Tiễn Chân Các Bạo Chúa

Ngô Nhân Dụng

Trước khi bị đưa ra tòa án về tội “diệt chủng,” ông Khieu Samphan, một trong 5 lãnh tụ cao nhất của Khơ Me Ðỏ, đã được phép xuất bản một cuốn sách. Trong sách đó, ông tự biện hộ cho chính mình, cho cả các đồng đảng như Pol Pot, Ta Mok. Và ông còn bênh vực cho những hành động của đảng Cộng Sản Khmer mà ông cho đều vì mục đích yêu nước. Ai cũng biết trong thực tế họ đã làm vài triệu người Cam Phu Chia chết oan.

Pol Pot.

Pol Pot may mắn hơn Khieu Samphan, đã chết trên giường bệnh ở trong mật khu. Nhưng trước khi chết ông ta cũng biện minh cho mình khi nói chuyện với một nhà báo ngoại quốc. Ông cũng nói cả đời ông chỉ hy sinh, mong sao cho dân tộc Khmer được sống ấm no hạnh phúc. Ðáng lẽ nhân dân Cam Phu Chia phải đời đời nhớ ơn bác Pol Pot mới phải!

Nhưng tại sao các lãnh tụ đỏ lại đang tâm giết nhiều người như vậy? Nhìn nơi các cán bộ cộng sản tàn sát những người vô tội, trên mặt đất còn những hố chôn người, đây đó vương vất những mảnh quần áo cũ rách bỏ sót lại sau khi cải táng di cốt. Cúi đầu cầu nguyện trước tháp sọ người chồng chất trong khu tưởng niệm các nạn nhân của Khmer Ðỏ. Ai cũng phải tự hỏi tại sao con người có thể đối xử với nhau ác độc đến thế.

Hồ Chí Minh.

Khi được hỏi về tội sai người Cam Pu Chia giết người Cam Pu Chia, giết hàng triệu nhân mạng, các lãnh tụ Khmer Ðỏ đều nói đó là do cấp thừa hành đã làm sai, chứ họ không hề chủ trương chính sách diệt chủng đó. Chắc hẳn những lãnh tụ cộng sản khác cũng nói như vậy, từ Stalin, Mao Trạch Ðông cho tới Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành. Các đảng Cộng Sản Việt Nam hoặc Trung Quốc, cũng không ai dám thẳng thắn nhận họ đã giết bao nhiêu người vô tội trong những cuộc cải cách ruộng đất. Họ vẫn chối tội, nói rằng các vụ giết người tàn bạo là do cấp thừa hành làm sai!

Vậy tại sao các cấp thừa hành sai lầm tới độ giết hàng trăm ngàn người trong cuộc cải cách ruộng đất ở Việt Nam, theo lệnh các cố vấn Trung Quốc, và giết hàng triệu người trong chiến dịch “làm sạch xã hội để xây dựng một xã hội mới” của Pol Pot ở Cam Pu Chia? Hồ Chí Minh, Mao Trạch Ðông, hoặc Khieu Samphan, Pol Pot có trách nhiệm nào không?

Trách nhiệm của họ là gây dựng lên những guồng máy vô danh, vô hồn dùng vào việc giết người. Tấn thảm kịch của những đồ đệ Kmer Ðỏ và các “đội cải cách” của Mao Trạch Ðông là họ được trao cho một niềm tin cuồng nhiệt, đến mức họ thản nhiên giết người mà không nghĩ mình phạm tội.

Các ông Khieu Samphan, chủ tịch nước, Ieng Sary, bộ trưởng ngoại giao, Cang Kek Leu, tức Duch, giám đốc nhà tù Tuol Sleng, bà Leng Thirith, bộ trưởng xã hội trong đảng Cộng Sản Cam Pu Chia đang lần lượt ra tòa. Nhiều người cho là những bị cáo này không đáng được xử trước tòa án, vì tội ác của họ đã hiển nhiên và dã man đến mức chính họ không đáng được hưởng những thủ tục pháp lý nhân đạo.

Tuy nhiên, việc xét xử những phạm nhân cầm đầu các chế độ độc tài không phải là những vụ trả thù. Phải coi đó là những hành động để thi hành công lý của loài người văn minh. Xóa bỏ một chế độ dã man rồi thì phải bắt đầu xây dựng nền tảng cho một xã hội văn minh. Nếu không thì loài người không tiến lên hơn cầm thú được. Cần cho những lãnh tụ độc tài phi nhân biết rằng có một thứ gọi là công lý của loài người. Ðám lãnh tụ đó đã tước bỏ quyền của nhiều người khác, không cho người ta được đối xử theo pháp luật văn minh. Bây giờ loài người sẽ đối xử với họ theo nhân đạo.

