Trung Quốc: Nỗi Lo Ngày Quốc Khánh

Ngô Văn

Hiện nay có thể nói nỗi lo hàng đầu của ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch đảng Cộng sản Trung quốc, là làm sao tổ chức thành công ngày Quốc Khánh lần thứ 60 của họ mà không bị sự phản đối của người dân. Ngày 1 tháng 10 năm nay sẽ có diễn binh trước quảng trường Thiên An Môn và ông Hồ Cẩm Đào sẽ là người lên đọc diễn văn trong buổi lễ này.

Ở Trung Quốc, việc một người đứng đầu như ông Hồ Cẩm Đào đọc diễn văn trong buổi lễ Quốc Khánh có diễn binh không phải là một sự kiện thông thường. Đặc biệt là vào những quốc khánh cách nhau mười năm. Kể từ khi đảng Cộng sản Trung quốc lên nắm quyền cho đến nay chỉ có ba người làm chuyện này, đó là ông Mao Trạch Đông, ông Đặng Tiểu Bình và ông Giang Trạch Dân. Đó là những lãnh tụ nắm thực quyền. Ngày Quốc Khánh Trung quốc lần thứ 20, 30 và 40 không có ai đọc diễn văn cả, vì xã hội Trung quốc vào các thời điểm đó gặp bất ổn. Hiện nay sự ổn định bề mặt chỉ là lớp màn che dấu những cơn sóng ngầm bất ổn. Bên cạnh Tân Cương, Tây Tạng, thì trong năm 2008 có gần 80 ngàn cuộc biểu tình đông người (trên 1,000 người); trong đó có nhiều vụ dân chúng đốt phá công xa, công thự, xô sát với công an, v.v… Tuy vậy ông Hồ Cẩm Đào vẫn muốn mình phải là người thứ tư đứng ra đọc diễn văn như ba ông Mao, Đặng và Giang. Vì đó là hình ảnh thể hiện quyền lực. Phe cánh Bắc Kinh của ông Hồ Cẩm Đào đã chuẩn bị hơn một năm nay để cho ông ta thực hiện được điều này. Tuy nhiên, cũng có một thế lực khác trong đảng không muốn như thế, nên đã ngấm ngầm tạo thêm bất ổn xã hội. Ngay cả đã có những tin đồn là phe cánh này ngầm thúc đẩy những cuộc nổi dậy ở Tân Cương gần đây. Đó là lý do tại sao ông Hồ Cẩm Đào phải bỏ ngang Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng ở Roma để trở về Bắc Kinh trực tiếp ra tay giải quyết vấn đề Tân Cương bằng biện pháp mạnh.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày 1 tháng 10, chính quyền Cộng sản Trung quốc đã phải huy động nhiều lực lượng công an lẫn quân đội để bảo vệ an ninh cho Bắc Kinh. Mức độ bảo vệ lần này còn nghiêm mật hơn lúc tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008. Nghiêm mật đến độ người dân đi đâu cũng bị xét hỏi, nhiều khu vực trọng điểm bị phong tỏa khiến giao thông ùn tắc, gây trở ngại rất nhiều cho cuộc sống thường nhật của người dân. Theo nha cảnh sát thủ đô Bắc Kinh thì hơn cả tháng trước ngày Quốc Khánh 1 tháng 10, họ đã tung ra trên 7000 công an sắc phục đi tuần tra trên mọi đường phố suốt ngày đêm. Đó là chưa kể lực lượng công an chìm, và thêm 1 triệu 400 ngàn dân phòng được điều động vào công việc này.

Được biết kể từ ngày 15 tháng 9 cho đến hết ngày 1 tháng 10, các khách sạn, các tòa nhà có phòng giáp với mặt lộ nằm trên những con đường mà đoàn duyệt binh sẽ đi ngang qua đều bị cấm không cho sử dụng. Khách sạn thì không được cho khách mướn, còn cư dân thì bị cưỡng chế dọn đi ở tạm một nơi nào đó. Quanh khu vực Trung Nam Hải, quảng trường Thiên An Môn, tất cả hành khách đi tàu điện ngầm đều phải qua máy dò kim loại. Các trạm xăng không được bán cho người tiêu thụ số lượng lớn, nếu có nhu cầu cấp thiết thì người mua sẽ phải đến sở công an giải thích rõ lý do để xin phép, có giấy chứng của công an mới được mua. Cơ quan tình báo Trung ương Trung quốc cho hay họ đã nắm bắt được nhiều mối đe dọa nhắm vào ngày Quốc Khánh từ các nhóm “phản động” ở trong nước.

Đêm 29 đến sáng 30 tháng 8 vừa qua, thủ đô Bắc Kinh bị phong tỏa để tiến hành tổng dợt cuộc diễn binh. Gần 200 chiếc xe tăng gầm rú nghiến đường phố, khiến người dân Bắc Kinh không thể không nhớ lại hình ảnh biến cố Thiên An Môn đẫm máu cách đây 20 năm.

Đại hội Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc lần thứ 17 kỳ 4 được tổ chức từ ngày 15 đến 18 tháng 9 vừa qua cũng đã dành rất nhiều thì giờ để rà soát lại tình hình an ninh và những biện pháp chống lại các thế lực “phản động” muốn phá hoại ngày Quốc Khánh 1 tháng 10.

Các nhà dân chủ Trung quốc nói rằng, nếu hiểu nghĩa hai chữ Quốc Khánh là ngày vui của toàn dân thì tại sao những người lãnh đạo đảng Cộng sản Trung quốc lại phải lo sợ sự chống đối của dân chúng vào dịp 1 tháng 10. Do đó, nếu đó là ngày vui, thì chỉ là “vui” của đảng Cộng sản Trung Quốc mà thôi. Vì đó là ngày đánh dấu việc họ lên nắm quyền ở Hoa lục.

Lúc đầu họ gọi đây là ngày Kiến Quốc (xây dựng đất nước) nhưng về sau mập mờ đánh lận con đen bằng cách đồng hóa nó thành hai chữ Quốc Khánh. Ngay từ đầu đã có người chống lại việc lấy ngày 1 tháng 10 làm ngày Quốc Khánh, nhưng không lôi kéo được nhiều sự hưởng ứng. Điều này cũng dễ hiểu, vì quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng đều bị tước đoạt. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đều nằm trong tay nhà nước, và hội họp để truyền bá sự bất đồng vừa kể sẽ rất dễ dàng bị khép tội phản động…. Nay thì mọi người đã quá rõ, khi mà gần 1 tỷ người dân Trung Quốc không hề được hưởng chút lợi lộc gì của cuộc đồi mới,và họ vẫn thấy rằng họ đang bị cái chế độ này bóc lột. Do đó, thử hỏi có bao nhiêu người thực sự vui với cái vui của đảng Cộng sản trong ngày 1 tháng 10. Làn sóng phản đối ngày Quốc Khánh này tại Hoa lục là một phong trào đấu tranh bất bạo động, nhưng bị chế độ cáo buộc là một phong trào khủng bố để dễ dàng ra tay đàn áp những ai chống lại ngày vui 1 tháng 10 của đảng Cộng sản Trung quốc.