Tiến Trình Lập Pháp Của Quốc Hội

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Nhiệm vụ chính yếu của Quốc Hội là “lập pháp”.

Nhưng “lập pháp” không chỉ có nghĩa là “làm ra luật”, bởi lẽ ngoài bổn phận “làm ra luật”, Quốc Hội còn có nhiệm vụ không kém quan trọng là

- định hướng đường lối lãnh đạo Quốc Gia,
- kiểm soát cách hành xử quyền lực của Chính Quyền,
- chấp thuận cho phép Chính Quyền hoạt động bằng “lá phiếu tín nhiệm” Chính Quyền và đuờng lối chính trị của Chính Quyền vừa lúc mới được thành lập,
- cũng như Chính Quyền sau đó chỉ có thể tồn tại đến lúc nào Quốc Hội không tỏ ý “bất tín nhiệm”.

Các hành động trên của quốc Hội nhằm mục đích sao cho đường lối và phương thức hoạt động của Chính Quyền đáp ứng lại lý tưởng, ước vọng và nhu cầu của Quốc Gia.

Kế đến trong động tác “làm ra luật” hay “lập pháp”, không phải chỉ có Quốc Hội cán đáng hết mọi việc từ đầu đến cuối để “làm ra luật”, bởi lẽ nhiều chủ thể khác trong thể chế Nhân Bản và Dân Chủ cũng được Hiến Pháp tiền liệu cho khả năng đề xướng dự án luật.

Như vậy, trọng trách “lập pháp” của Quốc Hội, cơ chế được dân chúng tin tưởng giao vận mệnh đất nước trong tay, không ai có thể thay thế được, đúng hơn là “chuẩn y hay bác bỏ” những dự án luật, đáp ứng hay không đáp ứng lý tưởng Quốc Gia được Hiến Pháp xác định, hướng dẫn và kiểm soát đường lối chính trị Quốc Gia đáp ứng hay không đáp ứng ước vọng và nhu cầu của người dân.

Những gì vừa kể, chúng ta đã có dịp đề cập đến trong bài “QUỐC HỘI KIỂM SOÁT ĐƯỜNG LỐI LÃNH ĐẠO QUỐC GIA”.

Luật pháp mà Quốc Hội xử dụng quyền “làm ra luật” của mình tạo nên rất bao quát, gồm nhiều lãnh vực bao gồm cả cuộc sống Quốc Gia,

-  từ những đạo luật trừu tượng nói lên tinh thần của Hiến Pháp làm định hướng và khuôn sường cho nền luật pháp Quốc Gia ( Modugno V., voce Legge in generale, Enc. di Dir,XXIII, Milano 1973, 885),
-  đến các đạo luật về hành chánh, định hướng chính tri cho các cơ quan hiến định, liên quan đến ngân sách và chương trình tài trợ và phát triển kinh tế, cho phép và chuẩn y các thoả ước quốc tế, trao quyền cho Hành Pháp trong các điều kiện cá biệt…( Mortati C., Istituzione di diritto pubblico, Cedam, Padova 1969, II, 669).

Với đề tài của bài viết hôm nay chúng ta chỉ chú tâm xem “tiến trình lập pháp” của Quốc Hội, từ lúc dự án được suy nghĩ ra đến lúc hoàn tất và ban hành như là đạo lực có hiệu lực bắt buộc phải thi hành.

Tiến trình vừa kể, trong một nước dân chủ, một cách tổng quát đều phải qua các giai đoạn:

-  khởi xương,
-  tìm hiểu,
-  bàn cải,
-  bỏ phiếu quyết định,
-  kiểm soát bổ túc
-  và ban hành.

Giữa các giai đoạn tổng quát vừa kể, nhiều khi còn có những tiểu giai đoạn phụ túc nhằm bảo đảm cho đạo luật đang bàn đáp ứng lại lý tưởng được Hiến Pháp tuyên bố và ước vọng của cuộc sống Quốc Gia hết sức có thể ( Langrod G., Quelques aspects de la procedure parlementaire en France, en Italie, en Alle magne fédérale, RIDC, 1952-1953).

Về phương diện chính trị, tiến trình “lập pháp” ( hay làm ra luật) của Quốc Hội là những động tác Quốc Hội đáp ứng lại nhu cầu xã hội bằng luật pháp để hướng dẫn và điều hành nhằm đạt được kết quả.

