Tự Do Ngôn Luận Trong Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

(Thử xác định quyền tự do ngôn luận, một quyền căn bản của con người trong Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ cho Việt Nam)

” Mọi người đều có quyền phát biểu tư tưởng của mình bằng lời nói, chữ viết và mọi phương tiện truyền thông khác, có quyền được thông tin, không ai được cấm cản, từ những nguồn tin mà ai cũng có thể biết được “.

“Mọi hành động cắt xén, kiểm duyệt đều không thể được chấp nhận “.

“Mọi hành vi khuynh đảo, xuyên tạc cố ý đánh lạc hướng, gian dối, thông tin xuyên tạc sự thật đều có thể bị truy tố trước pháp luật “.

” Quyền tự do báo chí có những giới hạn theo chỉ thị của các đạo luật tổng quát, dựa vào các quy chế liên hệ đến việc bảo vệ giới trẻ và quyền được bảo vệ của mỗi người trong danh dự của mình “.

” Báo chí, kịch nghệ, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình và các hình thức phát biểu tư tưởng và nghệ thuật khác không thể bị bất cứ một sự cắt xén, kiểm duyệt nào, nếu được trình bày không trái với thuần phong mỹ tục và không vi phạm đến con người được bảo vệ trong danh dự của mình. Luật pháp sẽ thiết định thể thức thích hợp để tiên liệu và ngăn cấm các lạm dụng “.

Quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng của mình là một quyền tối quan trọng, được nguyên tắc thứ 5 Văn Bản Nền Tảng Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ nhìn nhận hết sức rộng rãi, bằng cách dành cho nhiều phương thế bảo vệ đặc biệt, qua các từ ngữ như:

- ” không ai được cấm cản “,
- ” cắt xén, kiểm duyệt đều không thể được chấp nhận “,
- ” có những giới hạn theo chỉ thị tổng quát “ .

Quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng được Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ của Quốc Gia dành cho ” mọi người “, hễ ai là người đều có quyền tự do ngôn luận, chớ không nhất thiết gì phải giới hạn trong phạm vi ” người công dân Việt Nam “:

” Mọi người đều có quyền phát biểu tư tưởng của mình bằng lời nói, chữ viết và mọi phương tiện truyền thông khác “.

Điều đó cho thấy rõ Thể Chế tương lai của Quốc Gia là một thể chế Nhân Bản. Và Nhân Bản là một trong những nguyên tắc căn bản, con người là giá trị tối thượng trong Thể Chế, mà chúng ta mong ước cho Quốc Gia Việt Nam văn minh.

Quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng được xếp vào phần đầu của Văn Bản Nền Tảng, nguyên tắc thứ 5, phần tuyên bố những nguyên tắc căn bản, nền tảng của Quốc Gia, nói lên vị trí tối quan trọng của quyền tự do đang bàn.

Một thể chế trong đó con người không có quyền phát biểu và truyền bá tư tưởng của mình, không thể được định nghĩa là một thể chế nhân bản và càng không thể dân chủ. Trình độ dân chủ của một thể chế được phát hiện tỷ lệ với quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng, được chính thể chế công nhận và tạo điều kiện để thực thi trên thực tế.

Người dân không có quyền phát biểu và truyền bá tư tưởng, phán đoán, nhận định của mình trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, thì Quốc Gia có bảo đảm các tự do khác (tự do cá nhân, gia cư, hội họp, lập hội, cả tự do tôn giáo) cũng không ích gì.

Nhưng quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng không phải là tự do để mà tự do, hay tự do có cùng đích cho chính mình, mà là tự do để nhằm thực hiện những mục đích khác.

Những mục đích khác đó, hay mục đích tối hậu mà Quốc Gia nhằm đạt được là ” con người “, giúp cho con người ” phát triển hoàn hảo chính mình “” cộng tác xây dựng quốc gia “.

” Homo animal sociale est “ (Con người là một hữu thể sống động có khuynh hướng xã hội), nói theo người La Tinh.

Trong cuộc sống xã hội, tự do phát biểu, truyền bá tư tưởng của mình và được tự do tiếp nhận ý kiến, kiến thức của người khác, không bị ai làm áp lực, cấm cản, để làm giàu cho khả năng hiểu biết của mình, giúp cho mình phát triển hoàn hảo con ngưòi của mình và có khả năng cao hơn, hiểu biết đúng đắn hơn, tham gia một cách thiết thực vào cuộc sống cộng đồng của đất nước.

Tổ chức Quốc Gia nhằm phục vụ cho Con Người :

- ” Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm”. ( Nguyên tắc 1, Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ).
- ” Quốc Gia có bổn phận dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về các phương diện luật pháp, kinh tế và xã hội, là những chướng ngại vật trong khi giới hạn trên thực tế tự do và bình đẳng của người dân, cản trở họ triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào các tổ chúc chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở “ (Nguyên tắc 3, đoạn 2 , id.).

Còn nữa, bảo đảm cho mọi người có quyền tự do rộng rãi phát biểu và truyền bá tư tưởng của mình, nhưng nếu các ý kiến và định giá của mình không ảnh hưởng gì đến giới đương quyền, “đàn gãi tai trâu “, như là người dân hành xử thực sự quyền làm chủ đất nước của mình (dân chủ) đối với những ai đại diện mình đang thừa hành, thì quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng vẫn chỉ là quyền tự do thuyết lý lơ lửng trên các nguyên tắc để tuyên bố.

Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ, trong những nguyên tắc kế tiếp, sẽ tiền liệu biến các quyền tự do thuyết lý thành những điều khoản của các quyền tự do thực hữu, bằng những đạo luật thực định (lois positives), theo tinh thần của nguyên tắc đầu tiên của Hiến Pháp:

- ” Các quyền căn bản được kể sau đây có giá trị bắt buộc trực tiếp đối với các cơ chế Quốc Gia, như là những quyền đòi buộc trực tiếp” (Điều 1, đoạn 3 Hiến Pháp Cộng Hoà Liên Bang Đức).

Các phương tiện để phát biểu và truyền bá tư tưởng là lời nói, chữ viết, truyền thanh và truyền hình, phim ảnh, kịch nghệ và các phương tiện truyền thông khác. Trên thực tế, một trong những vấn đề được đặt ra trước mắt là sự tương quan giữa quyền tự do và việc có được các phương tiện cần thiết để phát biểu và truyền bá tư tưởng.

Chúng ta không thể có thái độ ảo tưởng như các người Cộng Sản.

Theo họ thì Quốc Gia cung cấp mọi phương tiện cần thiết, dĩ nhiên là tốn kém sẽ được mọi người đồng gánh chịu, để cho nhân dân thực hiện quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng của mình.

Điều 125 Hiến Pháp 1936 và điều 39, đoạn 2 Hiến Pháp 1977 Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết tuyên bố:

“… quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, biểu tình trên đường phố được bảo đảm, bằng cách cung cấp cho công nhân và tổ chức của họ nhà in, giấy mực, cơ sở, đường phố và mọi phương tiện truyền thông khác và các điều kiện vật chất khác để thực hiện, miễn là việc xử dụng các quyền trên phù hợp với lợi ích của giới công nhân và để kiện toàn chế độ xã hội chủ nghĩa “( P. Biscaretti di Ruffìa e G. Crespi Reghizzi, La Costituzione Sovietica del 1977, Milano, Giuffrè, 1990, p. 176).

Đọc đoạn đầu của điều khoản trên, chúng ta có cảm tưởng là Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết đối đãi với người dân của họ còn ” dân chủ và dành nhiều đặc ân “ hơn cả Cộng Hòa Liên Bang Đức, một Quốc Gia phú cường và dân chủ nhân bản vào bậc nhứt Âu Châu, bằng cách cung cấp cho người dân họ

“…nhà in, giấy mực, cơ sở, đường phố, mọi phương tiện truyền thông và các điều kiện vật chất khác để thực hiện “.

Trong khi đó thì Cộng Hoà Liên Bang Đức, một cường quốc kinh tế Âu Châu chỉ dám tuyên bố:

” Mọi người có quyền phát biểu và truyền bá tự do tư tưởng của mình. Quyền tự do báo chí và thông tin qua truyền thanh và phim ảnh được bảo đảm. Không ai có thể thiết định bất cứ một sự kiểm duyệt nào “ ( Điều 5, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).

Vậy thì Cộng Hòa Liên Bang Sô Viết ” dân chủ và tự do “ hơn cả Cộng Hoà Liên Bang Đức! Thấy vậy, mà không phải vậy! Thấy vậy, nhưng nếu chúng ta đọc đoạn chót của điều khoản trên Hiến Pháp 1977 Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết:

miễn là

“…để kiện toàn chế độ xã hội chủ nghĩa “.

Điều đó có nghĩa là nếu ai không chu toàn điều kiện ” …để kiện toàn xã hội chủ nghĩa “, thì ” nhà in, giấy mực, cơ sở, đường phố “” các điều kiện vật chất khác “ chỉ là những hình ảnh trong giấc mơ.

Nói cách khác, người dân Sô Viết được tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng cũng như xử dụng mọi vật liệu được Chính Quyền cung cấp, miễn là để làm ” nô lệ “ cho xã hội chủ nghĩa, phục vụ cho ý thức hệ và chế độ của Đảng, phục vụ Đảng.

Còn nữa

” Nhân dân Sô Viết, được hướng dẫn bằng các tư tưởng cộng sản chủ nghĩa khoa học và trung thành với các truyền thống cách mạng, dựa trên những thành công vĩ đại xã hội, kinh tế và chính trị của xã hội chủ nghĩa, ước vọng phát triển hơn nữa một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, ý thức đến vai trò quốc tế của Công Hoà Liên Bang Sô Viết như là thành phần chính yếu của hệ thống xã hội chủ nghĩa và ý thức về trách nhiệm quốc tế của mình, xác định các nền tảng của chế độ xã hội và chính trị của Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết, thiết định quyền, tự do và các bổn phận bắt buộc đối với người công dân, các nguyên tắc tổ chức và mục đích của Quốc Gia xã hội chủ nghĩa của nhân dân và tuyên bố các điều đó trong Hiến Pháp nầy “ ( Đoạn 14, Tiền Đề Hiến Pháp 1977 CHLBSV).

Điều đó có nghĩa là ai không phải là ” người công dân “ của CHLBSV, thì chắc chắn sẽ không được ” nhân dân Sô Viết thiết định quyền, tự do và bổn phận bắt buộc “ cho.

Tức là không còn có được bất cứ một quyền và tự do nào, những ai chống đối, những người ly khai chẳng hạn.

