Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Việt

Nguyễn Ngọc Đức

“Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” là câu dịch nôm của câu chữ Hán “bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh” . Đây là câu mà các học giả đời Hán đặt ra để ca tụng nền văn học nở rộ của Trung Hoa vào thời Đông Chu. Năm 1956, Mao Trạch Đông đã dùng câu này để hô hào giới trí thức, văn nghệ sĩ Trung Hoa hãy mạnh dạn lên tiếng phê bình cung cách làm việc của đảng cộng sản Trung Quốc để góp phần sửa chữa guồng máy nhà nước cho tốt hơn. Cũng vào năm 1956, phong trào “trăm hoa đua nở” cũng bung lên ở miền bắc Việt Nam, khi đảng cộng sản phát động chính sách “sửa sai”,, vì đã “nhìn ra một số sai lầm” trong cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu được phát động vài năm trước đó.

Kết quả thì chúng ta đã biết. Phong trào “trăm hoa đua nở” ở Trung Quốc đã bị dập tắt sau hơn một năm phát động. Những người lên tiếng chỉ trích đảng cộng sản đã bị quy chụp là thành phần “hữu khuynh” hay “phản cách mạng”. Nhiều người đã bị bắt và hầu hết đều bị bỏ mạng trong các trại cải tạo khổ sai. Tại miền Bắc Việt Nam, giới trí thức, văn nghệ sĩ cũng chịu cùng số phận. Các nhà văn như Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung,… đã bị dìm xuống bùn đen và nhiều người đã chết dưới đòn thù của đảng cộng sản Việt Nam.

50 năm sau, phải chăng lịch sử đang tái diễn? Nhìn từ đầu năm 2006, chúng ta có thể khẳng định là trăm hoa đã thật sự nở trên đất Việt. Các cuộc đình công đồng loạt với bản yêu sách 8 điểm là một đóa hoa bung lên ngay trong giới công nhân. Các cuộc biểu tình, xuống đường liên tục của dân oan, dân nghèo là một đóa hoa khác đã trổi dậy từ những đau thương của giới nông dân. Rồi Tuyên Ngôn Dân Chủ 2006 ra đời như một đóa hoa sáng ngời mọc lên giữa đêm đen độc tài, tạo điều kiện cho hàng loạt những đóa hoa tranh đấu khác vươn lên, làm thay đổi bối cảnh chính trị Việt Nam. Khối 8046, Liên Minh Dân Chủ và Nhân Quyền, Công Đoàn Độc Lập, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và nhiều đảng phái, tổ chức đã lần lượt ra đời và hoạt động công khai tại Việt Nam. Bên cạnh đó, một số tờ báo đối lập cũng đã được phát hành và truyền bá trong nước, bất chấp sự cho phép hay cấm đoán của nhà cầm quyền. Rõ ràng, lịch sử đang tái diễn. 50 năm trước, trăm hoa đã nở trên đất Bắc. 50 năm sau, trăm hoa đang nở trên toàn cõi Việt Nam.

Nhưng sự tái diễn của lịch sử có dẫn đến cùng một kết cuộc hay không? Đó là rốt cuộc đảng CSVN cũng sẽ thành công, như họ đã thành công 50 năm về trước, trong việc dập tắt mọi chống đối và “trăm hoa” rồi cũng sẽ bị dập vùi dưới sự càn quét tàn bạo của chế độ. Lịch sử có thể tái diễn một cách đau buồn như vậy không?

Để trả lời câu hỏi này, cần so sánh bối cảnh, mức độ chống đối, khả năng thống trị của đảng CSVN vào năm 1956 với ngày nay.

