Trâu Chết Để Da

Trần Đức Tường

Người Việt Nam có câu “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”. Làm chuyện tốt thì được tiếng thơm muôn đời. Làm chuyện xấu thì “trăm năm bia đá cũng mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Ngay như con trâu, sau khi chết, người ta lột da nó để lợp trống. Da tốt thì cái trống bền lâu, đánh lên kêu vang dội. Da xấu thì chỉ ít lâu tang trống bị rách,… đánh không kêu nữa.

Võ Văn Kiệt: 1922-2008

Ông Võ Văn Kiệt vừa nằm xuống ở cái tuổi 86. Theo tiểu sử do đảng Cộng Sản Việt Nam cung cấp, thì ông đã “đi theo cách mạng” từ năm 16 tuổi và gia nhập đảng một năm sau đó. Với 69 năm tuổi đảng và trải qua bao biến cố, cùng 2 cuộc chiến tranh ác liệt, mà ông được chết già trên giường bệnh, thì quả là một điều hiếm thấy. Nói theo thuyết nhân quả thì “Phúc phần” nhà ông Kiệt khá lớn, và có thể do tích tụ từ cha, đời ông để lại. Nhưng, không biết kiếp này, phúc của ông có đủ dày, để dành cho con cháu hay cho kiếp sau của ông hay không ?

Cho đến nay, ngoại trừ tại 4 nước còn bị cộng sản cai trị là Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba, thì khắp khắp nơi trên thế giới người ta đều biết rằng, cộng sản đồng nghĩa với độc tài, với phi dân chủ, với tội ác, với khủng bố… Nạn nhân bị các chế độ cộng sản tàn sát đã lên đến cả trăm triệu người. Nhưng, theo truyền thống dân tộc Việt Nam, “nghĩa tử là nghĩa tận”, và khác với đảng Cộng Sản Việt Nam, dân ta không gán ép cho tất cả những ai theo đảng cộng sản là tội ác và khủng bố. Vì vậy, tuy ông Võ Văn Kệt đã từng là nhân vật thuộc hàng chóp bu của đảng cộng sản Việt Nam, và đã từng làm thủ tướng, nhưng với một số tư tưởng tiến bộ, so với giới lãnh đạo đương thời; sự ra đi của ông Võ Văn Kiệt đã gây nhiều xúc động trong dân chúng, và số người tự nguyện đưa tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng khá đông đảo. Đây là một chỉ dấu cho thấy tấm da trâu này cũng dùng được.

Tuy rằng lịch sử sẽ là nơi phê phán tối hậu, nhưng với một khuôn mặt nổi tiếng như ông Võ Văn Kiệt, thì đương nhiên đã có những phê phán về con người của ông từ lúc sinh thời, cũng như ngay sau khi ông vừa nằm xuống. Bởi vậy, bênh cạnh những lời sáo rỗng muộn màng của đảng cộng sản Việt Nam, người ta đã thấy rất nhiều phẩm bình của dư luận về ông, trong lúc Hà Nội còn đang lúng túng, chưa biết loan báo cái chết của ông như thế nào.

Nhìn chung thì dư luận khen cũng lắm, mà chê cũng nhiều. Người ta ca tụng ông Võ Văn Kiệt có công tiến hành “cuộc chuyển giao vĩ đại của một đất nước từ chiến tranh sang hòa bình, từ bao cấp sang đổi mới”. Người ta gọi ông là nhà kiến trúc công trình “đổi mới”. Là người đã can đảm đương đầu với đám lãnh đạo bảo thủ như Lê Đức Anh, Đỗ Mười… Người ta truyền tụng rằng, vào những năm sau năm 1975, ở cương vị là Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn, ông Kiệt đã dũng cảm, đi ngược lại chủ trương của Hà Nội, để cứu đói cho dân Sài Gòn; lúc đó đang cùng cả nước bị thiếu đói vì những chính sách sai lầm của đảng cộng sản Việt Nam. Báo chí ngoại quốc đề cao ông Kiệt khi ở vị trí thủ tướng đã đưa Việt nam ra khỏi cơn khủng hoảng tài chính, đã khuyến khuyến khích các xí nghiệp tư nhân làm ăn. Đặc biệt là việc ông đưa Việt Nam gia nhập khối ASEAN, vận động Hoa Kỳ bỏ cấm vận và mở bang giao với Hoa Thịnh Đốn. Cùng lúc kêu gọi các doanh nhân nước ngoài vào đầu tư vào Việt Nam. Ông Kiệt được đánh giá là vị thủ tướng năng động hơn hẳn những người tiền nhiệm của ông. Ông cũng được coi là một trường hợp hiếm có trong các nhà lãnh đạo cao cấp, dám tuyên bố công khai chống những sai lầm của hệ thống cộng sản….

