Từ Những Cơn Lốc Cách Mạng…: Cách Mạng Nga 1917

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
JPEG - 65.1 kb

Lời Mở Đầu: Ít ai có thể phủ nhận những biến cố chính trị trên đất nước Việt Nam suốt gần 200 năm qua mang nặng màu sắc và là một phần hệ quả của những cuộc cách mạng lớn trong lịch sử cận đại của nhân loại. Dù ở khá xa trung tâm những cơn lốc này, hậu quả của những trận bão rớt vẫn không kém phần đẫm máu và tang thương trên quê hương chúng ta mãi tận ngày nay.

Mời quý vị cùng lật lại một vài trang sử, trong kỳ vọng tìm được những qui luật và bài học cho công cuộc đấu tranh của chúng ta hôm nay.

****

Phần II : Cách Mạng Nga 1917

JPEG - 4.3 kb
(1879-1953)

Cũng như cuộc Cách Mạng (CM) Pháp 1789, cuộc CM Nga 1917 không xảy ra trong vòng một năm nhưng đã được chuẩn bị suốt gần một thế kỷ trước đó và chỉ được tạm coi là chấm dứt sau cái chết của Stalin (1953). Việt Nam, hiển nhiên, vẫn còn mang những ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc CM này cho đến ngày nay.

Con đường dài gần 100 năm dẫn đến cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917 cũng dẫn dắt qua đủ các dạng thức đấu tranh – bạo động, vận dụng, chính trường, quân sự – để cung cấp cho chúng ta nhiều bài học quí giá cho nỗ lực đấu tranh hiện tại và canh tân đất nước mai sau.

I. Những năm tháng tiền Cách Mạng :

Để tìm hiểu căn nguyên của cuộc CM Nga vào đầu thế kỷ 20, các sử gia thường phải ôn lại tình hình đất nước này suốt thế kỷ 19 để nhìn ra những thay đổi tư duy và những biến chuyển mở đường.

A. Chế độ cai trị của các Nga hoàng

JPEG - 24.9 kb
(1977-1825)

Đất nước Nga vào đầu thế kỷ 19 mang khá nhiều đặc tính của quê hương Việt Nam hiện nay. Dưới sự cai trị của Alexander I, càng nhiều những thay đổi du nhập từ Tây Phương về áp dụng lên các thành thị, càng làm sâu rộng hố ngăn cách với đại khối nông thôn vẫn đứng yên trong lạc hậu và đói nghèo cùng cực. Hệ thống chính trị, xã hội ngày một trở nên vô dụng và chỉ còn tập trung vào việc bảo vệ quyền lực cho chế độ quân chủ.

Nicholas I lên nối ngôi vào năm 1825, cũng là năm có cuộc nổi dậy của nhóm Tháng Mười Hai (Decembrists, sẽ được trình bày bên dưới). Để đối phó, ông cho thiết lập Phòng Ba thuộc Quốc Vụ Viện Hoàng Gia để tổ chức và điều động một mạng lưới mật vụ. Từ điểm khởi đầu này, vai trò bao trùm của mật vụ trong việc bảo vệ chế độ đã trở thành qui luật trong xã hội Nga cho đến ngày nay. Nhà vua cũng đặt ra đầy rẫy những luật lệ mới về kiểm soát thông tin và bộ luật hình sự bao gồm nhiều tội danh chính trị chưa hề có trước đó. Cùng lúc, một đội ngũ báo chí được xây dựng để thường xuyên ca tụng chế độ.

Tuy nhiên, các biện pháp bưng bít của Nicholas I vẫn không ngăn chặn nổi các trào lưu tư tưởng từ Âu Châu tràn vào. Theo các sử gia, chính vì không lôi kéo được thành phần trí thức về với chế độ mà ngôi vị của các Nga hoàng đã bắt đầu lung lay kể từ đó.

JPEG - 23.4 kb

Tiếp nối cai trị là Alexander II, người có công đề ra nhiều cải cách quan trọng. Đáng kể nhất là lệnh giải phóng nông dân vào năm 1861, chấm dứt chế độ nô lệ tá điền kéo dài gần 140 năm. Tính đến giữa thế kỷ 19, năm phần sáu tổng số dân Nga là nông dân. Dưới chế độ nô lệ tá điền, nông dân nằm trọn vẹn trong quyền sinh sát của các chủ đất tư hoặc nhà nước nếu canh tác trên đất công. Họ bị bần cùng hóa cả đầu óc lẫn thân xác đến độ nhiều văn sĩ đương thời mô tả như những “cuộc sống cực khổ hơn cả trâu bò … với đủ loại tật xấu thô bỉ, gian xảo, dơ dáy, và nghiện ngập”. Tuy nhiên, vì không có các biện pháp kinh tế đi kèm, các nông dân “được giải phóng” trên danh nghĩa vẫn không có đời sống khá hơn trước là bao.

Hơn thế nữa, khi Alexander III lên nối ngôi, ông thu hồi lại một số chương trình cải cách và bắt đầu chính sách Nga-hóa các dân tộc thiểu số. Sự uất ức đối với chính sách này là khởi điểm cho sự hợp tác của các phần tử cách mạng từ các giống dân khác nhau.

JPEG - 53.2 kb

Khét tiếng nhất dưới thời Alexander III là bộ luật ngày 14/8/1881 mang tên Luật về những Biện Pháp Bảo Vệ An Ninh Quốc Gia và Trật Tự Xã Hội, theo đó mật vụ có toàn quyền bắt, bỏ tù, phạt tiền, đày biệt xứ, đóng cửa tiệm, cấm hội họp, tịch thu thư từ, v.v… mà không cần đưa ra tòa xét xử. Nói cách khác, đây là một loại 31/CP của thời nay.

Và sau hết Nicholas II lên ngôi năm 1894, để chứng kiến cuộc CM kết liễu vĩnh viễn chế độ quân chủ tại đất nước này.

B. Con người và tâm thức

Khác với cuộc CM Pháp, tôn giáo không là một nguyên nhân trực tiếp trong cuộc CM Nga. Một phần lớn là vì đa số dân chúng từ thế kỷ 10 đã theo Chính Thống Giáo (một hệ phái tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã) và có hệ thống điều hành riêng biệt trong phạm vi nước Nga.

JPEG - 14.2 kb
(1796-1855)

Tâm hồn người dân Nga, theo nhận xét của nhiều chuyên gia bản xứ lẫn ngoại quốc, nói chung có hai đặc điểm nổi bật, đó là cực đoan và mâu thuẫn. Họ dễ say mê các luồng tư tưởng mới đến độ điên cuồng và có thể ôm ấp cùng lúc những luồng tư tưởng trái ngược. Chẳng hạn như tự thâm tâm, hầu hết các nhà cách mạng (thuộc đủ mọi khuynh hướng) đều rất sùng đạo. Sùng đạo đến nỗi sinh ra khuynh hướng thèm khát sự thống khổ như cái giá cứu chuộc và làm thanh sạch tâm hồn. Nhưng cùng lúc đó họ cũng hết lòng đấu tranh cho chủ trương vô thần và xem tôn giáo như những ràng buộc nô lệ lên con người.

Có người cho rằng đặc tính mâu thuẫn trong dân tộc tính đến từ sự pha trộn 2 nền văn hóa Đông và Tây trên đất Nga. Nhưng dù gì đi nữa thì đặc tính đam mê và mâu thuẫn này khiến người dân Nga yêu chuộng cảm giác buồn và yêu thích thi ca hơn hẳn các dân tộc khác. Người bên ngoài khó mà hiểu được tại sao mọi chế độ cầm quyền đều canh chừng rất kỹ và tìm cách cô lập các thi sĩ lớn trên đất Nga.

Sự đam mê của người Nga cũng có thể được thấy qua trình tự du nhập và ôm ấp các luồng tư duy trong suốt thế kỷ 19. Trong suốt thập niên 1830, giới trí thức Nga say mê các chủ thuyết xã hội chủ nghĩa theo kiểu Pháp và văn hóa Pháp nói chung. Tiếng Pháp được dùng thường ngày như một biểu lộ văn hóa cao.

