Tấm Lòng Vàng Chói Rạng Thiên Thu

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

I.- PHAN THANH GIẢN TỬ TIẾT

Tình hình nước Việt càng ngày càng sôi động khi quân Pháp xuất hiện và tấn công Đà Nẵng rồi Gia Định vào giữa thế kỷ 19. Sau khi Pháp chiếm Kỳ Hòa (Gia Định) ngày 25-2-1861 và Mỹ Tho ngày 12-4-1861, dầu tân Khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi (thay Nguyễn Tri Phương bị thương trong trận Chí Hòa) dâng sớ xin nghị hòa, triều đình bối rối, nhưng vẫn chưa có đối sách cụ thể. Vua Tự Đức ra lệnh cho Nguyễn Bá Nghi “tùy tiện mà làm” và mật lệnh cho thân sĩ Nam Kỳ nổi lên kháng Pháp. Trương Định được vua Tự Đức phong làm Quản cơ, cầm đầu lực lượng chống Pháp ở Biên Hòa. Tại Gia Định, Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng đứng ra hô hào kháng chiến chống ngoại xâm.

JPEG - 55.1 kb
Quân Pháp tấn công thành Việt Nam

Pháp tiếp tục chiếm Biên Hòa ngày 15-12-1861, rồi chiếm Bà Rịa ngày 8-1-1862, chiếm Vĩnh Long ngày 22-3-1862. Tổng đốc Trương Văn Uyển bỏ chạy. Lúc bấy giờ hai bên đều muốn thương thuyết. Triều đình Huế càng ngày càng lúng túng vì trong khi Pháp tấn công và chiếm đất tại Nam Kỳ, chận đứng nguồn cung cấp lúa gạo cho cả nước, thì tại Bắc Kỳ, Lê Phụng nổi dậy và bành trướng mạnh. Phần người Pháp, từ ngày 1-12-1861, Phó đô đốc Louis Bonard (1805-1867) thay Phó đô đốc Joseph Charner (1797-1869) cầm đầu quân đội viễn chinh Pháp. Bonard nhận thấy rằng Pháp thiếu lực lượng để chiếm đóng một vùng đất rộng lớn hơn, do đó, ông cử trung tá hải quân Simon ra Thuận An (Huế) bàn chuyện thương thuyết. Cuối cùng, triều đình Huế cử Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp làm chánh phó sứ toàn quyền đại thần vào Gia Định để nghị hòa.

Cuộc thương lượng kéo dài trong 20 ngày, đi đến kết quả là hai bên ký kết hòa ước ngày 5-6-1862, đúng 60 năm sau khi Nguyễn Phúc Ánh thống nhất đất nước, thường được gọi là hòa ước Nhâm tuất, gồm 12 điều khoản, với những điểm chính như sau: Ở Việt Nam, giáo sĩ Pháp và Tây Ban Nha được tự do truyền đạo và dân Việt Nam được tự do theo đạo (điều 2); Việt Nam nhượng cho Pháp ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn, tàu buôn Pháp và Tây Ban Nha được tự do đi lại trên sông Cửu Long (điều 3); Việt Nam chỉ được nhượng đất cho nước khác với sự ưng thuận của hoàng đế Pháp (điều 4); người Pháp và Tây Ban Nha được quyền đến buôn bán ở Đà Nẵng, Ba Lạt và Quảng Yên, ngược lại người Việt Nam được tự do buôn bán ở hải cảng hai nước đó (điều 5), Việt Nam phải trả cho Pháp và Tây Ban Nha 4 triệu đồng chiến phí trong vòng 10 năm. Mỗi đồng được tình bằng 72% lượng bạc (điều 8) …

JPEG - 42.9 kb
Phan Thanh Giản

Sau hòa ước Nhâm tuất, Nam Kỳ chỉ còn ba tỉnh miền Tây thuộc triều đình Việt Nam. Đặc biệt ba tỉnh nầy hoàn toàn bị cách ly về đường bộ với lãnh thổ Việt Nam, vì nếu đi từ bắc xuống Nam, qua khỏi tỉnh Bình Thuận, tỉnh cuối cùng của miền Trung, là ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ vừa mới bị mất vào tay Pháp, rồi mới đến ba tỉnh miền Tây. Triều đình chỉ có thể liên lạc với ba tỉnh miền Tây bằng đường biển mà thôi.

Hòa ước Nhâm tuất không được triều đình Huế hoan nghinh. Hai sứ giả bị khiển trách, nhưng cuối cùng vua Tự Đức vẫn phê chuẩn. Lâm Duy Hiệp bị cách chức và từ trần sau đó không lâu. Phan Thanh Giản bị cách lưu, xuống làm tổng đốc Vĩnh Long để tiếp tục thượng lượng với Pháp. Điều nầy chứng tỏ lúc đó triều đình Huế tự cảm thấy không đủ khả năng sử dụng lực lượng quân sự tái chiếm ba tỉnh đã mất. Tiếp tục thương lượng với Pháp là việc làm vô ích vì lúc đó chính phủ Pháp cương quyết tiến chiếm toàn bộ Nam Kỳ.(1)

JPEG - 44.1 kb
Vua Tự Đức

Thấy vận động ở Gia Định không được, theo đề nghị của Trương Đăng Quế,(2) vua Tự Đức gởi một phái đoàn gồm 60 người qua Pháp và Tây Ban Nha thương thuyết. Phái đoàn do Phan Thanh Giản làm chánh sứ, Phạm Phú Thứ làm phó sứ và Ngụy Khắc Đản là bồi sứ, khởi hành ngày 4-7-1863 và đến Paris cuối tháng 8. Mãi đến ngày 7-11-1863, phái đoàn mới được Pháp hoàng Napoléon III (1808-1873, hoàng đế Pháp 1852-1871) tiếp kiến. Triều đình Pháp không bác bỏ ý kiến bàn lại các điều khoản trong hòa ước 1862 nhưng hứa sẽ trả lời trong vòng một năm. Phái đoàn tiếp tục sang Tây Ban Nha yết kiến nữ hoàng Isabella II (1830-1904, trị vì 1833-1868), rồi trở về vào tháng 3-1864.

Việc thương lượng không có kết quả nhưng cả Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ đều đã học hỏi được nhiều điều mới lạ trong chuyến đi nầy. Chính vì vậy, khi về nước, Phan Thanh Giản cũng như Phạm Phú Thứ, mỗi người đều dâng sớ lên vua Tự Đức và triều đình đề nghị canh tân xứ sở nhưng không được chấp thuận. Phan Thanh Giản đã than rằng:

“Từ ngày đi sứ đến Tây kinh,` Thấy việc Âu châu phải giật mình.` Kêu rủ đồng bang mau thức dậy,` Hết lời năn nỉ chẳng ai tin.”(3)

Sau đó, triều đình Pháp gởi trung tá hải quân Gabriel Aubaret (1825-1894) sang làm lãnh sự Pháp tại Huế. Aubaret đã từng ở Việt Nam, biết nói tiếng Việt, rất yêu chuộng văn hóa Việt Nam, và ông có khuynh hướng muốn cho Việt Nam chuộc lại ba tỉnh Nam Kỳ. Cuộc thương lượng giữa Phan Thanh Giản và Aubaret đi đến một thỏa ước mới ngày 22-6-1864, gồm các điều chính: Pháp trả ba tỉnh nhưng bảo hộ cả sáu tỉnh Nam Kỳ; Pháp giữ và đóng quân ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một; mỗi năm Việt Nam trả cho Pháp 2 triệu quan trong vòng 40 năm; và các giáo sĩ được tự do truyền đạo.(4)

Thỏa ước nầy bị phản đối ở Việt Nam cũng như ở Pháp. Triều đình Việt cho là quá nặng, nhưng vẫn chấp thuận, trong khi Pháp lại nói rằng họ bị thiệt thòi nên bác bỏ, và dứt khoát giữ lại hòa ước cũ.