Vào năm 1956, miền Bắc của nước ta hoàn toàn bị khép kín. Vụ “Nhân Văn Giai Phẩm” xảy ra từ đầu năm 1956 mà nhiều tháng sau, miền Nam và thế giới mới được biết đến. Đây là một trong những lợi điểm quan trọng đã giúp cho Hà Nội thành công trong việc đàn áp cuộc nổi dậy của trí thức, văn nghệ sĩ. Vì chế độ không hề chịu bất kỳ một áp lực nào đến từ ngoài. Ngày nay, lợi điểm này không còn nữa. Đảng CSVN không còn điều kiện muốn làm gì thì làm trên đất nước Việt Nam. Mọi sự đàn áp đều có thể dẫn đến những hậu quả bất lợi cho chế độ trên nhiều bình diện, kể cả việc dẫn đến những chống đối mãnh liệt hơn.

Vào năm 1956, hiện tượng “trăm hoa đua nở” chỉ bung lên được trong giới trí thức, văn nghệ sĩ. Ngày nay, những đóa hoa đòi hỏi công bằng và dân chủ đã được trổi lên từ mọi thành phần quần chúng, kể cả trong giới công nhân và nông dân là hai giai cấp mà đảng CSVN vẫn tự hào là chỗ dựa vững chắc của họ. Vào năm 1956, cuộc đấu tranh của giới trí thức, văn nghệ sĩ miền Bắc chỉ giới hạn vào sự tố cáo những hành động nhũng lạm, trù dập của chế độ, không dám đụng đến quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản. Ngày nay, cuộc đấu tranh của người Việt Nam không chỉ vạch trần bản chất độc tài, thối nát của đảng cộng sản, mà còn đòi hỏi một chế độ đa nguyên, đa đảng thật sự.

Vào năm 1956, đảng CSVN đang ở vị trí cao nhất về sức mạnh cũng như tư thế của họ, sau khi cướp được ngọn cờ “kháng chiến chống Pháp” và xây dựng thành công một chế độ cai trị sắt máu trên miền Bắc. Mặc dù hậu quả của cuộc cải cách ruộng đất có làm cho uy tín đảng CSVN bị sứt mẻ, nhưng khả năng kiểm soát và thống trị của tập đoàn này không hề sút giảm. Vì vậy, Hà Nội đã dễ dàng cô lập thành phần trí thức, văn nghệ sĩ chống đối và áp dụng những biện pháp đàn áp sắt máu đối với họ, mà không sợ có những phản ứng bất lợi của quần chúng. Ngày nay, khả năng kiểm soát và thống trị của đảng CSVN đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Sự phân hóa trong nội bộ, guồng máy thối nát của chế độ, hố sâu giữa đảng và dân,… đều là những nguyên nhân đang làm cho đảng CSVN ngày một thu hẹp khả năng kiểm soát và thống trị. Vì vậy, chế độ độc tài sẽ không thể áp dụng những biện pháp đàn áp như đã làm cách đây 50 năm.

So sánh như vậy để thấy sự tái diễn của lịch sử không hẳn sẽ dẫn đến cùng một chung cuộc. Nếu cách đây 50 năm, kết quả cuộc đấu tranh của giới trí thức, văn nghệ sĩ miền Bắc tùy thuộc rất nhiều vào phản ứng của đảng CSVN, thì ngày nay, kết quả cuộc đấu tranh cho dân chủ tùy thuộc vào hành động của cả phong trào “trăm hoa đua nở”. Đây là điều mà tập đoàn độc tài cũng nhìn thấy, nên họ đang cố gắng làm tê liệt khả năng hành động của phong trào, bằng những thủ đoạn xuyên tạc, tạo nghi kỵ,… Đây là lúc mà những người tranh đấu ở trong cũng như ngoài nước cần đề cao cảnh giác để không rơi vào âm mưu chia rẽ của Hà Nội. Vì chỉ có sự đoàn kết mới có thể dẫn đến những hành động đấu tranh ngày một mạnh mẽ. Có như vậy, phong trào “trăm hoa đua nở trên đất Việt” mới dẫn đến kết quả mà mọi người Việt Nam đều mong đợi. Đó là chấm dứt vĩnh viễn chế độ độc tài trên đất nước Việt Nam.