Tiến tình “lập pháp” được khởi đầu bằng khi một nguyện vọng hay nhu cầu xã hội nào đó cần được Quốc Hội can thiệp, giải đáp bằng định chế bằng pháp luật, bước qua giai đoạn chấp thuận đạo luật ( hay không chấp thuận, “chuẩn y hay bác bỏ”) và phổ biến, ban hành để áp dụng.

1- Đặc tính của một dự án luật.

Muốn soạn thảo dự án luật, cần phải có khả năng chuyên biệt, không những để bảo đảm cho văn bản hợp với định hướng chính trị Quốc Gia mà Quốc Hội được ủy thác cho lãnh đạo, mà còn phải viết thành văn bản luật pháp chính xác dưới khía cạnh chuyên môn ( Cerviati A., Metodi e tecnica delle legislazione in alcuni recenti orientamenti della dottrina di lingua tedesca, V, Firenze 1985, 280).

Thể thức các văn bản luật pháp, trong thời gian khởi xướng dự án cũng như các đạo luật được “chuẩn y” chung quyết đều phải có đặc tính trong sáng rõ ràng, hợp lý, cách dùng từ ngữ và bố cục các điều khoản luật phải hợp lý, đáp ứng lại các quan niệm được định chế Quốc Gia chấp nhận.

Các văn bản dự án luật không đáp ứng những đặc tính vừa kể là những văn bản hàm chứa những quan niệm sai lạc và từ ngữ tối nghĩa, nghịch lý, đề cập hay trích dẫn những đạo luật hoặc văn bản đã bị cắt bỏ, cấu trúc rời rạc, rối loạn…

Dự án luật loạn xạ như vừa kể có thể tạo ra những hậu quả nguy hại cho đặc tính chắc chắn của luật pháp và ảnh hưởng đến mối quân bình giữa Lập Pháp và Tư Pháp, đó là chưa kể đến Hành Pháp.

Một đạo luật không được soạn thảo rỏ ràng làm gia tăng bất thường vai trò của vị thẩm phán là người có trách nhiệm “cắt nghĩa luật” và áp dụng luật trong tiến trình quy trách trong việc xử kiện. Và từ đó, vị thẩm phán có thể tự do cắt nghĩa, lấy ý mình làm ý Quốc Hội gán cho đạo luật mà ông có trong tay.

Sữa chữa những sai lầm và thiếu sót.

Những gì chúng tôi vừa đề cập trên đối với nhiều văn bản pháp luật không phải chỉ là những lý luận trên lý thuyết hay giả tưởng.

Nhiều đạo luật được viết ra, nhứt là những điều khoản luật được viết ra trong quá khứ, dưới một thể chế khác, không còn hợp với quan niệm sống của Quốc Gia trong hiện tại. Bởi đó nhiều định chế Quốc Gia tiền liệu và quy trách cho một vài cơ quan được đề cử, có quyền “cập nhật hoá” những bất toàn của nhiều văn bản luật pháp trong quá khứ.

-  Ở Áo, đạo luật 01.07.1981, tu chính điều 49 Hiến Pháp, ủy thác cho Thủ Tướng Liên Bang nhiệm vụ duyệt xét lại các văn bản luật pháp.
-  Ở Cộng Hoà Liên Bang Đức, đạo luật 15.10.1976 giao bổn phận vừa kể cho các Bộ liên hệ, thực thi chỉ thị của Hiến Pháp 1949.
-  Ở Thụy Sĩ, đạo luật 1976, giao cho Thủ Tướng Liên Bang có bổn phận canh tân các văn bản luật pháp.
-  Ở Ý, đạo luật 24.02.1986 Thủ Tướng Chính Phủ và đạo luật 16bis của nội quy Hạ Viện năm 1997 thiết lập “ủy ban lập pháp” có nhiệm vụ duyệt xét lại phẩm chất và cấu trúc đúng đắn của các văn bản pháp luật ( De Verggottini G., Diritto Costituzionale Comparato, V ed., Cedam Padova 1999, 603).

2 – Đề xướng soạn thảo dự án luật.

Khởi đầu của tiến trình đề xướng soạn thảo dự án luật là động tác chính thức trình diện một văn bản được viết thành điều khoản, tiểu đoạn, chương mục…,nói lên ước vọng và đòi hỏi của Cộng Đồng Quốc Gia hay của một vài thành viên, yêu cầu Quốc Hội can thiệp bằng luật pháp, nhằm đáp một vài vấn đề hay lãnh vực nào đó.

Một khi Quốc Hội nhận được và bắt đầu duyệt xét là tiến trình lập pháp có thể được coi là bắt đầu thực hiện dự án luật đang bàn.