Họ là con số không trước mặt Chính Quyền Sô Viết, có thể bị ngược đãi và tiêu diệt bất cứ lúc nào, chớ còn nói gì đến quyền phát biểu và truyền bá tư tưởng!

Con người trong Hiến Pháp các Quốc Gia Cộng Sản có được hưởng quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng hay không, những ý nghĩ vừa qua đã cho chúng ta câu trả lời.

Và nếu không có quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng, thể chế Cộng Sản hay thể chế Xã Hội Chủ Nghĩa của Cộng Sản có là thể chế Dân Chủ hay không?

Nói cách khác, người dân trong thể chế Cộng Sản có thực quyền làm chủ đất nước hay không, câu trả lời thứ nhứt cũng là giải đáp cho câu hỏi vừa được đặt.

Có ai làm chủ mà không dám mở miệng để chỉ bảo và phán đoán hành vi của những người đại diện, thuộc hạ mình để thừa hành?

Do đó chúng tôi nghĩ rằng thái độ chúng ta nên có là thái độ thực tế của Viện Bảo Hiến Ý bàn về cùng một vấn đề:

” Mọi người đều có quyền phát biểu tư tưởng, điều đó dĩ nhiên không có nghĩa là mọi người đều cùng có như nhau mọi phương tiện vật chất để truyền bá tư tưởng. Thực tế hơn, quyền tự do trên có nghĩa là pháp luật phải bảo đảm cho mọi người có quyền được xử dụng hay được tham dự vào, với thể thức và trong những giới mức cần được đặt ra đối với những đặc tính cá biệt của mỗi phương tiện hay những giới mức cần có để bảo đảm cho việc hành xử một cách điều hòa quyền của mỗi người hoặc giới mức cần để bảo đảm cho các giá trị hiến định quan trọng khác nữa” ( Corte Cost., sent.n. 105 del 1972).

Đi vào chi tiếc hơn của đoạn đầu tiên của điều khoản đang bàn, Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ tuyên bố:

” Mọi người đều có quyền phát biểu tư tưởng của mình bằng lời nói, bằng chữ viết và mọi phương tiện truyền thông khác “ (Nguyên tắc 5, đoạn 1 Văn Bản Nền Tảng, Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ).


1. Bằng lời nói:

Dùng lời nói để phát biểu tư tưởng của mình không có vấn đề gì phải đặt ra, ngoại trừ việc phải nhận lãnh trách nhiệm trong trường hợp phạm pháp :

– vi phạm đời tư (privacy) của người khác, – vi phạm danh dự người khác, vi phạm bí mật Quốc Gia, – bí mật nghề nghiệp, – truyền bá tin tức thất thiệt, – khuếch đại quá đáng hay có dụng ý bất chính gây xáo trộn trật tự và an ninh công cộng, – nhục mạ các cơ chế Quốc Gia hay tuyên truyền xúi giục bất tuân luật pháp, nổi loạn:

” Mọi hành vi khuynh đảo, cố ý đánh lạc hướng, gian dối, thông tin xuyên tạc sự thật đều có thể bị truy tố trước pháp luật “ (Nguyên tắc 5, đoạn 2, id.).

Qua đoạn vừa trích dẫn, chúng ta thấy rằng những giá trị được Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ công nhiên tuyên bố bảo vệ, được đặt trong những giới hạn tương quan trong cuộc sống chung trong Cộng Đồng Quốc Gia, bằng cách đặt những lằn mức mà tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng không thể vượt qua:

“…nếu được trình bày không trái với thuần phong mỹ tục và không vi phạm đến con người trong danh dự của mình “ ( Điều 5, đoạn 4, id.),

Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ còn mặc nhiên bảo vệ những giá trị khác trong lòng Quốc Gia qua những dòng chữ ở đoạn 2 :

” khuynh đảo, cố ý đánh lạc hướng, gian dối, thông tin xuyên tạc sự thật “.

Những giá trị hàm chứa dưới những ngôn từ vừa kể đã được chúng ta bàn đến

“…vi phạm đời tư, danh dự người khác, bí mật Quốc Gia, bí mật nghể nghiệp, giá trị và uy thế các cơ chế Quốc Gia “.

Ở Ý, các thành viên Quốc Hội và thành viên các Hội Đồng Vùng có quyền miễn nhiễm đối với những ý kiến của họ đưa ra trong khi thi hành nhiệm vụ ( Điều 68 và 122 Hiến Pháp 1947 Ý).

Cũng vậy các thành viên của Viện Bảo Hiến và thành viên của Tối Cao Pháp Viện cũng như uy thế của Chính Quyền, của Tư pháp và Quân Đội được Viện Bảo Hiến xác nhận (Corte Cost., sent. n.20 del 1974). Viện Bảo Hiến còn thêm:

” những lời chỉ trích, cho dầu khắc khe đối với các cơ chế hiện hành về cấu trúc và hoạt động để sửa đổi cho hợp với tâm thức xã hội đều được chấp nhận.

Tính cách nhục mạ đối với các cơ chế quốc gia có thể được coi là có thật khi các lời chỉ trích được phát biểu để tỏ dấu bất tôn trọng, coi thường uy tính và tin tưởng đối với cơ quan được đề cập, khiến cho người nghe khinh bỉ và đến nỗi bất phục tùng vô căn cứ “ (Corte Cost., id.).

2. Bằng chữ viết:

a ) “Mọi người đều có quyền phát biểu tư tưởng của mình bằng lời nói, chữ viết và mọi phương tiện truyền thông khác. Mọi hành động cắt xén kiểm duyệt đều không thể được chấp nhận”.

