Từ Những Cơn Lốc Cách Mạng . . . : Cuộc Cách Mạng Đức Quốc Xã Thập Niên 1930

Vũ Thạch

Lời Mở Đầu: Ít ai có thể phủ nhận những biến cố chính trị trên đất nước Việt Nam suốt gần 200 năm qua mang nặng màu sắc và là một phần hệ quả của những cuộc cách mạng lớn trong lịch sử cận đại của nhân loại. Dù ở khá xa trung tâm những cơn lốc này, hậu quả của những trận bão rớt vẫn không kém phần đẫm máu và tang thương trên quê hương chúng ta mãi tận ngày nay.

Mời quý vị cùng lật lại một vài trang sử trong kỳ vọng tìm được những qui luật và bài học cho công cuộc đấu tranh của chúng ta hôm nay.

Phần III: Cuộc Cách Mạng Đức Quốc Xã
Thập Niên 1930

Đầu tiên có lẽ cần mở ngoặc ngay để giải tỏa một điều thường bị ngộ nhận đó là những từ ngữ như “Phát-xít Hitler”, “Phát-xít Đức”, v.v… Thực ra chủ nghĩa Phát-xít (Fascism) không dính dáng gì nhiều đến chế độ độc tài tại Đức. Fascism được phát sinh tại Ý và chỉ áp dụng tại nước này, do nhà độc tài Benito Mussolini chủ xướng và thành công trước khi Hitler lên nắm quyền. Tuy mang một số đặc điểm tương tự như chế độ Quốc Xã tại Đức, Fascism mang nhiều tính chất đặc thù từ lý thuyết đến thực hành. Chủ nghĩa Phát-xít sẽ được mổ xẻ trong một dịp khác.

The Prime Minister and Dictator of Italy 1922-1943

Vì mục tiêu của loạt bài này là tìm hiểu đặc tính của mỗi trường hợp thay đổi chế độ, chúng ta sẽ không đi vào các diễn tiến quân sự của 2 cuộc Thế Chiến.

A. Xã hội và dân tính Đức:

Suốt từ thời Trung Cổ đến giữa thế kỷ 19, giống dân Aryan vẫn sống trong một số tiểu quốc ở miền giữa Tây Âu như Prussia (Phổ), Hesse, Saxony, Bavaria, Austria v.v. Mãi đến năm 1871, thủ tướng Bismarck của Prussia mới thống nhất hầu hết các tiểu quốc lại thành Đức Quốc và khởi đầu thời kỳ phồn thịnh của đất nước này.

Dưới sự lãnh đạo của tầng lớp quí tộc, đa số có gốc quân đội, tinh thần kỷ luật và binh nghiệp được đặc biệt xiển dương trong xã hội. Đặc biệt xuất hiện những nhà tham mưu quân sự như Clausewitz, người soạn binh thư được giới quân đội Âu Châu tôn sùng như Tôn Tử đối với các quân đội Á Châu. Clausewitz và Frederic Von Bernhardi đặc biệt ca ngợi niềm vinh quang của chiến thắng và tận dụng phương pháp quân sự để thăng tiến địa vị quốc gia.

Sau đó phải kể đến các triết gia đã ảnh hưởng sâu đậm vào dân tính Đức. Trước hết là thuyết của Hegel với luận điểm quan trọng: “Mọi sự hiện hữu tất phải hợp lý”. Từ đó các tầng lớp cai trị ắt phải cần thiết cho xã hội thì mới tồn tại được, do đó sự vâng phục của dân chúng phải là đương nhiên.

Kế đến triết gia Nietzsche nêu lên ý niệm “con người phi thường với ý chí quyền lực”. Ông chủ trương khuynh hướng phát triển theo bản năng tự nhiên thì mới phát triển con người lên tới mức phi thường; sự phát triển theo lý trí chỉ là biện minh làm kém sút khả năng và cá tính. Từ đó xuất phát ý nguyện muốn làm nòi giống Aryan thuần chủng và hùng mạnh bằng cách loại trừ những người khuyết tật bẩm sinh.