Trong khi đó, Phan Thanh Giản xin hưu trí năm 1865. Năm nầy ông được 69 tuổi. Chẳng những không chấp thuận, vua Tự Đức còn cử ông làm Kinh lược đại thần ở Nam Kỳ, đóng trụ sở ở Vĩnh Long. Phan Thanh Giản xin vua trả lại huân công cho bạn đồng nghiệp là Lâm Duy Hiệp cũng bị cách chức như ông. Vua phê chuẩn và truy phong lại các sắc phong cũ cho Lâm Duy Hiệp. Vào Vĩnh Long một thời gian, Phan Thanh Giản lại xin hưu trí lần nữa vì lý do sức khỏe. Ông cũng bị vua Tự Đức từ chối, xuống chiếu trách cứ, và yêu cầu ông tiếp tục sứ mạng được giao phó.

Tình hình bang giao Việt Pháp càng ngày càng căng thẳng. Phó đô đốc Pierre Paul Marie de la Grandière (1807-1876) thay thế Louis Bonard vào giữa năm 1863. De la Grandière gởi người ra Huế vào tháng 3-1866 nói rằng “ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên địa thế xa cách, bọn trộm cướp thường qua lại, điều đó không tiện cho cả hai chính phủ. Vậy xin để cho Pháp cai trị luôn cả ba tỉnh đó để trừ diệt kẻ cướp và sẽ bỏ hết bồi khoản.”(5) Những người bị Pháp gọi “bọn trộm cướp” là những kháng chiến quân đóng bản doanh ở ba tỉnh miền Tây, rồi tung quân đánh Pháp ở ba tỉnh miền Đông đã mất vào tay Pháp. Ở thế yếu, triều đình Huế tiếp tục thương lượng.

Tháng 3-1867, De la Granđière gởi người ra Huế lần nữa, lập lại yêu cầu nầy và đòi tiền bồi thường niên khoản chưa trả. Triều đình Huế không trả bồi khoản, không nhượng ba tỉnh miền Tây, và còn yêu cầu chuộc lại ba tỉnh miền Đông. Trong khi đó, tại Paris, Rigault de Genouilly (1807-1873) lên làm Bộ trưởng Hải quân. De Genouilly đã từng cầm quân đánh Việt Nam, rất có tham vọng đánh chiếm Nam Kỳ, hết sức nâng đỡ kế hoạch của De la Grandière, quyết chiếm ba tỉnh miền Tây.

Ngày 20-6-1867. De la Grandière đem theo 1200 quân đến Vĩnh Long. Khi chiến thuyền Ondine của y đậu cách thành Vĩnh Long khoảng 100 m, De la Grandière sai một sĩ quan mang tối hậu thư cho Phan Thanh Giản, buộc phải giao ba tỉnh miền Tây, viện cớ rằng kháng chiến quân Việt Nam đặt bản doanh tại ba tỉnh nầy để tấn công Pháp tại ba tỉnh miền Đông.

Trước sự việc bất ngờ, Phan Thanh Giản xuống thuyền của viên Phó đô đốc Pháp thương lượng. Khi biết y cương quyết dùng võ lực cưỡng chiếm đất đai, Phan Thanh Giản đành nhượng bộ để tránh đổ máu vô ích. Ông chỉ yêu cầu Pháp đừng giết hại dân lành và để của trong kho lại cho triều đình Huế. Khi Phan Thanh Giản trở về thành, thì thành đã bị Pháp chiếm. Sau đó An Giang và Hà Tiên cũng rơi vào tay Pháp.

Sau khi ba tỉnh miền Tây lọt vào tay Pháp, Phan Thanh Giản viết biểu trần tình dâng lên vua Tự Đức, tuyệt thực và uống thuốc độc tự kết liễu đời mình. Ông qua đời ngày 15-7-1876.(6) Đại ý lời biểu của Phan Thanh Giản được Liệt truyện ghi lại như sau:

“Nay gặp nạn lớn, những việc hung bạo bày ra trên đất. Ác khí tràn đến biên cương. Việc Nam Kỳ đã đến lúc không sao ngăn được. Thần nghĩ phải chết, không dám sống để làm nhục Hoàng thượng. Xin Hoàng thượng, là người bác lãm cổ kim, lo đến việc trị loạn, đồng tâm hiệp lực với các bậc thân hiền trong ngoài, và cẩn thận đến ý Trời. Xin thương kẻ khốn cùng, lập một dự án đầy đủ trước sau; xin hãy đổi dây, thay bánh! Như thế, thế lực may ra còn cứu vãn được. Thần lúc lâm chung lòng đau đớn, không biết nói gì hơn, chỉ biết lau nước mắt, hy vọng rằng cái ao ước kia được thành tựu.”(7)

Trước khi từ trần, Phan Thanh Giản hội họp gia đình, dặn con cháu không được cộng tác với Pháp và viết những lời trăn trối sau cùng về tang lễ của ông: “Minh sinh thỉnh tỉnh, nhược vô, ưng thư: Hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cửu.” (8) (Hãy bỏ tấm triệu đi không cần có, nếu không bỏ, chỉ nên đề: linh cửu người học trò già ở góc biển họ Phan.)

Được tin Phan Thanh Giản tuyệt thực tự tử, bác sĩ Le Coniat của Hải quân Pháp được gởi đến giúp cấp cứu nhưng vô hiệu. Phó đô đốc Da la Grandière viết thư chia buồn cùng gia đình với những lời lẽ hết sức kính cẩn và hứa sẵn sàng giúp đỡ con cháu cụ Phan trong phạm vi khả năng của y. De la Grandière ra lệnh cho một pháo hạm kéo chiếc ghe trên đặt quan tài nhà ái quốc Việt Nam, về tận nơi ông sinh trưởng, làng Bảo Thạnh (Vĩnh Long), gần cửa Ba Lai (một trong chín cửa của sông Cửu Long); đồng thời cử một toán quân danh dự tiễn đưa người đối thủ anh hùng đến nơi an nghĩ cuối cùng rất trọng thể. Trên bia mộ của Phan Thanh Giản, theo lời dặn của ông, con cháu chỉ ghi những dòng chữ đơn giản: “Lương Khê Phan lão nông chi mộ”.(9)

Những lời trên tấm triệu và trên mộ chí Phan Thanh Giản chẳng những biểu lộ tánh tình khiêm tốn giản dị của ông, mà còn chứng tỏ ông đã tiên liệu những gì sẽ xảy đến cho ông sau khi qua đời, và ông đã biết cách tự xử để tránh cho triều đình và con cháu khỏi phải gặp khó khăn trong việc lo lắng hậu sự cho ông.


II.- CHẾT VẪN CHƯA HẾT CHUYỆN

Cái chết của Phan Thanh Giản mang nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa rõ nét đầu tiên là ông nhận hết trách nhiệm để mất ba tỉnh miền Tây thay cho vua Tự Đức. “Thần nghĩ phải chết, không dám sống để làm nhục Hoàng thượng.” Thế mà Phan Thanh Giản vẫn bị vua Tự Đức ra lệnh “cướp hết quan tước và đục xóa tên trong bia tiến sĩ”. (10)

Việc làm nầy của vua Tự Đức chẳng qua là để tránh lỗi, chứ Phan Thanh Giản hoàn toàn theo đúng đường lối của triều đình. Trước hết, công việc ngoại giao cần phải có sức mạnh quân sự mới dễ thành công. Trong khi đó, nước ta vào giai đoạn nầy so với Pháp về mặt lực lượng quân sự, chiến thuyền cũng như võ khí, hoàn toàn ở thế yếu. Không đủ lực lượng đối kháng, vua Tự Đức phải nghĩ đến chuyện nghị hòa, cử Phan Thanh Giản đi thương thuyết. “Bí quyết” duy nhất để nghị hòa trong thế yếu là nhượng bộ, và chắc chắn triều đình Huế cũng như vua Tự Đức muốn Phan Thanh Giản nhượng bộ tối thiểu mà thành công tối đa. Đó là điểm khó của Phan Thanh Giản.