Quyền đề xướng đưa ra dự án luật, ngoài ra các thành viên của Quốc Hội ( cá nhân hay tập thể các khối khuynh hướng chính trị trong Quốc Hội ) còn có Chính Phủ, các cộng đồng địa phương , các tiểu bang thành viên, các tổ chức quốc tế ( LHQ, Cộng Đồng Âu Châu), các nhóm cử tri với lượng số được Hiến Pháp tiền liệu…

* Trong nội bộ Quốc Hội:

-  Ở Ý, điều 79 nội quy Thượng Viện khuyến khích các nhóm chính trị khác nhau đề xướng dự án, như vậy có thể thu ngắn thời gian bàn cải dự luật; điều 80 nội quy Thượng Viện xác định nếu có 2/3 thành viên của một Ủy Ban Quốc Hội yêu cầu.
-  Ở Áo, có ít nhứt 8 thành viên Quốc Hội.
-  Ở Hoa Kỳ, điều 1, tiết 7 Hiến Pháp 1787 dành quyền khởi xướng cho hai Viện Quốc Hội. Chính Phủ không có quyền đề xướng dự án luật, nhưng có quyền yêu cầu Quốc Hội can thiệp bằng luật pháp. Tổng Thống chuyển đến Chủ Tịch (Speaker) Hạ Viện hay Chủ Tịch Thượng Viện bản văn yêu cầu. Và một khi bản văn được một thành viên Quốc Hội (Congress) tiếp nhận, thường là vị Chủ Tịch của một Ủy Ban, biến văn bản yêu cầu của Tổng Thống thành bản văn khởi thảo của chính Ủy Ban mình, bản văn được coi là dự án luật với tất cả giá trị của nó và tiến trịnh dự thảo sẽ được bắt đầu.

Chính Quyền là cơ quan đầu nảo của nền hành chánh Quốc Gia, hiểu rõ nhu và định giá được các phương thức cần thiết phải áp dụng để đáp ứng, và đã là cơ quan đứng ra thực thi đường lối chính trị Quốc Gia mà Chính Quyền đã hoạch định, khi trình diện trước Quốc Hội để được tín nhiệm.

Do đó Hiến Pháp dành cho Chính Quyền quyền đề xướng dự án luật là cách suy nghĩ và hành xử hợp lý và tự nhiên.

Trong trường hợp Chính Quyền được thành lập do thành phần đa số qua cuộc bầu cử, chính đảng đa số đương quyền vừa chiếm vai trò lãnh đạo trong Chính Phủ, vừa chiếm đa số trong Quốc Hội, Chính Phủ có thể cấu kết với Quốc Hội hành xử “vừa lập pháp, vừa hành pháp” tùy hỷ: Chính Quyền có thể dùng quyền đề xướng của mình và chắc chắn được Quốc Hội bồ nhà đồng thuận tuân theo để thực thi đồ án của mình.

Đồ án lợi ích cho đất nước hay chỉ lợi ích cho phe phái đảng trị, đó là chuyện khác ( Di Palma G., Sopravivere senza governo. I partiti nel parlamento italiano, Zanichelli, Bologna 1978, 85s).

Để tránh tình trạng chính đảng đa số vừa hành xử quyền lực Quốc Gia trong Chính Quyền vừa chiếm đa số trong Quốc Hội có tể cấu kết nhau “cả vú lấp miệng em” vừa “lập pháp” vừa “hành pháp” tha hồ tùy hỷ đảng trị, phe phái, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức dành quyền cho chỉ cần Chính Quyền của một Tiểu Bang hay 1/3 thành viên Hạ Viện cũng có quyền yêu cầu Viện Bảo Hiến duyệt xét tính cách hợp hiến hay vi hiến của đạo luật (điều 93, đoạn 2).

- Ở Anh, quyền đề xướng dự án luật dường như được dành độc quyền cho Chính Phủ (Government Bills) ( Hood Philips O. and Jackson, op. cit, 211).
- Ở Cộng Hoà Liên Bang Đức, điều 76, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1949 giao cho Chính Quyền có quyền đề xướng dự án luật và ảnh hưởng đến cả Hạ Viện trong trường hợp khẩn trương, với sự đồng thuận của Thượng Viện.
- Ở Ý, điều 71, đoạn 1 cho Chính Quyền có quyền đề xướng dự án luật, nhưng phải được Tổng Thống cho phép ( điều 87, đoạn 4 Hiến Pháp 1947). Trong một vài lãnh vực dĩ nhiên là chỉ có Chính Quyền mới có thẩm quyền đề xướng, như ngân sách Quốc Gia (điều 81, đọan 2 Hiến Pháp 1947), hoán cải các nghị định thành đạo luật (điều 77, đoạn 2, id.).

