Thế Trận Dân Chủ Năm 2008

Nguyễn Phương Anh

Năm 2008 này sẽ là một năm đánh dấu sự thành công bước đầu của phong trào dân chủ trong nước, ước mơ đấu tranh cho việc hình thành một xã hội đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập đã sắp sửa thành công, chắc chắn rằng trong năm nay chính chính quyền độc tài cộng sản sẽ phải tiếp xúc bán chính thức với các đại diện của phong trào đấu tranh dân chủ để dần đi đến một lộ trình dân chủ hóa đất nước. Những sự việc khách quan hay chủ quan được dẫn chứng sẽ nói lên những khía cạnh khả tất của sự việc này.

Trong hàng chục năm qua những tầng lớp trí thức luôn luôn là người đi đầu trong trận tuyến dân chủ hóa đất nước với sự hỗ trợ khi công khai, khi ngấm ngầm của đông đảo người dân nhưng do hoàn cảnh khó khăn trong khi chính quyền đang dùng một nhà nước chuyên chính vô sản sắt máu và bế quan tỏa cảng với các nước dân chủ khác nên nội lực và sự ủng hộ của thế giới chưa đủ để bắt đầu hình thành các lực lượng đối lập thực sự. Năm 2008 này đã khác hẳn, việc gia nhập WTO, làm ủy viên không thường trực liên hiệp quốc… đã làm cho Việt nam hội nhập dần với thế giới tự do – dân chủ rộng lớn mà luật chơi chung nhất là các giá trị đích thực của con người.

Những nguyên nhân chủ quan trong nước mà hiện nay bắt buộc chính phủ độc tài cộng sản phải tính đến:

Lực lượng công nhân:

Với mức lương tối thiểu quy định thấp và lương thực tế sau khi làm tăng giờ quá thấp từ 540 – 800.000 đồng/ tháng, giá cả leo thang chóng măt, lạm phát lên đến 12,6% trong năm qua đã làm cho đời sống công nhân cực kỳ bất lợi hay nói cách khác là họ sống không ra sống, sống không khác gì Culi thời kỳ Pháp thuộc. Trong khi công nhân biểu tình đòi hỏi phải được đối xử công bằng thì nhà nước lại ra Nghị định bắt buộc bồi hoàn thiệt hại khi đình công trái phép – nghị định đưa ra mang tính chất ép buộc công nhân nghèo lệ thuộc vào ý chí chủ quan của chính quyền, ý chí độc tài của tầng lớp lãnh đạo…Nghị định đi theo đuôi sự việc nhưng lại không nhằm giải quyết được sự bất công tràn lan mà chỉ nhằm gây sức ép để bắt giữ các lãnh đạo công nhân đình công nên sẽ vấp phải phản kháng lớn hơn, vì sự thật nó chỉ mang tính chất răn đe và dùng để kết tội một số lãnh đạo công nhân nhưng hãy nhớ là hàng trăm ngàn người công nhân đó họ giống nhau ở chỗ – không thể chấp nhận được mức sống đó, do vậy bắt người này thì người khác sẽ lại tiếp tục công việc dang dở, đảng cộng sản sẽ phải bó tay trước hành động của “dạ dày” người công nhân, sự chụp mũ về chính trị để gây sợ hãi là không thành công vì chính công nhân cũng hiểu họ không trực diện đấu tranh chính trị với đảng cộng sản vì đảng không là người trả lương cho họ, không phải là bên thứ hai trong cuộc tranh chấp này, sự việc đình công mà nhà nước nói là trái phép hay tự phát chính là sự nổi dậy của công nhân để tự lập các nhóm hay công đoàn tự do, tự đứng ra giải quyết công việc của mình mà không cần công đoàn quốc doanh – đấy chính là sự phát triển các đoàn thể trong phong trào dân chủ hóa đất nước. Bài toán để cho lực lượng công nhân ấm no, hạnh phúc là không thể giải được trong chế độ độc tài hiện nay.