Các nạn nhân vô tội của cuộc diệt chủng tại Cam Bốt.

Coi cách một ông hay bà lãnh tụ mới đối xử thế nào với người bị mất quyền, chúng ta có thể đoán hậu vận của chính họ. Khi dân Afghanistan đánh đuổi được đạo quân Xô Viết ra khỏi nước, năm 1996 chính quyền Taliban mới lên đã giết Mohammad Najibullah, một chủ tịch nhà nước cộng sản theo Nga. Nhưng sau đó, nhóm Taliban lại thi hành một chính sách độc tài tàn bạo với niềm tin cuồng tín không khác gì một đảng cộng sản. Cũng trong thời gian đó, ở Nam Hàn có hai cựu tổng thống bị đưa ra tòa xử về tội đã ra lệnh cho cảnh sát và quân đội đàn áp các sinh viên biểu tình, làm chết hàng ngàn người trong thời gian họ cai trị, lại thêm tội lập những quỹ mật không ai kiểm soát. Tướng Chung Doo Hwan (cầm quyền từ 1980 đến 1987) bị xử tử hình, Tướng Roh Tae Woo (1987-1992) bị kết án 22 năm tù. Nhưng sau đó chính phủ Nam Hàn đã ân xá cho cả hai ông, vì xét họ đã chuyển giao quyền hành cho một chính phủ do dân bầu lên, mà họ không dùng vũ lực bám lấy ngôi vị, cũng là đáng khen. Ngoài ra, trong thời gian họ nắm quyền kinh tế Ðại Hàn đã phát triển mạnh. Hình ảnh hai vị cựu quốc trưởng đầy quyền uy ra trước vòng móng ngựa trong bộ áo tù nhân lụng thụng cũng đủ cho người dân Ðại Hàn cảm thấy công lý đã được thi hành, người có tội phải bị xét xử, không ai có thể đạp chân trên lẽ phải và luật pháp. Người ta không cần trả thù, không ai đòi nợ máu.

Một quốc gia Á Châu cũng nhiều lần sống dưới chế độ độc tài quân phiệt nhưng khác hẳn Nam Hàn, đó là Pakistan. Trên bán đảo Nam Á, hai nước Ấn Ðộ và Pakistan đi theo những con đường khác hẳn nhau. Ấn Ðộ từ lúc tuyên bố độc lập năm 1947 trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo người nào, lúc nào cũng tôn trọng các quy tắc cư xử của những người muốn sống tự do dân chủ. Họ kính trọng hiến pháp, làm theo pháp luật. Thủ Tướng Nehru cũng rất thích Chủ Nghĩa Xã Hội, chính sách kinh tế của ông nghiêng hẳn về phía xã hội chủ nghĩa; nhưng ông không thể chấp nhận những chế độ độc tài kiểu Nga hay Trung Quốc. Ngay cả khi bà Thủ Tướng Indira Gandhi tuyên bố tình trạng khẩn trương để tạm dẹp bỏ các quyền tự do chính trị và tự do dân sự, bà vẫn tổ chức bỏ phiếu bầu Quốc Hội để phe đối lập được tranh cử. Ðảng của bà thua phiếu, và bà lẳng lặng rời khỏi ghế thủ tướng, biết trước là sẽ bị đưa ra tòa xét xử về những hành động lạm dụng quyền hành của phe mình. Nhưng không ai lo bị giết khi mất uy quyền. Cho tới nay Ấn Ðộ đã thay đổi chính quyền nhiều lần, qua tay nhiều đảng phái, nhưng không ai lo hễ mất quyền thì bị giết chết. Còn nước Pakistan thì thí nghiệm thể chế dân chủ mấy lần rồi lại rơi vào những chế độ độc tài quân phiệt. Hai mươi năm trước đây, Thủ Tướng Pakistan ông Zulfikar Ali Bhutto đã bị Tướng Zia ul-Haq đảo chính, ông Bhutto bị treo cổ. Nhưng Tướng Zia sau đó cũng chết trong một tai nạn máy bay rất khả nghi. Và bây giờ đến lượt con gái ông Bhutto, bà Benazir đang đối đầu với Tướng Pervez Musharraf, một lãnh tụ độc tài quân phiệt khác.