* Từ các chủ thể ngoài Quốc Hội:

-  Ở Ý, điều 121 Hiến Pháp 1947 dành cho các Vùng ( Regioni); điều 99, đoạn 3, id., dành quyền cho các tổ chức xã hội trung gian đại diện cho nhu cầu và ước vọng của xã hội.
-  Ở Tây Ban Nha, điều 87, đoạn 2 Hiến Pháp 1978,các Vùng có quyền đề xướng dự thảo luật.
-  Ở Thụy Sĩ, điều 93, đoạn 2 Hiến Pháp 1874 dành quyền đề xướng cho các Tiểu Bang thành viên.
-  Ở Cộng Hoà Liên Bang Đức, điều 76, đoạn 1 và 3 Hiến Pháp 1949 dành quyền đề xướng cho cả Thượng Viện ( Bundesrat), Viện Quốc Hội đại diện cho quyền lợi địa phương.
-  Tu chính án Hiến Pháp 1977 của Thụy sĩ cho phép 100.000 cử tri có quyền đề xướng dự thảo luật; điều 71, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý và điều 48, 1 đạo luật số 325 ngày 25.5.1970 cho phép 50.000 cử tri ( De Vergottini G., op. cit., 607).

Riêng trong lãnh vực Quốc Hội, quyền khởi xướng dự án luật có thể là quyền của mỗi nghị viên, cũng như của một nhóm tối thiểu các nghị viên được Hiến Pháp tiền liệu, nhằm bảo đảm cho dự án được một số nghị sĩ đáng kể tán đồng trong lúc khởi xướng, cũng như có khả năng được đa số dân biểu trong Quốc Hội bỏ phiếu tán đồng trong cuộc bỏ phiếu chung quyết, trước khi ban hành.

c) Điều tra và nhiệm vụ của các ủy ban.

Trước khi được bỏ phiếu chấp thuận, bản văn dự thảo phải trải qua giai đoạn chuẩn bị, trong đó Quốc Hội xử dụng các cơ quan trong nội bộ, giao việc cho các ủy ban liên hệ từng lãnh vực để cứu xét.

Trên nguyên tắc thì Quốc Hội trong các phiên họp có quyền ưu tiên hơn các ủy ban trong việc chuẩn định để đi đến biểu quyết.

Quốc Hội trong các phiên họp duyệt xét sơ qua và đưa ra những quyết định tổng quát chỉ thị cho các ủy ban, sau đó các vấn đề chi tiết được các ủy ban chuyên môn cứu xét (Anh Quốc, Úc, Gia Nã Đại và Tân Tây Lan, Ái Nhĩ Lan).

Vai trò ưu tiên của các phiên họp Quốc Hội so với các ủy ban được thể hiện do việc “đọc ba lần” bản văn , sau mỗi lần được điều chỉnh, ở các Quốc Hội theo khuôn mẫu Anh Quốc.

Trong quá khứ, dự án luật phải được đọc ba lần, đọc và cắt nghĩa, bởi vì phần lớn các đại biểu của Hạ Viện Anh Quốc hay “Nhà của Làng Xã Thôn Ấp” ( House of Commons), thường là nông dân không biết chữ, nên phải đọc và cắt nghĩa “năm lần bảy lược” như vậy, để cho các đại biểu nghe “thấu tai”.

Mặc dầu đến sau, các đại biểu là những tiến sĩ, luật gia, giáo sư đại học, người Anh vẫn không muốn bỏ đi truyền thống mà nhờ đó tinh thần dân chủ của họ được bảo đảm qua nhiều thế kỷ.

Như vậy đọc ba lần:

* đọc lần thứ nhứt, đọc ở Hạ Viện ( House of Commons) để loan báo và phân phát bản văn cho mỗi nghị viên.

* đọc lần thứ hai, người trình diện bản văn hỏi ý kiến Hạ Viện đang họp xem Hạ Viện có dự định tiếp bàn cải tiếp theo hay giao dự án cho một ủy ban đặc trách, sau khi Hạ Viện xác định những định hướng căn bản phải có và thiết định phương thức đưa ra các tu chính án sửa đổi: các tu chính án quan trọng phải được ủy ban của cả Quốc Hội đồng thuận ( Committee of the Whole House) và các tu chính án khác chỉ cần do ủy ban thường trực ( Standing Committee ).

