Tính Cho Thế Hệ Sau…

Trần Khải

Trong khi các chính phủ Việt Nam và Phi Luật Tân luôn luôn chính thức lộ vẻ nhẫn nhịn trước người khổng lồ Trung Quốc về các vấn đề tế nhị ở Biển Đông, điều cần suy nghĩ là tại sao Đài Loan, một quốc gia đang bị gần như toàn cầu bỏ lơ hay cô lập, lại gồng mình biểu diễn sức mạnh quân sự ở Trường Sa?

Có phải Đài Loan thực sự có nhu cầu diễn võ, hay chỉ đơn giản vì nhìn xa về các yếu tố chiến lược để tự vệ, viễn ảnh tài nguyên dầu ở vùng đảo này? Hay Đài Loan giả vờ bày trò chỉ để cho Trung Quốc có cớ bị kích động mà lăng xăng thêm ở Biển Đông? Như thế, chiến lược của Việt Nam nên suy tính ra sao? Có phải Trung Quốc và Đài Loan chỉ như một cặp vợ chồng ly dị, hay như hai anh em gây sự, nhưng khi tính kế lâu dài cho cả thế kỷ thì họ vẫn nhìn nhau như một nhà? Và họ đã mặc nhiên đồng ý rằng Trường Sa trong một thế kỷ tới sẽ là tài sản chung của thế hệ con cháu họ, sau khi cuộc chiến quốc-cộng và mâu thuẫn chế độ giữa tự do dân chủ và độc tài toàn trị giải quyết xong? Thực sự, có phải Bắc Kinh bí mật xui giục Đài Bắc làm nhiều trò hung hăng ở Trường Sa hay không?

Bản tin của phóng viên Toshinao Ishii trên nhật báo Nhật Bản The Yomiuri Shimbun hôm 8-9-2007 loan như sau:

“Đài Loan xây phi trường quân sự trên đảo Trường Sa

Đài Loan đang xây một phi trường quân sự trên đảo Itu Aba, đảo lớn nhất trên quần đảo Trường Sa ở vùng Biển Nam Trung Quốc, theo lời 1 viên chức Bộ Quốc Phòng Đài Loan nói với tờ The Yomiuri Shimbun hôm Thứ Tư.

Đài Loan đã tuyên bố chủ quyền trên Trường Sa, một chuỗi các vỉa đá nhiều dầu, tranh với Trung Quốc, Việt Nam, Phi Luật Tân và các nước khác.

Được nhắm sẽ sử dụng cho các phi cơ vận tải C-130 và các phi cơ khác, sự hoàn tất phi trường dự kiến sẽ giúp Đài Loan kiểm soát hiệu qủa vùng đảo, theo lời các nhà quan sát.

Nằm rộng một vùng khoảng 0.48 kilomet vuông, Itu Aba là nơi duy nhất ở vùng đảo Trường Sa mà Đài Loan kiểm soát.

Phi đạo dài 1,150-mét, rộng 30-mét sẽ hoàn tất cuối năm nay, với tổng chi phí xây cất khoảng 700 triệu đồng Đài Tệ mới (khoảng 21 triệu dollars).

Hiện nay, hải quân Đài Loan chủ yếu kiểm soát, bảo vệ đảo này.

Phi trường dự kiến sẽ giúp Đài Loan kiểm soát vĩnh viễn lãnh thổ này và sẽ vận dụng trong các sinh hoạt cứu hộ, theo viên chức Bộ Quốc Phòng.

Chính quyền đảo thuộc tuần duyên dự định dùng phi đạo này làm như 1 con đường, nhưng quân đội sẽ kiểm soát trong trường hợp khẩn cấp, theo lời ông.”

Trong khi Đài Loan vươn cánh tay quân sự, thì Trung Quốc lại bày trò hai mặt Đông Tà – Tây Độc: mới mấy tuần qua vẫn một mặt hung dữ với Việt Nam, bắn tàu ngư dân Việt, bắt cóc 28 ngư dân Việt, trong khi vuốt ve và hòa dịu với Phi Luật Tân, cùng bàn kế hợp tác thăm dò dầu và lắng nghe đề nghị hành lang đánh cá cho ngư dân vùng Trường Sa. Có gì bí mật trong độc chiêu này của Bắc Kinh không? Hay đây là chiêu thức Song Thủ Hổ Bác truyền thống, hai tay đánh ra kình lực cương nhu khác nhau?

Và trong khi trung phong Trung Quốc đứng giữa sân, thọc chân khều té các cầu thủ Việt Nam và Phi Luật Tân, thì vẫn giả vờ nhắm mắt cho cầu thủ Đài Loan dẫn banh chạy vòng mép lằn vôi mà qua vòng cấm địa?

