đào Đình Bình từ chức, phó Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Nguyễn Văn Lâm bị cách chức; vụ án Tổng công ty Dầu khí Việt Nam thì hàng loạt quan chức Thanh tra chính phủ phải về vườn: Tổng thanh tra Quách Lê Thanh, phó chánh thanh tra, Trần Quốc Vượng, Luơng Cao Khải; Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT Lương Tiến Dũng bị xử tù về tội hiếp dâm trẻ em…. Nhìn vào danh sách “bản phong thần” Đảng viên cộng sản cấp trung ương bị pháp luật sờ gáy, thì chưa có bao giờ “mẻ lưới chống tham nhũng” của chính quyền CSVN nào lại bội thu đến thế! Cộng với lời tuyên bố hùng hồn trước Quốc hội của Tân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực đến cùng thì người đa số người dân cũng như Báo chí dễ dàng ngộ nhận CSVN đang mở chiến dịch bàn tay sắt, quét sạch quan chức tham nhũng để xây dựng một chính quyền nhân dân đích thực, trong sạch và vững mạnh, phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.

Trước công luận, Nguyễn Tấn Dũng cũng như các lãnh đạo CSVN đều lớn tiếng tuyên bố chống tham nhũng, tiêu cực đến cùng. Nhưng sau đó, khi chứng kiến các “đàn em thân tín” run rẩy tra tay vào còng thì bất ổn trong lòng, và nếu chẳng may có kẻ thành khẩn cung khai thì chẳng mấy chốc mà đụng đến “cung đình”. Vả lại khi hàng loạt các đảng viên cộng sản chức sắc: Thứ trưởng, bộ trưởng, chánh thanh tra dính vào tiêu cực, tham nhũng bị báo chí phanh phui, chụp hình phát tán lên mạng trên tòan thế giới thì thật là không đẹp mặt chút nào cho các lãnh đạo CSVN đang vận động, tuyên truyền, cổ súy: xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Giải pháp duy nhất cho CSVN trong thời điểm là hạn chế tối đa quyền lực của báo chí trong lĩnh vực chống tham nhũng và tiêu cực.

Ngày 28/5/2007, Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg, nội dung nghiêm cấm tất cả các quan chức cơ quan hành chính nhà nước cung cấp thông tin cho báo chí. Quy định viết rõ chỉ có các nhân vật thuộc diện “người phát ngôn” mới được quyền cấp thông tin cho báo chí: “Các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước không được giao nhiệm vụ phát ngôn, thông tin cho báo chí thì không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.” Tất cả thông tin theo quy định mới này sẽ phải qua một nguồn cung cấp duy nhất là người phát ngôn của cơ quan, tổ chức. Quy định viết: “Chỉ những thông tin do người phát ngôn cung cấp mới được coi là thông tin chính thống của cơ quan hành chính nhà nước.” Tên tuổi và chức vụ của những người được trao nhiệm vụ phát ngôn sẽ được công bố bằng văn bản cho báo chí và những người này sẽ phải “chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí”.

Quyết định mới của Nguyễn Tấn Dũng sẽ khiến việc thu thập thông tin trong quá trình tác nghiệp của các phóng viên, nhà báo Việt Nam còn khó khăn hơn trước. Thực tế cho thấy, tuy chỉ còn ’một cửa’ là người phát ngôn, nhưng để tiếp cận cửa này không phải chuyện dễ dàng. Quy định cũng cho phép người phát ngôn “có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp: những vấn đề thuộc bí mật nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn; các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí.”

Tưởng cũng cần nhắc lại ngày 29/11/2006, Bộ Chính trị CSVN, qua Nguyễn Tấn Dũng, ban hành chỉ thị 37CP với nội dung không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức, chỉ thị Bộ Văn hóa – Thông tin và các cơ quan liên quan phải kiểm tra, “kiên quyết đình chỉ các cơ quan báo chí không chấp hành đúng pháp luật, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước.” Chỉ thị nói thêm: “Việc xem xét, xử lý sai phạm của các cơ quan báo chí phải được thực hiện đồng bộ giữa xử lý kỷ luật về chính quyền đi đôi với xử lý kỷ luật về Đảng, xử lý người trực tiếp có sai phạm gắn với xử lý trách nhiệm của TBT”.

Chỉ thị này ra đời sau một thông báo ngày 11-10-06 của Bộ Chính trị – tập hợp một nhóm nhân vật nắm quyền cao nhất trong Đảng Cộng sản – về việc tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí. Nguyễn Tấn Dũng nói để triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, cần thiết phải “xem xét tổ chức và thực hiện tốt việc sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo của các cơ quan báo chí, chấn chỉnh công tác quản lý đội ngũ phóng viên.”

Tháng 1/2007, Tại hội nghị báo chí toàn quốc, ủy viên Bộ Chính trị – thường trực Ban Bí thư, Trương Tấn Sang, nhấn mạnh cần nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong cơ quan báo chí. Ông nói thời gian qua, hoạt động báo chí còn có những “hạn chế, khuyết điểm, cần được tăng cường lãnh đạo, quản lý. Một số cơ quan báo chí có biểu hiện coi nhẹ chức năng chính trị, tư tưởng của báo chí cách mạng, xa rời tôn chỉ, mục đích; thiếu nhạy bén chính trị” và những yếu kém này là “nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị – xã hội.”. Về đường hướng tương lai, ông ta xác định rõ cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí: “Cấp uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các cơ quan chủ quản báo chí được quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm tổng biên tập, phó tổng biên tập, giám đốc, phó giám đốc cơ quan báo chí theo quy định, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước các sai phạm của cơ quan báo chí thuộc quyền quản lý của mình. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí để tờ báo của mình vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo, để tư nhân núp bóng, liên doanh, liên kết bất hợp pháp.” Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam, tháng 4/2007, ra quy chế bắt các báo và nhà báo phải cải chính thông tin đã đăng nếu thông tin đó bị cho là “sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức; xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, gây hiểu lầm làm tổn hại đến uy tín, danh dự, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và xã hội”.

Theo điều 69 Hiến pháp năm 1992 của nước CHXHCN Việt Nam thì: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật”. Thế nhưng, Việt Nam lại không có ngày Tự do báo chí (03/05), và CSVN qui định quyền hạn tác nghiệp của phóng viên, nhà báo áp dụng trên thực tiễn trái ngược với nguyên tắc Hiến định (mặc dù Hiến pháp là đạo luật có giá trị cao nhất trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam).

Việc CSVN ban hành Luật chống tham nhũng, thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cũng chỉ mang tính hình thức, khi quuyền lực của báo chí bị hạn chế thì việc chống tiêu cực tham nhũng có được thể chế hóa bằng luật hình sự cũng chỉ bằng thừa. Báo chí Việt Nam đang trong thời kỳ đen tối nhất của bóng ma CSVN bủa vây. Tất cả phóng viên, nhà báo cần dũng cảm nhận ra sự thực này để sống đúng với trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút, vạch mặt giả dối, ác độc của CSVN, để giành lấy một nền tự do, dân chủ thực sự.

14-6-2007
Nguyên Hà (Hà Tây)