Thủ Tướng “Chat” Với Dân

Trần Trọng Nghĩa
Đối thoại trực tuyến.

Một hiện tượng lần đầu tiên đã xẩy ra dưới chế độ CSVN lúc 08 giờ 45 phút, ngày 09/02/2007. Đó là cuộc “đối thoại trực tuyến” của ông thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trên mạng internet của chính phủ, của đảng CSVN và của tờ báo điện tử VietNamNet. Đây cũng là một hiện tượng lạ vì thông thường, sau khi được vào những chức vụ cao cấp của chế độ, cán bộ lãnh đạo ngày càng xa lánh nhân dân và rất ngại tiếp xúc với dân. Nhất là khi người dân có những bức xúc muốn đạo đạt lên lãnh đạo để yêu cầu giải quyết. Báo chí trong nước đã nhất loạt đang tải thông tin về cuộc đối thoại trực tuyến. Nhiều hãng thông tấn nước ngoài như Reuters, AP, AFP đã có bản tin về sự kiện này.

Theo tin báo chí thì buổi đối thoại trực tuyến này bắt đầu lúc 8 giờ 45, giờ Hà Nội, sáng ngày 9/2/2007 và kết thúc vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày. Với thời lượng trên dưới 3 tiếng đồng hồ, không thể nào trả lời được hết trên 20.000 câu hỏi đã được gửi đến từ trước cho thủ tướng chính phủ. Ông Dũng chỉ trả lời được vài chục câu hỏi mà chắc chắn đã được lựa chọn trước để đáp ứng mục tiêu của chế độ là tạo hình ảnh có một sinh hoạt dân chủ khác thường chưa từng có từ trước đến nay. Dù biết đây cũng chỉ là một hình thức tuyên truyền đánh bóng cho chế độ và cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật “đang lên”, thiết tưởng cũng nên tìm hiểu thêm về nội dung cuộc đối thoại này.

Ông Dũng chỉ trả lời được vài chục câu hỏi mà chắc chắn đã được lựa chọn trước

Theo báo chí thì các câu hỏi đã được phân loại theo một số chủ đề như sau: Cải cách hành chánh; Giải pháp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam năm 2007 và những năm tới; Nhà, đất, thực hiện các chính sách về nhà đất; Tình hình kinh tế xã hội Việt Nam năm 2006; Giáo dục, văn hóa, y tế; Tham nhũng, lãng phí; Đời sống, việc làm, các chính sách xã hội; Phát triển khoa học công nghệ; Phòng chống thiên tai, dịch bệnh… Trong phần trả lời, đối với hầu hết các câu hỏi Nguyễn Tấn Dũng đã không bỏ lỡ dịp nào để ca tụng “công đức” và sự lãnh đạo “sáng suốt” của đảng CSVN và bào chữa cho những bê bối của chế độ. Điều này cho người ta thấy có những câu hỏi gần như là “cò mồi”, “nâng bóng” cho ông Dũng đập.

Để trả lời về những thua lỗ của các xí nghiệp Nhà Nước, ông Dũng nói: “nhận định như thế là không khách quan và không đúng thực tế”. Và ông giải thích “Từ năm 1986 chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều đổi mới để phù hợp và đến nay đã thành công”. Ông khoe rằng: “Đến 2006, chúng ta chỉ còn 1800 doanh nghiệp nhà nước… Năm 2006 vừa qua, doanh nghiệp nhà nước đã đóng góp 30% vào GDP, chiếm gần 40% ngân sách và chiếm 50% giá trị xuất khẩu trong nền kinh tế”. Nghe xong, người ta có cảm tưởng khu vực kinh tế quốc doanh quá tốt. Thế thì tại sao mà chính phủ lại phải cổ phần hóa nó? Không có câu hỏi này nên thủ tướng không trả lời.

Về y tế, đáp câu hỏi dân nghèo làm sao chữa bệnh, ông Dũng cũng có câu trả lời loanh quanh, đại để có 3 loại đối tượng khám chữa bệnh miễn phí gồm: những người có bảo hiểm y tế, những người được chứng nhận là nghèo, và trẻ em dưới 6 tuổi. Ông nói: “Cộng lại ba đối tượng trên thì đã có khoảng 43 triệu người Việt Nam được khám chữa bệnh miễn phí thông qua bảo hiểm y tế, chiếm 52% dân số Việt Nam…”. Theo ông thì chỉ có 28% khá giả là phải trả viện phí 60 đến 70% thực giá và khoảng “20% dân số thuộc diện cận nghèo cũng sắp có chính sách hỗ trợ”. Về vấn đề người dân bị truất hữu nhà cửa ruộng đất, ông Dũng giải thích rằng: “Vấn đề này là tất yếu” để tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa… Ông nói thêm:“Chừng nào chưa thực hiện đúng pháp luật trong thu hồi đất, trong việc tái định cư, chừng nào chưa đáp ứng đúng mục tiêu đồng bào đến nơi ở mới có đời sống tốt hơn thì Chính phủ, chính quyền các cấp còn khuyết điểm với dân”. Ai cũng biết vấn đề này đang gây bức xúc trong nhân dân dẫn đến phong trào khiếu kiện trên cả nước. Lời tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng chỉ mang tính chất xoa dịu sự bất mãn trong nhân dân.

Nhân dân ta đã mất tự do ngôn luận từ lâu rồi.

Về câu hỏi tại sao ký Nghị Định nghiêm cấm tư nhân hóa báo chí, câu trả lời là: “Chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với pháp luật Việt Nam (pháp luật nước ta chưa cho phép tư nhân hóa báo chí) cũng là phù hợp với tuyệt đại đa số nguyện vọng của nhân dân, đồng bào ta. Điều này cũng phù hợp với điều kiện của Việt Nam”. Câu trả lời của ông Dũng đúng là “không khách quan và không thực tế”. Nhân dân ta đã mất tự do ngôn luận từ lâu rồi.

Ông còn đợi gì mà không từ bỏ con đường độc tài cộng sản, tiến hành dân chủ hóa Việt Nam?

Trong các câu trả lời của Nguyễn Tấn Dũng, có một câu đáng chú ý. Đối với câu hỏi làm sao thu hút người tài, ông Dũng đáp: “Để người có tâm, tài vào làm việc trong bộ máy của Đảng, Nhà nước không có cách nào khác là phải thực hiện dân chủ… Không dân chủ hay chỉ dân chủ hình thức thì không chọn được người tài”. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm được một việc chưa có tiền đề dưới chế độ độc tài cộng sản là đối thoại trực tuyến với dân. Ông đã nói đến nhu cầu của đất nước là phải có nhân tài và khẳng định rằng phải có dân chủ mới thu hút được nhân tài. Ông còn đợi gì mà không từ bỏ con đường độc tài cộng sản, tiến hành dân chủ hóa Việt Nam? Lúc đó ông sẽ có sự hợp tác của nhân tài và của toàn dân Việt Nam.