Thị Trường Lao Động Việt Nam… Thua Ngay Trong Nội Địa

Ngô Văn
Ngày 11 tháng 1 năm 2007 sắp đến, Việt Nam sẽ bước vào tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với một sự chuẩn bị gần như là con số Zero…

Một quốc gia khi gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ gặp được một số lợi điểm, nhưng bên cạnh đó phải đối diện với nhiều vấn đề nan giải. Nếu có sự chuẩn bị trước một cách kỹ càng thì sẽ phát huy được những lợi điểm đó để đưa nền kinh tế đất nước đi lên, còn không thì phải gánh nhiều thiệt hại. Ngày 11 tháng 1 năm 2007 sắp đến, Việt Nam sẽ bước vào tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với một sự chuẩn bị gần như là con số Zero về nội lực cũng như về định hướng phát triển. Chính vì lẽ đó mà một số chuyên gia Chính Kinh (tức là Chính trị và Kinh tế) của Nhật Bản đã có nhận xét như sau: Mục tiêu đầu tiên của hầu hết các quốc gia khi gia nhập WTO là muốn phát triển kinh tế cho đất nước, nhưng những người cầm quyền tại Việt Nam hình như không đặt mục tiêu đó vào hàng đầu. Họ gia nhập WTO chỉ vì muốn chứng minh với thế giới rằng tình hình chính trị của Việt Nam dưới thể chế độc đảng vẫn an định và đìều quan trọng hơn là coi việc gia nhập WTO như một bằng chứng điển hình nói về sự ủng hộ của thế giới đối với chính quyền CSVN, hầu làm nản lòng những ai còn nuôi ý nghĩ chống lại nhà nước về các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền… Chính vì thế mà chúng ta cũng đừng ngạc nhiên về chuyện không chuẩn bị gì cả của Việt Nam trước khi gia nhập WTO. Tại các cuộc hội đàm thương mại song phương với nhiều nước trong thời gian qua, phái đoàn Việt Nam rất lúng túng vì khi đến họp chẳng chuẩn bị gì cả. Câu trả lời thường xuyên của họ là ‘‘Chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm về vấn đề này’’.

Chưa nói đến chất lượng sản phẩm của mình phải cạnh tranh tự do với các nước khi đã gia nhập WTO, mà ngay đến cái lợi điểm có sẵn của Việt Nam là thị trường lao động rẻ, làm việc cần cù nhưng cũng sẽ thua ngay chính trên đất nước mình vì thiếu tay nghề. Nói như thế có nghĩa là chính quyền CSVN chẳng hề có một chiến lược nào cả về việc đào tạo lao động.

Tổng số lương của 2000 nhân viên lao động tại nhà máy Nghi Sơn (Thanh Hóa) chưa bằng lương của 20 chuyên gia Nhật Bản ở đây…

Một ví dụ cụ thể nhưng rất đau lòng đó là tổng số lương của 2.000 nhân viên lao động tại nhà máy Nghi Sơn (Thanh Hóa) chưa bằng lương của 20 chuyên gia Nhật Bản ở đây. Ở một số ngành nghề khác như ngân hàng, y tế… người ngoại quốc làm việc trong các lãnh vực này có thu nhập từ 14 ngàn USD/ tháng, trong khi chuyên gia Việt Nam lãnh cao nhất cũng chỉ lên đến 5 ngàn mỹ kim mỗi tháng là cùng, còn những người khác từ 100 đến 500 đô la.

Tính đến cuối năm 2005, tỉ lệ những người 15 tuổi trở lên chiếm 53,4 dân số Việt Nam, đây là con số rất cao khi nói đến khả năng lao động. Thế mà trong số này có đến 74,7% lao động chưa qua đào tạo, có một số ít qua đào tạo nhưng không hoàn toàn giỏi tay nghề. Chính vì vậy mà năng sức của lao động Việt Nam kém lao động các nước trong khu vực từ 2 đến 15 lần. Các công ty nước ngoài thường hay than vãn rằng nguồn nhân lực thì dồi dào mà chúng tôi lại luôn thiếu người, thực tế rất nhiều công ty nước ngoài tại Việt Nam phải nhắm mắt đưa các công nhân trình độ học vấn ‘‘tú tài’’ lên vị trị quản lý kỹ thuật, quản trị sổ sách của công ty vì chẳng tìm đâu ra người có trình độ nghiệp vụ cao hơn.

Chất lượng lao động thấp có tác động xấu tới khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đến giờ này đảng CSVN mới thấy điều đó nên tuyên bố (lại tuyên bố) sẽ nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40% vào năm 2010, trong khi cơ quan nhận thi hành lời tuyên bố này là bộ Lao động Thương binh Xã hội thì chỉ mới phát thảo kế hoạch nâng cấp hệ thống trường đào tạo.

Với bộ máy hành chính ù lì như hiện nay của chế độ thì từ khi soạn thảo kế hoạch cho đến lúc thực hiện lẹ nhất cũng phải trên 5 năm, nhưng điều đó chưa đáng nói. Chuyện ưu tư nhất của các doanh nghiệp ở trong nước là dạy cái gì và dạy như thế nào để ‘‘đầu ra’’ có thể sử dụng, chứ đào tạo theo như kiểu hiện nay thì cũng như không.

Khi đã gia nhập vào WTO rồi thì chắn chắn sẽ có một nguồn lao động nước ngoài vào thị trường Việt Nam từ các gói dịch vụ do nước ngoài cung cấp. Chất lượng lao động thấp là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vị trí then chốt trong doanh nghiệp quốc nội phải sử dụng người nước ngoài, còn người Việt Nam, đa phần thì chỉ làm những việc lao động thuần túy. Nói như thế có nghĩa là người lao động Việt Nam lại thua người lao động nước ngoài ngay chính trên đất nước của mình.

…dưới sự nắm quyền của đảng CSVN, người dân Việt chúng ta cũng chỉ đi làm thuê cho người nước ngoài ngay tại trên đất nước mình.

Việt Nam là một quốc gia có nhiều tài nguyên thiên nhiên và một lực lượng lao động lớn được thế giới đánh giá là siêng năng và cần cù thế mà dưới sự nắm quyền của đảng CSVN, người dân Việt chúng ta cũng chỉ đi làm thuê cho người nước ngoài ngay tại trên đất nước mình. Còn điều gì tủi hổ hơn việc này.