* đọc lần thứ ba, để duyệt xét lần cuối cùng xem kết quả bản văn đã được các ủy ban sửa đổi thế nào. Thường thì chỉ cứu xét những đường nét chính chớ không mấy khi tranh cải và kế đến bước sang giai đoạn bỏ phiếu quyết định.

Ở các Quốc Gia không theo khuôn mẫu Anh Quốc, trong giai đoạn chuẩn bị các ủy ban đặc trách chiếm vai trò rất quan trọng, nhứt là ủy ban thường trực.

Ở Hoa Kỳ, và ở hầu hết các quốc gia đại nghị chế Âu Châu, Do Thái và Nhật, thường thì Quốc Hội được tổ chức thành nhiều ủy ban chuyên môn.

Các Ủy ban có quyền hạn rộng rãi và quyết định đối với văn bản được cứu xét. Thường thì ủy ban hay các ủy ban đặc nhiệm duyệt xét sơ khởi văn bản, có quyền yêu cầu tu chính hay sửa đổi, để đi đến bản đúc kết cuối cùng trước khi tường trình trong các phiên họp Quốc Hội để biểu quyết.

Các ủy ban thường trực ở Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng đến tiến trình của dự án. Mặc dầu không có thẩm quyền quyết định, nhưng các ủy ban có thể làm cho thởi gian bị “ngâm tôm” để duyệt xét trong thời gian vô hạn định và cuối cùng làm cho dự án bị “sa thải”.

Trong thời gian chuẩn bị (để được bỏ phiếu chấp thuận), thường có những giai đoạn “lắng nghe” (hearings), thời gian các ủy ban dùng để thu thập thêm nhiều tin tức, dữ kiện và hiểu biết, từ thành viên của Chính Quyền cũng như những người ngoại cuộc.

Nhiều Hiến Pháp dành cho ủy ban đặc trách của Quốc Hội có thẩm quyền như là những cơ quan điều tra tư pháp (Ý Quốc, điều 72, đoạn 1 Hiến Pháp 1947; Pháp Quốc, điều 43 Hiến Pháp 1958; Thụy Điển, điều 3, đoạn 2 chương IV và điều 6, chương VIII, Hiến Pháp 1975), có quyền triệu tập và bắt buộc các chủ thể liên hệ hay có tầm hiểu biết về vấn đề phải đến tường trình trước ủy ban.

Các ủy ban có thể chọn người đại diện để tường trình việc làm của ủy ban trong các phiên họp của Quốc Hội, để tường trình kết quả việc làm của ủy ban và lãnh ý thêm Quốc Hội liên quan đến vấn đề ( Gorge G., Les pouvoirs des rapporteurs des commissions parlementaires, in Mélanges G. Burdeau, Paris 1977, 441ss).

d) Chuẩn y.

Cuộc thảo luận “lập pháp” trong các phiên hợp Quốc Hội có thể dùng nguyên bản khởi thủy được những ai có quyền đề xướng trình diện Quốc Hội hay bản văn được các ủy ban sửa đổi.

Trong trường hợp dùng bản chính khởi thủy, bản sửa chửa của các ủy ban sẽ là bản đối chiếu.

-  Trước hết phiên họp sẽ khởi đầu bằng những cuộc tranh luận tổng quát, liên quan đến cả vấn đề toàn bộ được văn bản dự án luật đề cập, “ngân sách Quốc Gia cho năm tới” chẳng hạn. Các cuộc tranh luận sẽ được kết thúc bằng cuộc bỏ phiếu để “chuẩn y hay bác bỏ” chương trình tổng quát của dự án luật.
-  Kế đến, nếu cuộc bỏ phiếu có kết quả “đồng thuận chuẩn y”, các phiên họp kế tiếp của Quốc Hội sẽ chuyên về các điều khoản chi tiếc và bỏ phiếu từng điều khoản hay tiểu đoạn, đối chiếu với các tu chính án khác có thể xảy ra hay các tu chính án của bản văn sửa đổi của các ủy ban so với nguyên bản.
-  Sau cùng là cuộc bỏ phiếu chung kết dự án đã được đệ trình và sửa chửa. Bản đúc kết và được bỏ phiếu chấp thuận sẽ được Chủ Tịch Quốc Hội công khai và long trọng tuyên bố “chuẩn y”.

