Thật và giả từ bước chân thầy Minh Tuệ

Hiếu Chân - Người Việt

Hình ảnh nhà sư Thích Minh Tuệ trên một trang mạng xã hội. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Hình ảnh một hành giả mặc áo vá, đầu trần chân đất đi từ Nam ra Bắc thực hành phép tu hạnh đầu đà của Phật Giáo đang gây một trận động đất trong dư luận Việt Nam. Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) ngay lập tức phát ra thông báo khẳng định “người được mạng xã hội gọi là ‘Sư Thích Minh Tuệ’ không phải là tu sĩ Phật Giáo.” Oái oăm thay, lời khẳng định chắc như đinh đóng cột của các vị chức sắc Phật Giáo quốc doanh lại góp phần phơi trần cái bản lai diện mục giả hiệu của chính họ.

Thông báo số 151/HĐTS/-VP1 ngày 16 Tháng Năm do ông Thượng Tọa Thích Đức Thiện ký gửi Ban Trị Sự GHPGVN các tỉnh, thành phố về “người đàn ông mang hình dáng nhà sư bộ hành dọc tuyến đường từ Khánh Hòa ra Hà Giang và ngược lại” và khẳng định ông ấy “không phải là tu sĩ Phật Giáo.”

Trên mạng xã hội đã có rất nhiều người phân tích và phê phán cái thông báo “chơi trội” của GHPGVN khi lên tiếng yêu cầu “không ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư” – một điều mà chính ông Minh Tuệ đã tự khẳng định. Nếu GHPGVN chỉ nói ông Tuệ không phải là thầy chùa trong hàng ngũ của GHPGVN do cái gọi là Hội Đồng Trị Sự đó quản trị, thì chắc không ai mất công tranh cãi với họ, đằng này GHPGVN cả quyết, ông ấy không phải là “tu sĩ Phật Giáo,” cứ như ai muốn làm tu sĩ Phật Giáo – tức là thực hành quyền tự do tín ngưỡng đã minh định trong hiến pháp và pháp luật – thì trước tiên phải được họ công nhận!

Thật buồn cười! Tu là “sửa,” sửa mình cho tốt đẹp hơn. Phật dạy “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi!” GHPGVN lại đòi hỏi đi tu phải có giấy phép, có môn bài, phải nhập hội! Hiểu rộng hơn một chút, bằng thông báo này, GHPGVN muốn xác định, chỉ những thầy chùa được GHPGVN công nhận mới là “sư thật,” ngoài ra đều là “sư giả.” Thật và giả ở đây không phụ thuộc vào bản chất của hành vi mà tùy vào sự công nhận hay không của một tổ chức mang danh tôn giáo nhưng vận hành như một đảng chính trị hoặc một băng đảng tội phạm.

Đi xa hơn, thông báo không chỉ lưu ý các Ban Trị Sự GHPGVN các tỉnh, thành mà còn được gửi tới Ban Tôn Giáo Chính Phủ và A02 Bộ Công An (tức Cục An Ninh Nội Địa của Bộ Công An, trong đó có bộ phận an ninh tôn giáo theo dõi các giáo hội và người tu hành) nhằm “có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.” Từ một yêu cầu về mặt nhận thức “không ngộ nhận” GHPGVN đã đi đến yêu cầu về mặt hành động “ngăn chặn,” xem ra khá quyết liệt.

***

Vấn đề ở đây là, giữa hành giả Thích Minh Tuệ và GHPGVN ai là sư thật, ai là sư giả, ai là con trưởng của Đức Thế Tôn (Như Lai trưởng tử) dấn thân thực hiện giáo huấn của ngài nhằm vươn tới sự giải thoát, còn ai là kẻ núp bóng chùa chiền, lợi dụng sự vô minh của dân chúng để trục lợi?

GHPGVN cho rằng hiện tượng Thích Minh Tuệ và làn sóng dư luận chung quanh cuộc thiền hành của ông “xúc phạm GHPGVN.” Chúng tôi thì nhận thấy ngược lại, hành trạng của ông Minh Tuệ buông bỏ hoàn toàn mọi tiện nghi trần thế để chuyên tâm sửa mình theo giáo pháp của Đức Phật đang làm thức tỉnh lương tri của nhiều người, giúp họ phân biệt đâu là Phật Giáo thứ thiệt, còn đâu là thứ giáo hội giả cầy lung lạc niềm tin của dân chúng chỉ cốt để vơ vét của cải, tiền bạc, sống vương giả trong những ngôi chùa to lớn như cung điện.