Nhìn tới kế hoạch trăm năm, thì hình như Đài Loan đang thực hiện kế hoạch Biển Đông cho Trung Quốc… Bởi vì chế độ độc đảng toàn trị của Trung Quốc nếu không tan rã hay lột xác trong 5 năm tới, hay 10 năm tới, thì cũng sẽ xảy ra trong 100 năm tới (theo ước mơ và hù dọa của Hồ Cẩm Đào).

Tất nhiên đó là nói lý thuyết trên giấy mực thôi, vì thực tế chế độ độc taì toàn trị Trung Quốc cũng không tính thọ lâu như thế. Bởi vì phi trường trên đaỏ Trường Sa dù bằng bê tông cốt sắt cỡ nào, rồi cũng phải hư hại với muối biển trong hai hay ba thập niên, và tình hình hâm nóng địa cầu sẽ chuyển biến khuôn mặt địa lý khu vực, sẽ nhận chìm một số nơi và có thể sẽ vẽ lại vùng bờ biển toàn cầu.

Họ cũng không thể tính xa hơn vài thập niên, vì tuổi thọ của các lãnh tụ đều đã quá ngũ thập, lục thập cả. Nhưng họ phải tính xa, bởi vì cho dù địa lý khu vực biến đổi thì kho tàng dầu hỏa dưới các vỉa đá Trường Sa vẫn còn đó, trong khi nguồn dầu Trung Đông sẽ cạn vài thập niên tới; và họ phải tính xa vì dù tuổi họ đã cao, nhưng còn các thế hệ con cháu tương lai sẽ bước tới.

Nghĩa là Đài Loan đang thực hiện kế hoạch Biển Đông cho Trung Quốc… vì tiên đoán rằng trong vài thập niên tới, hai nứơc sẽ sáp nhập dưới một chính thể dân chủ tự do, và vì cần để một di sản Biển Đông cho các thế hệ con cháu.

Nếu đúng như thế, đây sẽ là điều đáng ngại cho những thế hệ tương lai của Việt Nam.

Bởi vì viễn ảnh tan rã Trung Quốc làm nhiều mảnh chắc chắn là sẽ làm ổn định toàn khu vực hơn, và làm các nước láng giềng nhỏ bé, trong đó có Việt Nam, an tâm hơn. Nhưng nếu Trung Quốc và Đài Loan sáp nhập, lại thêm các đảo bên rìa bờ biển Việt Nam, lại thêm các ông chủ người Hoa lâu nay mở xưởng ở Việt Nam, thì thấy rõ là nhức đầu.

Nghĩ tới thế hệ tương lai, chắc chắn là chế độ Hà Nội cũng phải bị xóa sổ hay lột xác. Nhưng những người đang cầm quyền, và các nhà dân chủ đã có nghĩ tới chuyện di sản để lại cho con cháu chưa. Không phải chuyện di sản từ cán bộ CSVN mưu mô tham nhũng, mà là một di sản để con cháu phát triển bền vững.

Tương tự, những cuộc tranh cãi mới đây trên các diễn đàn Internet cho thấy người Công Giáo Việt Nam trong và ngoài nước cũng đang có cách nhìn khác nhau, thậm chí tới chuyện quý giám mục đi ra hải ngoại xin tiền mục vụ cũng bị ngờ vực, làm khó dễ, và vân vân.

Và cũng tương tự, bên những người hoạt động cho Phật Giáo cũng chia làm tả hữu hai phe, và trong hai phe vẫn còn có những cực tả, trung tả, cực hữu và trung hữu. Cụ thể câu hỏi là: có nên nín thở qua sông để đào tạo các thế hệ Phật học tương lai, hay là nên tích cực hỗ trợ lý tưởng dân chủ để bị công an cô lập, bao vây… Đâu có mấy vị sư vui mừng khi phải đi họp đều đặn với Mặt Trận Tổ Quốc để nghe chuyện chúng sinh phiền não.

Mỗi lựa chọn đều là những cân nhắc, thường khi là có cả hy sinh, đau đớn, và có thể mất cả một số bạn hữu.

Vấn đề xây dựng một dân tộc, và nghĩ về một di sản tốt đẹp cho các thế hệ tương lai, nhất là trong tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, cần nhất là chính ngay trong nhà nứớc CSVN tự ý thức chuyển biến, và đừng đẩy bất kỳ ai vào thế khó thương lượng. Hãy nhớ, di sản tốt đẹp nhất vẫn là đặt nền móng cho một chế độ thực sự dân chủ cho VN.

Trần Khải