Nông dân:

với 2,5 triệu nông dân bị ảnh hưởng cuộc sống do thu hồi đất đai quy hoạch, đền bù không thỏa đáng, đàn áp, đánh đập, đốt phá… gây nên sự căm phẫn trong xã hội và chính nhu cầu đoàn kết đã làm phát sinh các đoàn thể tự phát dân oan liên tục phát triển nhanh và đã hoàn toàn nằm ngoài vòng kiểm soát của chính quyền, việc này đã dẫn đến hàng trăm vụ án xét xử bắt tù những nông dân đòi đất, sự việc đã dồn nén sức chịu đựng của nông dân và gia đình đến mức thâm thù các cấp chính quyền. Phân hóa giầu nghèo ngày càng nghiêm trọng – các báo cáo về mức tăng trưởng GDP hằng năm của từng địa phương và của cả nước cũng chỉ là những con số bình quân, và nhiều khi là kết quả bình quân của người ăn nguyên con gà và của người chỉ được đứng nhìn, và tệ hơn nữa người dân (người nhìn) còn nói rằng bọn ăn nguyên con gà đó – là con gà của chính họ tạo ra, phân hóa còn thể hiện ở chỗ có những người nhập xe ô tô sang hàng vài chục tỷ đồng còn hàng ngàn người đi bán thận, hàng trăm ngàn gia đình nông dân khác phải dứt lòng cho con gái đi làm vợ người ngoại quốc nhằm mục đích thoát nghèo, chính ông Cao Đức Phát, người đứng đầu ngành nông nghiệp – phát triển nông thôn, cho biết hiện hàng trăm ngàn người dân quanh năm vẫn còn thiếu cả cái ăn.

Vừa rồi các trận lũ lụt liên miên, rồi trận rét lịch sử hiếm thấy trong mấy chục năm, bệnh rầy nâu bùng phát, bệnh H5N1 đang tái phát…đã làm “bần cố nông” mạnh thêm người dân vốn đã quá khó khăn. Sự mất mát của cải, con người, sức lao động do tai nạn giao thông, bệnh ung thư và nhiều thứ bệnh trầm kha khác đã đẩy hàng trăm ngàn gia đình vào hoàn cảnh khốn cùng do mất sức lao động, do phải mất quá nhiều tiền mua thuốc điều trị – hàng ngày ở ngay bệnh viện K ở Hà nội vẫn có khoảng 7.000 người lê la chữa bệnh …trong khi các phúc lợi an sinh xã hội lại dần bị thu hẹp dưới cái tên mỹ miều : xã hội hóa y tế. Tổng hợp các sự kiện nên trên thì người dân cảm thấy quá chán nản với chế độ và không còn tin vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản nữa và họ đã hoàn toàn sẵn sàng gia nhập hay hỗ trợ một đảng mới mà lý do có khi là rất đơn giản là đảng đó trước mắt chỉ cần có đa số những người xuất thân như họ, bị hoàn cảnh giống họ…để hiểu được nguyện vọng của họ, để theo đuổi cái mới tốt đẹp hơn, có cạnh tranh chính trị để giám sát lẫn nhau, chống tham nhũng, lãng phí.

Lực lượng học sinh, sinh viên:

Đa phần số họ sinh, sinh viên đều xuất thân từ gia đình nghèo, chịu kham khổ khi đi học vì tiền sinh hoạt, tiều thuê nhà tăng như vũ bão và bây giờ đang chịu thêm việc tăng học phí. Sự tác động của việc tăng học phí đến tầng lớp này đã làm cho xã hội sôi sục và điển hình là việc không đồng ý với mức tăng học phí mà BGH Trường THPT Dân lập Sào Nam (Nam Đàn – Nghệ An) đưa ra, đầu giờ học sáng 9/1/2008, nhiều học sinh đã đồng loạt “bãi khoá”, gây náo loạn trong một khoảng thời gian ngắn. Sự việc này làm ta liên tưởng đến ngày 9/1 ngày anh Trần Văn Ơn hi sinh trong cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên Sài gòn và ngày 9/1 đã được lấy làm ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt nam – vậy, có ai còn cố nói rằng học sinh không biết làm chính trị ?. Để giảm bớt sự chống đối của học sinh, sinh viên và phụ huynh nhà nước đã dùng phép mị dân như sau : Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, để có nguồn vốn cho học sinh, sinh viên vay học kỳ 2 năm học 2007-2008, đầu tháng 2 này, Kho bạc Nhà nước chuyển 1.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi cho Ngân hàng Chính sách Xã hội. Nhưng rõ ràng số tiền trên và trước đó hay sau này đâu phải là tiền nhàn rỗi – mục đích chính của việc cho vay là dùng để nộp học phí, và sau đó nó lại quay về ngân sách theo một cách gián tiếp. Tiền nhàn rỗi thực tế đâu có : hãy xem Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành quyết định phát hành 20.300 tỉ đồng tín phiếu NHNN bằng đồng Việt Nam với kỳ hạn 364 ngày, lãi suất 7,8%/năm; dưới hình thức bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng. Vừa rồi số sinh viên vay vốn là hơn 600.000 người, nhưng một đa phần họ không nộp tiền học phí vì phản đối chuyện tăng học phí – học biết rằng tiền vay đó chỉ làm ấm tay họ thôi còn sau đó nó lại trở về nơi cũ mà án nợ thì vẫn treo, do vậy không nộp hay dùng làm việc khác còn lợi hơn, họ biết nhà nước giả vờ mị dân cho vay để nộp học phí làm giảm nhiệt do bức xúc của sinh viên học sinh và gia đình, có thể sau đây 1 hoặc 2 năm họ sẽ ngưng chương trình này khi toàn bộ xã hội đã coi việc tăng là tất nhiên rồi , và nếu bất quá khi bị phản đối mạnh khi đó họ sẽ không đòi lại số cho vay đó nữa – thực chất với việc tạm hoãn tăng học phí 2 năm, nhưng bù lại sẽ được tiếng là chế độ vì dân – sự xảo trá được tính kỹ đến từng hành vi nhỏ. Nhưng học sinh, sinh viên và phụ huynh đâu có khờ – họ cứ vay nhưng không đóng học và dùng làm việc khác cho bõ ghét – một sự phản kháng tập thể đang bắt đầu và lan truyền như nó vốn phải thế mà không cần phải tuyên truyền, giác ngộ gì hết. Sự phản kháng đối với các môn học giáo điều, kệch kỡm của học sinh , sinh viên đã làm thay đổi trong năm 2007 : các môn học về Mác-lê, đảng… đã phải cho thi theo kiểu giở sách trong phòng thi, một kiểu học cho nó có mà thôi.

Hàng chục ngàn du học sinh Việt nam trở về nước cũng đã đem theo lý tưởng về một xã hội dân chủ mà họ được tận mắt thấy tai nghe khi học tập, những hạt nhân này đang càng ngày chứng tỏ sự năng động trong phong trào và họ sẽ là lực lượng không gì nhuộm “đỏ” đầu họ bằng các lý thuyết cũ rích, lạc hậu.

Sự việc lớn khác là sinh viên, học sinh cũng đã có bước ngoặt trong sự việc lên tiếng với vận mệnh đất nước trong các cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước đối với sự xâm lấn lãnh thổ nước ta của Trung quốc, trong sự việc trên hàng trăm ngàn trong số họ đã hiểu thêm về các công hàm bán nước của chính quyền trong thời gian 1958, sự bưng bít thông tin trong các hiệp ước về biên giới, lãnh hải…Tuy bị ngăn cấm, xét hỏi, dọa nạt…nhưng họ không sợ sệt và trong số họ đã nẩy sinh nhiều tấm lòng thiết tha và nguyện dấn thân cho dân chủ hóa đất nước.

