TP.HCM tăng học phí gấp năm lần: Thêm áp lực kinh tế lên gia đình thu nhập thấp

RFA

Dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 tại TP HCM đang được lấy ý kiến. Theo đó mức học phí dự kiến có thể sẽ tăng cao nhất là gấp năm lần.

Gánh nặng cho phụ huynh

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều người lao động phổ thông trong tình cảnh cạn kiệt tài chính sau nhiều tháng không được đi làm do dịch Covid-19. Giờ đây, đại dịch vừa giảm nhiệt, những người này bắt đầu đi làm trở lại thì lạm phát tăng cao. Giá xăng từ ngày 11/5 đã tiến sát mốc 30 ngàn đồng/lít, cao kỷ lục từ trước đến nay, điều này kéo theo giá cả hàng loạt mặt hàng khác đều tăng.

Một số phụ huynh nói với RFA rằng nếu học phí tăng thêm gấp năm lần thì đó sẽ lại là một gánh nặng lớn cho mặt bằng chung các gia đình ở TP.HCM:

“Nếu học phí mà tăng lên gấp năm lần thì cuộc sống sẽ rất chật vật, không chỉ đối với gia đình tôi, mà tôi nghĩ đối với tất cả mọi người!” – Chị T, một người dân làm nghề buôn bán cho biết.

“Nhà tôi có hai cháu, một mới xong tiểu học, một sắp vào đại học. Nếu tăng học phí như thế thì rất là căng! Tăng học phí mà lương thì đâu có tăng!” – Ông Sơn, một phụ huynh ở TP.HCM nói với RFA.

Theo chị T, với công việc buôn bán ngoài chợ, mỗi tháng chị kiếm được tám triệu đồng. Đó cũng chính là mức lương của công nhân, hay thậm chí là giáo viên tiểu học và mầm non hiện nay. Nếu sắp tới mà học phí tăng thì chắc chắn là một gia đình hai vợ chồng sẽ không đủ nuôi hai con ăn học.

Bà L, một giảng viên hiện đang ở Đồng Tháp cảnh báo rằng, nếu tăng mức học phí trong thời điểm này, có thể khiến cho học sinh ở các vùng ven, hay các tỉnh nghèo phải bỏ học giữa chừng:

“Tăng học phí như thế mà ở nông thôn, vùng ven có nhiều gia đình nghèo thì con cái sẽ bỏ học sớm và nhiều. Đó là điều chắc chắn.”

Chất lượng đào tạo có tăng theo học phí?

Theo dự thảo Nghị quyết này, học phí ở nhóm Trung học Cơ sở sẽ tăng mạnh nhất, từ 60 ngàn đồng/tháng lên đến 300 ngàn đồng/tháng. Nhóm Trung học phổ thông tăng từ 120 ngàn đồng/tháng lên 300 ngàn đồng mỗi tháng.

Bà M, một giảng viên ở TP.HCM, có hơn hai mươi làm việc trong môi trường giáo dục, nói với RFA rằng bà không đồng tình chuyện tăng học phí trong thời điểm hiện nay:

“Trong thời điểm này mà tăng học phí tôi thấy là không hợp lý. Bởi vì chất lượng giáo dục của chúng ta hiện nay không có gì thay đổi so với giai đoạn trước. Khi mà chất lượng không thay đổi thì không có lý do gì để mà tăng học phí hết, thế mà lại đòi tăng học phí đến năm lần thì đó là điều vô lý.”

Theo lý giải của Sở Giáo dục và Đào tạo, TP.HCM luôn duy trì mức thu học phí thấp và không tăng trong suốt sáu năm qua. Mỗi năm thành phố này dành 20% ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục, đào tạo. Nhưng cũng chỉ đảm bảo cơ bản chế độ cho đội ngũ, tỷ lệ đầu tư cho cơ sở vật chất và hoạt động chuyên môn rất khiêm tốn, cho nên phải giải quyết từ học phí mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển.