Cử Phan Thanh Giản làm đại diện Việt Nam thương thuyết với Pháp về vấn đề Nam Kỳ, vua Tự Đức còn có một ẩn ý kín đáo là Phan Thanh Giản là nhà đại khoa bảng Nam Kỳ, được dân chúng miền Nam trọng vọng. Nếu Phan Thanh Giản có nhượng bộ gì thì đó là do một người miền Nam quyết định và dân chúng miền Nam đỡ trách cứ triều đình Huế. Sự phân công nầy giúp cho nhà vua tránh trách nhiệm trước triều đình và dân chúng, nhất là dân chúng Nam Kỳ. Cũng như trường hợp vua Tự Đức mật lệnh cho sĩ phu Nam Kỳ chống Pháp, nhưng nhà vua không chịu trách nhiệm về ngoại giao với Pháp, và trước công luận, đó chỉ là những cuộc kháng chiến tự phát của dân chúng.

Điều nầy rõ ràng nhất trong thỏa ước năm 1864 giữa Phan Thanh Giản với Aubaret. Aubaret đến Huế để thương lượng. Huế là kinh đô, nơi sinh hoạt của triều đình và hoàng cung nhà Nguyễn. Chắc chắn trong quá trình bàn thảo giữa hai bên, Phan Thanh Giản phải nhiều lần trực tiếp tham khảo ý kiến với vua Tự Đức, có thể còn phải tường trình và tham khảo hàng ngày. Như thế Phan Thanh Giản không thể tự ý nhượng bộ Aubaret trong thỏa ước nầy mà không có ý kiến của nhà vua. Một trong những điều khoản quan trọng của thỏa ước Aubaret là Pháp trả ba tỉnh miền Đông nhưng bảo hộ cả sáu tỉnh Nam Kỳ. Thỏa ước nầy đã bị triều đình phản đối chiếu lệ và cuối cùng đã được vua Tự Đức chấp thuận. Như thế, ý tưởng về việc Pháp bảo hộ Nam Kỳ đã có ngay tại triều đình Huế.

Sau khi thỏa ước Aubaret bất thành, vua Tự Đức cử Phan Thanh Giản vào Nam làm Kinh lược sứ năm 1865. Phan Thanh Giản đã hai lần xin nghỉ hưu vì tuổi già, trước cũng như sau khi vào Nam lần nầy, nhưng không được. Sử sách không viết ra, nhưng có thể lúc đó chẳng có vị quan nào chịu nhận một trách nhiệm nặng nề mà họ biết sẽ không thành công, và còn chuốc họa vào thân. Ngoài ra, chắc chắn ai cũng biết rằng trong thế yếu, người thương thuyết không thể làm gì khác hơn là phải nhượng bộ, mà nhượng bộ thì chắc chắn sẽ bị khiển trách.

Phan Thanh Giản đã qua Âu Châu, đã tận mắt chứng kiến sức mạnh quân sự của Pháp. Ông biết có chống cự cũng thất bại nên ông chấp nhận nhượng bộ, để tránh đổ máu binh sĩ và dân chúng một cách vô ích. Trong việc nhượng bộ nầy, có một chi tiết cần chú ý: khi Phan Thanh Giản từ pháo thuyền Pháp trở về thành Vĩnh Long, thì người Pháp đã chiếm thành rồi. Vậy câu hỏi đặt ra là phải chăng trong lúc đang thương thuyết, người Pháp đã dùng võ lực chiếm thành rồi, và Phan Thanh Giản được tin nầy nên đành nhượng bộ, chứ thật sự ông không trực tiếp giao cho Pháp thành Vĩnh Long?

Dầu sao, miền Tây đã mất và quan Kinh lược đại thần phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Ông chọn phần thiệt hại nặng nhất cho mình và lấy cái chết để đền nợ núi sông. Phan Thanh Giản là nhà Nho thể hiện chữ “trung” cả hai nghĩa, nghĩa hẹp và nghĩa rộng.

Chữ “trung” nghĩa hẹp là trung với vua, trung với người mà mình đang phục vụ.(11) Thế mà như trên đã viết, chính vua Tự Đức đã đổ lỗi hoàn toàn cho Phan Thanh Giản và ra lệnh đục tên ông khỏi bia tiến sĩ, để làm giảm bớt sự tức giận của dân chúng. Có thể vua Tự Đức cũng khổ tâm lắm, nhưng nhà vua ở thế bắt buộc phải lên án Phan Thanh Giản để giữ thể diện triều đình. [Nghĩ mình phương diện quốc gia, /Quan trên ngắm xuống, người ta trông vào. Truyện Kiều câu 2591-2592.]

Ngoài ra, dựa vào Nho giáo, học giả Trần Trọng Kim (1882-1953) đã giải thích chữ “trung” một cách rộng rãi hơn: “Hai chữ trung quân không nên theo như người ta thường vẫn hiểu là chỉ trung với người làm đế làm vương mà thôi, nhưng có thể theo nghĩa rộng là trung với cái quân quyền trong nước. Theo nghĩa rộng ấy thì bất cứ vào thời đại nào, hai chữ trung quân vẫn có nghĩa chính đáng. Có lòng trung ấy thì dân mới yên và nước mới trị, miễn là quân quyền không trái với lòng dân.”(12) Quân quyền ở đây tượng trưng chế độ đang giữ việc cai trị đất nước, dân chúng, và “quan hệ đến vận mệnh của một xã hội, một dân tộc”.(12) Chủ trương chính trị trên đây của Đức Khổng Tử (551-478 TCN), vị Vạn thế sư biểu của Nho giáo, còn được Đức Mạnh Tử (372-289 TCN), vị Á thánh Nho giáo, đưa đi xa hơn: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh.” (Dân là quý, xã tắc là thứ, vua là nhẹ).(13) Theo chủ trương “dân vi quý”, thì trung với dân mới đúng là trung.

Vậy khi chọn cái chết sau khi ba tỉnh miền Tây lọt vào tay Pháp năm 1867, Phan Thanh Giản đã thực hiện cả hai mục tiêu cùng một lúc: thứ nhất ông làm “Lê Lai liều mình cứu chúa”, chịu trách nhiệm thay cho vua Tự Đức; thứ nhì ông bảo vệ nhân mạng và tài sản dân chúng miền Tây. Ông đã hết sức cố gắng điều hòa sự khác biệt về quan điểm chính trị của nhà vua và triều đình với quyền lợi thiết thực của dân chúng, nhưng cuối cùng thất bại, nên ông đã hy sinh thân mạng để triều đình và dân chúng, cũng như hậu thế chứng giám cho lòng trung của ông với vua, với dân với nước, chứ không phải ông “tham sinh uý tử” (ham sống sợ chết). Đó là ý nghĩa cao cả của việc Phan Thanh Giản tử tiết. Đó cũng là lý do sâu xa mà dân chúng Nam Kỳ nói riêng và dân chúng Việt Nam nói chung đời đời biết ơn Phan Thanh Giản. Trong bài “Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong”, Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), một nhà trí thức yêu nước nổi tiếng cương trực miền Nam, đã ca tụng Phan Thanh Giản: “Ít người đặng xem tấm bảng phong thần, Phan học sĩ hết lòng mưu quốc…”(14) Ngoài ra, Nguyễn Đình Chiểu còn làm bài thơ khóc Phan Thanh Giản như sau:

“Non nước tan tành hệ bởi đâu?` Rầu rầu mây trắng đất Ngao châu.` Ba triều công cán vài hàng sớ,` Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu.` Trạm Bắc ngày chiều tin điệp vắng,` Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu.` Minh sanh chín chữ lòng son tạc,` Trời đất từ đây mặc gió thu.” (15)

