TT Bush và TNS Kerry Tranh Luận Để Giành Phiếu Cử Tri Độc Lập

Những ai đã quan tâm theo dõi 2 cuộc tranh luận ứng cử viên Tổng Thống (Presidential Debate) giữa Tổng Thống George W. Bush và Thượng nghị sĩ John Kerry (vào các ngày 30/9/2004 và 8/10/2004), cũng như một cuộc tranh luận duy nhất (vào ngày 5/10/2004) giữa 2 ứng cử viên phó Tổng Thống, Phó Tổng Thống Dick Cheney và Thượng nghị sĩ John Edwards, chắc hẳn ghi nhận được tầm mức quan trọng của các cuộc tranh luận này. Có nhiều điều đáng nói về các cuộc tranh luận này nhưng trước hết hãy nhìn vào sự chuẩn bị của 2 bên, Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ, cho những cuộc tranh luận cấp Tổng Thống (và kể cả Phó Tổng Thống) thì thấy rằng, đây là những trận “so găng tay” quyết liệt giữa các đối thủ kỳ cựu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công hay thất bại của 2 ứng cử viên tổng thống. Không cần tìm hiểu nhiều thì ai cũng biết rằng cả 2 ứng cử viên Tổng Thống Hoa Kỳ lần này đều là những tay hùng biện thứ thiệt, từng trải qua những cuộc tranh luận gay go trên bước đường sự nghiệp chính trị của mình.

Tổng Thống George W. Bush từng chiến thắng tại các cuộc tranh cử chức vụ Thống Đốc tiểu bang Texas, mà đặc biệt là cách đây 4 năm, trước đối thủ nặng ký là Phó Tổng Thống Al Gore thuộc Đảng Dân Chủ. Thượng Nghị Sĩ John Kerry cũng là một tay tranh luận có tầm cỡ mà chính một chiến lược gia hàng đầu của Bush, ông Matthew Dowd, cũng đã xác nhận rằng Kerry là “một nhà tranh luận giỏi nhất có tham gia tranh cử Tổng Thống từ trước đến nay”. Hai mươi năm kinh nghiệm làm việc trong Quốc Hội Hoa Kỳ kể cả trách vụ Thượng nghị sĩ hiện nay, và 8 cuộc tranh luận liên tiếp, đầy thách đố để giành chiếc ghế Thượng nghị sĩ liên bang cách đây chừng 8 năm giữa Kerry và Thống Đốc William Weld, tiểu bang Massachusetts, đã chứng tỏ “khả năng tranh cãi” của Kerry. Ngoài ra, để chuẩn bị thật kỹ cho các ứng cử viên này, ban điều hành chiến dịch tranh cử Tổng thống của mỗi ứng cử viên, bao gồm những nhà chiến lược, chiến thuật, cố vấn chính trị, nhà làm quảng cáo chính trị, người viết diễn văn.v.v… đã tiến hành tổ chức những cuộc tranh luận thử nghiệm, với nội dung các câu hỏi và đối đáp đều nghiêm túc, và có các nhà tranh luận thứ thiệt đóng vai đối thủ để ứng cử viên ứng chiến ngay tại chỗ. Mục tiêu là nhằm giúp 2 ứng cử viên này “dợt thử” trước khi ra đấu khẩu công khai như trước gần 62,5 triệu người dân Hoa Kỳ khi xem TV cuộc tranh luận đầu tiên vào ngày 30/9/2004.

Tuy vậy, những tài nghệ “đầy mình” trên lá đơn “resumé” dài thòng xin làm Tổng Thống Hoa Kỳ của 2 ứng cử viên này cũng chỉ có ích cho riêng bản thân họ chứ quần chúng Hoa Kỳ thì vẫn cứ muốn chứng kiến tận mắt từng cử chỉ, hành động và lời nói của họ ngay vào lúc này qua những cuộc “đấu khẩu” tay đôi và chất vấn, hỏi đáp trước quần chúng. Cử tri cần xem các ứng cử viên tranh luận để củng cố thêm niềm tin mà họ đã có sẵn về “nhân vật” của mình, hoặc đối với những cử tri độc lập, chưa quyết định bầu cho đảng phái hay nhân vật nào, thì đây là dịp tốt nhất để so sánh giữa 2 ứng cử viên. Chính vì vậy mà 2 cuộc tranh luận tổng thống vừa qua giữa ông Bush và ông Kerry cộng với 1 cuộc tranh luận cuối cùng vào ngày 13/10/2004 cũng đã được giới bình luận chính trị, các bộ phận thăm dò tâm lý quần chúng và truyền thông Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm và phân tích.

