Tiểu Thương Chợ Đồng Xuân Hà Nội Bãi Thị

Vào tháng 7/2004, các chủ sạp tại chợ Đồng Xuân đã đồng loạt ngưng bán hàng trong nhiều ngày để yêu cầu phải giảm tiền thuê sạp (Hình báo Nhân Dân)

Vì không chấp nhận việc tăng giá thuê sạp của công ty Đồng Xuân đưa ra đã khiến cho 70 chủ sạp ở mặt tiền phía Cầu Đông, Hàng Khoai tuyên bố bãi thị để phản đối. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân bãi thị. Năm 2004, các chủ sạp tại chợ Đồng Xuân đã đồng loạt ngưng bán hàng trong nhiều ngày để yêu cầu phải giảm tiền thuê sạp từ 215 triệu/Sạp/60 tháng xuống còn 153 triệu / sạp/ 60 tháng. Tuy nhiên theo chủ các sạp cho biết thì giá đó vẫn tăng tới 50% so với mức cũ (tháng 7/1999).

Chợ Đồng Xuân hiện được một công ty cổ phần Đồng Xuân quản lý. Nói là cổ phần chứ nhà nước bỏ tiền ra chiếm đa số vốn, nên mọi việc thuê mướn, giá cả đều được quyết định bởi các ban ngành trong Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt. Theo tin tức thì vào ngày 20 tháng 1 vừa qua, ban quản lý chợ Đồng Xuân đã đưa ra bản điều chỉnh giá thuê sạp từ năm 2005 đến năm 2008 tăng lần lượt 25% và 50% so với mức trước đó. Tuy nhiên theo các chủ sạp thì cho rằng việc tăng giá vào lúc này là không thỏa đáng. Lý do là sau khi chợ bị cháy vào năm 1994, tổng số tài sản chịu thiệt hại mà không ai đền bù, nhà nước cũng không giúp đỡ. Phần lớn các chủ sạp chưa lấy lại những vốn đã bị mất do vụ hỏa hoạn và đang bị cạnh tranh gay gắt với các siêu thị nên đã yêu cầu ban quản lý không tăng tiền thuê. Tuy nhiên ban quản lý chợ Đồng Xuân đã không chịu nhượng bộ nên đã có 70 chủ sạp quyết định bãi thị để phản đối.

Việc bãi thị bắt nguồn từ một lý do khác là các chủ sạp đã bất mãn cách làm việc độc đoán của ban quản lý mà cụ thể là sự chỉ đạo, giải quyết của ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội không lắng nghe ý kiến của người dân. Việc tăng giá sạp đã được ban quản lý xúc tiến vội vã, không thông báo rộng rãi và không lấy ý kiến của các tiểu thương. Ban quản lý còn bóp méo sự thật bằng cách tung ra một bản thông báo rằng đa số giới tiểu thương đều đồng thuận với mức giá mới. Hiện nay có khoảng 3 ngàn chủ sạp kinh doanh trong chợ Đông Xuân. Trong số này có khoảng 100 chủ sạp tương đối có thực lực về tài chánh còn đa số các chủ sạp còn lại thì buôn bán chạy theo từng ngày, rất cực khổ, đặc biệt là tình trạng cạnh tranh rất khủng khiếp. Trong khi đó, theo lời của các chủ sạp thì ban quản lý, tức phía chính quyền thành phố Hà Nội đã không những không giúp đỡ các tiểu thương mà còn có những quy định khắc khe và tìm cách rút ruột của các chủ sạp.

Việc 70 tiểu thương trong số 3 ngàn tiểu thương trong chợ Đông Xuân bãi thị, chỉ là một sự kiện rất nhỏ trong môi trường làm ăn chụp giựt, o ép của ’nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa’; nhưng hành động bãi thị để phản đổi ban quản lý đã nói lên cái ’quyền’ của người buôn bán trong một xã hội pháp quyền. Nhà nước và ban quản lý chợ, không thể vì làm chủ mà tuỳ tiện tăng giá cũng như quy định những luật lệ theo ý đồ riêng và coi những người tiểu thương là ’phụ thuộc’. Từ nhiều thập niên qua, dân ta đã không có cái ’quyền’ nói trên, mọi vận hành của xã hội đều đi theo những nghị quyết của đảng. Chính lối quản lý xã hội như vậy đã làm thui chột sáng kiến và năng lực vươn lên của con người, nên xã hội Việt Nam luôn luôn bị tụt hậu là như vậy. Đã đến lúc, người dân Việt Nam phải nhìn thấy rằng, nếu không tự mình đứng lên đấu tranh, phản đối vì lẽ phải, vì lẽ công bằng thì xã hội sẽ tiếp tục bị khống chế như hiện nay. Trong những năm qua, không chỉ có bà con tiểu thương tại chợ Đồng Xuân có hành động chống ban quản lý mà ở nhiều nơi, những cuộc nổi dậy của nông dân Thọ Đà, Ba Vì, Đồng Nai, Xuân Lộc, Ban Mê Thuột, Kom Tum, Thái Bình… chống lại bọn cường hào tại địa phương nổi lên, cho thấy là sự chịu đựng của người dân đã vượt quá mức giới hạn, nên đã đứng lên phản đối. Khi cả nước có nhiều cuộc phản đối của dân, xuất hiện đồng loạt ở nhiều nơi, cùng một lúc thì sẽ tạo ra phong trào quần chúng đấu tranh. Đây là hình ảnh của những cuộc đấu tranh mà chúng ta đã chứng kiến tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Lợi.. cách nay 15 năm. Tất cả những cuộc nổi dậy này khởi đi từ những hành động rất nhỏ, rất nhẹ nhàng, như chống tăng giá thịt, bãi thị chống tăng thuế … nhưng đã là ngòi nổ làm bùng vỡ những bất mãn, những căm hờn của dân, đã đè nén từ lâu…