JPEG - 60 kb
Lên ngôi năm 1894

Nhưng chỉ đến khoảng 1840, thì trào lưu văn hóa Pháp phải nhường chỗ cho văn hóa Đức, đặc biệt là triết lý của Hegel và thơ của Schelling. Trong thời gian đầu, các biện chứng của Hegel được xem như chân lý đầy tính khoa học và không thể cãi lại được. Tuy nhiên, không lâu sau đó, triết lý này đi ngược lại với hoài bão cách mạng của giới trí thức Nga khi nêu cao định luật: tất cả những gì đang tồn tại ắt phải hợp lý; vì nói như thế thì chế độ quân chủ đang hiện diện lúc bấy giờ cũng hợp lý nên tồn tại. Thế là họ lại lao vào thái cực đối nghịch, ôm ấp chủ nghĩa hư vô, phủ định mọi giá trị và cơ chế hiện hữu, từng bước chuẩn bị tư tưởng cho thái độ bạo tàn cực độ sau biến cố tháng 10, 1917.

JPEG - 21.9 kb
(1812-1870)

Dẫn đầu khuynh hướng này là Belinski. Ông viết: “Cá nhân tôi không thể nào chấp nhận diễn trình tự nhiên của lịch sử. Từ nay, phủ nhận tất cả thực tại sẽ là phương châm của tôi”. Kế đến Herzen bắt đầu phủ định các giá trị tôn giáo truyền thống trong lúc Pisarev phủ định cả các giá trị văn chương và đặt vấn đề với hệ thống luân lý phổ thông – như đề ra cuộc tranh luận: người ta có quyền giết bố mẹ mình không?

JPEG - 12.7 kb
(1775-1854)

Sau đó không lâu, Bakunin bắt đầu đưa chủ nghĩa hư vô vào lãnh vực ứng dụng với kết luận: chỉ cần có tự do, còn luân lý không đáng kể. Cũng có người cho rằng Bakunin là cha đẻ của chủ nghĩa vô chính phủ khi nghe ông rao giảng về một thế giới không luật lệ, một thế giới tự do tuyệt đối. Nhưng để xây dựng thế giới đó, ông lại chủ trương phải có một tổ chức độc tài và phải tận dụng khai thác sự sợ hãi của con người vì đó là động lực hữu hiệu nhất. Quan điểm này đã ảnh hưỏng sâu rộng vào guồng máy cai trị của cả Lenin lẫn Stalin sau này.

Các lý thuyết của Bakunin chưa tạo ấn tượng lớn trong giới trí thức và cách mạng Nga cho đến khi có sự xuất hiện của Nechaev, một mẫu người thật với tác phong sắt đá và hoàn toàn phi luân lý. Nechaev thực sự sống chỉ để làm cách mạng, từ khước mọi loại “cảm xúc, liên hệ, và ngay cả tên họ”. Ông coi mọi hình thức bạo lực và dối trá là quyền của người làm cách mạng, kể cả quyền lừa bịp và tiêu diệt các đồng chí của mình nếu cần.

JPEG - 30.1 kb
(1814-1876)

Một đồng chí thân cận của Nechaev là Tkachev. Ông chuyên về nghệ thuật làm sao để có nhiều mẫu người như Nechaev, nghĩa là các phương thức tổ chức đảng và các kỹ thuật cướp chính quyền. Lenin đã thừa hưởng nhiều công trình của Tkachev trong việc thiết lập guồng máy đảng, đặc biệt trong lãnh vực lựa chọn và huấn luyện các tay cách mạng chuyên nghiệp hoạt động hoàn toàn bí mật.

II. Diễn tiến :

A. Gần một thế kỷ chuẩn bị …

JPEG - 12 kb

Hầu hết các sử gia đều đồng ý cuộc CM tháng 10 năm 1917 có điểm khởi đầu từ cuộc nổi dậy của những người được mệnh danh là Thành Viên Tháng Mười Hai (Decembrists) vào đúng tháng này năm 1825. Đây là cuộc nổi loạn của một số thành phần quí tộc cấp tiến muốn thấy công bằng xã hội, và của các sĩ quan vừa đánh bại đoàn quân lừng danh của Napoleon nhưng nay lại trở về hoàn cảnh bị chèn ép tại quê nhà. Cuộc khởi nghĩa diễn ra ngay tại kinh đô Saint Petersburg (tức Petrograd) nhưng bị tiêu diệt nhanh chóng bởi các họng súng đại bác của binh lính trung thành với Nga hoàng. Kết quả là 5 lãnh tụ bị treo cổ và số còn lại bị đày đi Siberia (Tây Bá Lợi Á).

Suốt 40 năm sau đó, từ 1830 đến 1870, các hành động cách mạng hầu như mất hẳn, nhường chỗ cho những sinh hoạt tư tưởng dồn dập như đã nêu trong phần trên.

JPEG - 10 kb

Từ 1870 đến 1878, các nhà trí thức mở ra Phong Trào Bình Dân, đi vào quần chúng vận dụng để cảnh tỉnh mọi người về bản chất của chế độ và tương lai đất nước. Nhiều người bỏ hết nghề nghiệp, địa vị, về sống tại thôn quê và các xóm lao động để rao giảng giữa những người cùng khổ. Tuy nhiên phong trào này chẳng đạt kết quả nào đáng kể.

Từ 1878 đến 1905, các phần tử cách mạng không còn con đường nào khác và bắt đầu bước vào giai đoạn khủng bố chưa từng có trong lịch sử. Họ đồng loạt dùng mọi phương tiện để ám sát các yếu nhân của chế độ, kể cả các Nga hoàng. Khởi đầu họ lập nhóm lấy tên là Ý Dân, và sau đó chuyển thành đảng Xã Hội Cách Mạng (XHCM). Điều cần nói rõ là các đảng viên XHCM không theo trường phái Nechaev và Tkachev như những người cộng sản Bolshevik sau này. Họ vẫn còn nhiều quan tâm đến luân lý và chấp nhận các biện pháp bạo động một cách miễn cưỡng. Mặc cảm “vấy máu” khiến họ thường tự tìm cách kết liễu mạng mình để đền bồi lại cho các người chết.

JPEG - 12.8 kb
(1770-1831)

Vào khoảng năm 1885, một phong trào khác kết hợp loại chủ nghĩa xã hội Pháp với chủ nghĩa xã hội theo Karl Marx thành phong trào Xã Hội Dân Chủ (XHDC). Tuy nhiên, các lãnh tụ phong trào phải sống triền miên tại hải ngoại, từ Paris, London, đến Geneva, Luxumbourg để tránh mạng lưới mật vụ của Nga hoàng. Họ ra một tờ báo có tên là Iskra (Tia Sáng) và tìm cách truyền bá tư tưởng cách mạng vào trong nước. Đáng kể nhất trong số lãnh tụ này là Lenin và Trotsky.

Lenin, nguyên tên là Vladimir Ilych Ulyanov, sinh năm 1870 tại thành phố Simbrisk bên bờ sông Volga. Ông là người con thứ nhì trong một gia đình trung lưu có gia phả quí tộc gồm 6 anh chị em. Chi tiết ông mang một phần máu Do Thái từ bên ngoại vẫn chưa thể khẳng định, nhưng sự kiện ông và các nhà cách mạng Nga khác được các nhà tư bản Do Thái tài trợ trong thời gian lưu vong tại hải ngoại là điều hiển nhiên. Năm lên 17 tuổi, ông chứng kiến việc ông anh mình bị chế độ xử tử vì có liên hệ đến âm mưu ám sát vua Alexander II. Biến cố này kèm với việc gia đình ông bị đày ải, xa lánh, và cái chết của cha ông vài năm sau đó đã khiến Lenin tận hiến đời mình cho mục tiêu lật đổ chế độ Nga hoàng bằng mọi giá.

Tuy được tôn sùng ngang với Karl Marx trong vai trò thủy tổ của Chủ Nghĩa Cộng Sản, thực ra ông không có luận điểm lý thuyết gì thật đặc thù, mà chỉ có biệt tài chọn lọc và kết hợp từ nhiều nguồn tư tưởng những phần thuận lợi cho chủ đích lật đổ chế độ. Đặc điểm của ông là quyết tâm sắt đá, khả năng luôn luôn tập trung vào mục tiêu tối hậu và tính thực dụng, sẵn sàng xử dụng mọi loại phương tiện không cần đắn đo về xuất xứ hay luân lý. Do đó tuy mượn chủ nghĩa Marx làm nền tảng, ông sẵn sàng thêm bớt và đi ngược lại suy nghĩ của Marx khi cần thiết và không hề tin tưởng vào khả năng của giai cấp vô sản Nga; trong thời gian chưa nắm quyền, ông xử dụng mọi loại thủ thuật do Tkachev đề xướng, kể cả việc bật đèn xanh cho Stalin mở các cuộc cướp nhà băng gây quỹ cho đảng Bolshevik; và khi lên nắm quyền, ông xử dụng mọi biện pháp và sẵn sàng hy sinh tất cả để duy trì quyền cai trị tuyệt đối của Đảng.