Bà M, đánh giá rằng việc tăng học phí chưa hẳn đã làm tăng chất lượng giáo dục. Cụ thể, bà nêu ví dụ là nơi mình đang làm việc, trong hai năm qua, trường đại học này mở ra chương trình gọi là “đào tạo chất lượng cao.” Theo đó, sinh viên nào muốn theo học chương trình này sẽ phải đóng tiền cao hơn. Nhưng sau hai năm, bà M, cho rằng chất lượng giảng dạy vẫn vậy, và lương giáo viên cũng không được tăng theo học phí mà sinh viên đóng:

“Trong hai năm nay họ đặt ra một cái chế độ chất lượng cao để thu tiền cao hơn rất nhiều so với trước đó, nhưng trên thực tế thì chất lượng dạy học vẫn vậy. Và về cơ bản lương của giáo viên vẫn không thay đổi, có chăng thì phúc lợi sẽ được chia cho những người ngoan ngoãn, những người trong nhóm lợi ích sẽ được hưởng.”

Lương giáo viên không đủ sống

Cả hai giảng viên mà Đài Á châu Tự do phỏng vấn trong bài viết này đều khẳng định rằng lương cơ bản của giáo viên, giảng viên hiện giờ không thể đủ sống, dù là ở thành phố lớn hay ở tỉnh thì thực tế là nhiều giảng viên có cuộc sống rất chật vật. Bà M, nói:

“Lương cơ bản hiện nay của giáo viên là không đủ sống. Tôi là một giảng viên đại học công tác hơn 20 năm trong ngành giáo dục mà lương của tôi chắc chắn là thấp hơn một người thiếu uý trong lực lượng công an. Lương của tôi thực ra nó cũng chỉ nhỉnh hơn những người công nhân nhà máy lắp ráp điện tử khoảng 20 phần trăm mà thôi. Chỉ vậy mà thôi, hoàn toàn là không đủ sống!”

Thậm chí, giảng viên tên L, còn khẳng định lương giảng viên và giáo viên đúng là “thấp so với mặt bằng chung của xã hội, thuộc diện thu nhập thấp. Do đó, chính nhà giáo cũng rất áp lực.”

Bà L, cho rằng để tăng chất lượng giáo dục đào tạo, một trong các tiêu chí là lực lượng giảng dạy phải được tăng lương và mức lương phải đủ sống. Tuy nhiên, tiền tăng lương sẽ không phải là từ nguồn thu do tăng học phí:

“Để tăng chất lượng giáo dục thì lương giáo viên phải được tăng lên cũng là một trong những tiêu chí, nhưng không được lấy nguồn tiền từ học sinh để tăng lương cho giáo viên, mà phải lấy từ các nguồn khác. Có nghĩa là nhà nước phải trích thêm nguồn ngân sách cho giáo dục chứ không phải lấy tiền học của học trò để tăng lương cho giáo viên.”

Theo bà M, nghịch lý ở Việt Nam là ngân sách được chi cho Bộ Công an lớn hơn gấp nhiều lần so với chi cho y tế, giáo dục:

“Các trường công lập là phải được sử dụng tiền trong ngân sách quốc gia để xây dựng cơ sở vật chất, thế mà phụ huynh học sinh vẫn phải đóng tiền để xây dựng trường và đủ các loại phí khác.

Tôi đang sống trong một xã hội độc tài, và những người lãnh đạo đang muốn duy trì quyền lực thì họ phải nuôi bộ máy công an.

Bổng lộc được rót vào cho bộ máy công an để duy trì quyền lực cho lãnh đạo, vì thế cho nên y tế và giáo dục sẽ bị đưa xuống dưới rất thấp, khác với nhiều nước khác là giáo dục và y tế phải được đưa lên ưu tiên hàng đầu trong xã hội.”

Trong Nghị Quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, Tổng số tiền dự kiến chi cho Bộ Công an là hơn 96.100 tỷ đồng, gấp khoảng 13 lần Bộ Giáo dục. Bộ này chỉ được rót về hơn 7.100 tỷ đồng trong năm 2021.

Nguồn: RFA