Thư của thế hệ trẻ Việt Nam hải ngoại gửi ông Đào Duy Quát

Nguyễn Hồng Vân

Kính gửi chú Đào Duy Quát,

Trước hết, cháu tự giới thiệu tên cháu là Nguyễn Hồng Vân, sinh viên Trường Cao đẳng Golden West thuộc bang California, Hoa Kỳ. Cháu được sanh và lớn lên tại Hoa Kỳ, cho nên cháu là một công dân Hoa Kỳ và cháu có trách nhiệm với đất nước Hoa Kỳ như quê hương của cháu. Tuy nhiên, hôm nay cháu mạo muội viết thư này đến chú với tư cách là một con dân Việt Nam (nếu đất nước Việt Nam vẫn còn coi cháu như một đứa con đất Việt). Cháu xin được viết thẳng vào vấn đề.

Lý do cháu viết thư này cho chú là bởi bài báo chú cho đăng tải trên báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bài báo “Hải quân Trung Quốc tập trận tại Biển Đông”, được dịch từ báo Hoàn cầu, một tờ báo chính thống của nhà nước Trung Quốc. Mặc dù chú có lời giải trình là do “lỗi kỷ thuật”, là do thiếu sót từ “ngang ngược”. Sự thanh mình này cháu không thể nào chấp nhận được.

Thưa chú Đào Duy Quát,

Thứ nhất, nguyên tắc dịch thuật nguyên văn một bài viết thì không thể nào thêm thắt từ ngữ với ý đồ làm thay đổi nội dung hoặc ý nghĩa của bài viết đó mà không có sự chấp thuận của tác giả. Không lẽ, báo Hoàn cầu đã đồng ý cho chú thêm từ “ngang ngược” vào bài viết của họ? Nếu không, thì đạo đức nhà báo có thể nào cho phép chúng ta tùy tiện thêm bớt, cắt xén, thay đổi như thế được hay không? Là Tổng biên tập một tờ báo lớn nhất trong nước chú hẳn biết rõ điều này.

Nguy hiểm hơn là bài báo đó hoàn toàn đứng trên lập trường của Trung Quốc, một lập trường mang tính bá quyền, hung bạo mà đã thể hiện rõ ngay trong nội dung bài báo. Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc từ khi nào mà họ dám ngang nhiên tuyên bố là Tây Sa và Nam Sa? Có phải từ lúc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 như phóng sự trên báo Tuổi trẻ và từ cuộc xâm lược Trường Sa năm 1988? Giả sử nếu hải quân Việt Nam tập trận trong khu vực đảo Hải Nam thì phản ứng của Trung Quốc sẽ như thế nào? Im lặng? Phản đối trên báo đài? Hay nã súng thẳng vào quân đội Việt Nam?

Vấn đề lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo là vấn đề sanh tử, là vận mệnh của cả một Dân Tộc. Cháu đã suy nghĩ nhiều và thật tâm cháu không thể tìm được một lý do nào để đính chính cho bài báo “Hải quân Trung Quốc tập trận tại Biển Đông” mà chú là người chịu trách nhiệm cao nhất. Chỉ có thể nói đó là một bài báo phản bội lại Tổ Quốc, phản bội lại anh linh liệt vị Tổ Tiên và là mối nhục cho 90 triệu con dân nước Việt.

Thưa chú Đào Duy Quát,

Cháu, và có lẽ tất cả người Việt, mong muốn có cuộc sống hòa bình với thế giới và đặc biệt là người hàng xóm khổng lồ phương Bắc, và cháu sẵn sàng đóng góp trí lực nhỏ bé của mình cho nền hòa bình đó; tuy nhiên, cháu không thể ngu ngơ cả tin. Lịch sử bi thương “1000 năm đô hộ giặc Tầu” còn đó. Cháu tự tìm hiểu về cuộc xâm lược năm 1979 và cháu cho rằng đó là một cuộc chiến tranh ngắn nhất nhưng đẫm máu nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử của Dân Tộc Việt Nam. Chú là một cán bộ cao cấp, sống trong nước và trải qua giai đoạn đau thương đó chắc chắn chú còn biết nhiều hơn cháu. Gần đây hơn là những vụ việc hải quân Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt Nam, cấm đánh cá ngay trong vùng biển Việt Nam, bắt thuyền của ngư dân Việt Nam rồi đòi tiền chuộc người chuộc thuyền (có khác chi hành động của bọn hải tặc Somalia). Là một người trẻ, cháu cũng vô tư, yêu đời và yêu người, nhưng lịch sử và bằng chứng thực tế rành rành trước mắt cho cháu đủ dữ kiện để nghi ngờ lòng “hữu hảo” của chính quyền Trung Quốc cũng như “16 chữ vàng” và “4 tốt” của họ.

Cháu được đọc những trang sử và giai thoại hào hùng của Ông Cha ta. Có kẻ chết vì hèn yếu, Như Hành khiển Hồ Nghiện Thần chết trong ô nhục vì không giữ được quốc thể. Có vị chết vì Dân vì Nước tạo một chấm son trên trang sử nước nhà, như nghĩa liệt sĩ Nguyễn Biểu thời hậu Trần xin được đi sứ cầu hòa trong giai đoạn vận mệnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc, mặc dù biết trước lần đi này không có ngày trở về. Quả thật đúng như vậy, tướng Trương Phụ nhà Minh đã hèn mạt giết Nguyễn Biểu chỉ vì Ông đã hiên ngang đối đáp và kiên quyết không để giặc làm nhục quốc thể. Ông mất năm 1413. Cái chết của vị anh hùng Nguyễn Biểu làm toàn dân, vua, quan tiếc thương đau xót. Nhưng có lẽ cũng chính từ sự hy sinh đó, đúng 5 năm sau, năm 1418 toàn dân tộc Việt Nam đã nổi dậy đánh đuổi giặc Minh, đến năm 1427 buộc chúng phải rút khỏi bờ cõi, đem lại nền độc lập và tự trị cho nước nhà [3]

Thưa chú Đào Duy Quát,

Một lần nữa, lịch sử cho chúng ta bài học muôn đời: người lãnh đạo phải có cái dũng khí của kẻ sĩ, cái tâm vì Dân, tấm lòng vì Nước, và chỉ có sức mạnh toàn dân mới giữ vững được cơ đồ.

Đất nước ngày nay đã có những thay đổi, đã hội nhập với thế giới nhiều hơn, đã có những thế mạnh, nhưng không phải là không có những nguy cơ mà nguy cơ mất nước không phải là không có căn cứ.

Cháu là một người trẻ xa quê, trí chưa đủ lớn, nhìn chưa đủ xa, nhưng những gì cháu viết cho chú là từ tất cả tấm lòng chân thành nghĩ đến Tổ Tiên, đến bao Anh Hùng Liệt Nữ đã cống hiến xương trắng máu đào để xây dựng, gìn giữ cho chúng ta một đất nước Việt Nam đẹp đẽ như thế này. Chúng ta không thể nào để mất được chú ạ!

Thế hệ con cháu của cháu sau này, hay ngay cả thế hệ cháu, có còn ngẩng mặt gọi 2 tiếng Việt Nam được hay không phần lớn nhờ vào dũng khí của thế hệ chú bác ngày nay.

Tiếng Việt của cháu đôi khi cũng chưa thông, nếu có viết điều gì sơ suất mong chú lượng thứ.

Chúc chú sức khỏe.

Kính chào,

Nguyễn Hồng Vân

SV Cao Đẳng Golden West
Bang California, Hoa Kỳ

Nguồn : http://bauxitevietnam.info/c/12761.html