Trotsky, tên thật Lev Bronstein, là một người Nga gốc Do Thái trẻ hơn Lenin 10 tuổi. Trotsky mang nhiều đặc tính bổ khuyết cho Lenin. Trong lúc Lenin thâm hiểu tâm tư của người dân Nga, Trotsky thấm nhuần khuynh hướng suy tư kiểu Tây Phương nhiều hơn, có lẽ do nhiều năm lưu lạc khắp Âu Châu và trôi giạt sang tận Hoa Kỳ. Ông bị đày đi Siberia hai lần và vượt ngục cả hai. Tuy gặp Lenin năm 1902 nhưng mãi đến năm 1917 Trotsky mới thực sự ngã theo chủ trương của Lenin (Bolshevik). Trong thời gian trước đó, ông là người phê bình thẳng thắn và nghiêm khắc các luận điểm của Lenin. Nếu đem so sánh, có thể nói ông tin tưởng và trung thành với chủ nghĩa Marx hơn cả Lenin, đặc biệt là sự tin tưởng vào giai cấp công nhân và chủ trương quốc tế cộng sản.

JPEG - 31.8 kb

Đặc điểm của Trotsky là viết và nói rất hay, kèm với khả năng học hỏi phi thường. Dù không hề được huấn luyện về quân sự, khả năng học hỏi cấp tốc và lòng gan dạ đã khiến ông đánh bại mọi loại chống đối quân sự trên toàn nước Nga trong vòng 3 năm (1918-1921) với một lực lượng Hồng Quân ô hợp vừa mới thành lập. Tuy nhiên, với bản chất hoạt động bằng nhiệt huyết và lý tưởng, ông là một chiến sĩ cách mạng xuất sắc nhưng lại là một chính trị gia kém cỏi, để rồi cuối cùng bị Stalin hãm hại như trình bày trong phần sau.

Vào những năm cuối thế kỷ 19, phong trào XHDC bắt đầu có sự khác biệt chính kiến trầm trọng. Năm 1903, một cuộc hội nghị được triệu tập để giải quyết vấn đề. Cánh thứ nhất do Lenin lãnh đạo chủ trương không hợp tác với những thành phần cách mạng tư sản và duy trì mục tiêu thay đổi tận gốc rễ xã hội. Cánh thứ hai do Martov lãnh đạo muốn thỏa hiệp với khuynh hướng cách mạng tư sản dân quyền để thay đổi xã hội dần dần. Hai bên cãi nhau kịch liệt và một số thành viên của nhóm Martov phản đối bằng cách bỏ Hội Nghị ra về. Nhờ vậy khi lấy biểu quyết, phe Lenin đông hơn và từ đó giữ luôn tên hiệu Bolshevik (Đa Số); phe Martov trở thành những người Mensheviks (Thiểu Số). Trong thực tế, vào thời điểm này, cánh Lenin có rất ít đảng viên và không đóng vai trò lãnh đạo đáng kể nào trong các cuộc nổi dậy trước tháng 10 năm 1917. Ngay cả Trotsky cũng chưa nhập bọn với họ.

JPEG - 53 kb

Cuộc khởi loạn năm 1905 được chuẩn bị bằng nhiều biến chuyển tại các trường đại học, nhiều cuộc đình công tại các thành thị, và nhiều cuộc biểu tình của nông dân trong suốt năm 1903 và 1904. Nhưng giọt nước làm tràn ly là sự bùng nổ chiến tranh Nga-Nhật với kết quả thảm bại nghiêng về phía Nga. Vào ngày chủ nhật 22 tháng 1 năm 1905, khoảng 100.000 thợ thuyền tại Petrograd xuống đường biểu tình, mang theo cờ quạt và tượng Chúa dưới sự hướng dẫn của một nhân vật khá huyền bí (vừa là tu sĩ, vừa chỉ điểm cho mật vụ, và lại có quan hệ rộng rãi với các thành phần CM) có tên là Cha George Gapon, kéo đến tận Cung Điện Mùa Đông đòi gặp vua Nicholas II để đệ trình thỉnh nguyện thư. Họ không được gặp nhà vua mà chỉ hứng những lằn đạn từ quân lính bảo vệ triều đình. Hậu quả là hàng trăm người biểu tình bị bắn chết tại chỗ. Tin tức về ngày “Chủ Nhật Đẫm Máu” nhanh chóng lan ra khắp nước và lọt ra hải ngoại làm nhà vua lo ngại và chấp nhận một bước nhượng bộ. Ông cho lập Quốc Hội Tư Vấn, tên là Duma, bao gồm các đại biểu đại điền chủ, quý tộc, và tư bản. Được tin này Trotsky liền lẻn về nước bằng một thông hành giả. Đa số các lãnh tụ khác vẫn còn ở nước ngoài.

Kế đó, một cuộc tổng đình công trên toàn quốc được tổ chức từ ngày 10 đến 17 tháng 10, 1905 làm tê liệt cả nước. Nga hoàng Nicholas II lại nhượng bộ bằng việc tung ra bản Tuyên Ngôn Lập Hiến để có giờ kéo quân về thủ đô. Các phần tử cách mạng và thợ thuyền nhân đà thắng lợi liền bầu ra Ủy Ban Sô Viết Petrograd, một loại hội đồng phối hợp hoạt động của công nhân, và Ủy Ban Sô Viết Moscow. Các ủy ban sô viết này bao gồm phần lớn là thành viên đảng XHCM và đảng Menshevik. Trotsky có chân trong Sô Viết Petrograd và sau đó được bầu lên vị trí Chủ Tịch. Ông liền cho xuất bản một tờ báo lấy tên Natchalo, phát hành nửa triệu tờ mỗi số. Mãi đến tháng 11, 1905, Lenin mới về tới Petrograd, tuy nhiên ông chỉ điều động trong bóng tối một vài đảng viên Bolshevik có chân trong Ủy Ban.

JPEG - 13.1 kb
Lenin is seen at right.

Sau 52 ngày tồn tại, trọn bộ Ủy Ban Sô Viết Petrograd bị binh lính hoàng gia bao vây và bắt giam ngày 3 tháng 12, 1905. Lãnh tụ Bolshevik Lenin và Menshevik Marlov trốn thoát qua Phần Lan (Finland). Trotsky bị đưa ra tòa năm 1906 cùng các đại biểu khác và bị án đầy đi Siberia nhưng được miễn khổ sai. Trên đường giải tù, ông trốn thoát và chạy sang Vienna, Áo Quốc. Năm 1908, ông lại xuất bản tờ Sự Thật (Pravda. Tên này được dùng suốt thời kỳ Liên Xô tồn tại).

Hai khối Bolshevik và Menshevik tái nhóm tại Stockholm vào tháng 4, 1906 để thống nhất lại đảng nhưng kết quả không thành. Trong thời gian này, một số thành viên XHDC, được mệnh danh là cánh “Kinh Tế Gia”, kêu gọi hãy nhắm đến nhu cầu kinh tế của giai cấp vô sản hơn là cách mạng chính trị. Lenin kiên quyết thà chấp nhận sự phát triển rất chậm của hàng ngũ Bolshevik chứ không thỏa hiệp các mục tiêu của Đảng. Ông tin chắc rằng khuynh hướng thoả hiệp chỉ mở cơ hội cho chế độ đưa ra một vài sửa chửa tạm bợ và giới hạn nhưng lại có khả năng vô hiệu hóa sức đấu tranh của quần chúng.

Trong nước, Nga hoàng mở rộng chiến dịch truy lùng các phần tử CM. Đảng XHCM phản công bằng cách gia tăng các vụ ám sát quan quyền – 93 vụ lớn trong năm 1906, và 74 vụ trong năm 1907 – cùng lúc đổi tên thành đảng Xã Hội Lao Động (XHLĐ) để tiếp tục hoạt động công khai. Nhưng đến năm 1910, đảng này bị mất uy tín trầm trọng khi trưởng ban ám sát của đảng, Azev, bị phát giác đã nhận tiền của mật vụ Nga hoàng để báo cáo các toan tính và chỉ điểm đồng đội.