” Báo chí, kịch nghệ, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình và những hình thức phát biểu tư tưởng và nghệ thuật khác, không thể bị bất cứ một sự cắt xén, kiểm duyệt nào, nếu được trình bày không trái với thuần phong mỹ tục và không vi phạm đến con người trong danh dự của mình” ( Nguyên tắc 5, đoạn 1 và 4, Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ).

Như vậy bất cứ ai muốn in một quyển sách, một tờ báo hay một tập san đều không phải xin phép bất cứ ai. Và khi in xong, muốn phổ biến cũng không cần phải xin phép và không ai được kiểm duyệt.

Ở Ý, luật năm 1948 ( art. 5, L.del 1948, n.47) bắt buộc báo chí hay tập san phải ghi vào sổ danh bộ ở Toà Án sở tại với danh tánh chủ nhiệm hay chủ bút, phó chủ bút và địa chỉ của họ.

Nhưng điều đó không có nghĩa là xin phép và kiểm duyệt, mà là một thể thức phải có. Bởi lẽ khi chủ nhiệm, chủ bút hay phó chủ bút hội đủ các điều kiện vừa kể, văn phòng toà án không có quyền từ chối ghi danh cho tờ báo.

Mục đích của việc ghi danh vừa kể là để có thể nhận diện được những ai chịu trách nhiệm trong trường hợp vi phạm luật báo chí.

Một trong những thủ tục đang hiện hành ở Ý là đạo luật số 46 năm 1963 (art.46, L. 3.2.1963, n.45) bắt buộc chủ bút và phó chủ bút của tờ báo hay tập san phải ghi danh vào danh sách của các phóng viên chuyên môn (albo dei giornalisti professionisti).

Điều đó có nghĩa là những tờ báo và tập san không phải do các phóng viên chuyên môn đặc trách sẽ không được ghi vào danh sách.

Thủ tục hạn hẹp trên bị Viện Bảo Hiến tuyên bố là vi hiến với phán định số 98 năm 1968 (sent.n. 98 del 1968), bởi lẽ:

” Mọi người đều có quyền phát biểu tư tưởng của mình “ ( Điều 21, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

b) Báo chí không thể bị cắt xén, kiểm duyệt. Chỉ có một hình thức giới hạn duy nhứt đối với báo chí được Hiến Pháp chỉ định, đó là ” tịch thu “:

- ” Báo chí có thể bị tịch thu chỉ bằng một án trác có lý chứng của tư pháp, trong trường hợp phạm pháp được luật pháp về báo chí cho phép rõ rệt, hay trong trường hợp vi phạm mà luật pháp ra chỉ thị đối với những ai có trách nhiệm “ ( Điều 21, đoạn 3 Hiến Pháp 1947 Ý).

Điều 21, đoạn 3 của Hiến Pháp 1947 Ý quốc vừa kể cho thấy Hiến Pháp dành quyền tuyệt đối cho cơ quan tư pháp ( riserva assoluta di legge), mới được ra án trác tịch thu :

” …có thể bị tịch thu bằng một án trác có lý chứng của tư pháp”.

Điều đó có nghĩa là cả Quốc Hội lẫn Hành Pháp đều không có quyền soạn thảo và chuẩn y các sắc lệnh, nghị định, pháp lệnh và thi hành tịch thu tùy hỷ.

Còn nói gì đến công an phường, công an xóm, công an khu vực đến hăm dọa tịch thu để tống tiền. Là những hành vi không tôn trọng một quyền căn bản bất khả xâm phạm của con người, biến lối sống của một Quốc Gia bốn ngàn năm văn hiến thành mọi rợ.

Và rồi án trác của tư pháp phải ” có lý chứng “.

Lý chứng đó, ở các Quốc Gia Dân Chủ Tây Âu, đương sự đang bị hăm doạ có thể kiểm chứng và đệ đơn đến Toà Phá Án, Tối Cao Pháp Viện và cả Viện Bảo Hiến để kiểm chứng, nếu cần.

Hiến Pháp Ý cũng nêu lên trường hợp khẩn cấp:

“Trong những trường hợp vừa kể, khi trường hợp khẩn cấp tuyệt đối đòi buộc và không thể có sự can thiệp kịp thời của tư pháp, cảnh sát tư pháp có thể thực hiện việc tịch thu, nhưng phải báo cáo ngay cho tư pháp, và không được triển hạn quá hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Nếu cơ quan tư pháp không xác nhận trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ kế tiếp, lệnh tịch thu phải được coi là đã bị thu hồi và vô giá trị “ ( Điều 21, đoạn 4, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc.).

So với nguyên tắc 2 Văn Bản Nền Tảng Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ về tự do cá nhân, điều 21 Hiến Pháp 1947 Ý đề cập đến quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng cũng cùng trên một bình diện quan trọng như nhau: dành quyền tuyệt đối cho tư pháp (riserva assoluta di legge).

Điều đó cho thấy rằng quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng cũng quan trọng không thua gì quyền tự do cá nhân bất khả xâm phạm của con người, vi phạm đến thân thể và hăm đoạ, áp lực tinh thần con người:

” Không thể chấp nhận mọi hình thức bắt giam, cầm giữ, lục xét, trưng thu, hoặc các hình thức giảm thiểu tự do cá nhân nào khác, nếu không có án trác có lý chứng của tư pháp…” ( Nguyên tắc 2, đoạn 3 Văn Bản Nền Tảng Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ).