GHPGVN từ năm 1986 đến nay đã bị coi là cánh tay của đảng cộng sản vô thần, rất nhiều thầy chùa là công an chìm có quân hàm, có vị “sư cả” trụ trì ngôi chùa lớn nhất thủ đô đến khi chết mới lòi ra cái thẻ đảng và con số 50 năm tuổi đảng. Giáo hội đó, tuy có chùa to tượng lớn nhưng không được Phật tử và những người yêu mến Phật Giáo tôn trọng, nếu không nói là khinh bỉ và dán cho cái nhãn “Phật giáo quốc doanh.”

Nếu có một hành vi “xúc phạm” GHPGVN quốc doanh thì đó không phải cuộc thiền hành đội trời đạp đất của một hành giả khiêm nhường, cung kính đang trên đường “học Phật” mà đó là những hành vi của nhiều tăng ni lợi dụng sự vô minh để quảng bá những trò mê tín như dâng sao giải hạn, oan gia trái chủ… dọa nạt bá tánh để đốc thúc họ cúng dường, nộp tiền mua phước để rồi tăng ni phô bày lối sống xa hoa, trụy lạc, trái ngược hẳn với tinh thần buông xả của Phật. Ở đây, thật giả đảo lộn, người thật tu thì bị lên án là “sư giả,” còn bọn giả sư thì lộng hành từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Người thức thời gọi đây là thời mạt pháp quả không sai.

***

Tự do tôn giáo không chỉ bị bóp nghẹt mà còn bị đánh tráo kể từ khi người Cộng Sản giành được chính quyền ở miền Bắc năm 1954, và trên cả nước sau năm 1981, khi GHPGVN ra đời và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất của miền Nam bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, các bậc trưởng lão đạo cao đức trọng hoặc bị giết, hoặc bị tống giam và ngược đãi tàn tệ như các ngài Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sỹ… Cái mà người dân tưởng là Phật Giáo bây giờ chỉ còn là một tổ chức chính trị vô thần núp bóng và lợi dụng một tôn giáo đã đồng hành cùng dân tộc cả ngàn năm qua!

Hành trạng của thầy Minh Tuệ như một tia sáng rọi vào cái không gian u tối của GHPGVN, làm hiện lên sự đối lập rõ ràng giữa thật và giả, giữa chân và ngụy, đặc biệt là đối với những đám đông công chúng bị bưng bít lâu dưới chế độ Cộng Sản, bị lừa gạt đến mức cứ nghĩ chùa to tượng lớn là nơi Phật ngự, tưởng Đức Phật là bậc tiên thánh có quyền ban phước hay giáng họa, có thể giúp thăng quan tiến chức, sung mãn tiền tài. Vô tình bị lật mặt nạ, GHPGVN đã giãy nảy lên phản kháng, kêu gọi cả công an vào cuộc “theo dõi, xử lý,” chuyện đó tưởng không có gì lạ.

Có điều sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng, hiện tượng thầy Minh Tuệ sẽ “giác ngộ” công chúng ở Việt Nam hoặc đem lại sự thay đổi cho Phật Giáo. Tấm gương của thầy Minh Tuệ có thể truyền cảm hứng cho nhiều người phát tâm tu Phật, lan tỏa yêu thương nhưng trong một xã hội bị liệt kháng như Việt Nam, một tấm gương như vậy là không đủ, chưa nói nhà cầm quyền sẽ dập tắt hiện tượng xã hội này trong một vài ngày tới mà không để nó bùng phát thành một dấu hiệu phản kháng chính trị.

Có thể sau sự kiện thầy Minh Tuệ số người bị mê muội, bị mắc lừa để tin vào giáo hội giả cầy sẽ giảm mạnh. Có người nói đùa, đề nghị “người đàn ông mang hình dáng nhà sư hãy trả lại Nồi Cơm cho GHPGVN vì đã làm bể nồi cơm của họ rồi!” Nhưng để có một xã hội tỉnh thức, biết phân biệt thật – giả, đúng – sai và hành động theo lương tri và lẽ phải, cần có thêm rất nhiều hiện tượng xã hội “sáng” (Minh) và “hiểu biết” (Tuệ) như vị hành giả đang lặng lẽ đi những bước chân trần suốt chiều dài đất nước.

Hiếu Chân

Nguồn: Người Việt