JPEG - 54.4 kb
Leaders of the Menshevik Party at Norra Bantorget in Stockholm, Sweden, May 1917.

Riêng các phần tử CM tư sản dân quyền đã len lỏi vào tới quốc hội Duma khi cơ chế này được bầu lại vào năm 1907. Trong tổng số 430 nghị sĩ có tới 107 là thành phần tư sản muốn thiết lập một thể chế dân chủ Tây Phương. Người lãnh đạo họ là giáo sư Miliukov. Ngoài ra cũng có 9 nghị sĩ XHLĐ do Kerensky lãnh đạo, 6 Mensheviks, và 5 Bolsheviks. Tuy nhiên, đến cuối 1916, Nga hoàng bắt 5 nghị sĩ Bolsheviks đem đi lưu đày ở Siberia !

Suốt một thập niên sau cuộc biến động 1905, Nga hoàng gần như dập tắt toàn bộ các hoạt động CM có hệ thống trong nước. Chính Lenin cũng xuống tinh thần và thố lộ trước một cử tọa tại Thụy Sĩ vào tháng 1 năm 1917 rằng: “Chúng tôi, thế hệ lớn tuổi, có thể không còn kịp nhìn thấy những trận quyết định của cuộc CM kế tiếp nữa !”. Chỉ 2 tháng sau, biến cố mà ông và nhiều người mong ước nhưng không chờ đợi đã xảy ra.

B. Cho một biến cố không đến 10 ngày – Chế độ quân chủ chấm dứt

Những biến chuyển vào đầu năm 1917 đã được chuẩn bị bởi những tin tức thất trận liên tục (Thế Chiến I) trong những năm 1914, 1915, và 1916. Cùng lúc đó, nông thôn thiếu người canh tác khiến toàn quốc, cách riêng là tại đô thị, lâm vào cảnh đói kém ngặt nghèo. Giới thợ thuyền càng uất ức khi chứng kiến những chủ nhân ông trở nên giàu sụ nhờ cung cấp những vật liệu chiến tranh. Quả thật, chính cuộc chiến tranh với thế giới bên ngoài đã làm bùng nổ cuộc CM trong nước ngoài sự dự tính và hướng dẫn của các lãnh tụ CM.

JPEG - 15 kb
(1870-1924)

Các lãnh tụ Menshevik như Martov, Axelrod, v.v. hầu hết còn đang lưu vong tại Paris trong lúc các lãnh tụ Bolshevik như Lenin, Zinoviev, v.v. đóng đô tại Geneva. Một vài người lén trở về nước nhưng đều bị bắt nhanh chóng và đày đi Siberia. Trotsky, lúc này chưa ngả về phe nào, bị trục xuất khỏi Vienna nên phải dời về Paris. Tại đây ông xuất bản tờ Tiếng Nói của Chúng Tôi (Naché Slovo). Nhưng không lâu sau đó, ông lại bị trục xuất khỏi Paris và lưu lạc sang Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Tóm lại, mãi đến tháng 4, 1917 (1 tháng sau khi có biến động) các lãnh tụ CM mới đặt chân được lên đất Nga.

Ngay từ cuối năm 1916, người ta đã thấy nhiều đám biểu tình tại nông thôn đòi ngưng chiến và bánh mì. Nhiều đoàn biểu tình tương tự của thợ thuyền cũng xuất hiện tại Petrograd và Moscow, không những đòi bánh mì mà còn đập phá các tiệm bánh. Binh lính của nhà vua lại nổ súng bắn vào các đoàn biểu tình, nhưng khi không còn gì để mất những người biểu tình càng ngày càng táo bạo hơn.

Cuộc CM chính thức bùng nổ ngày 8/3/1917, khi nhiều đoàn biểu tình đòi bánh mì lại xuống đường nhân ngày Phụ Nữ Quốc Tế, nhưng lần này kèm theo cuộc đình công của 240.000 công nhân (trên tổng số 400.000) tại Petrograd. Ngày 11/3, vua hạ lệnh cho quân đội đến đàn áp. Tuy nhiên lần này binh lính, phần lớn có gốc nông dân, không tuân lệnh, rồi từng đơn vị rã ngũ đi theo dân chúng.

JPEG - 34.3 kb

Trước tình hình này, vua Nicholas II cho giải tán quốc hội Duma nhưng các nghị sĩ cũng không tuân lệnh. Họ nhóm họp khẩn cấp ngày 12/3 rồi bầu ra một Ủy Ban Lâm Thời (UBLT) để đối phó với tình hình. Cùng lúc đó, giới thợ thuyền cũng bầu lên một ban Chấp Hành thuộc Ủy Ban Sô Viết Petrograd như đã làm thời 1905. Lần này, với súng ống gậy gộc trong tay, dân chúng và thợ thuyền chiếm hẳn một phần tòa nhà quốc hội Duma (đại sảnh Tauride) cho ban Chấp Hành Sô Viết (CHSV) làm trụ sở. Nhân vật đáng kể trong ban CHSV là Kerensky, một lãnh tụ Menshevik hiếm hoi đang có mặt trong nước mà không phải ở tù.

Ngày 14/3, UBLT tuyên bố chấm dứt vai trò hòa giải rồi cũng tự tuyên xưng là Chính Phủ Lâm Thời (CPLT) của nước Nga. Suốt 8 tháng trời sau đó, tại tòa nhà Tauride hiện diện cùng lúc 2 cơ chế: một CPLT có chính danh nhưng không có lực lượng, và một ban CHSV có lực lượng nhưng không được ủy nhiệm vai trò điều hành chính phủ. Đặc biệt lại có trường hợp Kerensky, vừa nằm trong ban CHSV vừa làm bộ trưởng quốc phòng cho CPLT.

JPEG - 35.1 kb

Cùng ngày 14/3, binh lính tại căn cứ hải quân Kronstadt nổi loạn, giết một số sĩ quan chủ chiến. Cuộc phiến loạn này đẩy CPLT đến chỗ phải hành động ngay trước khi mất toàn bộ khả năng kiểm soát tình hình.

Ngày 15/3, không còn một ai tuân lệnh mình, vua Nicholas II đành chấp nhận yêu sách của CPLT. Ông thoái vị và nhường ngôi cho em mình là Quận Công Michael. Ngày 16/3, Quận Công Michael cũng tuyên bố thoái vị. Thế là kết thúc hơn 300 năm cai trị của triều đại Romanov và chấm dứt luôn thể chế quân chủ tại nước Nga. Toàn bộ sự việc xảy ra trong vòng 8 ngày !

C. Cách mạng lần hai – Cách Mạng Tháng Mười

JPEG - 19.1 kb
(1818-1883)

Khi CPLT ra đời ngày 14/3/1917, các cửa tù Siberia bắt đầu bỏ ngõ. Các phần tử CM đang bị cầm tù lục tục kéo về thủ đô. Phe Menshevik có Tseretelli trở về và được bầu ngay vào ban CHSV rồi giữ chức bộ trưởng nội vụ cho CPLT. Phe Bolshevik có Kamenev và Stalin trở về nhưng chỉ nằm nghe ngóng tình hình và chờ đợi đồng đảng. Có thể nói phe Menshevik chiếm gần như toàn bộ chính trường trong thời gian này dưới sự lãnh đạo của Kerensky và bằng sự liên kết với thành phần CM tư sản trong đảng Dân Chủ Lập Hiến.

Đến tháng 4, 1917, Lenin mới về tới Petrograd. Với tính thực dụng cố hữu, ông không ngần ngại quá giang chuyến xe lửa bọc sắt của Đức từ Geneva về nước (cùng với một số lãnh tụ Bolshevik và Menshevik khác), dù biết rõ dụng ý của Bộ Tổng Chỉ Huy quân đội Đức là gởi các phần tử cách mạng về để làm rối loạn hậu phương nước Nga thêm nữa.

Hầu hết các phe nhóm Dân Chủ Xã Hội, kể cả Lenin cho đến tận tháng 8, 1917, đều bị đóng khung vào công thức của Marx rằng đây là cuộc cách mạng tư sản dân quyền và mọi quốc gia đều phải qua một thời gian phát triển tư bản thì mới có đủ điều kiện thiết lập chuyên chính vô sản. Vì tin chắc vào công thức đó các thành phần CM vô sản (cả Menshevik lẫn Bolshevik) đều từ chối không chịu nắm quyền vào lúc này và nhất định dành vị trí đó cho giai cấp tiểu tư sản. Lenin, theo tường thuật của các sử gia, tuy không tin hoàn toàn vào công thức này nhưng vẫn trong tình trạng phân vân lưỡng lự.