Với dư luận Việt Nam, thì bên cạnh những lời khen tương tự, cũng không thiếu những chỉ trích dành cho ông Kiệt. Điểm đặc biệt là, sự phê bình này không chỉ đến từ những thành phần vốn dĩ không ưa cộng sản, mà hầu hết lại đến từ các diễn đàn của giới trẻ có học ở trong nước. Tuổi trẻ Việt Nam rất sòng phẳng, họ kính cẩn nghiêng mình trước sự ra đi của một bậc lão thành cách mạng; nhưng đối với họ, công, tội phải rạch ròi. Tuy ông Võ Văn Kiệt có một số công lao nhất định trong thời kỳ đổi mới, nhưng thực ra đó chỉ là xu thế mà ông buộc phải chạy theo, chứ chẳng phải sáng kiến tài tình nào của ông. Bởi vì ,sau khi khối xã hội chủ nghĩa tan rã, để có thể tồn tại, cộng Sản Việt Nam không còn lựa chọn nào khác là phải chuyển hướng. Ông Kiệt cầm quyền ngay vào giai đoạn đó, nên phải nương theo. Cùng lúc đó, ông phải thủ thế, không dám thẳng thắn như ông Trần Xuân Bách, hầu không bị chính cái cơ chế của đảng gạt ra ngoài. Người ta cũng nghi ngờ về thực tâm của ông trong những bài viết hay tuyên bố có tính cách tiến bộ trong những năm gần đây của ông. Bởi vì chính ông là tác giả của nghị định 31/CP, một nghị định vô cùng phản tiến bộ. Đến nỗi sau này, do áp lực của thế giới, chính đảng cộng sản phải huỷ bỏ nó. Trong khi ông Kiệt lại không hề đả động đến lỗi lầm cùng những tai tiếng do nghị định vừa kể của ông gây ra. Bên cạnh đó, tuy ông đưa lời kêu gọi hòa giải giữa những người ở hai chiến tuyến trước đây, nhưng những kêu gọi đó của ông vẫn không ra khỏi lề thói trịch thượng của kẻ thắng ban phát cho người bại, mà ông muốn kêu gọi hòa giải. Điểm quan trọng nhất được vạch ra là, với những hiệp định dâng đất nhượng biển của cộng sản Việt Nam cho Trung Quốc, rồì sự xâm lấn bờ cõi của nước đàn anh phương Bắc, và sự nhu nhược của Cộng Sản Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt đã không hề có lời nào đả động đến sự nhục nhã này. Cuối cùng, mặc dù không bị chỉ trích trực tiếp về sự tham ô nhũng lạm, nhưng người ta cũng đặt nhiều nghi vấn về những tài sản và các cơ sở làm ăn khổng lồ do vợ con ông đứng tên.

Tóm lại, tuy đã có khá nhiều lời khen, tiếng chê đối với ông Võ Văn Kiệt được dư luận đề cập đến khi ông vừa nằm xuống; nhưng chắc chắn là chưa đủ để đánh giá chính xác về con người của ông. Hiện nay có thể còn nhiều điều liên quan đến ông vẫn đang bị Cộng Sản Việt Nam dấu nhẹm. Cũng như có những sự kiện không được đưa ra mổ xẻ tường tận vì sự tế nhị trong lúc tang chế . Nhưng rồi đây lịch sử sẽ vô cùng công bình đối với ông. Và đến lúc đó người ta sẽ biết cái trống lợp bằng miếng da trâu này bền được bao lâu?

Trần Đức Tường