Như vậy, dù “đọc ba lần” theo khuôn mẫu Anh Quốc hay tranh luận tổng quát, bàn thảo chi tiếc từng điều khoản và bỏ phiếu chung kết ở các định chế khác, tiến trình “lập pháp” để đưa đến quyết định sau cùng “chuẩn y hay bác bỏ” của Quốc Hội, đều nhằm tạo được cho đất nước những điều khoản luật hợp với lý tưởng của thể chế do Hiến Pháp xác định, đáp ứng lại nguyện vọng và nhu cầu của đất nước.

e) Các tiến trình khẩn trương và quyết định tản quyền. Thường khi, ngoài ra những tiến trình bình thường như chúng ta vừa duyệt qua ở trên, hầu như mọi định chế còn tiền liệu những phương thức lập pháp khi nhu cầu khẩn cấp đòi hỏi để đáp ứng với tình thế, là những thể lệ với thể thức đơn giản.

Để đáp ứng với các nhu cầu khẩn cấp, thường thì Hiến Pháp giao cho các ủy ban bàn thảo và quyết định luôn để đưa ra thi hành các đạo luật mà theo thể thức thông thường thuộc quyển duyệt xét và quyết định của Quốc Hội nhóm họp.

-  Ở Ý, điều 72, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 cho phép Quốc Hội “xác định trong trường hợp nào và hình thức nào có thể duyệt xét và chấp thuận các dự án luật sẽ được giao cho các ủy ban, cả những ủy ban thường trực, làm thế nào vẫn giữ được tỷ lệ của các nhóm dân biểu”.
-  Ở Tây Ban Nha, điều 75, đoạn 2 và 3 cho phép Quốc Hội ủy quyền cho các ủy ban thường trực chuẩn y các dự án luật, trừ ra khi nào cần có sự can thiệp của các phiên họp Quốc Hội, và dành cho các phiên họp những đạo luật quan trọng về chính hướng.
-  Ở Cộng Hoà Liên Bang Đức, tu chính án 1968 điều 53a thiết lập một “ủy ban thường trực Lưỡng Viện Quốc Hội” ( Gemeinsamer Ausschuss), trong tình trạng “lập pháp khẩn trương” hay “tình trạng khẩn trương quốc phòng”, được hành xử quyền duyệt xét và chuẩn y các dự án luật có giá trị như những gì đã được giao cho Quốc Hội ở điều 115 Hiến Pháp 1949) (Amman H., Verfassungsrechtliche Probleme des gemeinsamen Ausschuses nach Art 53°, 1 GG, 1971).

f) Trưng cầu dân ý.

Việc chuẩn y sau cùng trước khi được ban hành cần phải qua các cuộc cuộc trưng cầu dân ý, đối với những đạo luật quan trọng.

Chỉ có sau cuộc trưng cầu dân ý, đạo luật mới được coi là “được chuẩn y” vĩnh viễn, nếu không do một cuộc trưng cầu dân ý khác quyết định thu hồi.

g) Tái kiểm soát sau khi chuẩn y.

Sau khi Quốc Hội bỏ phiếu tín nhiệm bản văn pháp luật còn phải qua giai đoạn tái kiểm soát, trước khi được công bố và bắt đầu có hiệu lực.

Bản văn luật pháp được Quốc Hội chuẩn y có thể được kiểm chứng xem có tính cách hợp hay vi hiến bởi một cơ quan đặc trách đảm nhận.

-  Ở Pháp, trước khi được công bố, văn bản của các luật cơ bản ( lois organiques) được Hội Đồng Bảo Hiến ( Conseil Constitutionnel) duyệt xét, điều 46 Hiến Pháp 1958. Các văn bản của các luật khác sẽ phải nhờ đến Hội Đồng Bảo Hiến, nếu được các cơ quan có thảm quyền yêu cầu (Terneyre Ph., La procédure legislative ordinaire dans la jurisprudence du Conseil Constitutionnel, RDPSP, 1986, p. 619).

Dĩ nhiên là ngoài phận sự kiểm soát tính cách hợp hiến của Hội Đồng Bảo Hiến như vừa kể, văn bản luật cũng được đệ trình lên vị Nguyên Thủ Quốc Gia, để ông chuyển giao cho Chính Quyền.

Trong nhiều định chế, Hiến Pháp tiền liệu văn bản luật phải được chuyển đến Chính Quyền, vì Hiến Pháp nhìn nhận Chính Quyền cũng là một cơ quan có phận sự kiểm soát các đạo luật , xem trong phần chuẩn bị và bỏ phiếu quyết định của Quốc Hội và các ủy ban liên hệ, có khiến cho văn bản trở thành lệch lạc, không có khả năng đáp ứng lại nhu cầu của xứ sở mà mình yêu cầu Quốc Hội can thiệp bằng luật pháp chăng. Và bởi gì chính Chính Quyền là cơ quan có bổn phận phải chịu trách nhiệm thừa hành, nếu đạo luật không đáp ứng nhu cầu, áp dụng đạo luật lệch lạc, không có cách gì đạt được kết quả.