Nhiều thành phần dân chúng và thợ thuyền, nhờ không làu thông chủ nghĩa Marx, đã nhận ra sự vô lý này. Một số hiện tượng khá buồn cười đã được ghi lại, như trong một ngày tháng 7, dân chúng lại tụ tập đòi ban CHSV phải chính thức nắm quyền, lãnh tụ Chernov của đảng XHCM kiêm bộ trưởng nông nghiệp vội ra trấn an dân chúng. Một người biểu tình la lớn: “Thằng chó đ…, quyền lực đưa đến tận miệng thì phải cắn lấy chứ !”. Rồi đám đông ào lên đòi lôi cổ ông xuống đánh. Nhờ có người lôi đi kịp thời ông mới thoát chết hôm đó.

JPEG - 15.5 kb

Phải chờ đến tháng 5/1917, khi Trotsky từ Mỹ trở về, tình hình mới bắt đầu ngã ngũ. Ông là người đầu tiên dám lên tiếng chỉ trích tình trạng bế tắc của 2 cơ chế đồng hành. Chính những hành động của ông góp phần thuyết phục Lenin phải nắm bắt cơ hội. Kể từ đó, từ vị trí rất nhỏ bé (thua xa Menshevik), đảng Bolshevik đã phát triển nhanh chóng nhờ bắt đúng ý dân và từng bước qua mặt mọi đảng phái đương thời. Sau gần một thế kỷ khổ công vận động quần chúng, nhưng khi làn sóng phẫn nộ của dân chúng bùng lên, mọi đảng phái đều có phản xạ tự nhiên theo quy ước là ngăn cản họ lại để không đi quá đà. Đảng Bolshevik của Lenin và Trotsky là nhóm duy nhất chủ trương cỡi làn sóng phẫn nộ này mà đi tới.

Với kỳ vọng các chiến thắng tại mặt trận sẽ làm tăng uy tín của CPLT, Kerensky ra lệnh tổng phản công vào tháng 4, 1917. Tuy nhiên, kết quả không đến như ông muốn. Từng đoàn quân Nga thiếu thốn từ súng ống đến quần áo ngã rạp trước các họng súng máy của quân Đức. Gần 700.000 lính Nga đào ngũ trong mấy tháng sau đó.

Vào đầu tháng 7, 1917, lo sợ bị đưa ra chiến trường làm bia lãnh đạn, một trại lính tại Petrograd nổi loạn. Tuy các lãnh tụ Bolshevik không hề biết trước hay nhúng tay vào vụ này (vì trong thâm tâm họ vẫn muốn chờ phát triển thêm lực lượng tại các tỉnh bên ngoài Petrograd trước khi hành động), họ vẫn bị xem là những kẻ chủ mưu. Sau khi kéo quân về dẹp yên số binh lính nổi loạn, CPLT bắt đầu tấn công đảng Bolshevik. Những vụ nhận tiền của chính phủ Đức và việc đi nhờ xe lửa bọc sắt Đức về nước của Lenin bị phanh phui trên báo chí. Từng toán người đi lùng sục khắp thành phố để ruồng bắt các lãnh tụ Bolshevik. Họ hô to khẩu hiệu: “Phải thả trôi sông tụi Do Thái và Bolshevik !”. Lenin và Zinoviev lại chạy trốn sang Phần Lan trong lúc Trotsky và Kamenev lại bị bắt bỏ tù.

Ngày 24/7/1917, Kerensky được bầu làm chủ tịch CPLT với nhiều sắp xếp nhân sự mới. Ông cho dời văn phòng chính phủ về Cung Điện Mùa Đông để tách biệt khỏi ban CHSV và phong cho đại tướng Kornilov làm tổng chỉ huy quân đội. Không may cho Kerensky, tướng Kornilov nghe lời ca tụng của giới tư bản vốn dang sợ mất của cải và lời xúi xiểm của các đại sứ ngoại quốc vốn không muốn Nga rút ra khỏi khối Đồng Minh, ngày 26/8/1917, ông ra lệnh cho sư đoàn kỵ binh từ Caucase kéo về thủ đô nắm chính quyền.

JPEG - 32.1 kb
Duma-Revolution Square and Moscow City Hall in 2000. Statue of Zhukov

Trước tình hình này, Kerensky đành cắn răng hợp tác với cánh Bolshevik để đối phó với cánh quân đội. Một mặt ông cho các công nhân đường rầy do Menshevik kiểm soát bóc gỡ nhiều đoạn đường sắt để làm chậm bước đoàn quân từ Causase; mặt khác ông phóng thích các thủ lãnh Bolshevik và trang bị vũ khí cho các nhóm Hồng Vệ do Bolshevik thành lập. Nhiều thành viên Bolshevik lập tức len lỏi vào các trại lính trong vùng Petrograd xúi giục nổi loạn. Chiến thuật này thành công và chẳng mấy chốc để lại Kornilov đứng trơ trọi một mình và bị CPLT bắt giam.

Với công trạng vừa kể và nay được hoạt động công khai, Bolshevik nhanh chóng phát triển lực lượng nhờ bắt đúng ý muốn của dân chúng. Họ càng đói kém càng muốn có những thay đổi rốt ráo hơn là những chắp vá tạm bợ của CPLT. Tuy Lenin và Zinoviev chưa về kịp từ Phần Lan, đảng Bolshevik vẫn họp đại hội và bầu ra một ban chấp hành 15 người, trong đó có Lenin, Zinoviev, Trotsky, Kamenev, Stalin, Bukanin, v.v. (Đến thời điểm này Trotsky mới thực sự ngã hẳn về phía Bolshevik).

Cánh Bolshevik cũng chiếm đa số trong ban CHSV Petrograd (13 Bolsheviks, 3 Mensheviks, và 6 XHCM) và Trotsky được bầu làm chủ tịch.

Lenin trở về Petrograd vào tháng 10, 1917. Ông lập tức thuyết phục Trung Ương Đảng phải võ trang khởi loạn để nắm chính quyền và thành lập Ủy Ban Quân Sự Cách Mạng. Khá nhiều binh lính ngả về phía Bolsheviks, đem theo đủ loại súng đạn. Tuy nhiên Lenin không thuyết phục được đồng đảng về ngày giờ khởi loạn. Đa số muốn hoãn lại để chờ đại hội các Sô Viết toàn quốc.

Ngày 23/10/1917, tuy với một lực lượng ít ỏi, thủ tướng Kerensky vẫn công bố tình trạng quốc gia nguy ngập. Ông cho binh lính trấn đóng các nơi hiểm yếu tại Petrograd rồi hạ lệnh phải giải tán UB Quân Sự Cách Mạng và truy nã các lãnh tụ Bolshevik. Trotsky không còn chọn lựa nào khác ngoài việc phải đảo chánh ngay. Ngày 25/10/1917 (đúng ra là ngày 7/11/1917 nếu tính theo Tây Lịch đang dùng hiện nay), binh lính Bolshevik với sự hỗ trợ của hải quân từ cảng Kronstadt dễ dàng chiếm đóng các nơi quan trọng rồi kéo đến bao vây Cung Điện Mùa Đông. Sau một cuộc chạm súng ngắn, quân CM bắt giữ hầu hết các bộ trưởng đem đi giam. Thế là chấm dứt thời kỳ nắm quyền của CPLT.

D. Phản bội mục tiêu Cách Mạng – Bolsheviks và quyền lực

Vừa lên nắm chính quyền, Lenin cho điều đình ngay với Đức để ngưng chiến. Hiệp Ước Brest-Litovsk ký ngày 3/3/1918 buộc Nga phải dâng nhượng một vùng đất rộng hơn 1 triệu dặm vuông bao gồm 60 triệu dân, nhiều vùng kỹ nghệ, khoáng sản, và đất canh tác.

JPEG - 7.5 kb

Về đối nội, Lenin cho thiết lập ngay cơ quan mật vụ với tên gọi Ủy Ban Đặc Nhiệm Bảo Vệ Cách Mạng (Cheka). Cơ quan này tuân phục Đảng vô điều kiện và sẵn sàng tiêu diệt mọi loại “kẻ thù nhân dân” do Đảng chỉ định. Đây là một quyết định nghiêm trọng vì nó chính thức và chủ ý đặt chế độ lên trên luật pháp.