Sau cơn biến loạn, triều đình nhà Nguyễn cũng thấy rõ nỗi oan của Phan Thanh Giản nên năm 1886, dưới thời vua Đồng Khánh (trị 1885-1888), triều đình đã quyết định khai phục nguyên hàm và ghi lại tên ông trên bia tiến sĩ đặt ở Văn miếu Huế. Trong bộ Liệt truyện (soạn xong năm 1889), các sử quan nhà Nguyễn đã nhận xét về Phan Thanh Giản, người đã từng làm tổng tài Quốc sử quán, như sau: “Phan Thanh Giản ăn ở chính hậu, luôn luôn liêm khiết. Khi tại chức, ông chăm chú và khôn ngoan, có can đảm nói sự thật. Thờ ba đời vua [Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức], được tôn kính, Khi ông vào làm kinh lược Nam Kỳ trong một thời thế vô cùng khó khăn, ông đã có can đảm nhận sai lầm [?] rồi tự tử; việc đó kẻ khác không dám làm. Xét theo lời sớ cuối cùng, ông rất có lòng trung ái. Hơn mữa, ông học rộng biết nhiều. Những lúc nhàn rỗi, khi vua Tự Đức phê bình các triều thần, vua đã cho văn của họ Phan là cổ, nhã. Các quan Nam Kỳ sau ông, không ai sánh được với ông…” (16)


III.- LẠI BỊ XUYÊN TẠC

“…Các quan Nam Kỳ sau ông, không ai sánh được với ông…” Phan Thanh Giản chẳng những là nhà đại khoa bảng đầu tiên của miền Nam, mà ông còn tượng trưng cho hào khí miền Nam. Vì vậy, khi cần tiêu diệt hào khí miền Nam, khi cần đánh sập giới trí thức miền Nam để buộc họ đi vào khuôn khổ độc tài đảng trị, đảng Lao Động Việt Nam (LĐVN), tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), lại một lần nữa kết tội Phan Thanh Giản. Việc CSVN kết tội Phan Thanh Giản trải qua ba thời kỳ tùy theo chủ trương chính trị giai đoạn của họ.

1. THỜI KỲ NĂM 1945

Khi cướp quyền từ tay nhà Nguyễn năm 1945, đảng LĐVN tìm tất cả các cách mạ lỵ nhà Nguyễn để biện minh cho cuộc đảo chánh của họ, cực lực lên án nhà Nguyễn đã đầu hàng Pháp, làm mất Việt Nam và làm tay sai cho Pháp, đồng thời kết tội tất cả những ai cộng tác với nhà Nguyễn. Một trong những đại quan dưới triều vua Tự Đức liên hệ đến việc sáu tỉnh Nam Kỳ mất vào tay Pháp là Phan Thanh Giản. Việc đả kích trở thành cao trào khi đảng LĐVN phát động cuộc kháng chiến chống Pháp vào ngày 19-12-1946, để kích động lòng yêu nước của dân chúng. Đây là chủ trương chung của đảng LĐVN. Việc tập trung chỉ trích riêng vào cá nhân Phan Thanh Giản nổi bật vào thời kỳ sau năm 1954 ở Bắc Việt.

2.- THỜI KỲ SAU NĂM 1954

Tạp chí Nghiên cứu lịch sử ở Hà Nội vào các năm 1962, 1963 đã mở cuộc thảo luận về Phan Thanh Giản. Trong số 55 xuất bản vào tháng 10-1963, ông Trần Huy Liệu (17) viết bài tổng kết, đã nhận định về Phan Thanh Giản như sau: “Phan [Thanh Giản] trước sau vẫn rơi vào thất bại chủ nghĩa, phản lại nguyện vọng và quyền lợi tối cao của dân tộc, của nhân dân.”(18)

Không kể cách sử dụng từ ngữ lạ lùng “thất bại chủ nghĩa” (vì có ai ưa thích hay chủ trương thất bại đâu mà lập ra hay theo chủ nghĩa thất bại?), câu hỏi đặt ra là tại sao đến lúc đó lại xảy ra cuộc tranh luận về Phan Thanh Giản trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử, và Trần Huy Liệu đã kết luận như trên?

Để giải mã câu hỏi nầy, có lẽ cần trở lại hoàn cảnh chính trị Bắc Việt sau năm 1954. Hiệp định Genève (20-7-1954) tạm thời chia hai nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Đảng LĐVN cai trị ở phía Bắc và chính phủ Quốc gia cầm quyền ở phía Nam. Lúc đó nước ta xảy ra cuộc xáo trộn dân số hai chiều ngược nhau: Khoảng một triệu người từ miền Bắc (gồm cả công chức) di cư vào Nam, và khoảng dưới 500.000 người từ miền Nam (gồm cả cán bộ cộng sản) tập kết ra Bắc.

Trong khi chính phủ miền Nam ổn định được việc định cư đồng bào miền Bắc vào Nam, thì đảng LĐVN lúng túng trong việc sắp đặt đời sống đồng bào miền Nam chuyển ra Bắc, vì nói chung đời sống kinh tế Bắc Việt khó khăn hơn ở Nam Việt, nhất là vì Bắc Việt bị áp đặt nền kinh tế chỉ huy cộng sản. Học sinh, cán bộ, thương binh, cả binh sĩ và sĩ quan Nam bộ bất mãn chính sách chuyên chế của đảng LĐVN, đã nổi lên phản đối ở nhiều nơi, khoảng từ năm 1956 đến 1958. Chế độ Hà Nội phải nhờ những nhân vật uy tín của miền Nam ra Bắc như Nguyễn Văn Trấn, Tô Ký đến xoa diệu, thuyết phục và dẹp yên. (Về vấn đề nầy, xin đọc quyển sách của người trong cuộc: Viết cho Mẹ & Quốc hội của Nguyễn Văn Trấn, Nxb. Văn Nghệ, California, 1995.)

Lúc đó, tại Liên Xô xảy ra sự thay đổi lãnh đạo. Joseph Stalin (1879-1953), bí thư thứ nhất đảng Cộng Sản Liên Xô (từ 1924-1953), qua đời ngày 5-3-1953. Nikita Khrushchev (1894-1971) lên thay (từ 1953-1964). Trong ngày bế mạc (25-2-1956) Đại hội thứ 20 đảng CSLX tại thủ đô Moscow, Khrushchev trình bày đề tài “Về sự sùng bái cá nhân và hậu quả” (On the Cult of Personality and its Consequences), đã kịch liệt tố cáo Joseph Stalin là một tên độc tài tàn ác giết người, phạm nhiều sai lầm trong thế chiến thứ nhì cũng như trong chính sách nội trị và ngoại giao, nhất là Khrushchev đả kích mạnh mẽ chủ trương sùng bái cá nhân của Stalin. Bài phát biểu nầy làm cho toàn thể thế giới sửng sốt. Bài viết được giữ mật, không được công bố ra ngoài, nhưng chỉ vài ngày sau, báo chí Tây phương đăng tải những nét chính của bài nầy, và vài tuần sau thì bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có đầy đủ bản dịch ra Anh văn bài nầy. Về phương diện ngoại giao, Khrushchev đưa ra chủ trương “sống chung hòa bình” (peaceful coexistence) giữa các nước không cùng chế độ chính trị, giải tán Văn phòng Thông tin Cộng sản (Cominform) ngày 17-4-1956.

Chủ trương của Khrushchev gây ra cuộc khủng hoảng trầm trọng giữa hai nước lớn trong khối cộng sản là Liên Xô và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, đồng thời gây ra những tranh cãi trong đảng LĐVN. Trong hội nghị Uỷ ban Trung ương đảng LĐ họp từ ngày 19 đến 24-4-1956 tại Hà Nội để nghiên cứu nghị quyết Đại hội 20 đảng CSLX, nhóm cứng rắn do Lê Duẩn (1907-1986), Lê Đức Thọ (tên thật là Phan Đình Khải, 1911-1990) đứng đầu, không tán thành lập trường mềm mỏng của Liên Xô. Tiếp theo hội nghị nầy, là cuộc họp các cán bộ cao cấp và trung cấp tại Câu Lạc Bộ Quân Nhân ở Hà Nội từ 28-4 đến 3-5-1956 để nghiên cứu nghị quyết Đại hội 20 đảng CSLX, và nghiên cứu những ý kiến của Uỷ ban Trung ương đảng LĐVN vừa mới họp xong. Từ hai cuộc họp nầy đưa đến sự hình thành hai khuynh hướng mâu thuẫn nhau trong nội bộ đảng LĐVN.

