Tiền Cứu Bão Lụt Vào Tay Quan Chức Nhà Nước

Không miền Trung thì cũng miền Tây hoặc miền Bắc năm nào cũng có nạn cảnh bão lụt cướp mất đi hàng trăm sinh mạng của người dân và gây nhiều thiệt hại về vật chất. Nguyên nhân chính của thảm nạn này không chỉ là do mưa to, gió lớn mà còn do nạn phá rừng bừa bãi gây ra. Người dân Việt chẳng mấy ai giàu có, nhưng mỗi khi nghe một nơi nào đó trên đất nước bị bão lụt tàn phá đều sẵn sàng đóng góp tiền bạc hay phẩm vật hầu mong cứu trợ ngay cho các nạn nhân qua khỏi cơn ngặt nghèo. ‘‘Lá lành đùm lá rách’’ hay ‘‘Một miếng khi đói bằng gói khi no’’ nói lên đầy đủ ý nghĩa của việc cứu trợ.

Tại các nước tự do dân chủ, mỗi khi có thiên tai hay bão lụt cần phải cứu trợ thì từ chính phủ cho đến các hộì đoàn thiện nguyện, các tổ chức tôn giáo hay từng cá nhân một đều bắt tay vào chuyện cứu giúp để phần nào xoa dịu những nỗi khổ đau cho các nạn nhân. Nhưng tại Việt Nam dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa thì công việc cứu trợ này chỉ do nhà nước làm, qua hai tổ chức Mặt Trận Tổ Quốc và hội Chữ Thập Đỏ. Bất kỳ một hội đoàn hay cá nhân nào ở ngoài luồng đụng tới là bị ngăn cấm bằng nhiều cách. Năm nay, miền Trung bị bão lụt lớn cần phải giúp đỡ thế nhưng tiền cứu trợ không nhiều như những lần trước, lý do không phải là người dân thiếu sự quan tâm mà vì biết chắc rằng có đóng góp bao nhiêu cũng vào tay quan chức nhà nước chứ thật sự chẳng mấy đến tay các nạn nhân. Vụ tiền cứu trợ đồng bào bão lụt huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tỉnh vào năm 2002 là một trường hợp điển hình, vụ này đã gây nhiều bất mãn trong dân chúng từ người nhận cho đến người đóng góp nhưng nhà nước CSVN vẫn lờ đi và đã cho chìm xuồng. Nay vì bị người dân cảnh giác, không còn tích cực trong việc đóng góp cứu trợ nữa nên ngày 23 tháng 11 vừa qua, Chủ tịch MTTQVN Phạm Thế Duyệt phải đem vụ này ra xét lại chút ít cho có lệ, để gọi là giải quyết nạn tiêu cực về tiền cứu trợ hầu mong tiếp tục thu góp tiền cứu trợ của người dân.

Được biết tiền cứu trợ quyên góp được từ người dân cho trận bão lụt ở huyện Hương Sơn năm 2002 rất nhiều, thế mà chỉ có một số ít gia đình các nạn nhân nhận được sự cứu giúp rất là tượng trưng. Trong buổi làm việc Bí thư tỉnh ủy Hà Tỉnh khi giải trình về chuyện này chỉ cần thừa nhận có sự thiếu sót trong quản lý là coi như xong chuyện. Trở lại thời điểm 4 năm trước, ngày 18 tháng 9 năm 2002, một cơn lũ lụt lớn đã quét ngang qua huyện Hương Sơn làm thiệt mạng và mất tích 32 người, bị thương 118 người; đường xá, cầu cống bị hư hỏng nặng; 185 ngôi nhà bị cuốn trôi, 6.824 ngôi nhà bị hư hại nặng; 11.058 con trâu bò và 3.655 con hươu bị chết…ước tính thiệt hại về tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng. Khi hay tin này đồng bào khắp nơi đã quyên góp tiền bạc và phẩm vật gởi đến cho MTTQVN và hội Chữ Thập Đỏ để cứư trợ cho các nạn nhân, số tiền cứu trợ này tổng cộng lên tới 25,404 tỉ đồng tiền mặt và 1.170 tấn gạo, cùng nhiều hàng hóa khác quy thành tiền đưọc khoảng 572,62 triệu đồng. Tuy nhiên chỉ một phần nhỏ của số tiền và tặng phẩm cứu trợ đó đến tay một số ít gia đình nạn nhân, còn tất cả đi đâu chỉ có các quan chức nhà nước biết. Nay thì thú nhận rằng sở dĩ chuyện đó xảy ra là do có những quyết định chi số tiền này ‘‘sai mục đích’’ chứ cũng không nói là đã chạy vào túi cán bộ, quan chức.

Tại buổi làm việc ngày 23 tháng 11 năm 2006, Bí thư tỉnh ủy Hà Tỉnh là ông Trần Đình Đàn thừa nhận những thiếu sót, khuyết điểm vi phạm trong quản lý nguồn cứu trợ như huyện đã lấy 1 tỉ đồng (sic !) tiền cứu trợ để đền bù giải phóng mặt bằng, cấp phát sai 20 tấn gạo (?), có một số xã dùng tiền cứu trợ để trả nợ cũ về xây dựng cơ bản, chi hành chính, mua sắm tài sản. Sau khi thực hiện trợ cấp xã hội, số gạo còn lại (không nói rõ bao nhiêu tấn) đem bán lấy tiền chi giao thông, thủy lợi, chi hành chính phục vụ cứu trợ.

Việc giải trình như thế mà ông Phạm Thế Duyệt lại hoan nghênh thái độ nhìn thẳng vào sự thật để rút ra những kinh nghiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết việc cứu trợ cho những lần sau. Kết thúc buổi làm việc, ông Duyệt chỉ đề nghi những cán bộ có trách nhiệm cần nghiêm túc hơn khi nhận trách nhiệm về việc để xảy ra những thiếu sót trong việc sử dụng nguồn tiền cứu trợ cho đồng bào gặp nạn, vì nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của chính quyền đối với dân.

Ngay đến báo chí ở trong nước, cũng là công cụ của đảng và nhà nước mà còn lên tiếng đề nghị là nên mở rộng cơ quan tiếp nhận cứu trợ vì nó sẽ huy động được nhiều nguồn lực xã hội quyên góp cho đồng bào thiên tai hơn là chỉ giao cho Ủy ban Trung ương MTTQ và hội Chữ thập đỏ VN. Thế nhưng đại diện bộ Tài chính thì phán rằng nếu mở rộng phương cách tiếp nhận thì khó đảm bảo nguyên tắc công bằng trong phân bổ nguồn cứu trợ. Còn đại diện Văn phòng chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương thì nói rằng cần phải quản lý chặt chẽ kênh phân bổ tiền cứu trợ. Tất cả tiền cứu trợ mà các báo, tổ chức huy động được thì phải chuyển về cho Ủy ban MTTQ hoặc hội Chữ thập đỏ VN. Hai đầu mối này sẽ có điều kiện để phân bổ cho công bằng.

Phải hiểu chữ công bằng ở đây là công bằng đối với sự ăn chia giữa những cán bộ và quan chức nhà nước từ trung ương đến địa phương chứ các nạn nhân hễ qua tay nhà nước là coi như chẳng nhận được gì. Điều này không cần nói nữa vì ai cũng thấy rõ như vậy.