Chỉ trong vòng 3 năm (1918 – 1921) số người chết dưới tay Cheka bằng tổng số nạn nhân của mật vụ Nga hoàng suốt 100 năm trước đó. Cũng trong thời gian này Cheka bành trướng từ một nhóm 120 người thành một bộ phận gồm 30,000 cán bộ với chi nhánh trên toàn quốc. Cheka cũng chỉ huy 125,000 binh lính đặc biệt về trị an. Với sứ mạng ban đầu là truy lùng các kẻ thù của chế độ như thành phần phản cách mạng, phá hoại, gián điệp, và đầu cơ tích trữ; đến năm 1922, Cheka, nhận thẩm quyền từ một vài lãnh tụ cao nhất trong Đảng, đã len lấn vào mọi mặt trong đời sống dân Nga, từ duy trì nguồn tiếp tế lương thực, giao thông, nhu yếu phẩm đến canh chừng Hồng Quân (cả bộ binh và hải quân), theo dõi các trường học và bảo đảm các ngành nhu yếu phẩm tiếp tục cung cấp hàng hóa cho nhà nước. Cheka có quyền truy lùng những kẻ đầu cơ tích trữ hàng hóa, có khi bằng cách bao vây cả khu phố. Cheka cũng có quyền bao vây từng làng ở nông thôn và bắn tại chỗ những ai chống lại các chuyến cưỡng bách thu góp nông phẩm. Thường thì nông dân không còn đủ ăn sau những đợt càn quét. Cheka còn có quyền đàn áp cả các cuộc đình công của thợ thuyền, những người trên lý thuyết đang là chủ nhân của nhà nước vô sản.

Khi nhà nước bắt đầu chương trình lao động tập thể cưỡng bách năm 1919, Cheka còn được giao cho thẩm quyền truy lùng các kẻ bỏ trốn lao động, kéo cổ nông dân ra khỏi ruộng đồng để phục vụ cho các công trường, và điều hành một hệ thống trại tù khổ sai trên toàn quốc, cách riêng là các trại ở vòng đai Bắc Cực giá băng. Hình ảnh những hung thần Cheka lạnh lùng trong chiếc áo khoác bằng da màu đen ngồi xe gắn máy lao đi trong đêm tối không ngừng ám ảnh mọi tầng lớp dân Nga. Vua Nicholas II và toàn bộ hoàng gia bị bí mật đem đi thủ tiêu ngày 16/7/1918. Đến năm 1922, Cheka được đổi tên thành Cơ Quan Điều Hành Chính Trị Nhà Nước (GPU) và được cho thêm quyền bắt cả đảng viên Bolshevik.

Quốc Hội Dân Bầu đầu tiên, với 24% nghị viên thuộc đảng Bolshevik, họp lần đầu tiên ngày 18/1/1918. Nhưng chỉ 24 giờ đồng hồ sau, Lenin hạ lệnh giải tán quốc hội. Trước các họng súng của Hồng Vệ không ai dám lên tiếng phản đối. Kể từ tháng 6/1918 các thành viên Menshevik và XHCM trong các UB Sô Viết do dân bầu lên bị tống ra ngoài. Toàn quốc được điều hành bằng một hệ thống Sô Viết hàng dọc. Vào tháng 7/1918, quốc gia Cộng Hòa XHCN Liên Bang Sô Viết Nga được thành lập dưới một Hiến Pháp Sô Viết khét mùi căm thù giai cấp.

JPEG - 18.1 kb

Để gấp rút bành trướng quân đội, Trotsky cho trưng dụng lại các sĩ quan trong quân đội Hoàng gia. Tuy nhiên, để kiểm soát họ, mỗi sĩ quan chỉ huy được gắn liền với một chính ủy. Chính ủy chuyên lo việc tuyên truyền trong đơn vị, và tuy không rành về quân sự nhưng có quyền phủ quyết các lệnh lạc của sĩ quan chỉ huy. Nhiệm vụ cao nhất của chính ủy là bảo đảm sự trung thành của đơn vị quân đội đối với chế độ. Hệ thống chính ủy trong quân đội các nước cộng sản bắt nguồn từ đó.

Lenin chủ trương không tấn công trực tiếp vào Giáo Hội Chính Thống Giáo tại Nga và các tôn giáo nhưng rút dần sức sống và tầm ảnh hưởng của các giáo hội bằng nhiều chiến dịch tịch thu cơ sở hoạt động, đóng một số nơi thờ phượng, cấm in sách giáo lý, bắt bớ và ngay cả xử bắn một số tu sĩ. Người ta cũng thấy một “Giáo Hội Hằng Sống”(quốc doanh) mọc lên song song với Giáo Hội Chính Thống Giáo, và những hội như “Đoàn Vô Thần Võ Lực”, v.v… xuất hiện để sinh sự với các tôn giáo.

Tóm lại, xã hội nước Nga bị đàn áp nặng nề hơn bao giờ hết trong giòng lịch sử dài trước đó của nước này. Ngày nay, một số phần tử cộng sản cuối mùa vẫn cố thần tượng hóa Lenin và Trotsky là những người thuần lý tưởng, và các hành động phản bội mục tiêu Cách Mạng chỉ xảy ra dưới thời Stalin. Các dữ kiện lịch sử cho thấy lập luận này không chính xác. Hầu hết các biện pháp triệt tiêu dân chủ, kềm kẹp xã hội, hạ cấp con người đều được Lenin và Trotsky đặt nền móng (Và hầu hết các thủ thuật cai trị này được lập lại tại các nước cộng sản chư hầu cho đến ngày nay). Stalin chỉ mở rộng phạm vi và nâng mức độ ác liệt của các biện pháp này lên mà thôi.

Khi chưa nắm quyền lực, Trotsky đủ sáng suốt nhận ra chiều hướng nguy hại của loại cơ chế mà Lenin đề nghị. Từ năm 1904, ông đã tiên đoán loại chính quyền của Lenin chỉ có thể tiến tới độc tài toàn trị. Ông viết: “Những phương pháp của Lenin sẽ dẫn tới hậu quả sau đây. Trước hết tổ chức đảng sẽ dùng chính nó để thay thế cho toàn đảng; kế đến Ủy Ban Trung Ương sẽ dùng nó thay thế cho cả tổ chức đảng; và sau cùng một “tên độc tài” duy nhất sẽ dùng hắn ta thay thế cho cả Trung Ương”. Nhưng khi nằm trong chính quyền, ông không còn thấy hậu quả đó nữa và hết sức bênh vực các biện pháp của Lenin. Từng phần của lời tiên đoán năm 1904 của ông đã thành sự thật.

JPEG - 18.6 kb

Trong những tháng cuối đời, đặc biệt là trong 5 tháng phải ngồi nhà dưỡng bệnh sau cơn đau tim thứ nhất, Lenin lần hồi nhận ra cuộc CM do ông dẫn dắt đã đi đủ một vòng tròn. Cơ chế cai trị mà ông tạo dựng còn nặng nề và tàn tệ hơn cả cơ chế mà ông cống hiến cả đời mình để lật đổ. Và ông cũng thấy “tên độc tài” mà Trotsky tiên đoán đang lớn dần trong vóc dáng Stalin. Tuy nhận ra điều đó, Lenin vẫn không vượt qua được quan niệm phải ưu tiên bảo vệ quyền lực Đảng bằng mọi giá. Do đó, các biện pháp của ông trong 18 tháng cuối đời chỉ mang tính vá víu với nhiều mâu thuẫn. Một cuộc thanh trừng nội bộ rất lớn được tung ra vào năm 1921. Trong tổng số 600,000 đảng viên đã có tới 150,000 bị khai trừ. (Tuy nhiên, trong thời kỳ này họ không bị giết hay lưu đày như dưới thời Stalin.)

Càng về những năm sau khi lên nắm quyền, chế độ Bolshevik càng bỏ rơi các mục đích ban đầu nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc khỏi áp bức và bất công. Rõ ràng hơn cả, tại Đại Hội Đảng lần thứ 11 vào tháng 3, 1922, Lenin chính thức nhìn nhận ông chỉ nhân danh giai cấp vô sản để lật đổ chế độ Nga hoàng mà thôi. Ông biện hộ cho sự cần thiết của chế độ độc tài Bolshevik bằng lý do giai cấp vô sản quá yếu kém, không thể nhận lãnh vai trò lãnh đạo. Một thành viên trung ương đảng, tên Shlyanikov, mỉa mai ngay tại Đại Hội: “Hôm qua, đồng chí Vladimir Ilich (Lenin) nói rằng giai cấp vô sản, theo định nghĩa của Marx, không hiện hữu tại nước Nga. Thế thì cho phép tôi chúc mừng các đồng chí là những phần tử tiên phong của một giai cấp không hiện hữu !”. Hiển nhiên, sau phát biểu này, Shlyanikov bị tống ra khỏi Trung Ương Đảng và sau đó bị giết dưới thời Stalin.

