“Trần Dần – Thơ” Ở Đâu?

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

(Minh Thùy, thông tín viên đài RFA)

Trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 6 tổ chức tại Văn miếu, Hànội ngày 21.2.2008 vừa qua, một sự kiện mới xảy ra gây ngạc nhiên và bức xúc với nhiều bạn đọc yêu thơ, đó là lệnh ngưng phát hành thi tập Trần Dần-Thơ, gồm những sáng tác của Trần Dần trong hơn 30 năm qua, và những bài viết về con người, thơ văn của ông.

- Bấm vào đây để nghe tiết mục này
- Tải xuống để nghe

JPEG - 4.9 kb

Tiếp theo ngày 26/2/2008, sau cuộc làm việc của đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Thông tin – Truyền thông cầm đầu với Công ty Nhã Nam, tập Trần Dần – Thơ đã bị ngưng phát hành vì lý do “vi phạm qui trình xuất bản”. Gần 200 nhà báo, nhà văn, nhà thơ trong và ngoài nước cùng ký tên trên một thư ngõ gửi đến các cơ quan văn hoá và quốc hội Việt Nam, yêu cầu nhà nước: “Hãy xem xét lại cung cách ứng xử và chấm dứt cách thức hành xử thiếu văn minh, vô pháp luật đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật nói riêng, các sáng tạo tinh thần nói chung”.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, dịch giả Dương Tường, nhà thơ Hoàng Hưng, dịch giả Phạm Toàn, Cao Việt Dũng, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên… cùng chấp bút cho bức thư ngõ phản đối việc cấm phổ biến tập Trần Dần-Thơ. Sau đây là phần phỏng vấn của Minh Thùy với ông Phạm Xuân Nguyên.

“Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà, Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ.”

Hai câu thơ gắn liền với tên tuổi của nhà thơ Trần Dần, một gương mặt của nhóm Nhân Văn giai phẩm. Ông mất năm 1997, sau hơn 30 năm chịu đựng nhiều nỗi oan khuất và đau khổ. Phải đợi đến thời đổi mới, những sáng tác của ông như Bài thơ Việt Bắc, Cổng Tỉnh và Mùa Sạch mới được ra mắt bạn đọc. Riêng tiểu thuyết thơ Cổng Tỉnh từng được nhận Tặng thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1994.

Đầu năm 2007, nhà thơ Trần Dần lại được vinh danh với Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, nhưng số phận những sáng tác thơ văn của ông có lẽ cũng lao đao như cuộc đời ông. Thi tập TRẦN DẦN-THƠ, dày hơn 500 trang, được đánh giá như một di cảo lớn của Trần Dần vừa mới ra mắt bạn đọc thì bị lệnh ngưng phát hành ngay trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 6.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà phê bình văn học Phạm xuân Nguyên đã có bài viết Trần Dần-Thơ ở đâu? Minh Thùy đã nói chuyện cùng ông Phạm xuân Nguyên.

Kính chào anh Phạm xuân Nguyên. Mới đầu năm ngoái, trong số các nhà thơ được vinh danh với Giải thưởng nhà nước, có 4 gương mặt của các nhà thơ trong nhóm Nhân Văn giai phẩm trước kia là Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán và Trần Dần. Nhiều bạn đọc yêu thơ trong nước và nước ngoài cũng hân hoan với tin này. Thế mà đầu năm nay thi tập TRẦN DẦN-THƠ lại bị ngưng phát hành với một lý do tôi thấy không chính đáng lắm. Anh nghĩ sao về tình trạng bất cập này?

Phạm xuân Nguyên: Không chỉ riêng gì chị mà cả tôi, cũng như với tất cả những ai yêu thơ Trần Dần nói riêng và yêu thơ Việt nói chung, nhất là trước động thái năm 2007 Trần Dần cùng với Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, có thể nói là 4 gương mặt tiêu biểu của vụ án Nhân Văn giai phẩm trước đây đã được truy tặng và trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Với tất cả diễn biến như vậy thì người ta trông chờ một việc là những sáng tác của các nhà thơ này trong thời kỳ hoạn nạn, trong thời kỳ im lặng và bóng tối của họ sẽ dần dần được xuất hiện, trả lại cho thời gian, trả lại cho nhà thơ và công chúng. Tập Trần Dần-Thơ này mọi người cũng nghĩ là phải được chào đón, thế nhưng cái động thái như không được bày bán trong Văn Miếu tại ngày Thơ Việt Nam, bị ngưng phát hành, thì là rất gây bất ngờ, gây ngạc nhiên và phải nói là gây thất vọng.

Lẽ ra trong ngày thơ Việt Nam, với tập Trần Dần-Thơ dày dặn, cho thấy những sáng tạo, cách tân của một nhà thơ lớn thì là một sự kiện lớn, sự kiện đáng vui mừng thì nó gây ra thất vọng. Thật ra thì nó nằm trong cái chuỗi của các tác phẩm gần đây khi có vấn đề gì mà bị cấm, hoặc bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi thì thường người ta chỉ nêu ra lý do hành chính như là lý do thông dụng nhất, dễ nói nhất, chứ không bao giờ nói thẳng là tác phẩm ấy thực ra bị như thế là vì vấn đề nội dung, tư tưởng của nó.