Lực lượng xuất khẩu lao động:

Lực lượng này có thể sẽ lên đến 1 triệu người vào những năm 2015, và trong thời điểm hiện nay thì cỡ khoảng 500.000 người đang có mặt lao đọng tại các quốc gia trên khắp thế giới, tuy nhiên phí môi giới cao nên Tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn cao, nhất là ở Nhật Bản (chiếm 30-40%), tiếp đến là Hàn Quốc (25-30%), Đài Loan trên 9%- số trốn này sẽ bị về nước không sớm thì muộn trong vòng vài tháng sau khi đặt chân lên quốc gia bạn, họ sẽ bị truy quét, giam giữ vì phá bỏ hợp đồng và sẽ gây hậu quả đói nghèo quay vòng – người đi đã nộp 10.000 đô để đi vay ngân hàng bằng thế chấp nhà, sang bên nước bạn thì trốn nên bị trục xuất – nên gây nghèo cho cả gia đình dòng họ, nguyên nhân họ trốn thì rõ ràng là ở đúng hợp đồng thì không có lãi mà lại âm vốn bỏ ra khi môi giới , cũng như đi làm công không. Với gần 500.000 người gửi về 2 tỷ đô la trong năm qua ta sẽ thấy họ bình quân gửi về 4.000 đô la một năm tức là mất 2 năm rưỡi họ mới hoàn vốn vay chi cho môi giới, chưa kể lãi suất ngân hàng, do vậy nếu hợp đồng 3 năm thì may ra mới trả xong nợ và về nước với hai bàn tay trắng, mèo vẫn hoàn mèo. Trong khi nước ta nhập khẩu các hàng hóa của Trung quốc từ cái tăm, đồ chơi, cái dép…gi gỉ gì gi cũng là của Trung quốc , mà lại là hàng hóa có thể dễ dàng sản xuất trong nước được thì nhà nước không quan tâm để tạo việc làm cho số lao động này, để họ sản xuất ra của cải vật chất và được ở bên gia đình vợ con của họ ngay tại đất nước, được hưởng sức lao động mà không mất tiền môi giới, sự thâm hụt trong thương mại với TQ cỡ 8 tỷ đô la, nếu nhà nước tạo điều kiện sản xuất số hàng này trong nước thì cần gì đi xuất khẩu và cũng không mất tiền môi giới cho nước ngoài, bên cạnh đó so với 2 tỷ đô la đem về nước thì lợi nhuận sinh ra khi không phải nhập mà sản xuất được 8 tỷ đô la hàng hóa sẽ cao hơn rất nhiều. Rõ ràng là nhà nước chuyên chính vô sản độc tài đã bỏ rơi quyền lợi của người dân, quyền lợi chung cho đất nước.

Sự việc hàng chục ngàn giáo dân đòi đất đai cũng là tiếng nói không sợ sự chuyên chính kiềm kẹp nữa, cho dù kết quả có là thỏa hiệp sao chăng nữa nhưng nó cũng đã góp phần tạo nên sự lan truyền của lòng can đảm, phá vỡ thế cô lập từng người dân như trước nay chính quyền vẫn làm được, và nó cũng góp phần đánh thức xã hội đang trầm lặng trước cái ác- họ đã biết rằng cái ác chỉ duy nhất thắng khi những người tốt không làm gì cả.

Giá xăng dầu leo thang theo diễn biến của thế giới nhưng tiền xuất khẩu dầu thô của nước ta cũng tăng lên theo mà nhà nước lại không cân đối nguồn thu mà lại đổ hết sự khó khăn lên đầu dân. Giá bất động sản tăng cao có nguy cơ đổ vỡ dây chuyền, giá đất tại VN cao nhất trên thế giới – lợi thế cho chính quyền chủ đất, các khu đất vàng nội đô sẽ được bán và thu về tiền cho ngân sách tham nhũng còn các trường đại học, trung cấp, cao đẳng… phải ra ngoại thành nơi đất rẻ, các xí nghiệp ra đi để nhường chỗ đất vàng cho việc bán chác, trao đổi đi đêm ở cấp cao. Các cơ quan công quyền thì “chảy máu chất xám” do cơ chế không phù hợp với thời đại vì gắn đuôi XHCN. Đó chính là động lực để sản sinh ra một tầng lớp dấn thân cho dân chủ. Tết năm nay các nhà báo cũng đã vượt rào nhiều lần để yêu cầu tự do chính đáng, mà điển hình là các cơ quan báo chí trong nước- dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của đảng cộng sản đã không làm Hội báo Xuân như những năm trước- đó là hành động phản kháng cái “lề bên phải” của chế độ, các nhà trí thức hàng đầu cũng đã thành lập viện nghiên cứu phát triển IDS mà không cần dính dáng gì đến việc đóng hay mở của chế độ cả – một viện “mở” toàn diện mọi khía cạnh kinh tế chính trị của đất nước để các nhà trí thức có thể đến và làm việc. ..