Khuynh hướng thứ nhất gồm những người chủ trương cứng rắn, cương quyết chống chủ nghĩa xét lại và cho rằng khối xã hội chủ nghĩa phải tận dụng bạo lực cách mạng đánh đổ khối tư bản và đế quốc. Nói rõ hơn, khuynh hướng nầy quyết tâm thực hiện chuyên chính vô sản, sẵn sàng sử dụng bạo lực cách mạng để chiếm chính quyền, nghĩa là phải tiến hành chiến tranh tấn công miền Nam để thống nhất đất nước dưới sự cai trị của cộng sản.

Khuynh hướng thứ nhì gồm những người tán thành quyết nghị của Đại hội 20 của đảng CSLX, cổ võ việc sống chung hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau, khuyến khích phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của nhân dân, mở rộng tự do dân chủ, tôn trọng pháp luật, công bằng xã hội, hạnh phúc của nhân dân. Như thế, theo khuynh hướng nầy, Bắc và Nam Việt Nam có thể cùng nhau sống chung, và cùng nhau thi đua phát triển kinh tế, thực hiện dân chủ, để từ đó đấu tranh một cách ôn hòa thống nhất đất nước. Nói cách khác, nhóm nầy chủ trương không nên tiến đánh miền Nam.

Khuynh hướng thứ nhất gọi tất cả những ai chống lại quan điểm của họ là theo chủ nghĩa xét lại, theo Khrushchev hoặc theo Tito (1892-1980, lãnh tụ Nam Tư). Khuynh hướng thứ nhì gọi nhóm thứ nhất là bảo thủ, giáo điều, Stalinit, Maoit. Hai khuynh hướng nầy chống nhau, tranh chấp với nhau trên quan điểm đường lối của đảng LĐ, chứ đây không phải là vấn đề chống đảng LĐ, chống chủ nghĩa Mác-Lê, chống cộng sản để thay thế bằng chế độ tự do dân chủ. Đặc biệt không có sự phân chia thành từng nhóm chính danh rõ rệt, hoặc có cương lĩnh riêng, mà chỉ tranh luận, vận động, tố cáo lẫn nhau.

Khuynh hướng thứ nhất do Lê Duẩn cầm đầu, gồm đa số uỷ viên trong Bộ chính trị đảng LĐ sau Đaị hội 3 của đảng nầy tại Hà Nội từ ngày 5 đến 10-9-1960. Khuynh hướng thứ nhì gồm những nhân vật trong Uỷ ban Trung ương đảng và đa số gốc miền Nam tập kết ra Bắc như Bùi Công Trừng (nguyên quán Huế, 1905-1986), Tôn Thất Tùng (nguyên quán Huế, 1912-1982), Tạ Quang Bửu (nguyên quán Nghệ An, 1910-1986), Ung Văn Khiêm (nguyên quán An Giang, 1910-1991), Dương Bạch Mai (nguyên quán Bà Rịa, 1905-1964). Trong số nầy, sôi nổi và nổi bật nhất là Ung Văn Khiêm và Dương Bạch Mai vì hai ông đang giữ những vị trí chính trị trọng yếu trong chế độ Hà Nội. Hai ông nầy là những lãnh tụ Nam bộ tập kết ra Bắc sau năm 1954.

Như thế, sau vụ phản đối năm 1955-1956 của những người miền Nam tập kết ra Bắc, nay hiện tượng Nam bộ lại tái phát ở một mức độ chính trị cao cấp hơn, nên đảng LĐVN rất lo ngại. Do đó, để chận đứng ảnh hưởng của các nhân vật miền Nam, thì cần phải tìm cách triệt hạ uy tín của họ, triệt hạ cái hào khí miền Nam qua biểu trưng lịch sử. Phải chăng vì vậy mà Lê Duẩn và nhóm cứng rắn trong đảng LĐVN cố tình đặt lại vấn đề Phan Thanh Giản để chuẩn bị dư luận và cảnh cáo giới trí thức miền Nam? Phải chăng đó là lý do sâu xa đưa đến việc tranh luận về Phan Thanh Giản trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử tại Hà Nội trong hai năm 1962-1963, và đi đến bài bản đã được soạn sẵn cho Trần Huy Liệu trên số báo tháng 10-1963?

Cần chú ý là dưới chế đo CSVN, cho đến năm 2004, “mọi cơ sở truyền thông đều nằm trong sự sở hữu hoặc kiểm soát của đảng Cộng Sản, các cơ quan nhà nước, hoặc quân đội và nhiều nhà báo thực thi việc kiểm duyệt…”(19) Do đó, các cuộc hội thảo hay tranh luận dưới chế độ cộng sản đại loại như cuộc tranh luận về Phan Thanh Giản năm 1963 trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử không phải tình cờ ngẫu nhiên mà có, mà phải có lịnh của Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương đảng thì Trần Huy Liệu mới dám đưa ra, và đương nhiên bản tổng kết phải luôn luôn theo sát chủ trương đường lối của đảng LĐVN tức đảng CSVN.

Kết quả sơ khởi của cuộc tranh chấp trên đây trong nội bộ đảng LĐVN vào thập niên 60 thế kỷ trước ở Bắc Việt là hai người miền Nam là ông Ung Văn Khiêm bị mất chức bộ trưởng ngoại giao tháng 1-1963 và ông Dương Bạch Mai bị đầu độc chết ngay trong một cuộc họp tại Quốc hội Hà Nội năm 1964. Cuối cùng ai cũng biết là nhóm cứng rắn đã mở ra “Vụ án Tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài” để dẹp yên nhóm ôn hòa trước khi tiến hành cuộc cưỡng chiếm miền Nam.(20)


3. THỜI KỲ SAU 1975

Câu chuyện về Phan Thanh Giản tiếp tục sau năm 1975. Khi cai trị miền Nam, nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội xóa tên Phan Thanh Giản ở tất cả các tỉnh thị miền Nam, tên đường hay tên trường. Tại Đà Nẵng, trường tư thục Phan Thanh Giản bị tịch thu và đổi tên thành trường Lê Hồng Phong. Tại Cần Thơ, cộng sản cũng đổi tên trường lớn nhất miền Tây mang tên Phan Thanh Giản thành trường Châu Văn Liêm và thủ tiêu ngay bức tượng cụ Phan. Việc làm nầy mang một ý nghĩa đặc biệt ở miền Nam.

Ai cũng biết Cần Thơ là một trung tâm văn hóa lớn của miền Tây nam Việt Nam. Lúc bấy giờ, trung tâm văn hóa Cần Thơ đối với miền Tây giống như trung tâm văn hóa Sài Gòn đối với miền Đông, Huế đối với miền Trung và Hà Nội đối với miền Bắc. Đa số nhân tài và trí thức miền Tây, trong giới trí thức Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, đều xuất thân từ trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Do đó, đập tan danh tiếng Phan Thanh Giản, cũng như đập tan danh tiếng trường Phan Thanh Giản Cần Thơ là việc làm cần kíp của CSVN để chận đứng hẳn ảnh hưởng cũng như xóa tan hẳn tâm tình liên đới giữa những trí thức miền Nam qua ngôi trường thân yêu mà họ đã trải qua trong tuổi thanh xuân.

