Tốc độ già hóa nhanh, tăng trưởng kinh tế chậm và áp lực an sinh xã hội tại Việt Nam

RFA

Người cao tuổi vẫn phải mưu sinh ở TP.HCM. Ảnh: RFA

Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những thay đổi về nhân khẩu học, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ là áp lực vô cùng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội.

Tốc độ già hóa nhanh chóng

Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), tỷ lệ sinh của Việt Nam đang giảm dần và dân số già đi nhanh chóng qua từng năm. Việt Nam đã qua đỉnh của thời kỳ “dân số vàng” và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.

Tiến sỹ Vũ Quang Việt, từng là chuyên gia kinh tế của Liên Hiệp Quốc nhận định Việt Nam thuộc nhóm các nước có dân số sẽ giảm trong tương lai vì tỷ lệ sinh đẻ hiện này là 1,9. Nếu tỷ lệ sinh dưới 2,1 thì dân số có khả năng giảm, còn giảm nhiều hay ít còn tùy thuộc tỷ lệ chết và nhập cư.

UNFPA ước tính, đến năm 2036, tức là chỉ còn khoảng 13 năm nữa thôi, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ “dân số già.” Và đến năm 2051, dân số Việt Nam sẽ đạt đỉnh với khoảng 107 triệu người, sau đó sẽ giảm dần do tỷ lệ sinh thấp.

Theo Tiến sỹ Vũ Quang Việt, khi bước vào giai đoạn xã hội già hay giảm dân số trong tương lai, một số vấn đề kinh tế mà Việt Nam phải đối mặt, bao gồm:

“Lực lượng lao động sẽ tăng chậm rồi giảm, tăng trưởng kinh tế chỉ còn dựa vào tăng năng suất lao động. Sức chi tiêu sẽ không tăng nhanh vì người già phải tăng để dành lo tuổi già. Đây là vấn đề của Nhật hiện nay và kể cả Trung Quốc.”

Tuy nhiên, Tiến sỹ Vũ Quang Việt cũng chỉ ra một số điểm tích cực của sự giảm dân số. Theo ông, tốc độ tăng trưởng tạo ra bởi ba nguồn: thứ nhất là tăng yếu tố đầu vào của tài sản cố định như máy móc, đất đai; thứ hai, tăng yếu tố lao động như giờ hay số người lao động, và thứ ba là tăng năng suất tổng thể do kiến thức:

“Nếu chỉ dựa vào tăng dân số thì thế giới hạn hẹp này lấy đâu nguồn tài nguyên để đáp ứng nổi nhu cầu của dân, nhất là những tài nguyên không thể tái tạo như đất, nước, kim loại,… Đó là chưa kể tới lượng ngày càng tăng rác thải ô nhiễm môi trường cần xử lý.

Kể cả những nước như Trung Quốc hay Ấn Độ cũng thế,  Ấn Độ chỉ còn tăng 0,7%, Việt Nam cũng thế. Điều này cũng giúp làm dễ dàng việc tăng thu nhập đầu người cho dân cư. Điều này nên mừng chứ!”

Áp lực an sinh xã hội

Tiến sỹ Trịnh Khánh Ly, từng công tác tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ở Hà Nội, cảnh báo rằng với tốc độ già hoá nhanh chóng như hiện nay mà hệ thống bảo hiểm xã hội không cải thiện, thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực an sinh xã hội vô cùng lớn khi trở thành một “xã hội già”.

Bà cho biết trong khi tốc độ già hóa dân số tại Việt nam tăng nhanh,  hiện nay vẫn có gần 18 triệu lao động tại Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức, mà có đến 97,9% trong số đó không tham gia bất cứ loại hình bảo hiểm nào.

Ngoài ra, Quỹ BHXH còn phải đối mặt với xu hướng người lao động rút BHXH một lần ngày một tăng. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn quốc có 4,85 triệu người đã rút BHXH một lần giai đoạn 2016-2022. Nguyên nhân được nói là do người lao động bị mất việc làm, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt trong khi đó những người này chủ yếu là lao động có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều.