Khi một quốc gia thay đổi chế độ, cứ xem cách người ta đối xử với những người thuộc chế độ cũ thì biết tương lai nước đó sẽ ra sao, đặc biệt là khi một nước muốn chuyển biến để thiết lập một thể chế tự do dân chủ. Trước khi nhà độc tài Franco ở Tây Ban Nha chết, ông đã tái lập chế độ quân chủ lập hiến cho nước này. Chế độ mới đã dân chủ hóa nhanh chóng, các đảng phái ra đời, hoạt động lành mạnh. Và một điều đáng phục dân Tây Ban Nha là người ta không “đòi nợ máu” đối với chế độ cũ. Ở Chile cũng vậy. Tướng Pinochet bị áp lực của dân chúng nên mới phải rút lui, nhưng sau đó chính quyền do dân bầu lên đã dành thời giờ để lo xây dựng đất nước chứ không lo hỏi tội phe đảng cũ. Cuối cùng thì các lãnh tụ và quan chức tham tàn cũng bị ra tòa xét xử, nhưng không chỉ cốt trả thù. Ở Ðông Âu, khi chế độ cộng sản tan rã, chỉ có tại Rumanie là nhà độc tài Ceaucescu bị giết, vì người ta biết không thế nào thuyết phục vợ chồng ông ta từ bỏ các đặc quyền, như các lãnh tụ cộng sản ở các nước lân bang đã làm.

Khuyến cáo một nhà độc tài như ông Musharraf rời khỏi chính quyền rất khó. Vì họ chỉ sợ mất quyền là sẽ mất mạng, hoặc bị tù rục xương. Chúng ta hiểu được tại sao mới đây ông Nguyễn Minh Triết lại hô hoán lo sợ rằng nếu bỏ độc quyền chính trị của đảng Cộng Sản Việt Nam thì giống như đảng này tự sát. Trong kinh nghiệm của ông ta, chưa thấy một đảng nào mất quyền mà không bị trả thù. Ngay cả trong cùng một đảng họ cũng sợ nhau, như khi ông Lê Duẩn mới tạ thế đã có người con của ông hỏi ông Phó Thủ Tướng Ðoàn Duy Thành, lo “không biết người ta sẽ giết chúng cháu hay không!”

Bà Aung San Suu Kyi

Có thể bà Aung Sang Suu Kyi ở Miến Ðiện chịu ảnh hưởng của Phật Giáo hay chăng, nhưng bà đã chấp nhận gặp gỡ những đại diện của chính quyền Miến để bàn chuyện hòa giải. Ít nhất, để những nhà độc tài quân phiệt này biết có thể nói chuyện với bà. Họ sẽ thấy một người phụ nữ có học và có tư cách, một người sẽ không cư xử theo lối rừng rú, và như vậy nếu chuyển giao quyền hành thì sẽ không lo bị giết!

Vậy bà Suu Kyi có nên hứa trước sẽ ân xá cho các lãnh tụ quân phiệt nếu họ chuyển giao quyền hành cho một chính quyền dân cử hay không? Nếu hứa hẹn sẽ ân xá cho tất cả những nhà độc tài phạm tội ác thì chẳng khác nào khuyến khích họ cứ phạm tội mà không lo hậu quả. Nhưng nếu mọi người chỉ đe dọa những kẻ phạm tội sẽ bị trừng trị xứng đáng, thì họ sẽ liều chết đến cùng để bảo vệ quyền hành, hậu quả là sẽ còn nhiều người dân chết oan nữa.

Vậy chúng ta nên tiễn chân các chế độ độc tài như thế nào? Phải cho họ có dịp lập công chuộc tội. Họ sẽ bị phán xét trước công lý, nhưng cũng được cư xử theo lẽ phải và lòng nhân đạo. Như chính phủ và nhân dân Ðại Hàn đối xử với hai vị tướng quân phiệt là vừa đẹp. Bây giờ nhiều người dân Cam Pu Chia vẫn còn căm hận chế độ Khmer Ðỏ. Nhưng nếu các lãnh tụ cộng sản này bị xử theo đúng luật pháp của loài người rồi sau đó được để sống cho hết tuổi già của họ, thì chắc cũng được. Không ai nỡ lòng đòi nhưng ông già bệnh hoạn này phải chết đi thì trong lòng mới thỏa. (Người Việt; Tuesday, November 20, 2007)

Ngô Nhân Dụng