Thú Đau Thương!

Trần Hùng

Nhiều người yêu âm nhạc đã từng nghe một bài hát mang tựa đề độc đáo là “Thú đau thương”. Cái tên nghe thật lạ, vì bình thường, đau thương là một nỗi niềm sầu khổ, một tâm trạng đớn đau, khiến cho người ta có phải chịu đựng cũng rất là miễn cưỡng, như vậy nó không thể nào được coi là một cái thú, bởi vì cái thú phải là một niềm vui, một niềm hạnh phúc mà người ta mong đợi. Người nhạc sĩ viết lời cho nhạc phẩm này đã phơi bầy cá tính rất đặc biệt của một số người, không tìm kiếm tình yêu với hoa gấm, có vị ngọt của mật và hương thơm của hoa. Mà là một loại tình yêu có trái đắng, có khổ đau.

Đó là nói về tình yêu. Ở trong cuộc sống, người ta thường yêu việc thiện, chuộng điều hay, phù trợ những người giỏi… Nhưng ngược lại, lại có những người đi yêu việc ác, ngợi ca kẻ thù, thậm chí làm những việc có lợi cho chúng…. Việc làm của họ xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau, có khi vì danh lợi đã khiến cho lương tâm của họ bị mù lòa, cũng có khi, do một biến chuyển tâm lý phức tạp mang tên là “hội chứng Stockholm” (Stockholm syndrom).

Các con tin đang bị giam giữ trong ngân hàng Stockholm.

Hội chứng này phát sinh từ một vụ cướp nhà băng ở Stockholm vào cuối tháng 8 năm 1973. Cảnh sát sau cùng đã bắt giữ được những tên cướp và giải thoát cho con tin. Nhưng điều kỳ lạ là khi bọn cướp bị đưa ra tòa xét xử, con tin lại có thiện cảm với những tên bắt cóc, không khai những điều bất lợi cho bọn chúng, mà lại chỉ trích cảnh sát đã làm những việc có thể gây nguy hại cho tính mạng của họ. Đây là biến chuyển tâm lý rất bất ngờ, mà sau đó những nhà nghiên cứu đặt cho nó cái tên là “hội chứng Stockholm”.

Nhiều tâm lý gia đã khổ công tìm hiểu về trường hợp kỳ lạ này. Nguyên nhân nào khiến cho những nạn nhân, thay vì phải hoài ân những anh hùng đã cứu thoát họ, lại dành cảm tình cho những tên tội phạm đã đẩy họ vào hoàn cảnh nguy nan mà lý ra họ phải mang nặng hận thù? Vì sợ hãi, vì lòng bao dung, vì tánh tình dễ thương, vì cảm xúc, hay là vì một thứ cocktail trộn lẫn tất cả những yếu tính đó? Người ta chưa quyết đoán được nguyên nhân đích thực, nhưng ghi nhận rằng “hội chứng Stockholm” có thể xẩy ra ở tất cả mọi trường hợp, từ người bị bắt cóc làm con tin như nói ở trên, cho đến những người vợ bị bạo hành, trẻ em bị sách nhiễu, tù nhân trong trại tập trung hay là tù binh chiến tranh….

Patty Hearst.

Đã có nhiều trường hợp xẩy ra sau đó được liệt kê vào loại “hội chứng Stockholm”, như trường hợp Patty Hearst, con gái của một nhà tỷ phú Randolph Hearst, ở California, bị tổ chức Symbionese Liberation Army (SLA) bắt cóc vào đầu tháng 2 năm 1974. Chỉ chưa đầy 2 tháng sau, người ta kinh ngạc thấy cô cầm súng tiểu liên cùng với các thành viên của SLA đi cướp nhà băng ở San Francisco. Một trường hợp tương tự là cậu bé Shawn Hornbeck 11 tuổi bị bắt cóc vào năm 2002 tại tiểu bang Missouri. Trong suốt 5 năm sau đó, cậu ta có rất nhiều cơ hội nhưng không hề lợi dụng những cơ hội đó để tự giải thoát mà cứ tiếp tục sống chung với tên bắt cóc.

Trường hợp khác là Elizabeth Smart. Cô bé 14 tuổi này bị bắt cóc vào giữa năm 2002 tại Salt Lake City, tiểu bang Utah. Chỉ 2 tháng sau, cô đi theo vợ chồng tên bắt cóc, rong ruổi hết tiểu bang California sang tiểu bang Nevada… tự nhận là con gái của họ, dấu tung tích với cả toán cảnh sát có nhiệm vụ giải cứu cô…

Elizabeth Smart.
Shawn Hornbeck.

Trường hợp nạn nhân tự nguyện ngả vào vòng tay của những tên hung đồ xẩy ra ở nhiều nơi. Và cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm được cách chữa trị hay ngăn ngừa hữu hiệu hội chứng Stockholm này.

Hội chứng Stockholm cũng xẩy ra ở một vài người Việt. Người Việt không mấy ai không phải là nạn nhân của cộng sản. Trong hơn nửa thế kỷ nay, chế độ CSVN đã gây ra khổ đau cho biết bao thế hệ. Những hành động tàn bạo diễn ra hàng ngày trên đất Việt đã như một thách đố với lương tri của con người, khiến không ai có thể ngoảnh mặt làm ngơ. Vì thế, công cuộc đấu tranh vẫn còn tiếp diễn, giữa một bên là tự do, dân chủ, nhân bản, tình người… với bên kia là độc tài, tàn bạo, tham lam, bóc lột… Một bên là công bằng, bác ái, bên kia là bất công, bạo tàn. Một bên hướng về tương lai tươi sáng, bên kia kéo về quá khứ tối tăm. Người Việt không phân chia Nam Bắc đã đứng chung trên một chiến tuyến, để cùng nhau đấu tranh chấm dứt nỗi khổ đau của dân tộc kéo dài đã quá lâu.