Tuy nhiên, cộng sản đã không đạt được mục tiêu nầy. Cộng sản có thể đập tượng Phan Thanh Giản, có thể xóa tên trường Phan Thanh Giản ở Đà Nẵng, ở Cần Thơ, nhưng cộng sản không thể và không bao giờ có thể trục xuất tên và hình ảnh Phan Thanh Giản ra khỏi trái tim của các cựu học sinh trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng và trường Phan Thanh Giản Cần Thơ nói riêng, cũng như người miền Nam và người Việt Nam nói chung.(21)

Sau vụ kết án Phan Thanh Giản trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử năm 1963 ở Hà Nội, và sau vụ xúc phạm và đập phá tượng cụ Phan năm 1975 tại Cần Thơ, vào thời đổi mới lúc ông Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư (từ 1986 đến 1991), CSVN mở cuộc hội thảo “khoa học” tại Bến Tre, nguyên quán của cụ Phan, năm 1987, đưa đến kết quả là yêu cầu nhà nước “phục hồi danh dự ” lại cho Phan Thanh Giản.(22)

Tiếp theo là cuộc hội thảo tại Vĩnh Long vào tháng 11-1994 trong đó có 15 bản tham luận của Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Bến Tre, của nhiều nhà nghiên cứu địa phương cũng như thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) và Hà Nội. Ông Phan Huy Lê đã “thay mặt Ban chỉ đạo và Đoàn chủ tịch” tổng kết cuộc hội thảo nầy như sau: “Qua cuộc hội thảo nầy, chúng ta thấy rõ những mặt hạn chế và bế tắc của Phan Thanh Giản, nhưng đồng thời chúng ta cũng trân trọng ghi nhận những cống hiến tích cực của ông trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp, đánh giá cao nhân cách và phẩm chất cao quý của ông.”(23)

Chín năm sau, vào ngày 16-8-2003, tại Sài Gòn (đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh từ sau năm 1975), tạp chí Xưa và Nay cùng Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam và Hội Đồng Khoa Học Xã Hội TPHCM đã phối hợp tổ chức cuộc tọa đàm “Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản”.

Trong cuộc hội thảo nầy, với sự hiện diện của ông Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng CSVN, đại biểu các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre “nêu nguyện vọng là nhà nước nên xem xét và cho phép đặt lại tên đường Phan Thanh Giản, trường học Phan Thanh Giản, sửa chửa bổ sung kiến thức về Phan Thanh Giản trong các sách giáo khoa, giáo trình để đông đảo đồng bào, nhân dân ta hiểu Phan Thanh Giản hơn và đặt ông vào đúng vị trí trong lịch sử, trong đời sống văn hóa của nhân dân ta.”(24)

Trước năm 1975 ở miền Nam và trước năm 1954 trên toàn quốc, Phan Thanh Giản luôn luôn được vinh danh một cách trân trọng. Vậy việc yêu cầu nhà nước cộng sản “phục hồi danh dựĩ” lại cho Phan Thanh Giản có nghĩa là việc hạ nhục Phan Thanh Giản chỉ do nhà nước cộng sản chủ trương và chủ trương nầy lộ rõ ngay từ việc bày ra cuộc tranh luận trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử trong các năm 1962-1963. Việc yêu cầu nầy lại phải lập đi lập lại nhiều lần, chứng tỏ nhà nước CSVN rất “chú tâm” đến trường hợp Phan Thanh Giản. Nói cho cùng, nhóm lãnh đạo CSVN ở Hà Nội chẳng mấy quan tâm đến vai trò Phan Thanh Giản trong lịch sử bằng việc lo ngại hào khí miền Nam và sự phục hưng của giới trí thức miền Nam, mà biểu tượng là nhà khoa bảng tiết tháo Phan Thanh Giản.

Trước những đòi hỏi của dân chúng miền Nam, Bộ chính trị đảng CSVN vẫn giữ im lặng, tránh né vấn đề. Chỉ có Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bến Tre đã xây dựng một ngôi đền thờ Phan Thanh Giản, kích thước 7m X 7m tại ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Đền thờ nầy được khánh thành ngày 4-5-2004 cùng với một bức tượng Phan Thanh Giản bằng đồng nói rằng phục chế từ bức tượng cũ đã có từ trước năm 1975.(25)

Chắc chắn việc nầy phải được sự chấp thuận của Hà Nội. Đây là một động tác giả để chứng tỏ nhà cầm quyền đã cố gắng sửa sai theo dư luận dân chúng, tạm thời xoa dịu nhân tâm miền Nam. Ngoài ra, xây dựng một ngôi đền thờ nhỏ tại sinh quán Phan Thanh Giản còn nhắm mục đích hạ thấp giá trị của nhà yêu nước đại khoa bảng miền Nam, chứ nhà cầm quyền cộng sản nhất quyết không phục danh trường trung học đã từng mang tên ông ở Cần Thơ, để cắt đứt ảnh hưởng truyền thống văn hóa trước đây của trường nầy, nghĩa là của cả miền Tây Nam Việt, vì đảng CSVN luôn luôn lo sợ hào khí ngùn ngụt của đất phương Nam, một miền đất giàu có về của cải vật chất cũng như tấm lòng nhân hậu hào hiệp mà tượng trưng là Phan Thanh Giản.

IV- KẾT LUẬN

Phan Thanh Giản là nhà đại khoa bảng đầu tiên của miền Nam, suốt đời LIÊM BÌNH CẦN CÁN,(26) phụng sự đất nước, phụng sự dân tộc. Sống dưới chế độ quân chủ, ông phụng sự quân quyền nhắm trị nước yên dân, chứ không phải chỉ phụng sự cá nhân nhà vua, và ông luôn luôn đặt quyền lợi của dân chúng lên trên hết. Tuy bị giáng chức nhiều lần, nhưng Phan Thanh Giản vẫn tận tụy phục vụ dân chúng dưới ba triều vua và dần dần được trọng dụng. Biết thế nước suy yếu, không có cách gì cưỡng chống lại ngoại xâm, ông vẫn can đảm nhận nhiệm vụ ngoài biên cương, và cuối cùng ông đã chọn phương cách giải quyết lợi nhất cho dân và chấp nhận phần thiệt thòi nhất cho mình, từ danh vọng cho đến thân mạng của ông.

Nói cho cùng, ba tỉnh miền Tây, hoặc sáu tỉnh miền Nam nói chung lọt vào tay Pháp, cũng chỉ mới là giai đoạn đầu của cuộc đụng độ Việt Pháp vào thế kỷ 19. Trước cường địch xâm lăng, nhà Trần đã hai lần bỏ ngỏ kinh đô Thăng Long cho quân Mông Cổ vào thế kỷ 13, lực lượng Tây Sơn cũng đã bỏ ngỏ thành nầy vào cuối thế kỷ 18 cho quân Thanh, để rồi sau đó quật ngược thế cờ, giành lại đất đai đã bị tạm chiếm. Nếu quả thật triều Nguyễn có kế sách lâu dài chống quân Pháp xâm lăng, thì mất sáu thành miền Nam chưa phải là mất kinh đô (như Thăng Long thời nhà Trần), chưa phải là mất tất cả, và còn có cơ hội tổ chức chiến đấu chống ngoại xâm. Tuy nhiên, vào thế kỷ 19, đối kháng với thực dân Pháp, người Việt đã đi từ thất bại nầy đến thất bại khác, từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào tận kinh đô Huế. Điều nầy không thể tránh khỏi vì lúc đó nước ta còn trong tình trạng lạc hậu, trong khi nước Pháp đã rất tiến bộ sau cuộc Cách mạng kỹ nghệ vào cuối thế kỷ 18.

