Tại Sao Hà Nội Tổ Chức Linh Đình Kỷ Niệm Cách Mạng Tháng Mười Nga

Trung Điền

Cộng sản Việt Nam vừa mới tổ chức một cách linh đình buổi lễ gọi là “kỷ niệm 90 năm cách mạng tháng 10 Nga”, vào ngày 7 tháng 11 năm 2007, tại Hà Nội cũng như tại một số địa phương. Mặc dù Cộng sản Việt Nam cố thổi phổng biến cố này hầu tạo sự chú ý của dư luận; nhưng chỉ có các cơ quan báo chí của đảng thì “tưng bừng” với những loạt bài mang nhiều tính sáo ngữ. Chẳng hạn như Phạm Gia Khiêm, ủy viên bộ chính trị, Bộ trưởng ngoại giao đã viết một bài mang tựa đề “từ cách mạng tháng 10 đến quan hệ đối tác chiến lược Việt –Nga” đã nhắc lại lời của Hồ Chí Minh nói về biến cố này như sau: “Giống như mặt trời chói lọi, cách mạng tháng 10 chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa và sâu xa nhất thế giới” (sic). Không có câu nào sáo ngữ hơn điều xưng tụng một cách lố bịch này của họ Hồ. Nếu ông Hồ biết là chỉ 20 năm sau khi ông mất, hàng triệu hàng triệu người đã đứng lên chôn vùi cuộc cách mạng tháng 10 bằng cuộc cách mạng dân chủ, giải phóng hơn 1/3 nhân loại ra khỏi chỗ tăm tối của ngục tù vô sản vào năm 1989.

Nhiều người đang thắc mắc là lý do gì Cộng sản Việt Nam lại tốn tiền và tốn công sức tổ chức kỷ niệm một biến cố đã hoàn toàn sụp đổ trong ký ức của nhân loại. Cuộc cách mạng tháng 10 tại Nga cách nay 90 năm đã chôn vùi trong sự thất bại của nó khi đế quốc Liên Xô bị hủy diệt ngay sau cuộc đảo chánh thất bại của nhóm tướng lãnh và cán bộ giáo điều của đảng Cộng sản Liên Xô muốn lật đổ Tổng bí thư Gorbachev vào tháng 8 năm 1991. Nhiều người cho là Cộng sản Việt Nam muốn dùng hình ảnh kỷ niệm tưng bừng này để qua đó đánh bóng về một thời kỳ vàng son của chủ nghĩa cộng sản cũng như để xác định lại hướng đi tất yếu của những người cộng sản Việt Nam về phong trào vô sản – đã tàn lụi? Thật ra, để xác định hướng đi không bao giờ đến của chủ nghĩa vô sản, Cộng sản Việt Nam có nhiều cách để làm và để phô trương; nhưng việc tổ chức linh đình buổi lễ kỷ niệm cách mạng tháng 10 với sự tham dự của hầu hết giới lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam và cả đại biểu đến từ Nga, Hà Nội muốn dùng buổi lễ này để tuyên truyền trong nội bộ đảng và quan trọng hơn là tự ru ngủ với chính họ về cái gọi là những thành tựu về con đường tiến lên theo ’định hướng xã hội chủ nghĩa’ cuối mùa. Tại sao?

Trong bài diễn văn đọc trong buổi mít tinh kỷ niệm 90 năm của cách mạng tháng 10, ông Nông Đức Mạnh đã trình bày đôi điều về ý hướng nói trên như sau:

Thứ nhất, ông Mạnh cho rằng sự tan rã của nhà nước Liên Xô đồng thời sự tan rã của nhiều nhà nước xã hội chủ nghĩa khác ở Đông Âu, kéo theo sự thoái trào tạm thời của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là điều đau buồn. Trong ý hướng này, ông Mạnh cho rằng sự tan rã và sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 là: 1/ Sự đổ vỡ của một mô hình cụ thể của chủ nghĩa xã hội hiện thực chứ không phải là sự sụp đổ của bản thân chủ nghĩa xã hội. 2/ Trong thế giới vẫn đang trụ vững và phát triển không ngừng nhiều nước xã hội chủ nghĩa gồm hàng tỷ dân trong đó có Trung Quốc và Việt Nam đang thực hiện thành công cải cách, mở cửa và đổi mới.

Thứ hai, ông Mạnh lại dựa vào luận điểm mà đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra vào năm 1991 rằng lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử để cho rằng chính sách đổi mới, mở cửa theo con đường tư bản hiện nay, chỉ là bước lùi chiến thuật của chủ nghĩa xã hội mà thôi.

Thứ ba, ông Mạnh đã chủ quan quyết đón rằng sau 20 năm (1986-2006) đổi mới, lãnh đạo Hà Nội đã hình thành được một hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc. Đó là phát triển kinh tế thị trường; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; xây dựng nền văn hóa tiên tiến; xây dựng dân chủ xã hội chủ nghĩa; thực hiện đại đoàn kết dân tộc; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa….

Đọc những điều trình bày nói trên của ông Mạnh; người ta thấy là lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam càng ngày càng mắc phải căn bệnh tự mê một cách lố bịch. Chính sự tự mê này đã khiến cho Hà Nội lợi dụng bất cứ biến cố nào để đánh bóng về cái gọi là chính sách đổi mới và dùng nó như chất keo nối kết nội bộ. Trước đây, chất keo nối kết nội bộ đảng là tư tưởng Mác Lê-nin và cuộc cách mạng vô sản để xây dựng xã hội cộng sản. Ngày nay, khi đế quốc đỏ Liên Xô tan rã, những chất keo nói trên không còn hiệu quả; khiến Hà Nội phải quay sang tìm chất keo đổi mới của đồng Đô La Mỹ để mong giữ chặt đảng trong nền kinh tế thị trường hoang dã với hai hiện tượng phổ biến: Tham ô nhũng lạm và phân hóa giàu nghèo vô phương cứu chữa. Rõ ràng là lãnh đạo Hà Nội đã tự mâu thuẫn khi vừa dùng cuộc cách mạng tháng 10 của 90 năm về trước để khích động tinh thần đảng viên tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa, vừa ca ngợi thành tựu hai mươi năm đổi mới mà bản chất là phủ nhận mọi giá trị của xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, việc Hà Nội tổ chức linh đình kỷ niệm 90 năm cách mạng tháng 10 Nga chỉ là để tiếp tục đánh lừa dư luận; đồng thời chuẩn bị cho những giải thích quanh co về nhu cầu đổi tên đảng, tên nước; kể cả việc loại bỏ một số những quan điểm lỗi thời của chủ nghĩa xã hội như đấu tranh giai cấp, dân chủ tập trung… để mặc bộ áo mới ’tư sản dân tộc’ trong thời gian tới.

Trung Điền
November 8 2007