Hơn 30 năm nay chúng ta đã đạt được những gì? So với thời điểm cuối thập niên 70 mà CSVN vẫn huênh hoang với cái gọi là “chiến thắng vĩ đại” của họ, thì ngay nay Việt cộng không còn dám lớn tiếng cao ngạo nữa. So với thời độc tài toàn trị khi khắp nơi đầy dẫy những chốt canh để ngăn sông cấm chợ, thì ngày nay siêu thị mọc ở nhiều nơi. Cái thời người dân bị cưỡng bách vào hợp tác xã, mua hàng phải theo tem phiếu cũng không còn nữa, giúp mọi người thoát ra được cảnh:

“Một năm ba thước vải thô.
Làm sao che nổi Bác Hồ, hỡi em!”

Hiện trạng đất nước Việt Nam ngày nay so với 3 thập niên trước đã có nhiều khác biệt. Đời sống của người dân đã khá hơn về nhiều mặt. Đây là kết quả của sự tranh đấu kiên cường, chứ không phải là do lòng tốt của chế độ, bởi vì bản chất của các chế độ độc tài đều là ngoan cố và bảo thủ, họ không bao giờ chăm lo cho người dân mà chỉ lo cho túi tham của mình.

Việc nhận định đúng đắn thực trạng ngày nay giúp chúng ta đánh giá chính xác được con đường của mình, khiến công cuộc đấu tranh đạt được nhiều hiệu quả hơn. Ngoài ra, nó cũng làm gia tăng uy tín của các lực lượng đấu tranh, giúp tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế.

Việc nhận định đúng đắn thực trạng ngày nay cũng không có nghĩa là tặng cho chế độ cộng sản thêm một chút son phấn, hoặc để ngừng tay với những nỗ lực đấu tranh. Ngược lại, những nỗ lực đó càng cần đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Bởi vì, ngày hôm nay, CSVN vẫn đang tiếp tục đàn áp, giam cầm những nhà dân chủ, vẫn còn cướp đoạt ruộng đất tài sản của dân oan, vẫn còn chiếm cứ chùa chiền nhà thờ, vẫn còn ngăn cản hoạt động của các giáo hội, vẫn còn móc ngoặc với tài phiệt quốc tế để bóc lột giới công nhân, vẫn còn tiếp tay tạo thảm cảnh buôn bán trẻ em, vẫn còn dâng nhượng đất biển cho bá quyền Trung cộng, nói tóm lại, họ vẫn còn tước đoạt những quyền căn bản của người dân….

Lẽ ra toàn khối dân tộc phải có hướng đi chung. Nhưng không, đây đó lại vang lên những tiếng đàn lạc điệu. Cho rằng việc nói lên tiến triển của xã hội Việt Nam là tuyên truyền cho chế độ. Chụp mũ “cò mồi” cho những nhà dân chủ ở trong nước. Xuyên tạc phương cách đấu tranh đang khiến cho CSVN phải lúng túng chống đỡ là giả hiệu, là thí chốt, nướng quân. Bôi nhọ những chiến sĩ dân chủ kiên cường, nhắm mắt phủ nhận mọi thành quả đấu tranh. Cho rằng tất cả mọi việc đều là âm mưu của Việt cộng, đều là những trò dàn dựng của đối phương.

Những lời đả kích này nếu suy nghĩ kỹ một chút người ta sẽ thấy ẩn chứa bên trong đầy những sự tác hại. Ngoài những đòn đánh phá từ phiá CSVN mà chắc chắn sẽ có, những lời đả kích này còn đến từ những người từng là nạn nhân của chế độ cộng sản. Họ không tiếc lời xuyên tạc những nỗ lực đấu tranh chân chính. Họ đòi phải cào bằng, bôi đen tất cả những gì của đối phương, phải hô hào khẩu hiệu của thế kỷ trước, để làm tiêu tan uy tín của hàng ngũ quốc gia. Họ dán nhãn “cò mồi” cho những nhà đối kháng để làm triệt tiêu sức mạnh có thể làm lung lay chế độ. Họ xuyên tạc những nỗ lực vận động chính giới là “lệ thuộc ngoại bang” để hóa giải sự hỗ trợ của quốc tế, là lãnh vực mà Việt cộng đang bị kẹt cứng hiện nay. Và sau cùng, họ kêu gọi dùng bạo lực để đối đầu với sức mạnh quân sự và công an của chế độ để đưa toàn thể công cuộc đấu tranh vào thế bí. Chưa nói đến bản chất gian manh của họ, khi nấp trong một chỗ an thân ngoài hải ngoại, lại đưa lời miệt thị người đi vào chốn gian nguy.

Vì lý do gì mà những người này lại cam tâm làm những việc gây tác hại cho công cuộc đấu tranh chung, làm lợi cho kẻ thù? Thưa rằng nếu không phải vì danh lợi bản thân thì chắc cũng vì “hội chứng Stockholm”, của những kẻ ôm chân kẻ thù mà hát bài “thú đau thương”. Đối với những con bệnh này, việc điều trị sẽ có thuốc tiên. Đó là bứng đi chế độ độc tài, mọi biến chứng sẽ lập tức tiêu tan.

Trần Hùng