Minh Thùy: Được biết tuy được ra mắt, nhưng trong tập thơ có một số bài thơ đã bị cắt bỏ, những bài thơ đó là gì, vì sao lại bị bỏ bớt đi? Có vi phạm luật lệ hay “phạm húy” gì không?

Phạm xuân Nguyên: Trần Dần, như người ta được biết, trong hơn 30 năm bóng tối của ông thì ông vẫn lao động một cách âm thầm miệt mài. Ông là ngưòi sống với chữ, sống với thơ, sống với sự sáng tạo văn học nghệ thuật. Cho nên các hoàn cảnh thì càng mài sắc thêm cái ý chí, khát vọng đó của ông.

JPEG - 9.6 kb

Có thể nói Trần Dần là một nhà thơ đúng nghĩa của 2 chữ Nhà Thơ, do đó di cảo của ông để lại là khá lớn, chúng tôi có dùng chữ là di cảo đồ sộ. Khi làm tuyển tập này gia đình nhà thơ cũng như công ty văn hoá truyền thông Nhã Nam, nhà xuất bản Đà nẵng, mong muốn nhân kỷ niệm 10 năm mất của Trần Dần, ông mất năm 1997, thì lẽ ra tập thơ này đã ra vào 2007 là 10 năm mất của nhà thơ.

Gia đình và Nhã Nam muốn giới thiệu 1 cách có hệ thống những sáng tạo, cách tân của Trần Dần về thơ, kết hợp với một số bài viết tiêu biểu về thơ Trần Dần, khi ông được xuất hiện lại trên thi đàn. Nhưng trong quá trình biên tập có thể do yêu cầu của nhà xuất bản, do hoàn cảnh chính trị văn hoá xã hội cũng đã bỏ bớt một số bài.

Theo tôi biết ví dụ như về sáng tác của Trần Dần, 36 bài Thở dài đã có trong bản thảo nhưng bị đưa ra, và trong số những bài viết về Trần Dần bị bỏ ra khá nhiều như Hồi ký của Hoàng Cầm về Trần Dần, bài viết của nhà văn Phạm thị Hoài, một bài viết rất sâu sắc dựng lên được chính xác chân dung của Trần Dần, bài viết: Thủ lĩnh trong bóng tối, bức thư của nhà văn Nguyễn đình Thi với tư cách đồng nghiệp và là chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam gửi cho Trần Dần cũng bị bỏ ra.

Đấy là những phần tiêu biểu của Trần Dần, kể cả những sáng tác đã công bố trước đây cũng như những phần còn nằm trong di cảo và những bài viết của các văn hữu, của các nhà phê bình, để dựng lên một hành trình thơ, một con đường đi của Trần Dần, thì do những lý do này khác phải bỏ ra.

Tất nhiên khi bị bỏ ra như vậy thì cấu trúc quyển sách có thay đổi nhưng trong hoàn cảnh xuất bản này thì các bên đều nhân nhượng nhau, tuy vậy cuốn sách khi ra đời vẫn dày dặn. Nếu như nó được phát hành bình thường đến tay bạn đọc thì cũng là 1 tác phẩm hay đứng về mặt thơ và là cuốn tài liệu quí cho những ai muốn tìm hiểu Trần Dần nói riêng và tìm hiểu thơ Việt nói chung.

Minh Thùy: Bản thân tôi khi đọc những câu thơ của Trần Dần như:

Thơ là mạng sống, là lý lịch thật đời tôi
Thơ tôi có 30 năm đóng chai. Nó có thể…chờ

Và những câu khác:

Càng chết tôi càng bất tử
Eo ôi
chết vẫn không yên….

tôi cảm thấy ngậm ngùi và băn khoăn, không biết có phải ông đã tiên liệu được số phận gian truân của mình và văn thơ mình ngay cả sau cái chết? Với tư cách nhà phê bình văn học anh có nhận định gì về thi tập này, về những bài thơ có tính cách tân, rất mới lạ của ông, dù ông sinh ra từ thế kỷ trước?

Phạm xuân Nguyên: Có lẽ nhiều người nếu đã tiếp xúc với thơ Trần Dần thì đều có cảm xúc và suy nghĩ như chị. Cũng như tôi, cách đây 10 năm khi Trần Dần vừa nằm xuống, khi tôi viết bài để hình dung Trần Dần, khi được tiếp xúc với một số ít bản thảo của những người con Trần Dần đưa tôi, thì phải nói cảm giác của tôi hết sức bàng hoàng và kinh ngạc, vì cái cách tân, sự mới mẻ của ông.

Vì lâu nay tôi đọc thơ theo điệu khác, theo thói quen thuộc, nhưng cũng với những con chữ ấy trong tiếng Việt, vẫn những thanh âm ấy trong tiếng Việt, dưới bàn tay người thợ luyện chữ, người cách tân như Trần Dần thì nó đưa đến những cảm nhận hết sức bất ngờ, hết sức mới mẻ và sảng khoái. Bản thảo mà tôi được tiếp xúc 10 năm trước đó là tập ông viết đề là 1963-1964 Học theo ca dao, tức là ông luyện chữ bắt đầu đi từ ca dao, bắt đầu viết cho đúng nghĩa của chữ trưóc khi biến tấu âm, biến tấu chữ để bật ra những nghĩa mới.