Biện pháp thứ hai cũng được Hiến Pháp đề cập đến, đó là biện pháp dành quyền quyết định cho luật pháp ( riserva di legge), tức là dành quyền cho luật pháp được Quốc Hội thường nhiệm chuẩn y , không phải Chính Quyền muốn ra nghị định, pháp lệnh, sắc lệnh cách nào tùy hỷ.

” Luật pháp sẽ thiết định các thể thức thích hợp để tiên liệu và ngăn cấm các lạm dụng “ (Nguyên tắc 5, đoạn 4 Văn Bản Nền Tảng, id.).

Dĩ nhiên là luật pháp sẽ xác định những hình thức phát biểu và truyền bá tư tưởng nào trái hay ” không trái với thuần phong mỹ tục “.

Và từ đó được phép hay không được phép phổ biến.

Về phía quyền lực Quốc Gia, cơ quan Lập Pháp thường vụ hay Quốc Hội sẽ ” chuẩn y hay bác bỏ “ những đạo luật để tiên liệu hay ngăn cấm các lạm dụng đối với quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng ” trái với thuần phong mỹ tục “.

Nói như vậy, không có nghĩa là Hiến Pháp giao quyền cho Quốc Hội như ” chúa tể càng khôn” để ” chuẩn y hay bác bỏ “ cách nào tùy hỷ, nhứt là một Quốc Hội cấu kết với Chính Quyền, ” chuẩn y các đạo luật thuận lợi cho Chính Quyền lộng hành tự tung tự tác” kềm kẹp, giới hạn, áp chế quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng của con người.

Mà là chuẩn y hay bác bỏ các đạo luật liên quan đến điều khoản luật tôn trọng tự do cá nhân:

- ” Tự do cá nhân bất khả xâm phạm”.
- ” Mọi bạo động trên thân xác và hăm dọa áp lực trên tinh thần đối với người bị giảm thiểu tự do đều sẽ bị trừng phạt “ (Điều 13, đoạn 1 và 4 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Mục đích của các đạo luật liên quan đến quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng là để
- ” tránh mọi hành vi khuynh đảo, xuyên tạc, cố ý đánh lạc hướng, gian dối, thông tin xuyên tạc sự thật”,
- ” và để bảo vệ giới trẻ và quyền của mỗi người được tôn trọng trong danh dự của mình”. ( Nguyên tắc 5, đoạn 2 và 3 Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ).

Ngoài ra những mục đích vừa kể làm ranh giới cho luật pháp, Quốc Hội cũng không thể “chuẩn y “ các đạo luật đi ngược lại những nguyên tắc căn bản về con người:

- ” Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm “ (Điều 1, đoạn 1 , id.).
- “Quốc Gia có bổn phận dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về các phương diện luật pháp, chính trị, kinh tế và xã hội, là những chướng ngại vật trong khi giới hạn trên thực tế tự do và bình đẳng của người dân, cản trở họ triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào các tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở “ ( Điều 3, đoạn 2, id.),

vì đó là mục đích tối hậu của Quốc Gia. Đó là biện pháp dành quyền quyết định tăng cường mặc nhiên đối với luật pháp ( riserva rinforzata implicita di legge) của văn bản nền tảng Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ.


3. không trái với thuần phong mỹ tục.

Thuần phong mỹ tục là gì? Điều 528 bộhìnhluật Ý ( cod. pen., art.528) xác nhận trừng phạt những ai cho lưu hành

- các bản văn,
- hình vẽ
- hay hình chụp dâm đảng,
- tuyên truyền các tin tức sai lạc,
- quá đáng hay có ngụ ý xuyên tạc làm xáo trộn trật tự công cộng ( art. 656 cod. pen.),
- phương hại đến nền luân lý gia đình ( art. 565 cod. pen.),
- các ấn phẩm có nội dung khiếp đảm ( art. 528 cod. pen.).

Dù sao đi nữa thì quan niệm thuần phong mỹ tục không phải là những gì chỉ liên quan đến lương tâm cá nhân, cho bằng liên quan đến cuộc sống xã hội.

Viện Bảo Hiến Ý xác nhận:

- «Quan niệm thuần phong mỹ tục được điều khoản 21 Hiến Pháp đề cập đến không thể được coi là những gì chỉ liên quan đến luân lý hay đến lương tâm luân lý, cách sống luân lý trong lương tâm cá nhân, mà là tập hợp các chỉ thị đối với cách hành xử phải có trong cuộc sống giao tế xã hội.

Không tuân giữ các cách hành xử đó sẽ đưa đến việc xúc phạm đến sự thẹn thùng về tính dục, bên ngoài cũng như trong khuôn viên gia đình, vi phạm đến nhân phẩm con người và sự nhạy cảm luân lý của tuổi trẻ, mở đường cho lối sống tệ đoan, cách ăn ở đồi trụy, cách sống theo luật lệ và cử chỉ ngược lại những gì chính đáng » ( Corte Cost., sent. n. 368 del 1992).

4. Quyền tự do tường thuật thời sự.

Trong văn bản nền tảng Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ, chúng ta không có dịp đề cập một cách rõ ràng đến quyền các ký giả có tự do tường thuật các dữ kiện xảy ra. Nhưng quyền tự do vừa kể được mặc nhiên hàm chứa trong quyền

- «mọi người đều có quyền phát biểu tư tưởng của mình bằng lời nói, chữ viết và các phương tiện truyền thông khác » ( Nguyên tắc 5, đoạn 1 Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ).

