Truyền Thông Nhật Nói Về Những Cuộc Biểu Tình Chống Trung Quốc Tại Việt Nam

Ngô Văn
Biểu tình lên án Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải, tại Hà Nội.

Trong tuần qua, truyền thông Nhật đã đề cập khá chi tiết về những cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Nhật gọi hai quần đảo này bằng các chữ tiếng Anh Spratly và Paracel rồi phiên âm cách đọc). Trước hết là nhật báo Sankei số phát hành ngày 17/1/2008 đã cho đề cập đến những cuộc biểu tình vừa qua tại Việt Nam của thanh niên sinh viên chống Trung quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bài viết chiếm 1/4 trang báo của của mục tin tức Thế giới do đặc phái viên Suzuki Makoto ở Bangkok sang Việt Nam làm phóng sự. Trong bài viết ký giả Suzuki đã nêu lên một câu hỏi tại sao chính quyền CSVN lại mạnh tay giải tán các cuộc biểu tình này, rồi tự trả lời rằng một phần không muốn làm mất lòng Trung quốc và phần khác quan trọng hơn là sợ người dân quen dần với không khí xuống đường, rồi từ đó bắt mầm cho những cuộc biểu tình khác trong tương lai để đòi dân chủ hóa đất nước.

Cuộc biểu tình ngày 9 tháng 12 năm 2007 diễn ra ở Hà Nội và Sài Gòn khá bất ngờ khiến chính quyền trở tay không kịp, chỉ cho công an ra giữ trật tự lưu thông và chụp hình những người tình nghi là chủ chốt của cuộc biểu tình để sau này theo dõi. Một tuần sau, vào ngày 19/12/2007, đợt biểu tình thứ hai cũng được diễn ra nhưng lần này thì lực lượng công an đã mạnh tay giải tán. Người dân Việt Nam, đặc biệt là thành phần thanh niên, sinh viên vẫn cố gắng kêu gọi nhau xuống đường vào các tuần kế tiếp bằng các phương tiện thông tin hiện đại như Blog, youtube, email…thế nhưng chưa tiến hành được vì nhà nước bắt đầu ra tăng sức ép bằng cách đàn áp tinh thần, khủng bố tư tưởng thanh niên sinh viên.

Biểu tình lên án Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải, tại Sài Gòn.

Ký giả Suzuki còn đặt thêm một câu hỏi khác nữa là dưới chế độ cộng sản người dân không được tự ý tổ chức biểu tình nên các cuộc xuống đường vừa qua là trường hợp khác thường, vì vậy đã được cả thế giới chú mục đến thế mà các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam, từ báo đến đài thì lại nín re, chẳng hề đưa tin cho dù chỉ là một bản tin ngắn để thông tin cho người dân biết. Làm truyền thông mà như vậy thì người dễ dãi đến bao nhiêu cũng không thể cho đó là truyền thông đại chúng được. Nghe đâu cũng có một vài tờ báo định đi một vài tin nhanh về hai cuộc biểu tình đầu tiên ở Hà Nội và Sài Gòn, nhưng bị Ủy ban kiểm duyệt Trung ương bắt hủy các bản tin đó và ra lệnh từ đây tuyệt đối không được đề cập đến chuyện biểu tình nữa. Nhà nước CSVN đã dập tắt sự thật.

Từ khi lên nắm chính quyền, đảng CSVN không để cho bất cứ một cuộc biểu tình nào đi ngược ý muốn của họ lan rộng khắp cả nước, ngoại trừ nhũng cuộc xuống đường gần đây của dân oan để đòi lại đất đai bị cưỡng chiếm trái phép mà không bồi thường thỏa đáng. Lúc đầu nhà nước hơi lúng túng, không dám ra tay đàn áp mạnh vì phần đông những người khiếu kiện đó ít nhiều đã có công với ’’cách mạng’’, nhưng về sau thì họ cũng bị đàn áp như ai vì chính quyền không sao giải quyết được vấn đề này. Đất đai trưng thu phần lớn đã hóa giá cho người khác rồi lấy đâu ra mà trả lại.

Cho đến nay người dân Việt Nam biết rất mù mờ về chuyện giao thiệp với Trung Quốc liên quan đến vấn đề lãnh thổ và lãnh hải, vì chính quyền CSVN giữ kín không công bố nội dung các cuộc thương thảo. Khi nghe tin Trung quốc cho thành lập quận “Tam Sa” để quản lý hành chánh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì người dân Việt Nam rất bức xúc, cho rằng nhà nước không có những phản ứng hữu hiệu trước những hành động xâm lăng của Bắc Kinh, từ đó họ đã tự động xuống đường biểu tình phản đối bất chấp lệnh cấm biểu tình của nhà nước ban ra. Những cuộc biểu tình vừa qua tại Hà Nội, Sài Gòn được người Việt hải ngoại đánh giá cao và khi người dân ở trong nước bị trấn áp không đi biểu tình được thì người Việt tị nạn tiếp tục gióng lên tiếng nói bằng các cuộc biểu tinh trước sứ quán hay lãnh sự quán Trung quốc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu coi đây là một hành động tạo sự xúc tác cho người dân Việt ở trong nước tiếp tục can đảm đứng lên thì cũng không sai.

Biểu tình phản đối Trung Quốc và kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Hè 2008, vào sáng ngày 19 tháng 1, trước nhà hát thành phố Sài Gòn.

Ngoài bài báo của ký giả Suzuki Makoto ra, đài truyền hình Fuji trong chương trình bàn về tình hình thế giới vào sáng Chủ Nhật 13/1/2008 đã dẫn chứng những cuộc xuống đường vừa qua ở Việt Nam để đặt câu hỏi là tình hình chính trị và xã hội ở Việt Nam có thật sự ổn định hay không ?

Các nhân vật tham gia thảo luận đều có chung một ý kiến như sau: Không phải chỉ riêng gì Việt Nam mà bất kỳ một quốc gia nào bị cai trị bởi chính quyền độc tài thì không bao giờ có sự ổn định đích thực được, chỉ là sự ổn định nhất thời do chính quyền ra sức kềm kẹp. Những cuộc biểu tình này đương nhiên là nhắm vào Trung Quốc, nhưng chắc chắn về sau mũi dùi sẽ chỉa thêm vào nhà nước CSVN, vì nhiều lý do mà người dân đã chịu đựng suốt mấy thập niên qua. Những đợt sóng ngầm về sự muốn thay đổi tình hình chính trị ở Việt Nam đang bắt đầu xuất hiện.

Nhật Bản là nước luôn muốn hòa hoãn với tất cả mọi quốc gia để buôn bán nên ít khi đề cập đến những vấn đề đấu tranh đòi nhân quyền, dân chủ hóa đất nước của các quốc gia khác một cách chi tiết, nhưng một khi cái anh ’’nhà buôn ’’ Nhật này mà đề cập đến thì tự nhiên lôi kéo được nhiều quan tâm của giới đầu tư thế giới. Chính quyền CSVN rất sợ những bài báo như thế.

Ngô Văn