Cho đến khi đọc cuốn Trần Dần-Thơ này, thì cái cảm giác đó trong tôi càng đầy lên. Và đúng như chị nói, và đúng như những ai đọc Trần Dần biết, hình như ông là người tiên cảm được số phận của mình, như ông nói xây một tập thơ là xóa một nhà tù và ông nói, như trong bài tôi đã viết sau sự kiện ở Văn Miếu trong bài Trần Dần-Thơ ở đâu,là đến với tôi phải đến bằng cửa trước.

Như vậy là một người sáng tạo, một người cách tân có ý thức, có chủ ý, biết rất rõ con đường mình đi thì những câu thơ ông để lại rõ ràng đã tiên liệu số phận ông. Và hơn thế nó thách thức sự tiếp nhận ông, như vậy chúng ta càng cảm phục ông, càng tin rằng những câu chữ ông để lại, thơ ông để lại, những hành trình sáng tạo cách tân của ông đã đi qua và để lại rồi cuối cùng nó cũng sẽ tìm đường đến được với công chúng, với độc giả. Cũng như đến lúc nào đó toàn tập Trần Dần ra sẽ cho chúng ta hình dung đầy đủ về con người Trần Dần và về vai trò, ý nghĩa của ông đối với nền thơ ca Việt đương đại.

Minh Thùy: Xin cám ơn nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã trả lời phỏng vấn.

Mời các bạn đọc Thư ngỏ phản đối việc cấm phổ biến thi tập TRẦN DẦN-THƠ và cùng tham gia ký tên vào Thư ngõ theo đường link sau:
http://gopetition.com/online/17462.html

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Hai tuyến đường thủy từ Phnom Penh ra biển Đông: Tuyến bên trái đi qua kênh đào Funan, tuyến bên phải đi qua sông Tiền. Ảnh chụp từ Google Map, Phạm Phan Long minh họa

Kênh đào Funan và những “mảng tối” chưa rõ!

Trao đổi với RFA, Kỹ sư Phạm Phan Long đặt ra câu hỏi nếu kênh đào Funan không thay thế được tuyến đường sông Tiền ra biển, vậy Campuchia còn có thể có mục đích nào khác khi xây kênh đào này. Ông phán đoán:

“Nếu kinh tế không phải là lý do để xây dựng kênh đào Funan thì chắc hẳn phải có lý do khác. Ngoài tưới ruộng và thủy sản, không thể loại trừ khả năng họ xây dựng kênh đào để chuẩn bị cho tình huống xung đột nếu nó xảy ra, nếu có xung đột xảy ra, sông Tiền bị khóa thì họ còn một đường thủy khác. Kênh đào Funan do đó có mục đích chiến lược chứ không phải chỉ mục đích kinh tế…”

Giới thạo tin cho rằng “lò” có thể sẽ đốt cả bà Trương Thị Mai (phải), thường trực Ban Bí thư kiêm trưởng Ban Tổ chức Trung ương đảng. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vỡ bình, đất nước sẽ ra sao?

Công cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng cho đến nay, chẳng những đã thất bại, đã không trị được cội rễ của tham nhũng mà còn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông ta. Rải rác đã có lời đồn đoán phen này không chừng chủ lò lại biến thành củi vì “trách nhiệm chính trị của người đứng đầu” khi hàng loạt đảng viên cao cấp – đảm nhiệm từ chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, phó thủ tướng, bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh đến tướng tá quân đội và công an – bị cách chức, bị tống giam đến mức “đã đủ nhân sự lập một chính phủ trong tù!”

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình trạng của người bảo vệ nhân quyền. Ảnh: Srdefenders

Báo cáo viên đặc biệt LHQ: Hà Nội cần chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống

Hà Nội cần chấm dứt việc đàn áp một cách có hệ thống và sử dụng các điều luật bị cho “nguỵ tạo” để bắt giam các nhà hoạt đông bảo vệ nhân quyền.

Đây là khuyến nghị của một số các tổ chức nhân quyền quốc tế cùng với quan chức Liên Hiệp Quốc và dân biểu Thuỵ Sỹ lên tiếng nhân dịp Việt Nam tham dự phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) vào ngày 7/5/2024.

UPR 2024 – 5 năm nhìn lại tình hình nhân quyền tại Việt Nam

Universal Periodic Review, được gọi tắt là UPR, tức Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là một cơ chế của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHCR), được thiết lập từ năm 2006, nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở mỗi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Để đạt được mục đích này, Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát thực hiện việc kiểm tra, đánh giá hồ sơ nhân quyền của mỗi quốc gia, và đưa ra khuyến nghị cho các vi phạm nhân quyền ở bất cứ nơi nào chúng xảy ra.

Vào ngày 7/5/2024 tới đây, tình hình nhân quyền Việt Nam được kiểm điểm trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, chu kỳ thứ tư.