E. Phản bội lẫn nhau – thời cai trị của bạo chúa Stalin

Lenin lên cơn đau tim lần đầu ngày 22/5/1922. Phải mất 5 tháng tĩnh dưỡng ông mới làm việc trở lại tuy không còn hiệu năng như trước. Cơn đau tim lần 2 vào tháng 12/1922 làm ông liệt nửa người và mất khả năng nói chuyện một thời gian. Và cơn đau tim thứ 3 vào tháng 3/1923 khiến ông mê man cho đến khi chết vào tháng 1/1924. Chính những cơn đau tim này đã làm dở dang kế hoạch cô lập và loại trừ Stalin của Lenin.

Joseph Stalin, tên thật Joseph Dzhugashvili, sinh ra trong một gia đình rất nghèo tại tiểu quốc Georgia. Cha ông thường say sưa và đánh đập con cái tàn bạo. Năm ông lên 11 tuổi thì cha ông mất mạng trong một cuộc đánh lộn. Tuy vậy, ông hoàn tất tiểu học xuất sắc và được nhận vào một giòng tu tại thủ đô Tiflis. Đến năm 1899, ông vi phạm kỷ luật và bị đuổi ra khỏi trường. Không lâu sau đó ông nhập bọn với nhiều khuynh hướng CM khác nhau. Với biệt danh “Koba”, ông bị giới hoạt động bí mật khinh bỉ về tác phong, đạo đức và có lúc ông bị cánh Menshevik khai trừ.

JPEG - 19.5 kb

Công trạng lớn nhất của Stalin trong thời gian chưa nắm chính quyền là tổ chức nhiều vụ cướp bóc để gây quỹ cho đảng Bolshevik dưới sự chấp thuận của Lenin. Khi Bolsheviks lên nắm quyền, Lenin giao cho ông giữ bộ Sắc Tộc. Năm 1921, tiểu quốc Georgia, dưới sự lãnh đạo của các thành phần Mensheviks, chính thức đòi tách lìa khỏi Liên Bang Sô Viết. Không chờ lệnh hay bàn thảo với ai, Stalin ngầm ra lệnh cho Quân Đoàn II Hồng Quân kéo xuống Georgia gây một cuộc thảm sát lớn và cưỡng bách đất nước trở lại vòng xiềng xích. Stalin cũng được giao cho hệ thống Kiểm Soát Viên Công Nông (Rabkrin), nhưng thay vì làm nhiệm vụ thanh tra, ông lại dùng nó để đưa phe cánh vào các vị trí quan trọng. Sau 2 vụ lạm dụng quyền lực này, Lenin bắt đầu nghĩ đến việc phải loại trừ Stalin.

Đầu năm 1922, Stalin đã vận động được lên chức Tổng Bí Thư. Tuy dưới sự lãnh đạo của Lenin, vai trò này không quan trọng lắm, nhưng ngay khi Lenin ngã bệnh từ tháng 5/1922, chức vụ này lại trở nên then chốt giúp Stalin độc quyền bao vây cái chết của Lenin và loại trừ Trotsky.

Trong thời gian Lenin hấp hối, Trotsky cũng đang bệnh liệt giường (tuy không đến độ đe dọa tính mạng) phải tĩnh dưỡng mãi tận Tiflis, Georgia. Stalin thiết lập một tam đầu chế gồm Stalin, Zinoviev, và Kamenev để thống lãnh mọi quyền hành. Ngày 21/1/1924, Trotsky nhận được điện tín báo tin Lenin đã qua đời tại Moscow. Tuy nhiên, Stalin nói dối ngày đưa đám sớm lên 1 tuần để Trotsky nghĩ là không thể về kịp và vì thế ở lại Tiflis. Tên tuổi Trotsky bắt đầu lu mờ nhanh chóng tại thủ đô. Đến mùa thu 1924, bệnh sốt rét lại vật Trotsky liệt giường. Stalin nhân cơ hội này bắt đầu tấn công “Chủ Nghĩa Trotsky” trên các mặt báo, mặc dầu lúc đó, không một ai kể cả Trotsky, biết chủ nghĩa này ra sao.

JPEG - 39.9 kb

Vào đầu năm 1925 Trotsky bị loại khỏi chức Bộ Trưởng Quốc Phòng, nhưng đến cuối năm này, Zinoviev và Kamenev bất mãn thái độ hống hách của Stalin rồi ngã về phía Trotsky. Đến giữa năm 1927, ba người dự định sẽ dùng thất bại của Stalin tại Trung Quốc (Stalin ra lệnh cho đảng Cộng Sản Trung Quốc phải sát nhập với Trung Hoa Quốc Dân Đảng nhưng sau đó bị Tưởng Giới Thạch bất ngờ mở chiến dịch tiêu diệt rất nhiều cán bộ cộng sản vào tháng 3/1927) để triệt hạ uy tín của ông. Trong cuộc duyệt binh ngày 7/11/1917, Trotsky bố trí nhiều người để hô khẩu hiệu đả đảo Staline. Tuy nhiên, với mạng lưới mật vụ dày đặc, số người này đều bị bắt trọn. Một tuần sau, Trotsky và Zinoviev bị khai trừ khỏi đảng. Riêng Trotsky và gia đình bị đày đi Siberia.

Sau khi không còn đối thủ nào trên chính trường, Stalin bắt đầu thời kỳ khủng bố man dại:

- Mọi kẻ thù hoặc có thể trở thành kẻ thù của chế độ đều bị bắt hoặc giết. Một người bị xét là có tội thì mọi bạn bè, họ hàng, và đồng nghiệp đều bị bắt theo.

- Vô số nông dân bị giết và khoảng 25 triệu người bị lưu đày vì thiếu hợp tác với kế hoạch tập thể hóa ruộng đất.

- Vô số công nhân bị giết vì làm việc thiếu hăng hái hay “quá hăng hái”, vì quá hăng hái là chỉ dấu của gián điệp hoặc đang cố che đậy ý đồ phá hoại.

- Các tay CM lão thành cùng hoạt động thời Lenin đều bị bêu xấu trước khi bị giết để không còn ai dám coi thường lãnh tụ.

- Các sĩ quan trong quân đội bị giết theo chỉ tiêu hàng tháng cho từng đơn vị, dù không hề có tội gì, để phòng trước việc toa rập đảo chánh có thể xảy ra. Năm 1937, tám đại tướng bị buộc tội thông đồng với Hitler và đem bắn cùng một lúc. Theo sau họ là khoảng 30,000 sĩ quan khác bị thủ tiêu.

Mỗi lãnh tụ hay sĩ quan bị giết đều kéo theo các kẻ dưới quyền bị chung số phận nhằm giải thích với dân chúng đây là những “đường giây” phản bội. Cho đến nay, người ta vẫn chưa tính được hết con số người chết dưới tay mật vụ và tại các trại tập trung dưới thời Stalin. Không khí căng thẳng và thê lương đến độ chính vợ Stalin cũng chọn con đường tự tử bằng súng để tự giải thoát.

Stalin lên cơn đau tim ngày 1/3/1953 nhưng không được chữa trị hiệu quả kịp thời vì chính bác sĩ riêng của ông cũng đang ngồi tù. Ông qua đời ngày 5/3/1953.

III. Một số nhận xét:

JPEG - 41.5 kb
Molotov talks with Hitler in Berlin, November 1940

- Nếu xem cuộc CM Pháp 1789 là cuộc CM có lý tưởng nhưng không tổ chức và định hướng, thì cuộc CM Nga 1917 có cả “lý tưởng”, tổ chức và mục tiêu. Tuy nhiên khi thành công, tổ chức (tức phương tiện để đi đến mục tiêu) đã trở thành mục tiêu; Còn mục tiêu ban đầu – giải phóng giai cấp – chỉ còn là lý cớ để duy trì tổ chức và biện hộ cho độc quyền cai trị. Có giả thuyết tâm lý giải thích rằng chính thời gian nhiều năm tháng sống chết để bảo vệ đảng và chế độ, chống lại hàng trăm loại kẻ thù trong và ngoài nước, mà những người Bolshevik trong cuộc lần hồi trở thành tôn thờ tổ chức của họ. Đảng trở nên vô giá, vượt trên mọi giá trị khác, kể cả đất nước và mục tiêu giải phóng ban đầu. Hiện tượng những khối óc như Lenin và Trotsky mà vẫn không thoát ra nổi tiến trình chuyển biến này hẳn là điều làm chúngta phải suy nghĩ.