Sau phần tái kiểm soát vừa kể, đạo luật có thể coi là hoàn toàn có hiệu lực và được công bố ( Jèze G., La Promulgation des lois, RDPSP, 1918, p. 378).

-  Tuyên bố văn bản đạo luật thuộc thẩm quyền của vị Nguyên Thủ Quốc Gia (Ý, điều 73,1 Hiến Pháp 1947; Cộng Hoà Liên Bang Đức, điều 77, 2 Hiến Pháp 1949; Pháp, điều 10, 2 Hiến Pháp 1958; Tây Ban Nha, điều 91, Hiến Pháp 1978).
-  Trước khi công bố vị Nguyên Thủ Quốc Gia hay Chính Phủ có thể dùng quyền “tạm ngưng” của mình để yêu cầu duyệt xét lại văn bản luật mà mình chưa thỏa mãn (Ý, điều 74, Hiến Pháp 1947; Cộng Hoà Liên Bang Đức, điều 77, 2 Hiến Pháp 1949; Pháp, điều 10,2 Hiến Pháp 1958 ).
-  Lý do được yêu cầu tái cứu xét văn bản luật như vừa kể, được dựa trên tính cách bất hợp hiến của văn bản. Nhưng nếu Quốc Hội lại bỏ phiếu đồng thuận chuẩn y, vị Nguyên Thủ Quốc Gia bắt buộc phải tiến hành thủ tục công bố đạo luật ( điều 77, đoạn 4 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức). Ở Hoa Kỳ, Tổng Thống có quyền từ chối ký tên xác nhận và bản văn sẽ được trả lại cho Quốc Hội ( Congress). Nhưng nếu Quốc Hội lại bỏ phiếu đồng thuận một lần nữa với 2/3 số phiếu, Tổng Thống bắt buộc phải tuân theo quyết định của Quốc Hội (điều 1, mục 7, 2 Hiến Pháp 1978).

h) Vai trò lập pháp của Chính Phủ.

Như trên đã nói nhiệm vụ “lập pháp” của Quốc Hội không phải chỉ là “làm ra luật”, mà đúng hơn là “chuẩn y hay bác bỏ” các dự án luật đáp ứng hay ngược lại nhu cầu và ước vọng của đất nước, bởi lẽ vai trò “làm ra luật” (đề xướng và soạn thảo ra dự án luật) được các Hiến Pháp dân chủ tiền liệu dành cho nhiều chủ thể khác nhau, trong đó có các nghị sĩ thành viên Quốc Hội, Chính Quyền, các Cộng Đồng Địa Phương ( Vùng, Tỉnh, Quận), các tổ chức xã hội trung gian ( nghề nghiệp, giáo dục, tôn giáo…) và một tập hợp cử tri từ 50.000 -100.000 người, tùy định chế của mỗi Quốc Gia đòi hỏi.

Nói một cách tổng quát thì những đạo luật do Quốc Hội đề xướng là những “đạo luật cơ bản” (lois organiques) và “tiên khởi” ( primaires) nhằm thực thi lý tưởng và đường lối chính trị Quốc Gia được Hiến Pháp xác định.

Nhưng từ những đạo luật cơ bản và tiên khởi như vừa kể, để áp dụng vào thực tế, cuộc sống Quốc Gia cần có những đạo luật ở đẳng cấp hai ( secondaires) để áp dụng vào các hoàn cảnh và trường hợp cá biệt, thiết thực.

Những đạo luật thiết thực đi liền với thực tế, không ai có thẩm quyền và kinh nghiệm để soạn thảo ra hơn là Chính Quyền, chủ thể đụng chạm trong cuộc sống hằng ngày với những thực tại của đất nước cần giải quyết.

Điều đó cắt nghĩa tại sao chúng ta nghe thấy đó đây các nghị định, sắc lệnh, nghị quyết…được Chính Phủ ban hành.

Dĩ nhiên là các nghị định, sắc lệnh, nghị quyết…vừa kể là những đạo luật ở đẳng cấp hai, không thể có hiệu lực luật định, nếu đi ra ngoài hay ngược lại tinh thần của các đạo luật cơ bản và tiên khởi của Quốc Hội.