Vậy đặt việc Phan Thanh Giản chịu nhượng ba tỉnh miền Tây để tránh đổ máu trong toàn cảnh cuộc chiến Việt Pháp vào thế kỷ 19, so sánh với hành động của nhà Trần và của lực lượng Tây Sơn trước đây, thì việc làm của Phan Thanh Giản chứng tỏ ông rất sáng suốt, nhất là ở chỗ ông bảo toàn tính mạng và tài sản của dân chúng, để nếu triều đình có phương cách thâu hồi lại miền Tây thì miền Tây vẫn nguyên vẹn quy hoàn về triều đình. Đặc biệt hơn nữa, dù Phan Thanh Giản chỉ là một nho sĩ, ông đã chứng tỏ cái hùng khí và hào khí của vị tướng lãnh ngoài mặt trận, đó là thành mất thì chết theo thành.

Vào cuối thế kỷ 20, nhà cầm quyền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã âm thầm ký kết hai hiệp ước nhượng đất và nhượng biển cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Đó là Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc ký kết tại Hà Nội ngày 30-12-1999, và Hiệp ước phân định lãnh hải, phân chia quyền lợi trên vịnh Bắc Việt tại Bắc Kinh ngày 25-12-2000. Trên đất liền, số diện tích đất đai nước ta mất vào tay CHNDTH chưa được xác định rõ, còn trên mặt biển, nước ta mất khoảng 8% diện tích vịnh Bắc Việt, tương đương với khoảng 10.000 km2.

Thử so sánh hai sự việc: trong thế yếu, và để cứu dân vô tội, một vị tướng cô đơn ngoài biên ải như Phan Thanh Giản, chỉ huy một quân lực yếu ớt, chịu mất ba tỉnh miền Tây, với việc cả một tập thể Bộ chính trị đảng CSVN và cả bộ máy cầm quyền Hà Nội, những người thường tự hào đã từng chiến thắng hai đế quốc sừng sỏ trên thế giới là Pháp và Mỹ, lại âm thầm ký kết nhượng đất và nhượng biển cho ngoại bang để bảo toàn quyền lợi và quyền lực độc tài phe nhóm, thì bên nào có tội trước quốc dân và trước lịch sử? Ngoài ra, Phan Thanh Giản ý thức được rằng mất ba tỉnh miền Tây là nỗi đau to lớn của dân tộc nên ông lấy cái chết của chính mình để đền nghĩa đồng bào. Trong khi đó, tập thể Bộ chính trị đảng CSVN làm mất biết bao nhiêu diện tích đất đai và biển cả, nhất là làm mất vùng Nam Quan lịch sử (một ngọn đèo chiến lược để ngăn chận Bắc phương), lại giấu nhẹm tin tức cho đến khi bị phát hiện, rồi kiếm cách thanh minh, chối cãi và chống chế.

Trở lại việc Phan Thanh Giản với ba tỉnh miền Tây, cuối cùng, triều đình nhà Nguyễn và đảng CSVN đều phải trả công đạo lại cho Phan Thanh Giản. Bởi vì bên cạnh nhà cầm quyền luôn luôn có dân chúng. Nhà cầm quyền có thể thay đổi, nhưng lòng dân Việt Nam trước sau là một, không bao giờ thay đổi. Đời nào, khi nào, dân chúng Việt Nam cũng luôn luôn tôn trọng đạo lý, tôn trọng sự thật, sáng suốt biết ơn và vinh danh những anh hùng liệt sĩ đã thực sự tận tụy hy sinh vì hạnh phúc thiết thực của dân chúng. Một người ngoại quốc đã đưa ra nhận xét: “Trên bình diện chính trị, ông [Phan Thanh Giản] không thể chống lại nước Pháp, nhưng trên bình diện đạo lý, ông là người cao quý, có tất cả những đức tính được người Việt Nam ngưỡng mộ.”(27)

Không những người Việt chỉ ngưỡng mộ những đức tính của Phan Thanh Giản, mà người Việt còn biết ơn Phan Thanh Giản, vì Phan Thanh Giản là người suốt đời, trong bất cứ cương vị nào, đã tận tụy phục vụ quyền lợi dân tộc cho đến khi chết. Tấm lòng của Phan Thanh Giản là tấm lòng vàng chói rạng thiên thu, mãi mãi sáng ngời qua không gian, thời gian và nhân gian. Mà thật vàng thì sợ chi lửa.

Trần Gia Phụng` (19-6-2004)


CHÚ THÍCH

1. Tiểu truyện Phan Thanh Giản trong bài nầy dựa vào Đại Nam chính biên liệt truyện (chữ Nho) quyển 25.(Viết tắt: Liệt truyện). Người viết sử dụng hai bản dịch để so sánh. Thứ nhất, bản dịch của Nguyễn Phương, trong sách 82 năm Việt sử, Huế: Đại Học Sư Phạm, 1963, tt. 181-188. Thứ nhì, Đại Nam chính biên liệt truyện, bản dịch của Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, tập 4, tt. 37-46. Về các chi tiết khác, dựa vào hai tài liệu chính là Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim và 82 năm Việt sử của Nguyễn Phương.

2. Trương Đăng Quế (1794-1865): tự là Diên Phương, hiệu là Đoan Trai, Quảng Khê, người làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, đỗ hương cống (cử nhân) năm 1819 (kỹ mão), làm quan ba đời vua (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), từng làm thượng thư bộ Binh, và cuối cùng lên đến Cần chánh điện đại học sĩ, Cố mệnh lương thần,hàm Thái Bảo, tước Tuy Quận Công, hưu trí năm 1863. Ông là người chủ trương quyết liệt chống Pháp.

3. Trích từ Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên quyển 5, tập thượng, Sài Gòn: Tủ Sách Sử Học Việt Nam, 1962, tr. 238.

4. Tài liệu viết về đoạn nầy và đặc biệt về thỏa ước Aubaret, theo Nguyễn Phương, sđd. tt. 75-99.

5. Nguyễn Phương, sđd. tr. 92.

6. Theo các tài liệu Việt Nam, Phan Thanh Giản từ trần ngày 5 tháng 7 năm đinh mão tức 4-8-1867. Ở đây, người viết theo tài liệu của Alfred Schreiner trong Abrégé de l’histoire d’Annam, Sai Gòn: 1906, tr. 288. Theo các sách, sau khi mất miền Tây ngày 20-6-1867, Phan Thanh Giản tuyệt thực 15 ngày rồi từ trần. Từ ngày 20-6-1867 đến 5-7-1867 là đúng 15 ngày. Ngoài ra, Alfred Schreiner căn cứ vào các tài liệu của các người trong cuộc để viết lại nên có thể chính xác hơn. Phải chăng ở đây có sự lầm lẫn giữa 5-7 dương lịch và âm lịch. Xin tồn nghi để tìm hiểu thêm.

7. Liệt truyện, Nguyễn Phương dịch, sđd. tt. 187-188.

8. Nguyễn Q. Thắng — Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử, in lần thứ tư, Hà Nội: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 797.

9. Alfred Schreiner, sđd. tr. 288.

10. Cao Xuân Dục, Quốc triều đăng khoa lục, Trúc Viên Lê Mạnh Liêu dịch, Sài Gòn: Nxb. Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1962, tr. 31.

11. Tinh thần trung quân mù quáng được thể hiện trong một câu nói nổi tiếng được lưu truyền làụ: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu.” (Nghĩa là: Vua bảo bề tôi chết, bề tôi không chết là không trung; cha bảo con chết, con không chết là không hiếu.) Câu nầy thường được gán cho là giáo điều Nho giáo. Thật ra câu nầy là của thái tử Phù Tô. Nguyên khi Tần Thủy Hoàng (trị vì 221-210 TCN) từ trần năm 210 TCN, thừa tướng Lý Tư và hoạn quan Triệu Cao làm chiếu giả, buộc thái tử Phù Tô, con trai đầu của Tần Thủy Hoàng tự tử. Lúc đó, Phù Tô đang phụ trách công việc xây dựng Vạn lý trường thành. Khi chiếu chỉ đến, có người can ngăn Phù Tô, nói rằng coi chừng chiếu chỉ giả, Phù Tô trả lời: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu”, rồi tự tử theo chiếu chỉ giả mà ông nghĩ là thật. [Phù Tô vừa là con, vừa là bề tôi của Tần Thủy Hoàng]. Về phần Lý Tư và Triệu Cao, hai ông lập người con thứ của Tần Thủy Hoàng là Hồ Hợi lên ngôi, tức Tần Nhị Thế (trị vì 209-207). Triệu Cao gièm pha Lý Tư nên Nhị Thế giết Lý Tư. Triệu Cao lên làm tể tướng giết Nhị Thế, lập Tử Anh là con của thái tử Phù Tô lên làm vua tức Tần Tam Thế (trị vì 206-203). Tần Tam Thế lại giết Triệu Cao. Tần Tam Thế đầu hàng khi Lưu Bang đánh hạ Trường An (Thiểm Tây) năm 203 TCN.