- Tâmtưquầnchúng khác biệt với kiếnthứccủa thành phần trí thức trong xã hội. Phải mấtmột thời gian rất lâu (vài chục năm trở lên) quần chúng mới thựcsựthẩm thấu những quan điểm mới và khi đãthấm nhuần thì rất khó phai lạt. Ngược lại giớitrí thức đón nhậnvàphủi bỏ các luồng tư tưởng mới thật dễ dàng.Vàchỉ khi dòngsuy nghĩ của giới trí thức rungđộng đúng được tần số tâmtư của quần chúng thì mới nổra được những biến động lớn. Do đó, ít là tronglãnh vực vận độngquần chúng, việc tìm kiếm hay phát minh ra những hệ thống tư tưởng mới không quan trọng bằng việc nhận đúng được tâm tư, bộc lộ hay tiềm ẩn, của dân tộc.

- Một chi tiết khá ngộ nghĩnh và đáng chú ý là lúc nào Trotsky cũng phải kéo lủng lẳng bên mình một tờ báo, không những trong những giai đoạn xuất hiện công khai như tại Sô Viết Petrograd mà ngay cả trong thời gian trốn tránh, hoạt động bí mật tại Vienna và Paris. Điều này cho thấy sự quan trọng của nhu cầu tuyên vận, tìm kiếm người cùng lý tuởng trong mọi hoàn cảnh. Hiển nhiên ngày nay chúng ta có nhiều phương tiện để quảng bá quan điểm hơn Trotsky nhưng liệu chúng ta có được mức quan tâm như nhà CM này không?

- Suốt khoảng thời gian gần 100 năm trước CM Tháng 10 Nga, hầu như chỉ có thành phần trí thức cách mạng lăn lộn tìm mọi cách đối đầu với chế độ. Quần chúng nói chung rất dửng dưng bất kể những nỗ lực như Phong Trào Bình Dân (1870-1878). Trước hết phải nhìn nhận nhu cầu kiếm sống không cho họ còn bao nhiêu sức lực để nghĩ đến chuyện thay đổi chính phủ. Nhưng có lẽ quan trọng hơn nữa là đã không có một thành phần “củi mồi” nào cho tới khi công nhân xuất hiện và tập trung đủ đông tại các thành phố lớn.

JPEG - 25.2 kb

Đa số công nhân chỉ là những nông dân ra thành thị kiếm việc và sinh sống. Nhờ nơi sinh sống này mà họ tiếp cận thường xuyên với các thành phần cách mạng và tận mắt nhìn ra việc đổi đời là chuyện có thể thực hiện được. Nhờ đó, lửa từ những phần tử CM đã tìm được củi mồi là thành phần công nhân để bắt vào đại khối nông dân và quần chúng khác.

- Một vấn nạn lý luận sẽ còn đeo đuổi chúng ta (như đã đeo đuổi các nhà CM Nga) trên suốt con đường đấu tranh, đó là sự chọn lựa giữa (1) đấu tranh cho những cải thiện ngắn hạn trong đời sống dân chúng, hay (2) đấu tranh cho những thay đổi toàn diện và cốt lõi cho đất nước.

Theo lý thuyết thì chúng ta nắm ngay chọn lựa 2 vì không muốn tạo cơ hội cho chế độ độc tài đưa ra một vài sửa chữa tạm thời để thoát hiểm và làm mất đi động lượng đấu tranh của quần chúng cho những thay đổi căn bản. Hơn thế nữa, các nhu cầu ngắn hạn của quần chúng thay đổi theo thời gian, nên một khi lấy chọn lựa 1 làm phương hướng, một tổ chức CM dễ rơi vào con đường loay hoay chạy theo làm vui lòng dân mà quên mất mục tiêu hướng dẫn quần chúng chọn con đường tốt nhất cho đất nước.

Tuy vậy, trên thực tế mọi tổ chức đấu tranh đều bị áp suất mạnh từ bên trong lẫn bên ngoài để đi theo chọn lựa 1, vừa để chứng minh sự hữu ích của công cuộc đấu tranh, vừa để có đông số quần chúng ủng hộ, vừa làm gia tăng sự tin tưởng cho tập thể thành viên, v.v.

Cái giá phải trả cho chọn lựa 2 là việc phát triển tổ chức trong giai đoạn đang đấu tranh sẽ rất chậm vì đòi hỏi ở người tham gia cả lý tưởng lẫn mức kiên tâm cao độ. Lenin và đảng Bolshevik đã phải chấp nhận hậu quả này trong nhiều thập niên. Ngược lại, cái giá phải trả cho chọn lựa 1 là sự mất dần phương hướng chủ động của 1 tổ chức đấu tranh; từ đó từng bước biến thành một đảng phái chính trị trong một xã hội bình thường nên không còn hữu hiệu cho nhu cầu đấu tranh trong giai đoạn đất nước bất bình thường. Toàn bộ diễn trình đó đã xảy ra cho đảng Menshevik.

- Để tránh dẫn dắt cuộc CM đi quanh một vòng tròn từ độc tài đến độc đoán, sự sáng suốt và lý tưởng phục vụ dân tộc đích thực đòi buộc chúng ta khi có cơ hội và điều kiện phải xây dựng một cơ chế dân chủ tự đứng vững và trường tồn cho đất nước; chứ không xây dựng một cơ chế phải cậy dựa vào một tổ chức hay một cơ chế tạo thuận lợi đặc biệt cho một tổ chức hay đảng phái duy trì quyền lực.

Vũ Thạch

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ảnh chụp màn hình VOA

Nhóm trí thức Việt Nam đề nghị lãnh đạo chớ ‘nói suông,’ nên chân thành hoà giải

GS. TS. Nguyễn Đình Cống, người đã công khai từ bỏ đảng Cộng sản vào năm 2016 và là một thành viên ký tên trong bản kiến nghị, nói với VOA:

“Thực ra, đây là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Nhân dân Việt Nam hy sinh xương máu của cả hai bên để mang lại một chiến thắng cho đảng Cộng sản. Còn đối với dân tộc thì chẳng được gì cả. Nó chỉ mang lại được sự thống nhất về mặt lãnh thổ thôi. Còn sau chiến thắng ấy, không giải quyết được vấn đề đoàn kết dân tộc. Đảng thì được. Đảng được vì đạt được chính quyền toàn quốc. Còn dân tộc thì việc hoà giải dân tộc mãi cho đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được.”

Ngày 30 Tháng Tư, người Việt ở hải ngoại gọi là ngày mất nước, ngày quốc hận. Ảnh minh họa: David McNew/Getty Images

Không cần hòa giải, cần đấu tranh!

Bốn mươi chín năm đã đủ lâu để những người có suy nghĩ đều nhận ra sự thật không ai là “bên thắng cuộc,” cả dân tộc là nạn nhân trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Gần nửa triệu thanh niên miền Bắc, 280.000 thanh niên miền Nam bỏ mạng, 2 triệu thường dân vô tội chết trong binh lửa – đó là cái giá máu mà dân tộc này đã phải trả cho cái gọi là công cuộc “giải phóng miền Nam.”

Nhà thờ Đức Bà ngay trung tâm Sài Gòn, một thành phố từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông. Ảnh minh họa: Chris Jackson/ Getty Images

Tựa vào di sản miền Nam tự do, tôi chọn đứng thẳng

Ba Mươi Tháng Tư, cứ đến gần ngày này là trái tim người miền Nam lại nhói đau. Tôi là một người thế hệ 8x, tuy chưa từng trực tiếp chứng kiến cuộc chiến “nồi da xáo thịt” của đất nước giai đoạn trước 1975, nhưng gia đình tôi, tồn tại hai dòng tư tưởng quốc gia và cộng sản, và ông bà tôi, cậu, dì tôi là những nhân chứng sống cho giai đoạn lịch sử này.