Bà Khánh Ly cho biết thêm:

“Còn có một nguyên nhân khác là người lao động chưa thực sự tin tưởng vào hệ thống BHXH. Bởi vì có một thực tế đáng buồn là mức lương hưu hiện nay chưa đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhiều người già mặc dù trước đó họ có đóng đủ BHXH.”

Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, chiếm khoảng 64,4% người già không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh.

Ông Minh, một người có gần 20 năm đóng BHXH và hiện đang về hưu ở TP.HCM, cho biết ngay cả người có nhận lương hưu thì số tiền đó cũng không đủ trang trải cuộc sống hiện nay:

“Người lao động không muốn đóng BHXH vì họ không tin vào bảo hiểm xã hội hoặc có thể là lo sợ tiền để lâu sẽ mất giá. Đó là hệ quả của xã hội thôi.

Người ta không muốn về hưu sớm là bởi vì lương hưu quá thấp, quá vô lý. Tôi không nhậu nhẹt gì cả, không có nhu cầu gì lớn nhưng cũng không đủ sống được.”

Tổ chức Lao động Quốc tế dự báo, nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì năm 2030 Việt Nam sẽ có hơn 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa xảy ra nhanh hơn cả tốc độ phát triển kinh tế. Bà Khánh Ly nhận định:

“Thực trạng người trẻ rút BHXH một lần năm sau cao hơn năm trước, người già không có lương hưu và trợ cấp là một bức tranh ảm đạm và chưa có hướng giải quyết.

Thực trạng này, nếu không thay đổi, sẽ làm gia tăng số lượng người già bắt buộc phải tham gia thị trường lao động để mưu sinh sau khi đủ tuổi về hưu, tăng gánh nặng về các dịch vụ xã hội và chăm sóc y tế đối với người già.”

Chính phủ cần chuẩn bị từ bây giờ

Hiện nay, các cơ quan hữu quan đang trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo đó, có nhiều ý kiến đề xuất giảm tuổi trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi đối với những người không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH; đồng thời tăng mức hỗ trợ từ 360.000đ/tháng lên 500.000đ/tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Tuy nhiên, ngay cả khi các ý kiến đề xuất nói trên được tiếp thu và thể hiện trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì những quy định này vẫn chưa khả thi mà còn mang tính đại trà, chưa tập trung vào việc giải quyết an sinh xã hội cho những đối tượng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn mà không có lương hưu lẫn trợ cấp BHXH. Từ những hậu quả có thể dự báo trước, bà Khánh Ly đề ra những vấn đề gốc rễ cần giải quyết từ bây giờ:

“Đây là một thực trạng đáng lo ngại. Theo tôi, để chuẩn bị cho một xã hội già nhìn từ khía cạnh an sinh xã hội thì Việt Nam cần phải mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia BHXH bắt buộc; xử lý các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực BHXH; tình trạng doanh nghiệp nợ đóng BHXH; cân đối lại độ tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng loại hình lao động; cân đối lại số năm tối thiểu đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu nhằm phù hợp với tốc độ già hóa dân số nhanh.”

Ông Việt đánh giá, vấn đề già hóa không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của cả thế giới. Ông đề xuất một số giải pháp mà nhà nước Việt Nam có thể thực hiện ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho tình trạng dân số già:

“Đừng sợ chưa giàu đã già mà nên xem làm gì khi xã hội già hóa.

Đây là vấn đề cho nhà nước Việt Nam. Hiện nay họ quá tập trung vào kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhằm dùng lao động cơ bắp, sản xuất để xuất khẩu.

Dân có chút thu nhập, GDP tăng có vẻ cao nhưng lợi nhất là cho tư bản nước ngoài, còn thiên nhiên thì cạn kiệt dần và ô nhiễm nặng nề.

Vấn đề chính để phát triển là tăng năng suất lao động tổng thể, tức là phải tăng cường hiểu biết, thông qua giáo dục, đặc biệt là giáo dục chuyên môn, nghề nghiệp, chứ đâu phải tăng số người có bằng tiến sỹ.”

Nguồn: RFA