Thượng Đỉnh Versailles: EU tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine lên mức một tỷ Euro

Trọng Nghĩa - RFI

Các nhà lãnh đạo Âu Châu họp thượng đỉnh ở Điện Versailles, Pháp, thảo luận về cuộc chiến xâm lăng của Putin và việc gia nhập EU của Ukraine. Ảnh: Michel Euler/ AP

Trong một động thái nhằm chứng tỏ quyết tâm ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga, Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua 11/03/2022, đã quyết định tăng lên thành một tỷ Euro ngân sách dành cho việc chuyển giao vũ khí cho chính quyền Kyiv. Liên Âu đồng thời đe dọa ban hành thêm “hàng loạt” biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Matxcơva, nhưng trước mắt, vẫn từ chối cấm vận dầu khí Nga.

Kết thúc hai ngày họp thượng đỉnh tại Điện Versailles gần Paris, lãnh đạo 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã nhất trí tăng ngân sách dùng vào việc cung cấp vũ khí giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lăng của Nga lên đến mức một tỷ Euro, tức là gấp đôi so với dự kiến ban đầu.

Ngoài việc tỏ rõ lập trường đoàn kết với Ukraine, khối 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu cũng lên tiếng đe dọa Nga về khả năng ban hành thêm nhiều biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga để buộc nước này chấm dứt cuộc tấn công xâm lược Ukraine.

Phát biểu với các nhà báo sau Hội Nghị Versailles, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron, nước hiện là chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu cảnh cáo là các biện pháp trừng phạt mới còn đi xa hơn cả các lệnh trừng phạt mà Nhóm G7 và EU đã công bố vào hôm qua.

Ông Emmanuel Macron không loại trừ khả năng EU cấm nhập khẩu khí đốt hoặc dầu mỏ của Nga, một biện pháp cho đến nay chưa được Liên Âu nhất trí, do vấp phải phản đối của Đức và Ý, hai nước rất lệ thuộc vào dầu khí mua của Nga.

Theo nhận xét của Alexis Bédu, đặc phái viên RFI theo dõi hội nghị tại Versailles, nhìn chung, Thượng Đỉnh Versailles đã thể hiện được sự đoàn kết trong các lãnh vực như độc lập năng lượng hay đầu tư quốc phòng. Thế nhưng nội dung các thông báo vẫn còn mơ hồ.

“Rất nhiều điểm trong chương trình nghị sự đã được hoàn thành, và nhiều cuộc họp trong tương lai được lên kế hoạch.

Về mặt năng lượng, mục tiêu đề ra là Liên Âu phải bảo đảm được sự độc lập của mình, thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào khí đốt của Nga để có thêm năng lực hành động. Trong những tuần lễ sắp tới đây, một đề xuất nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu khí Nga vào năm 2027 sẽ được đệ trình. Trong khi chờ đợi, Liên Âu cần phải đẩy mạnh việc tích trữ. Bà Ursula Von der Leyen, Chủ Tịch Ủy Ban Châu Âu giải thích như sau:

‘Liên Hiệp Châu Âu phải xác định một hướng đi dài hạn mới. Đó là lý do tại sao chúng tôi đưa ra đề xuất bổ sung lượng khí đốt dự trữ của mình. Kể từ nay, các hồ chứa dưới lòng đất của chúng ta sẽ phải đầy đến mức 90% vào ngày 1 tháng 10 hàng năm.’

Về phần mình, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng việc đảm bảo sự độc lập về năng lượng là cách duy nhất để củng cố chủ quyền của Châu Âu.

Riêng về việc kết nạp Ukraine vào Liên Âu, đã có nhiều tuyên bố ủng hộ, nhưng kết quả cụ thể không là bao. Không có chuyện kết nạp sớm, mà chỉ là siết chặt quan hệ chính trị.

Theo Liên Hiệp Châu Âu, ‘con đường vào Châu Âu đã mở ra cho Ukraina.’ Tổng thống Ukraine đã phản ứng, xem đấy là một sự ủng hộ quá yếu.”

Trọng Nghĩa

Nguồn: RFI