Cơn lốc cổ phần hóa khắp nơi cũng đã làm được điều kỳ diệu đó là vô hiệu hóa gần hết quyền lực đảng ủy của cơ quan đó để góp 1 bước vào loại bỏ hệ thống chính quyền song trùng trong xã hội. Các tầng lớp “tư bản đỏ” hay không đỏ hiện nay cũng đã có nhiều sự lựa chọn cho mục tiêu có quyền lực hay vị thế trong xã hội nên không mặn mà, cố bám vào danh xưng cộng sản lỗi thời và mang tiếng là tội ác như nghị quyết 1481 của nghị viện EU đã nêu …

Cụ Hoàng Minh Chính.

Các đảng viên cộng sản cấp dưới, hay đã nghỉ hưu – chiếm đa số cũng muốn quay lại với danh xưng đảng Lao động, hành động này cũng không khác gì đòi sửa hiến pháp và tất nhiên thời buổi này không thể giữ điều 4 bảo vệ cho danh xưng mới được. Bỏ qua yếu tố quyết định của hàng ngàn người đấu tranh dân chủ đang lộ diện, thì điều quan trọng không kém đó là : càng ngày càng đông các nhà đấu tranh dân chủ trẻ có , già có đều có người thân nhất như bố mẹ, ông bà , anh em ruột là các đảng viên của đảng cộng sản, hoặc họ là những đảng viên cộng sản đã rời đảng, chưa kể có người là đảng viên cộng sản nhưng họ đã âm thầm làm đảng viên của đảng khác và họ đang ẩn mình chờ cơ hội làm nội ứng…Lực lượng dân chủ đã đưa thế trận tiến sát sườn đối thủ hơn bao giờ hết, hay chính đảng cộng sản đã quá lỗi thời, lạc hậu và kìm hãm đất nước nên mới bị co dần về thế thủ như vậy. Đám tang trang trọng cho cụ Hoàng Minh Chính- tổng thư ký đảng Dân chủ Việt nam, vào những ngày đầu năm 2008 với hàng ngàn người tham dự cũng đã chứng minh rằng người dân đã hết nỗi sợ chính quyền chuyên chính độc tài và họ đã sẵn sàng cho một công cuộc dấn thân cho dân chủ hóa đất nước.

Mục tiêu mà lúc nào đảng cộng sản độc tài cũng rêu rao là làm kinh tế trước rồi đến chính trị đã thất bại : mới nhìn qua GDP tăng 8,5% tưởng là tốt , ai dè lạm phát 12,6% đã xóa xổ luôn sự tăng trưởng này và cho mức sống của người dân đi xuống tăng trưởng âm, càng tiến sâu vào kinh tế thị trường thì cỗ máy nhà nước cộng sản độc tài hiện nay càng tỏ ra phản động, chống lại sự phát triển tiến lên phía trước : nhân lực phần lớn thì yếu kém và số còn lại không có khả năng thi thố, cạnh tranh tự do vì thiếu ô dù , họ đang rời bỏ và họ đã tạo nên một trào lưu rời bỏ công quyền ra làm tự do, bỏ luôn cái đuôi XHCN trong sự nhẫn nhịn đã quá đà. Như dự báo của các nhà phân tích trong nước và quốc tế thì trong năm 2008 và những năm tiếp theo nhà nước sẽ còn phải in tiền ra nhiều để nâng lương, trả cho bộ máy yếu kém luôn làm ăn thua lỗ, lãng phí, tham nhũng…đặc biệt phải in tiền để mua đô la trả lãi vay vốn từ nước ngoài cũng rất nhiều và trả vốn vay đến hạn cho nước ngoài, sự xoay sở giải quyết tài tình của chế độ ở chỗ luôn đổ hết khó khăn lên đầu dân sẽ càng châm ngòi cho sự phản kháng mang tính chất tập thể, lan rộng vì tất cả người dân đều chịu hậu quả xấu của cách quản lý xã hội tồi tệ gây ra. Các biện pháp tăng dự trữ tiền Việt và đô la bắt buộc, hay phát hành tín phiếu để giảm lạm phát thì lại có tác dụng ngược làm tăng chi phí cho các ngân hàng, gây tâm lý xấu và có thể dẫn đến đổ vỡ hệ thống ngân hàng và các thị trường bất động sản cũng như chứng khoán, đồng tiền mất giá do lạm phát tích lũy sau 23 năm kể từ lần đổi tiền năm 1985 sẽ dẫn đến một tâm lý lo ngại một đợt đổi tiền mới với phần thiệt thuộc về quảng đại quần chúng vì chỉ có duy nhất Kho bạc là danh xưng Nhà nước chứ không phải kho bạc của nhân dân.

