Trung Quốc Và Việt Nam Là Thiên Đường Của Hàng Giả, Hàng Nhái

Nạn hàng giả, hàng nhái đang hoành hành tại Trung quốc và Việt Nam đã và đang làm cho các thương hiệu danh tiếng ngoại quốc phải điêu đứng và đang tự tìm cách khống chế, thế nhưng chẳng mấy có hiệu quả vì cả hai chính quyền Bắc Kinh lẫn Hà Nội rất tỏ ra tiêu cực trong vấn đề này. Các công ty ngoại quốc có làm ăn buôn bán tại Trung Quốc và Việt Nam như những hãng Honda, Yamaha, Sony, Microsoft … than phiền rằng đáng lý ra Bắc Kinh và Hà Nội phải tích cực trong việc tận diệt các hàng lậu, hàng giả theo như những gì mà họ đã ký theo Công ước Brene và Công ước Geneva, thế nhưng cả hai chính phủ này chỉ làm chiếu lệ.

Tại Trung quốc, để bảo vệ thương hiệu của mình, các công ty ngoại quốc phải tự cho người đi lùng hàng giả, hàng nhái theo thương hiệu của mình bày bán ở đâu, sau đó theo dõi nó được chế tạo ra ở đâu rồi đi báo cho chính quyền địa phương để ụp vào bắt. Muốn cho nhà chức trách ra tay truy diệt, lẽ đương nhiên là phải chi tiền. Nhiều hay ít còn tùy theo từng trường hợp, nhưng thông thường họ không ra tay ngay, phải đợi đến mấy ngày hoặc có trường hợp gần cả tháng sau mới tổ chức đi bắt nên rất nhiều vụ không còn tang chứng vì kẻ gian đã đủ có thời giờ để thủ tiêu. Một Giám đốc chi nhánh hãng xe Honda tại Bắc Kinh nói rằng: Lúc đầu chúng tôi thường trách sao mà công an Trung quốc làm ăn kiểu gì chậm thế, chẳng kém gì rùa, như thế thì làm sao bắt được kẻ gian. Nhưng sau này mới biết rằng họ chẳng chậm chạp chút nào cả, sở dĩ chưa ra tay ngay là vì họ điều tra xem kẻ làm hàng lậu, hàng nhái đó có ’’Cây cổ thụ’’ nào đứng ở đàng sau không. Nếu có thì công an ngầm thông báo cho kẻ gian tìm cách thủ tiêu tang chứng. Những trường hợp ập vào bắt được quả tang cả một xưởng đang chế tạo hàng giả vì sau khi điều tra biết được kẻ gian chẳng có ’’ô dù’’ nào che mà cũng chẳng hề chi ra ít nhiều cho chính quyền địa phương. Nhiều trường hợp kẻ gian cũng có gốc bự che chở, nhưng cái gốc bự này lại là địch thủ của Bí thư đảng ủy hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân đương nhiệm.

Tình trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam cũng không thua gì ở Trung quốc. Trong một cuộc họp báo vào ngày 11 tháng 10 tại Hà Nội, Giám đốc chi nhánh hãng Sonny tại Việt Nam, ông Fumiatsu Hirai đã than rằng hiện nay trên thị trường có trên 75% là hàng giả, hàng nhái theo nhãn hiệu Sony. Ông Hirai còn cho biết rằng trước đây rất lâu Sony đã nhiều lần gởi công văn đến các cơ quan chức năng như bộ Tài chánh, Tổng cục Hải quan, Quản lý thị trường…để phản ảnh về tình trạng này. Ông Hirai nói: “Chúng tôi chỉ có quyền cho người đi lùng hàng giả, hàng nhái theo thương hiệu của mình rồi báo cho các chính quyền địa phương biết để lùng bắt mà thôi, nên chỉ còn cách trông chờ vào sự can thiệp của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay kết quả vẫn rất hạn chế nếu không muốn nói là zero. Để bảo vệ nhà sản xuất chân chính, chúng tôi mong rằng các cơ quan chức năng sẽ tăng cường xử lý các trường hợp không rõ nguồn gốc, chống hàng giả, hàng nhái. Việc xử lý cần phải triệt để và tiến hành thường xuyên. Đây là những gì mà chính quyền Hà Nội đã cam kết khi kêu gọi chúng tôi vào Việt Nam đầu tư”.

Ông Hira cũng đã bày tỏ sự bất mãn của mình khi nhiều quan chức trong các cơ quan có thẩm quyền viện dẫn một số lập luận như dưới đây để bào chữa cho việc không tích cực tận diệt hàng giả, hàng nhái. Đó là ’Sở dĩ người tiêu thụ mua phải hàng nhái, hàng giả của Sony vì giá các sản phẩm chính hiệu của Sony quá đắt, hơn nữa người tiêu thụ ít có thông tin hiểu biết về sản phẩm của Sony.”

Sự kiện hàng giả, hàng nhái tràng ngập trên thị trường Trung Quốc và Việt Nam không chỉ mới xảy ra nhưng mỗi lần các nước lên án hay áp lực Trung quốc và Việt Nam về các vấn đề này là mỗi lần chính quyền Bắc Kinh và Hà Nội đều hứa sẽ tích cực cải thiện, thế rồi sau một thời gian ngắn thì đâu lại vào đó. Nghĩa là hàng lậu, hàng nhái vẫn sản xuất đều đều và bày bán đầy đường. Vì thế mà báo chí đã gọi Việt Nam và Trung Quốc là thiên đường của hàng giả, hàng nhái.