Các ký giả trong khi hành xử quyền tự do vừa kể trong nghề nghiệp mình, thường va chạm phải những vấn đề tư pháp khác.

Chúng tôi xin được ghi lại những kinh nghiệm biết được để những ai có bổn phận xử trí trong tương lai có thêm dữ kiện để phán đoán.

Điều 684 hình luật Ý ( art. 684, cod.pen.) trừng phạt ai cho đăng tải toàn phần hay một vài phần , hoặc ngay cả tóm lược các văn kiện và tài liệu của phiên toà hình sự mà luật cấm không được phổ biến ( art. 114 e 329 cod.pen.).

Trong khi đó thì Viện Bảo Hiến xác nhận các điều kiện trong đó quyền tự do tường thuật thời sự của các ký giả được phép xử dụng:

- sự thật phải được thuật lại «đầy đủ , không cắt xén, hay tự ý khuếch đại » một vài phần hoặc khía cạnh, có thể bóp méo sự thật.
- cách thức chỉ trích phải «lịch sự » (civile)
- và “trong sáng chính đáng “,
- sự thiếu sót bất chính khi dùng hình thức ” hiểu ngầm sáng suốt “,
- hoặc ” yếu tố nầy được đặt cạnh yếu tố kia để mớm ý “ (Corte Cost., sent. 5259 del 18.10.1984).

Một hình thức tiêu cực của quyền tự do tường thuật thời sự là ” tự giới hạn quyền tường thuật “ ( autolimitazione della libetà di cronaca).

Quyền tự do tiêu cực vừa kể được đem ra thực hiện khi một nhóm nhật báo hay tập san, truyền thanh, truyền hình tự giới hạn quyết định không phổ biến một số tin tức hay tài liệu liên quan đến những cuộc điều tra đang tiến hành do sự thoả thuận với các phe bị cáo hay bị lên án, dưới hình thức ” im lặng báo chí “ hay ” blackout báo chí “.

Trong truờng hợp vừa kể, các nhóm báo chí đương cuộc có thể bị truy tố về tội đồng lõa, hơn là tội vi phạm quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng của nguyên tắc 5 văn bản nền tảng Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ đang bàn.

5. Các phương tiện tài chánh.

Tính cách quan trọng và ảnh hưởng của báo chí đến việc tạo dư luận quần chúng đã khiến chúng ta không thể quên xác định:

” Luật pháp có thể thiết định, với những chỉ thị tổng quát, những bắt buộc liên quan đến việc phải tường trình với giới chức có thẩm quyền liên hệ các phương tiện tài chánh của báo chí “ ( Nguyên tắc 5, đoạn 5 Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ).

Chúng ta có thể phê bình và có ý thức khi đọc báo hay tạp san, nếu chúng ta biết được danh tánh chủ nhân, giám đốc và những người tài trợ cho tờ báo.

Trong trường hợp các nguồn tài trợ không được tiếc lộ, tờ báo để có thể hoạt động được, có thể đang bị các nhóm có thế lực kinh tế (tư cũng như công) đặt điều kiện, hoặc là tờ báo chi nhánh, cho mượn tên của những nhóm tập quyền báo chí.

Đạo luật số 3, khoản 1, 25.2.1985, điều 67 của Ý (art.3, comma 1, L. 25.2.1985, n.67) xác định rằng trong thể chế dân chủ của Quốc Gia Ý, nguyên tắc đa nguyên cần phải được bảo vệ trong việc tạo mọi điều kiện thích hợp để các ý kiến khác nhau có thể được truyền bá tạo dư luận và sự đồng thuận của dân chúng một cách tự do và không bị bóp méo.

Điều 10 và 11 của cùng một đạo luật bắt buộc phải công khai hóa tài sản của cơ quan báo chí và công khai hóa việc chuyển nhượng danh hiệu của tờ báo hay tập san bằng việc khai báo trên sổ danh bộ báo chí quốc gia.

Viện Giám Sát báo chí và truyền thanh-truyền hình có bổn phận bảo đảm cho đạo luật vừa kể được thi hành (L. 6.8.1990, n.223).

Vấn đề liên quan đến phương tiện tài trợ tài chánh cho báo chí liên quan trực tiếp đến quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng thực hữu.

Với điều khoản vừa kể về vấn đề tài chánh, Thể Chế Nhân Bản và Dân chủ đã chuyển quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng thuyết lý sang áp dụng thực hữu.

Bởi vì quyền tự do báo chí thực hữu một phần rất lớn tùy thuộc ở giới báo chí có phương tiện tài chánh trong tay hay không hay do một nhóm hay ít nhiều nhóm người có thế lực tài chánh độc quyền khuynh đảo.


6. Quyền thông tin.

” Mọi người có quyền phát biểu tư tưởng của mình bằng lời nói, chữ viết và mọi phương tiện truyền thông khác, được thông tin, không ai được cấm cản, từ những nguồn tin mà ai cũng có thể biết được “ ( Nguyên tắc 5, đoạn 1 Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ).

Điều đó cho thấy rằng ngoài quyền tự do phát biểu và phổ biến tư tưởng, Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ cũng bảo vệ vì lý do công ích quyền tự do được thông tin.

