Thời Xăng Tăng Giá

Trần Tiến Dũng

Gửi đến BBC từ Sài Gòn

Lý do nhà nước tăng giá xăng dầu để gần mặt bằng giá dầu thế giới, để ngân sách đỡ bù lỗ, để mọi người dân cùng chia sẻ gánh nặng với quốc gia…

Tất cả các lý do đưa ra đều hợp lý, nhưng chỉ có một điều phi lý là chỉ sau một đêm, mỗi người dân lao động có nhu cầu dùng xăng dầu phải chi thêm từ khoảng thu nhập eo hẹp hơn 30% cho mỗi lít xăng.

Anh M, mới nhận tiền đền bù giải tỏa về cầu Ông Thìn, Bình Chánh mua đất cất nhà nói. “Tôi thật sai lầm khi muốn hưởng chút không khí yên lành ở ngoại thành. Giá xăng cũ, tôi cứ hai ngày là mất 40 mươi ngàn tiền xăng, bây giờ thì chịu chết!“

Việc một người Sài Gòn có mức thu nhập trung bình sở hữu một chiếc xe gắn máy là việc bình thường.

Có 1001 lý do tiện lợi để họ chọn phương tiện di chuyển này, xe buýt thì chạy không đúng giờ, taxi thì đừng có mà mơ. Còn nếu ngay lúc này mà chạy theo phong trào mua xe đạp điện thì coi chừng bị hố vì ông nhà đèn muốn cúp điện là cúp cái rụp, không cần báo trước.

Ông N, nhà ở Thủ Đức, làm việc ở quận 3 nói. “Đạp xe đạp thì ok rồi, nhưng sáng tới nơi làm việc thì mệt hả họng, tối về thì thở ra khói. Sài Gòn bây giờ ngộp thở muốn chết chứ đâu phải trong lành như trước kia mà coi chuyện đạp xe như thể dục.”

Dù chuyện xăng tăng giá có làm bế tắc nhiều ngân sách gia đình, nhưng người Sài Gòn vẫn có thói quen lạc quan tếu.

Ông A, một người sống bằng nguồn “viện trợ” kiều hối của gia đình nói. “Tôi ủng hộ tăng giá xăng, có khi nhờ vậy mà bớt xe gắn máy, bớt kẹt xe dồn cục, bớt tai nạn giao thông, nhất là bớt ô nhiễm trầm trọng. Chất lượng sống trở lại thờ kỳ trong lành dễ thở.”

Tác động dây chuyền

Giá xăng mới làm mọi người dân đang hồi hộp chờ đợi kéo theo cơn bão giá khác, cấp độ “gió” đợt này của bao nhiêu thì thật khó đoán. Có thể chưa nghe thấy lời cầu nguyện, nhưng những gương mặt của người lao động đang nặng âu lo.

Ở những chợ nhỏ, chợ lớn khắp Sài Gòn, khác với những lần tăng giá xăng trước, lần này thay vì thách giá, trả giá quanh cái lý do xăng tăng giá, thì người bán lẫn người mua đều có tâm trạng ái ngại và chia sẻ.

Bây giờ người ta hay tính cự ly của một con cá, bó rau từ nơi sản xuất qua chợ đầu mối, đến chợ bán lẽ là bao xa để tiên đoán giá sẽ tăng bao nhiêu, kể cả các phụ huynh đưa con đi học cũng phải xét lại lộ trình đưa đón từ chỗ học chính ở nhà trường, đến chuyện học thêm từng môn học ở nhà thầy mà dự trù chuyện cắt giảm chi phí xăng dầu.

Một phụ huynh học sinh nói: “ Nhà tôi ở cách trung tâm Sài Gòn 20 cây số, xe buýt rồi sẽ lên giá, mà lại không bảo đảm chạy đúng giờ, đang tính bỏ nhà vô trong này mướn nhà ở.”

Người ta phải chi thêm tiền xăng để bảo đảm cho sản xuất và các dịch vụ khác, cuối cùng vẫn là tạo thêm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Nếu một gia đình bình thường trước đây mất hơn 40% thu nhập cho các loại thực phẩm thiết yếu, thì nay sẽ mất thêm tiền cho nhu cầu năng lượng, chưa kể tiền xăng còn thêm tiền cho chuyện mua đèn cầy, đèn sạc, dầu lửa.

Những diễn biến về xăng tăng giá và nạn thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng đang trực tiếp hành hạ sức khỏe kinh tế VN.

Ai cũng biết sự thành công của các chủ trương chống lạm phát cũng là quyền lợi chung. Thế nên lúc này những nỗ lực kéo giảm lạm phát như chống đầu cơ, kiểm soát thị thường ngoại hối, giảm chi tiêu công…đang đứng trước một thách thức mới.

Nhưng vấn đề được đặt ra là liệu lộ trình chống lạm phát của nhà nước có được thực thi với tinh thần kỹ luật nghiêm khắc không.

Và việc tăng giá xăng với biên độ lớn, trong thời buổi nhạy cảm như hiện nay đã có những tác động đến ngỡ ngàng trên đời sống của đại bộ phận dân chúng có mức thu nhập cố định.

Diễn Đàn BBC