Những áp lực khách quan:

Trên thế giới hiện nay các thể chế xã hội đa nguyên chính trị, dân chủ chiếm đến 99% và chỉ còn lại một số nước theo chủ nghĩa cộng sản độc tài như Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt nam ta.

Trong số đó, ta hãy phân tích chính xác về mầm mống dân chủ, hay sự thay đổi đang có để nhận định về phương hướng phải xảy ra cho Việt nam.

Về Trung quốc, đa phần dân ta bị bưng bít thông tin cứ tưởng đó là nước không bao giờ thay đổi để có dân chủ nhưng trong cuối tháng 11 đầu 12/2007 Trung Quốc đã chính thức công bố sách trắng về chế độ chính trị, hiện nay họ đã hoàn toàn có chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tuy nhiên vai trò của đảng cộng sản vẫn bao trùm. Dầu sao đó cũng là sự thay đổi theo đúng tiến trình lịch sử. Các đảng phái của Trung quốc cạnh tranh với nhau, cùng quản trị xã hội. Quốc hội là chung cho tất cả các đảng phái.

Bắc Hàn thực chất không phải là một đất nước theo đúng nghĩa của nó, mà thực ra nó chỉ là 1/2 của một quốc gia, với nỗ lực đang xảy ra giữa 2 bên Nam Hàn và phía bắc thì rõ ràng sự đa nguyên chính trị khi thống nhất hai nửa của đất nước họ là điều không phải bàn cãi, hiện nay nó đã có sẵn rồi.

Cuba, với lực lượng bất đồng chính kiến đông đảo và hoạt động quy mô lại được sự hỗ trợ của các nước dân chủ cho nên mầm mống đa nguyên chính trị đã thực sự chín muồi, với hàng chục ngàn người bất đồng chính kiến và được sự hỗ trợ hàng chục triệu đô la mỗi năm, lực lượng đối lập của Cuba đang dần áp đảo và một sự việc nhỏ như ông Fidel mất đi thì việc dân chủ hóa coi như đã được dọn sẵn.

Việt Nam trong khu vực Đông nam Á chỉ còn là một nước độc tài duy nhất , nói vậy thì có thể ai đó bảo là còn Lào, Miến điện. Nhưng thực ra Lào là một quốc gia rất nhiều các bộ tộc hợp thành nên tính chất chính trị đa dạng cục bộ đang là cơ thể sống muốn bứt tung cái áo chật hẹp, đặc biệt là các tổ chức chính trị đối lập còn có cả lực lượng vũ trang, tuy ít về trang bị nhưng đang là sức mạnh đối lập hiện diện sẵn ,ví dụ vừa qua việc mua bán cả chục triệu đô la vũ khí của VangPao là một thí dụ. Vấn đề có xã hội dân chủ ở Lào chỉ là thời gian ngắn. Một nước bé như Campuchia cũng đã thực hiện chế độ đa nguyên chính trị ngay từ rất sớm, có thể nói là sau khi Việt nam rút hết quân về nước và hiện nay từ một đất nước đổ nát cả về con người cả về nền móng căn bản của xã hội họ đã và đang phát triển mạnh mẽ, một người dân dễ dàng mua 1 xe ô tô Camry 2.4 đời 2003 với giá 5.000 USD – Việt nam từ một nước đàn anh thì nay trở nên nước láng giềng cung cấp gái mại dâm làm nô lệ tình dục cho dân campuchia chứ không phải là ngược lại.

