Tại Sao Nhận Nhiều Viện Trợ ODA Mà Cơ Sở Hạ Tầng Của Việt Nam Hiện Nay Vẫn Còn Quá Yếu Kém

Trong Hội nghị các nhà tài trợ ODA (Viện trợ phát triển) cho Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào ngày thứ Tư mồng 7 tháng 12 vừa qua, Giám đốc World Bank tại Việt Nam nói rằng: ’Tiền viện trợ phát triển không thể và không nên đáp ứng những yêu cầu về tài chánh của Việt Nam. Việt Nam phải tạo ra nguồn vốn của mình và tạo ra những nguồn vốn tích luỹ cao. Trong thời gian tới, để tận dụng tốt nguồn vốn ODA, Việt Nam cần phải tập trung vào chất lượng của đầu tư’. Các nhà tài trợ còn cho hay ODA sẽ đổ vào Việt Nam thêm 5 năm nữa, sau thời gian này cơ hội viện trợ vốn ODA sẽ giảm dần và Việt Nam phải tự tạo ra nguồn vốn của mình.

Cộng Sản Việt Nam đã đem luật Phòng chống tham nhũng vừa được Quốc hội cho thông qua ra khoe trong hội nghị này, nhưng các nhà tài trợ cho rằng vấn đề chống tham nhũng cần được thực hiện tích cực hơn nữa bằng hành động chứ không bằng lời nói. Với ngôn ngữ của một nhà ngoại giao, Đại sứ Thụy Điển nhận xét là “Tham nhũng ảnh hưởng tới dân nghèo, đưa đến việc phân bổ nguồn lực không hiệu quả và phá hỏng việc tôn trọng nhân quyền. Đấu tranh chống tham nhũng đòi hỏi những cố gắng nhiều mặt. Củng cố năng lực của ban thanh tra chính phủ là chìa khóa để thực hiện thành công luật chống tham nhũng”.

Liên quan đến việc tập trung vào chất lượng đầu tư thì tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp được tổ chức tại Hà Nội trước đó hai ngày, ngày mồng 5 tháng 12, Đại diện các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế có mặt tại diễn đàn này đều lên tiếng cho rằng cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn rất yếu kém. Đây là một trong những nguyên nhân cản bước các nhà đầu tư. Tại các Trung tâm Công nghiệp chủ yếu, điện năng cung cấp không đủ cho nhu cầu, chi phí điện lực và viễn thông còn quá đắt đỏ, đó là chưa kể đến việc truy cập thông tin bị “bức tường lửa” ngăn cản. Chất lượng đường xá tại các nơi ở Việt Nam không đồng đều, hay bị ngập lụt trên nhiều tuyến đường ảnh hưởng tới việc vận chuyển hàng hóa. Chính quyền không kham nổi những vấn đề này tại sao không mở rộng cho tư nhân trong cũng như ngoài nước tham gia vào lĩnh vực này.

Theo ông Preben Hjortlund, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu, thì tiến trình phát triển hạ tầng cơ sở tại Việt Nam đang diễn ra chậm hơn so với tăng trưởng kinh tế của nước này. Điều này là một gánh nặng đối với các nhà đầu tư. Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đồng tình với ý kiến này và còn nhấn mạnh thêm là những hạn chế về cơ sở hạ tầng vật chất tại Việt Nam đang bắt đầu đe dọa đầu tư nước ngoài trong lãnh vực sản xuất và cả xuất khẩu trong tương lai. Rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản cũng tỏ ra rất lo lắng về sự yếu kém của cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, đặc biệt về điện năng. Tình trạng thiếu điện trầm trọng xảy ra vào mùa hè năm nay ở Hà Nội khiến cho nhiều công ty Nhật e ngại rằng từ năm sau tình trạng thiếu điện này vẫn tiếp tục xảy ra mà có sát xuất rất cao là sẽ trầm trọng hơn.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư của CSVN, Võ Hồng Phúc đã phải thú nhận về những yếu kém triền miên này trong lãnh vực hạ tầng, đặc biệt trong lãnh vực điện năng. Ông Phúc còn cho hay Việt Nam đang triển khai một loạt nhà máy phát điện, nhưng nguồn vốn trong nước không đủ nên đã tính đến phương án cổ phần hóa để có vốn đầu tư thêm. Thế nhưng Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Australia tại Việt Nam, ông Joshua Magennis lại phàn nàn rằng trong khi chính quyền Hà Nội vẫn thường xuyên kêu gọi đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật của Việt Nam quy định về các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chỉ được xây dựng một cách chậm chạp, việc thực hiện và mong muốn thực sự cho phép tư nhân đầu tư vào lãnh vực này còn vắng bóng.

Vốn viện trợ ODA của các nước chẳng phải là tiền cho không, sau này dân ta phải cong lưng làm để trả nợ. Mượn vốn viện trợ ODA của các nước là để sử dụng vào việc phát triển kinh tế, trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng vì cán bộ, quan chức của đảng và nhà nước từ trên xuống dưới ra tay vơ vét vốn viện trợ ODA, chẳng hề quan tâm đến việc xây dựng hạ tầng cơ sở nên mới thảm hại như thế.