Tinh thần quật khởi của ngày 30.4.2005

30 năm sau ngày 30 tháng tư năm 1975, khí thế đấu tranh cho tự do dân chủ của cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn hừng hực lửa. Đây là điều mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không hề chờ đợi. Họ tin rằng với thời gian, với nỗ lực đánh phá để chia rẽ và ru ngủ cộng đồng, tinh thần đấu tranh của người Việt sẽ dần dần tàn lụn và trở nên vô hại đối với chế độ. Đây là điều sai lầm vô cùng to lớn của Hà Nội. Từ Hoa Thịnh Đốn sang Paris, từ Sydney đến Tokyo, từ Bá Linh đến Toronto, ở đâu có người Việt Nam, là ở đó có những sinh hoạt đấu tranh để đánh dấu 30 năm ngày cả nước rơi vào vòng thống trị của đảng cộng sản Việt Nam. Những sinh hoạt này không nhằm để than khóc, mặc dù đây là một ngày đau buồn của đất nước, nhưng để nói lên tinh thần quật khởi của người Việt Nam quyết tranh đấu cho một tương lai mới của dân tộc.

Tinh thần quật khởi đã trổi dậy ngay giữa lòng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nơi mà cách đây hơn 30 năm đã diễn ra hàng loạt các cuộc biểu tình đòi chấm dứt viện trợ cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, trong lúc quân dân miền Nam đang chống chọi với sự xâm lăng từ phương bắc. Ngày nay, những chiếc mặt nạ tuyên truyền của cộng sản đã rơi xuống. Nhiều người Mỹ đã hối hận vì đã tiếp tay cho Hà Nội trong việc thôn tính miền nam. Nhưng vì tự ái, vì mặc cảm, nên ở giữa lòng thủ đô này, chưa bao giờ có một sinh hoạt nào nói lên sự thức tỉnh của những người Mỹ này đối với cuộc chiến cách đây 30 năm. Đây là một trong những lý do mà hàng ngàn, hằng vạn người Việt Nam ở khắp nước Mỹ đã đổ về đây trong ngày 30 tháng tư năm 2005, để tham dự cuộc tuần hành cho tự do Việt Nam, nhằm nói với dư luận người Mỹ rằng cuộc chiến cho tự do vẫn còn đang tiếp diễn và dân tộc Việt Nam, bằng tinh thần quật khởi, sẽ giành được chiến thắng sau cùng.

Tinh thần quật khởi đã trổi dậy ở Úc Châu, đặc biệt là ở Sydney, với một cuộc biểu tình vĩ đại nhất của cộng đồng người Việt tại đây từ 30 năm qua. Vĩ đại không chỉ với con số kỷ lục là 15 ngàn người, mà còn với sự tham gia đông đảo chưa từng có của giới truyền thông, của các thân hữu và dân cử người Úc. Hình ảnh rừng người đi trên các con đường của trung tâm thành phố Sydney, với cờ vàng ba sọc đỏ và các biểu ngữ đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam, đã gợi lại hình ảnh cuộc đấu tranh vào cuối năm 2003, trong 60 ngày ròng rã của cộng đồng người Việt tại Úc Châu, nhằm chống những chương trình tuyên truyền chế độ CSVN trên làn sóng truyền hình của đài SBS. Trong những ngày tới đây, khi Phan Văn Khải sang Úc, chắc chắn tinh thần quật khởi của người Việt sẽ biến thành sóng cuồng, thác lũ, để xóa tan mọi âm mưu tuyên truyền, vận động của chế độ độc tài.

Tinh thần quật khởi đã trổi dậy ở Âu Châu, đặc biệt là ở Paris, với cuộc đối đầu với cộng sản ngay trong ngày 30/4/2005. Đã từ lâu, cộng đồng người Việt ở Paris đã không có những cuộc đối đầu như vậy. Vì sau khi các nước cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, phe thân cộng tại Paris lâm vào bế tắc và không còn khả năng tổ chức những sinh hoạt tuyên truyền công khai cho chế độ Hà Nội. Trong thời gian gần đây, với số lượng đông đảo du sinh Việt Nam từ trong nước ra, tòa đại sứ Hà Nội muốn lợi dụng lượng du sinh này để gầy dựng lại một số sinh hoạt và họ đã chọn ngày 30.4.2005 để tung ra kế hoạch “giành dân, lấn đất”, bằng một cuộc xuống đường ở ngay trung tâm thành phố Paris. Nhưng kế hoạch này đã bị đồng bào ta bẻ gẫy, bằng một cuộc xuống đường trực diện với cộng sản ở ngay địa điểm chúng tổ chức. Cuộc đối đầu tuy chỉ diễn trong vài giờ, nhưng nó đã gây một dấu ấn đặc biệt trong sinh hoạt của ngày 30.4.2005 tại Paris.

Tinh thần quật khởi đã trổi dậy trong giới trẻ. Sau 30 năm, một thế hệ mới đã trưởng thành và đã nhập cuộc một cách tích cực. Điều quan trọng là trong các sinh hoạt 30.4.2005 ở các nơi, người ta đã không thấy sự cách biệt giữa già và trẻ, mà chỉ thấy sự cảm thông, sự hòa nhập tốt đẹp giữa giới trẻ với các bậc cha anh. Đây là lý do đã có những giọt nước mắt hòa cùng nước mưa trong buổi tối ngày 30.4.2005 tại Hoa Thịnh Đốn, khi những người trẻ kết vòng tay cùng các bác, các chú, để hát bài “Việt Nam – Việt Nam”. Giấc mơ về một đất nước Việt Nam phú cường đã đưa mọi thế hệ Việt Nam đến gần bên nhau trong tinh thần quật khởi.

Tinh thần quật khởi không chỉ biểu lộ ở hải ngoại, mà còn được thấy ở trong nước. Từ nhiều miền của đất nước, các bài viết của những nhà tranh đấu cho dân chủ hay các emails bày tỏ quan điểm của nhiều thành phần quần chúng khác nhau đã nở rộ trong ngày 30.4.2005. Từ Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Giang khẳng định là “Có dân chủ, đất nước mới phát triển nhanh và phát triển lành mạnh được”. Từ Huế, hai vị linh mục Phan Văn Lợi và Nguyễn Hữu Giải xác quyết là “bao lâu đường lối mục tiêu giáo dục chưa phi chính trị hóa, tôn giáo chưa giành lại được quyền đào tạo con người, nhân dân chưa lấy lại được mọi quyền cơ bản, thì đừng mong có chuyện đất nước cất cánh hóa rồng”. Từ Sài Gòn, anh Đỗ Nam Hải tin tưởng là “thiện sẽ thắng ác và những kẻ gây tội ác cho dân tộc chắc chắn sẽ bị trừng phạt”. Tất cả đều nói lên nguyện vọng dân chủ của dân tộc Việt Nam. Tất cả đều bày tỏ sự tin tưởng mãnh liệt là đất nước phải thay đổi, tự do dân chủ sẽ phải chiến thắng. Niềm tin này đang là sợi dây nối kết trong ngoài, nối kết mọi thế hệ Việt Nam, để từ sau ngày 30.4.2005, hàng hàng lớp lớp người Việt Nam, không kể trẻ già, trai gái, không phân biệt tôn giáo, xuất xứ, sẽ cùng đứng lên trong tinh thần quật khởi, biến đau thương của ngày 30/4 thành hành động đấu tranh thực tiễn cho tương lai Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Đức