Nói cách khác, các nghị định, sắc lệnh, nghị quyết… của Chính Phủ phải được Quốc Hội, cơ quan dân cử và là tiếng nói của dân chúng đồng thuận “chuẩn y” mới có hiệu lực được áp dụng.

Quốc Hội vẫn là cơ quan “lập pháp” thượng đẳng “chuẩn y”, mặc dầu các đạo luật ở đẳng cấp hai do Chính Phủ “lập ra” ( Palini di Suini E., La funzione normativa tra governo e parlamento. Profili di diritto comparato, Padova 1988).

Với tiến trình chúng ta vừa lượt qua, chúng ta thấy rằng giữa Quốc Hội và Chính Phủ cần có những thủ tục được tiền liệu, để cho tiến trình “lập pháp” của Quốc Hội và của Chính Phủ không trái ngược nhau:

Quốc Hội cho phép Chính Phủ thi hành quyền “lập pháp” bằng thể thức giao cho (delega) Chính Phủ được quyền thiết định một đạo luật cố định hay một số đạo luật trong lãnh vực hạn định nào đó và với những điều kiện phải tuân theo trong khi soạn thảo, kiểm soát, công bố cũng như áp dụng ( Galgagno S., Le delegazioni legislative generali in alcune legislazioni straniere, in Rivista di Diritto Civile, 1920, p. 105).

* Ở Ý,
-  Điều 76 Hiến Pháp 1947 Ý tiên liệu thể thức Quốc Hội giao quyền cho Chính Phủ cùng với các nguyên tắc, tiêu chuẩn và giới hạn trong thời gian và vào lãnh vực hạn định. Chính Phủ có soạn thảo, kiểm soát, công bố và áp dụng các nghị định có giá trị luật pháp ( decreti-leggi), không cần phải được Quốc Hội duyệt xét và chuẩn y, nhưng theo thông lệ các tiến trình vừa kể luôn luôn được các ủy ban Quốc Hội theo dõi và tường trình lên Quốc Hội mỗi khi cần.
-  Điều 72, 2 và 3 Hiến Pháp 1947 Ý cũng tiền liệu cho Chính Phủ có quyền ban nghị định, sắc lệnh…không cần được Quốc Hội cho phép trước, nhưng các văn bản vừa kể của Chính Quyền phải được Quốc Hội kiểm soát và chuẩn y sau khi ban hành, khi trường hợp khẩn cấp và cần thiết đòi buộc ( Di Ciolo V., Questioni in tema di decreti-legge, I, Milano 1970).

* Ở Cộng Hoà Liên Bang Đức,

- Điều 80, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 tiền liệu cho Quốc Hội quyền chuyển giao cho Chính Phủ Liên Bang (Bund), mỗi Bộ Trưởng hay Chính Quyền các Tiểu Bang ( Laender) có quyền công bố các sắc lệnh trong giới mức của mục đích và nội dung được luật pháp tiền định.

- Đoạn 2 của cùng một điều khoản thiết định rằng trong một vài trường hợp, các Tiểu Bang liên hệ phải được Thượng Viện ( Bundesrat ) đồng thuận mới có thể áp dụng nghi định, sắc lệnh…được Quốc Hội cho phép ban hành ( Kuechenhoff E.; Zustaendigkeitsmangel in der Rechtsverornungspraxis der Bundesregierung und der Bundesminister, AoeR, 1953-1954, p. 226).

Dĩ nhiên khi có nhu cầu cấp thiết đòi buộc, Chính Quyền Liên Bang, Chính Quyền Các Tiểu Bang và các chủ thể liên hệ khác có thể hành xử như những gì vừa nói của điều 72, 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc ( Panetta A., Profili comparati dell’istituto del decreto-legge. Rassegna di alcuni ordinamenti costituzionali europei. SPPC, 1982, p. 53ss).

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Thông báo (trái) của cơ quan an ninh điều tra Hà Nội bắt tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh (phải) và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2. Ảnh: Sài Gòn Nhỏ

Tiếp tục giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, Hà Nội muốn nói điều gì?

Hà Nội đã im lặng hành động, thay cho một tuyên bố sắc lạnh, rằng các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân liên kết với nhau sẽ không có giá trị gì với bộ máy đàn áp đang có quá nhiều lợi thế. Trước sự sững sờ của mọi người, ngày 22/3, công an đã tới viện pháp y tâm thần để đưa quyết định kéo dài thời gian tạm giam thêm đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh, và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2.

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.