Miến điện những tưởng sẽ là một đất nước độc tài quân phiệt kéo dài nhưng sự kiện xuống đường vừa qua, năm 2007, của các lực lượng chính trị và sư sãi đã làm thay đổi tất cả : chế độ độc tài quân phiệt đã phải chấp nhận tổng tuyển cử vào 2010 với sự tham gia trước mắt của 8 đảng đối lập. Quân đội hoàn toàn không tham gia chính trị, quản trị đất nước mà chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Lực lượng kiều bào ở nước ngoài với các hội đoàn hùng hậu, am hiểu chính trị, có quan hệ tốt với các chính đảng, chính phủ các nước dân chủ tự do cũng đang tăng tốc cho việc hỗ trợ phong trào dân chủ hóa đất nước, họ chính là những chiếc cầu nối cho hai yếu tố khách quan và chủ quan kết hợp với nhau tạo nên sự thay đổi thần tình. Một phần khác, đó là công lao đóng góp các khoản ngoại hối gửi về nước gần 6 tỷ đô la trong năm qua cũng đã tạo nên một động lực cho kinh tế thị trường phát triển, nâng cao mức sống người dân cũng như tạo nên một tầng lớp trung lưu không “đỏ”.

Việt Nam với hoàn cảnh khách quan và chủ quan như vậy thì việc kéo dài sự cai trị của một chế độ độc tài là không thể, nó đã yếu và phải thỏa hiệp để tự cứu chính mình. Chế độ độc tài tự biết rõ rằng không phải đàn áp những người đấu tranh dân chủ công khai mà giải quyết được sự tồn tại để cai trị nữa, bây giờ nó đã thực sự đối mặt với cả khối quần chúng nhân dân đang hừng hực khí thế tiến về phía trước, xóa mọi vật cản, và hơn ai hết nó hiểu rõ những nhân tố đối lập, bất đồng chính kiến qua hàng chục năm cọ sát , nó hiểu lực lượng dân chủ và một phần nào đã bị lôi kéo về phía tiến bộ. Do vậy, khối quần chúng đang hừng hực kia, áp lực quốc tế đang cao kia không phải là đối tượng cho sự thỏa thuận của nó : quốc tế thì đã dứt khoát nói không với cộng sản và độc tài , còn quần chúng thì đang cần tiến bước chứ không quản ngại con đường tiến có hẹp hay chật và có chướng ngại gì, nếu để quần chúng thiếu tính chính trị tiến bước một cách tự do thì sẽ dẫn đến sự đổ vỡ tan hoang, lực lượng dân chủ tuy chưa thượng phong nhưng rõ ràng họ xuất thân trong số đông nhân dân bị trị, họ có tiếng nói với quần chúng ở mức độ vừa phải và được quần chúng ủng hộ. Sự lựa chọn khôn ngoan nhất cho chế độ độc tài là đối thoại với lực lượng chính trị mà nó đã hiểu rõ đối tượng cần đối thoại. Đây cũng là cách duy nhất đưa đất nước qua giai đoạn chuyển đổi đầy nguy hiểm một cách an toàn, lộ trình dân chủ hóa đất nước sẽ xuất hiện trong năm nay với sự hợp tác của tất cả những người yêu nước, và tất nhiên bước khởi đầu sẽ không tránh khỏi những hạt sạn, những vấn đề chưa ngã ngũ, nhưng trên hết sự khởi hành cho công cuộc hòa hợp hòa giải dân tộc vì tương lai tươi sáng đã bắt đầu.

Hà Nội, 18/2/2008.
Nguyễn Phương Anh.