Quyền tự do thông tin và tự do được thông tin, trong Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ hàm chứa nhiều nguồn thông tin đa dạng, quyền được tự do biết được những tin tức, ý kiến, bình luận , mà không ai có quyền, bưng bít, cản trở, ngu muội và ngu dân của thể chế Cộng Sản độc tài đảng trị, thông tin một chiều và chỉ biết có ý thức hệ Marx-Lenin là “đỉnh cao trí tuệ “.

Bởi lẽ nếu tư tưởng Marx-Lenin và Hồ Chí Minh là ” đỉnh cao trí tuệ “, thì người Cộng Sản tại sao không mở tung cửa, sợ gì đặt bên cạnh những tư tưởng khác, tư tưởng Nhân Bản, Dân Chủ, Tự Do để người dân biết được, so sánh và lựa chọn.

Bưng bít là hành động vừa ngu muội vừa ngu dân, thấp kém, sợ sệt, cố chấp, bất chính vì che giấu những gì đê tiện, xấu xa bên dưới, sợ người khác so sánh, khám phá ra tư tưởng dốt nát và đê tiện của mình.

Đó là ý nghĩa những gì Viện Bảo Hiến Ý xác nhận liên quan đến quyền tự do được thông tin không bị hạn chế, cấm cản ( Corte Cost., sent. n. 105 del 1972, n. 225 del 1974, n. 94 del 1977).

Như chúng ta đã có dịp đề cập, nền tảng của quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng và liên hệ với quyền nầy là quyền tự do thông tin và tự do được thông tin không phải chỉ được đặt trên lời tuyên bố của nguyên tắc 5 đang bàn, mà trên nguyên tắc rộng lớn hơn: nguyên tắc mục đích tối hậu của Quốc Gia Việt Nam:

“( người dân) phát triển hoàn hảo con người của mình và tham gia thiết thực vào các tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở “ ( Điều 3, đoạn 2 Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ).

Điều vừa nói có nghĩa là trong Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ thật sự, không những chính sách và hoạt động của các cơ chế tổ chức Quốc Gia phải được người dân biết rõ (dĩ nhiên là trong giới mức có lợi cho công ích), mà người dân cũng

- có quyền được tham dự vào việc bàn thảo chính sách trong tiến trình trước khi hành động,
- có quyền bày tỏ ý kiến vào việc chọn lựa những phương cách hữu hiệu,
- được thông báo tiến trình đang diễn biến
- và có quyền phán đoán kết quả Chính Quyền thu thập được, cũng như cấu trúc của Chính Quyền có ảnh hưởng đến kết quả đang bàn.

Quyền tự do thông tin và tự do được thông tin là hệ quả của nguyên tắc dân chủ của Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ của Quốc Gia Việt Nam và của nguyên tắc không thiên vị mà các cơ chế quản trị Quốc Gia phải tuân theo khi hành động. Các hoạt động của cơ chế quản trị Quốc Gia, người dân phải biết, chớ không có gì

” …ẩn nấp trong huyền thoại thần bí của bí mật thuộc thẩm quyền các cơ quan “.

Đó là những gì Viện Bảo Hiến Ý đã phán quyết năm 1993 ( Corte Cost., sent 112 del 1993).

Những đặc tính phải có của quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng, cũng như quyền tự do thông tin và tự do được thông tin:

- các nguồn thông tin phải đa nguyên,
- thông tin trung thực và không thiên vị,
- thông tin đầy đủ , chính xác và có tính cách liên tục,
- tôn trọng nhân phẩm con người, trật tự công cộng, thuần phong mỹ tục và tôn trọng giới trẻ phải được phát triển hoàn hảo con người của mình về phương diện thể xác, tâm linh, tâm lý cũng như luân lý. ( Corte Cost. sent. 420 del 1994).

Quyền tự do thông tin và tự do được thông tin vừa kể, được Viện Bảo Hiến phán quyết, đã được Nội Quy Vùng của vùng Veneto (với thủ phủ là Venezia) thực hiện như sau:

” Bổn phận thông tin (của Vùng Veneto) được thi hành một cách hoàn hảo theo những chỉ thị của Vùng, nhờ vào các dụng cụ truyền thông đặc biệt và những cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa các cơ chế của Vùng và đại diện các tổ chức và các giới”(Statuto Veneto, art. 35, comma 3).

Điều đó cho thấy rằng quyền tự do thông tin và tự do được thông tin không còn chỉ là quyền được tuyên bố dưới hình thức tiêu cực ,” được thông tin, không ai được cấm cản “, mà là một quyền được Vùng Veneto biến thành tự do tích cực: chính cơ chế Quốc Gia của vùng Veneto đã tạo ra những phương cách thích hợp

” …các dụng cụ truyền thông đặc biệt và những cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa các cơ chế của Vùng và đại diện các tổ chức và các giới “,

để người dân được thông tin và tham dự một cách có ý thức vào đời sống Quốc Gia nói chung và của Vùng Veneto nói riêng.

Trong tinh thần thực thi tự do thông tin và tự do được thông tin vừa kể, Quốc Hội Ý đã chuẩn y những đạo luật:

- thiết lập Bộ Môi Sinh , L. 8.7.1986, n.349,
- quyền được xem xét và tra cứu các văn kiện và tài liệu ở các cơ quan làng xã , L. 25.12.1985,n.816,
- quyền được xem xét và tra cứu các thể chế tự lập của các công đồng địa phương , L. 8.6.1990,
- quyền được xem xét và tra cứu các thể thức hành chánh, tham khảo các tài liệu hành chánh điạ phương cũng như trung ương, L. 7.8.1990, n. 241.