Thành phần cử tri độc lập, không đảng phái đã và đang được xem là một trong những yếu tố quyết định đối với cuộc bầu cử này, cũng giống như nhiều cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ trước đây. Còn nhớ kết quả bầu cử sít sao tại tiểu bang Florida trong kỳ tranh cử tổng thống giữa ông Bush và ông Gore vào năm 2000 cho thấy tổng số phiếu bầu của Bush hơn Gore khoảng 500 phiếu! Đủ để thấy rằng mỗi lá phiếu của cử tri có giá trị biết dường nào, nhất là tại những tiểu bang mà số ủng hộ viên của mỗi Đảng đều ngang ngửa nhau; và vì thế, những lá phiếu của thành phần cử tri độc lập đóng vai trò quyết định. Cuộc bầu cử này cũng không phải là một ngoại lệ khi nói đến tầm quan trọng của lá phiếu cử tri độc lập. Và những cuộc tranh luận trước công chúng giữa 2 ứng cử viên tổng thống đã giúp cho giới cử tri độc lập nhìn ra những mặt mạnh, mặt yếu của mỗi ứng cử viên mà từ đó đưa đến những quyết định bầu chọn sau cùng vào ngày bầu cử tổng thống 2/11/2004 sắp tới đây.

Ngoài ra, bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố và trận chiến tại Iraq đã và đang làm gia tăng rõ rệt sự phân cực giữa 2 phe Dân Chủ và Cộng Hòa, giới phản chiến và không phản chiến. Cũng phải nhìn nhận rằng từ khi cuộc chiến tại Iraq có những chỉ dấu cho thấy sự thiệt hại của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh ngày càng gia tăng thì 2 thành phần thiên tả và thiên hữu, tự do (liberal) và bảo thủ (conservative) đã sớm có quyết định sẽ bầu cho ai kỳ này. Kết quả là những lá phiếu của giới cử tri độc lập nhiều phần sẽ giúp đưa cán cân nghiêng về một phía mà rất khó dự đoán, kể cả giới chuyên môn về bình luận và tư vấn chính trị . Tóm lại, các cuộc tranh luận giữa 2 ứng cử viên tổng thống cũng nhằm giúp cho ông Bush và ông Kerry có thêm những diễn đàn rộng lớn để vận động tối đa sự hậu thuẫn của thành phần cử tri độc lập. Hơn bao giờ hết, cử tri độc lập mang một trách nhiệm nặng nề trong việc giảm thiểu tình trạng lưỡng cực, phe phái trầm trọng hiện nay trong xã hội Hoa Kỳ, nhất là về vấn đề cuộc chiến tại Iraq. Hơn bao giờ hết, cử tri độc lập và toàn bộ giới cử tri Hoa Kỳ nói chung cần phải nhận lãnh trách nhiệm đi bầu của mình trong tinh thần khách quan, phi đảng phái, sáng suốt đặt quyền lợi của đất nước và nhân dân Hoa Kỳ lên trên quyền lợi đảng phái và những tư duy cục bộ. Trách nhiệm của tổng thống Hoa Kỳ là bảo vệ quyền lợi, an ninh và sự phát triển phồn vinh của đất nước, và ngược lại, trách nhiệm của mỗi người dân Hoa Kỳ là giúp bầu chọn một vị tổng thống xứng đáng với trách nhiệm được giao phó, một vị tổng thống không dựa quyết định của mình vào những chỉ số thăm dò dư luận và dám đưa ra những quyết định mạnh mẽ, táo bạo trong những thời điểm khó khăn nhất của đất nước. Và dù cho kết quả bầu cử tổng thống kỳ này sẽ ra sao thì trách nhiệm của toàn dân Hoa Kỳ là chung vai sát cánh cùng với vị tổng thống của mình để vượt qua mọi khó khăn trước mặt của đất nước chứ không phải đoán già đoán non hay đặt lại vấn đề những chính sách quan trọng mà Tổng Thống, Chính Phủ và Quốc Hội đại diện đưa ra! (Đ.V)