12. Trần Trọng Kim, Nho giáo, quyển thượng, Sài Gòn: Nxb. Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục, 1971, tr. 130.

13. Trần Trọng Kim, sđd. tr. 211.

14. Phan Huy Lê trích dẫn trong bài “Phan Thanh Giản (1796-1867): con người, sự nghiệp và bi kịch cuối đời”, đăng trong sách Tìm về cội nguồn, tập 2, Nxb. Thế Giới, 1999, tr. 716.

15. Phạm Văn Sơn trích dẫn, sđd. tt. 240-241.

16. Nguyễn Phương dịch, sđd. tr. 188.

17. Trần Huy Liệu (1901-1969): Nguyên quán làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. chủ bút Đông Pháp Thời Báo (1925-1927), chi bộ trưởng chi bộ đặc biệt của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Sài Gòn, bị Pháp bắt đày Côn Đảo trong năm năm. Mãn hạn tù, ông ra Bắc năm 1935 và gia nhập đảng CSĐD năm 1936. Năm 1939, ông bị Pháp bắt trở lại, đày đi Sơn La, rồi an trí năm 1942 ở Thái Nguyên, và Yên Bái. Năm 1945, ông trốn về Hà Nội làm báo Cứu Quốc của Việt Minh trong vòng bí mật. Khi Việt Minh cướp chính quyền ngày 2-9, ông được Hồ Chí Minh giao làm bộ trưởng bộ Tuyên Truyền trong chính phủ Việt Minh đầu tiên. Ông được cử làm trưởng phái đoàn Việt Minh gồm Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận, vào Huế chứng kiến việc thoái vị của vua Bảo Đại tại cửa Ngọ Môn ngày 30-8-1945. Năm 1946, Hồ Chí Minh cử Trần Huy Liệu làm uỷ viên thường trực Quốc Hội. Cuối cùng, năm 1953, Trần Huy Liệu trở thành Trưởng ban Nghiên cứu Sử Địa của nhà cầm quyền cộng sản, một chức vụ không có quyền hành.

18. Phan Huy Lê trích dẫn, sđd. tr. 716.

19. Trích nguyên văn lời dịch của đài BBC Luân Đôn về bản khảo sát mang tựa đề “Freedom of the Press 2004: A Global Survey of Media Independence”, theo đó Việt Nam xếp thứ 179 ngang hàng với Lào và Rwanda. Bản khảo sát nầy do Freedom House, một tổ chức phi vụ lợi có trụ sở tại Washington D. C. thực hiện, và được công bố nhân ngày “Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới” (World Press Freedom) của UNESCO (3-5-2004). (Bản tin Việt ngữ đài BBC Luân Đôn ngày 4-5-2004).

20. Về vụ án nầy, xin xem bài “Vụ án điển hình của chế độ độc tài không luật lệ”, Trần Gia Phụng, trong sách Án tích Cộng Sản Việt Nam, Nxb. Non Nước, Toronto, 2001, tt. 217-270.

21. Hàng năm, cựu học sinh Phan Thanh Giản Cần Thơ tổ chức họp mặt để tưởng niệm cụ Phan và ôn lại kỷ niệm trường xưa bạn cũ. Ngày 4-7-2004, cựu học sinh trung học Phan Thanh Giản Đà Nẵng ở hải ngoại đã tổ chức tại Orange County, California, Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường, đã cùng nhau ôn lại lịch sử cụ Phan và lịch sử nhà trường cùng với những kỷ niệm thời học trò.

22. Hoàng Lê, “Những việc cần làm ngay”, Bản tin trường xưa, số 4, Xuân Giáp Thân, 2004, Houston, Texas: Gia đình Cựu Học Sinh Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm, 2004, tt. 5-8.

23. Phan Huy Lê, sđd. tr. 735.

24. Nguyễn Văn Khoan, “Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản”, nhật báo Tuổi Trẻ, TpHCM, ngày 18-8-2003.

25. Tin của báo Tuổi Trẻ, TpHCM, ngày 5-5-2004.

26. Liêm Bình Cần Cán: Liêm khiết, công bình, cần cù (siêng năng), mẫn cán (sáng suốt). Đây là bốn chữ trên kim khánh do vua Tự Đức tặng Phan Thanh Giản năm 1852.

27. Yoshiharu Tsubo, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nguyễn Đình Đầu dịch, TpHCM: Ban Khoa học Xã hội Thành uỷ, 1990, tr. 204.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Bản tin Việt Tân – Tuần lễ 15 – 21/4/2024

Nội dung:

– Hawaii tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương;
– Ghi ân công đức Quốc Tổ Hùng Vương tại Paris;
– Hội thảo ‘Hứa hẹn của Hà Nội; Thực trạng Nhân quyền tại Việt Nam’ trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Genève, Thụy Sĩ;
– Kêu gọi tham gia Biểu tình và Văn nghệ đấu tranh nhân dịp UPR vào hai ngày 7 và 8/5, 2024 tại Genève, Thụy Sĩ.

Đồng ruộng ở ĐBSCL sau khi đắp đê. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Đời cha bán gạo, đời con khát nước

Nếu bây giờ tập trung truy tìm nguyên nhân chính tạo nên khô hạn, thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long thì thật dễ dàng tìm ra vài lý do vừa thực vừa mơ hồ như:

Do biến đổi khí hậu; Do biến động ở thượng nguồn sông Mekong; Do ý thức người dân trong việc sử dụng nước; Vân vân.

Những nét này cái nào cũng thực nhưng có điều ít ai thấy, nó cũng là cái rất thực, dễ giải thích, dễ thực hiện đó là chính sách “An ninh lương thực” được nhấn mạnh khoảng gần hai chục năm nay.

Những “Cây năng lượng” (ở Singapore) là một kiến trúc hình phễu, miệng rộng chừng 20 mét hứng nước chảy về hầm chứa. Cây này vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa cảnh báo con người về thái độ với nước, vừa thu gom nước mưa. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Thử đi tìm đường cứu… nước

Tình hình vài năm nay và dăm bảy năm sau có những dự báo không mấy an tâm cho tình hình nước ngọt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang có khoảng 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Cả vùng này có khoảng nửa triệu hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong năm tháng cao điểm mùa khô. 

Lý do chính là do biến động bởi dòng chảy sông Mekong đã có nhiều thay đổi, chưa tính đến con kênh Phù Nam bên Cambodia sắp “Trích huyết” sông Mekong ngang chừng, cho chảy sang Vịnh Thái Lan.

Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 (UPR), ngày 15/4/2024. Ảnh chụp Báo Tin Tức

Việt Nam bác bỏ các báo cáo ‘thiếu khách quan’ về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc

Trong báo cáo đề ngày 27/2/2024 được công bố trên trang web của LHQ, nhóm chuyên trách Việt Nam của LHQ cho hay ít nhất 150 nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền, và các nhà hoạt động dân chủ, đất đai và tôn giáo còn bị giam cầm chỉ vì thực hiện các quyền cơ bản của họ một cách ôn hòa trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền của người thiểu số và phát triển dân chủ.