Và Tổng Thống Ý đã ký sắc lệnh cho thi hành các đạo luật trên, D.P.R. 27.6.1992, n.352.

Ngoại trừ trường hợp bị giới hạn về các bí mật đang được tư pháp điều tra đối với vụ án đang được xét xử , bí mật nghề nghiệp và bí mật Quốc Gia ( art. 12, L. 24.10.1977, n.801), Chính Quyền không được giới hạn tự do thông tin và tự do được thông tin:

- ” Được coi là bí mật Quốc Gia các văn kiện, tài liệu, tin tức, hoạt động và bất cứ những gì khác mà nếu được truyền bá có thể phương hại đến sự toàn vẹn của Quốc Gia, ngay cả những gì liên hệ đến các thoả ước quốc tế, đến sự bảo vệ các cơ chế được Hiến Pháp đặt làm nền tảng Quốc Gia, đến việc các cơ chế có thể tự do hoạt động, đến sự độc lập của Quốc Gia đối với các Quốc Gia khác hoặc liên hệ với họ, đến việc chuẩn bị và bảo vệ Quốc Gia bằng quân sự “.

Nhân Bản và Dân Chủ là vậy. Nhân Bản và Dân Chủ là hành động trong sáng giữa thanh thiên bạch nhật, để mọi người bàn thảo, góp ý kiến để chọn lựa, để xây dựng và phán đoán những thành quả, ưu cũng như khuyết điểm, đã đạt được để chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp.

Giấu giếm, gian xảo, lường lọc, ngăn chận, kiểm duyệt, giới hạn, đàn áp là những dấu hiệu của những ai đang lãnh đạo bất tài, hành động bỉ ổi, phe nhóm, đang sợ bị bại lộ nên không dám hành động giữa thanh thiên bạch nhật, cho mọi người được thông tin và bày tỏ ý kiến, tham dự vào đường lối chính trị, lãnh dạo quốc gia.

Hành động như vừa kể không phải là lý tưởng của Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ mà chúng ta mong ước cho Quốc Gia Việt Nam.

Nguyễn Học Tập

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Hai tuyến đường thủy từ Phnom Penh ra biển Đông: Tuyến bên trái đi qua kênh đào Funan, tuyến bên phải đi qua sông Tiền. Ảnh chụp từ Google Map, Phạm Phan Long minh họa

Kênh đào Funan và những “mảng tối” chưa rõ!

Trao đổi với RFA, Kỹ sư Phạm Phan Long đặt ra câu hỏi nếu kênh đào Funan không thay thế được tuyến đường sông Tiền ra biển, vậy Campuchia còn có thể có mục đích nào khác khi xây kênh đào này. Ông phán đoán:

“Nếu kinh tế không phải là lý do để xây dựng kênh đào Funan thì chắc hẳn phải có lý do khác. Ngoài tưới ruộng và thủy sản, không thể loại trừ khả năng họ xây dựng kênh đào để chuẩn bị cho tình huống xung đột nếu nó xảy ra, nếu có xung đột xảy ra, sông Tiền bị khóa thì họ còn một đường thủy khác. Kênh đào Funan do đó có mục đích chiến lược chứ không phải chỉ mục đích kinh tế…”

Giới thạo tin cho rằng “lò” có thể sẽ đốt cả bà Trương Thị Mai (phải), thường trực Ban Bí thư kiêm trưởng Ban Tổ chức Trung ương đảng. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vỡ bình, đất nước sẽ ra sao?

Công cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng cho đến nay, chẳng những đã thất bại, đã không trị được cội rễ của tham nhũng mà còn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông ta. Rải rác đã có lời đồn đoán phen này không chừng chủ lò lại biến thành củi vì “trách nhiệm chính trị của người đứng đầu” khi hàng loạt đảng viên cao cấp – đảm nhiệm từ chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, phó thủ tướng, bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh đến tướng tá quân đội và công an – bị cách chức, bị tống giam đến mức “đã đủ nhân sự lập một chính phủ trong tù!”

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình trạng của người bảo vệ nhân quyền. Ảnh: Srdefenders

Báo cáo viên đặc biệt LHQ: Hà Nội cần chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống

Hà Nội cần chấm dứt việc đàn áp một cách có hệ thống và sử dụng các điều luật bị cho “nguỵ tạo” để bắt giam các nhà hoạt đông bảo vệ nhân quyền.

Đây là khuyến nghị của một số các tổ chức nhân quyền quốc tế cùng với quan chức Liên Hiệp Quốc và dân biểu Thuỵ Sỹ lên tiếng nhân dịp Việt Nam tham dự phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) vào ngày 7/5/2024.

UPR 2024 – 5 năm nhìn lại tình hình nhân quyền tại Việt Nam

Universal Periodic Review, được gọi tắt là UPR, tức Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là một cơ chế của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHCR), được thiết lập từ năm 2006, nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở mỗi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Để đạt được mục đích này, Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát thực hiện việc kiểm tra, đánh giá hồ sơ nhân quyền của mỗi quốc gia, và đưa ra khuyến nghị cho các vi phạm nhân quyền ở bất cứ nơi nào chúng xảy ra.

Vào ngày 7/5/2024 tới đây, tình hình nhân quyền Việt Nam được kiểm điểm trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, chu kỳ thứ tư.