Nhưng có lẽ người có ảnh hưởng sâu xa hơn hết lên tâm thức dân Đức là nhà soạn nhạc Wagner. Với nhiều công trình viết nhạc hòa tấu và ca kịch (opéras) về những cốt truyện thần thoại, ông trồng sâu trong lòng người dân Đức ý niệm Aryan là một chủng tộc được Thượng Đế tuyển chọn để lãnh đạo nhân loại.

Và theo sau các nhà tư tưởng này là hàng loạt các văn sĩ khác tiếp tục tán dương ý niệm này. Có người đi xa đến độ cho rằng Chúa Giêsu không phải người Do Thái mà thuộc giống dân Aryan; Cũng có người kêu gọi tiêu hủy hết mọi tổ chức quốc tế vì những tổ chức này làm lu mờ ý niệm chủng tộc; …

Do đó đặc tính kỷ luật và tôn sùng chủng tộc của dân Đức không phải là sản phẩm hay chỉ bắt đầu dưới thời Hitler như thường nghĩ ngày nay. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là chế độ Đức Quốc Xã đã bắt đúng mạch và khuếch đại khuynh hướng này đến cực điểm.

B. Đất nước Đức sau Thế Chiến I và sự ra đời của đảng Quốc Xã:

1. Hitler những năm tháng trẻ:

Adolf Hitler sinh ngày 20-4-1889 (Lúc này Lénin là một sinh viên 19 tuổi, Stalin là một cậu bé ở Tiflis, và Mussolini vừa lên sáu) tại tỉnh Braunau giữa 2 tiểu quốc Austria (Áo) và Bavaria. Năm Hitler lên 14 tuổi, bố ông mất. Đến năm 16 tuổi ông thôi học để đeo đuổi ngành hội họa tại thủ đô Vienna. Sau mấy lần thi vào trường hội họa không thành công, ông sống lây lất tại Vienna bằng nhiều nghề vặt vãnh. Chính thời gian này đã để lại nhiều vết sẹo tâm lý ảnh hưởng ông suốt cuộc đời còn lại. Tuy nhiên, cũng trong những năm này, nhiều tài liệu cho thấy tài hùng biện kiệt suất và lòng đam mê chính trị của ông bắt đầu ló dạng.

Nhưng có lẽ quan trọng nhất, theo chính lời ông kể, đây là thời gian mà ông tìm đọc các sách báo cực đoan và phát sinh lòng thù ghét người Do Thái cùng cực. Ông không còn xem họ là những con người mà chỉ là loài giòi bọ sinh ra để hủ hóa xã hội và nòi giống Aryan. Ông cũng cột chủ nghĩa Cộng Sản vào người Do Thái và dùng đó như một trong những bằng chứng cho thấy dân Do Thái khắp thế giới đang toa rập để làm tàn lụi dòng giống Aryan.

Tóm tắt lại, những năm tháng tại Austria hun đúc một thanh niên Hitler đầy uất hận – hận số mạng đen đủi của mình, hận xã hội, và từ đó dồn cả vào nỗi hận người Do Thái.

2. Thế Chiến I và nước Đức:

Đầu năm 1914, vua Guillaume II và giới quân phiệt Đức quyết định mở màn Thế Chiến I. Hitler tình nguyện đầu quân vào tháng 8 -1914 và tỏ ra rất gan dạ trên chiến trường. Chỉ 4 tháng sau ông được tưởng thưởng huân chương Thập Tự Sắt Hạng Nhì. Năm 1918, ông lại được thưởng huân chương Thập Tự Sắt Hạng Nhất. Đây là vinh dự rất hiếm cho binh sĩ ở cấp Trung Sĩ như ông. Nhưng càng say sưa trong chiến tranh, ông càng uất hận khi phe Đức thua cuộc, đặc biệt là uất hận dân chúng tại hậu phương đã không ủng hộ binh lính ngoài trận tiền một cách tích cực.

Suốt 2 năm đầu, quân Đức chiến thắng khắp nơi. Tuy nhiên sang năm 1916, thế trận dần dần chuyển hướng. Bộ tổng tham mưu Đức xin nhà Vua giao quyền chỉ huy quân đội cho Thống Chế Hindenburg và phụ tá Ludendorff. Hai vị tướng này bắt đầu phản công đánh bật quân Ý ở Caporetto và buộc Lénin phải ký hòa ước Brest-Litowsk tháng 3-1918. Nhưng cùng lúc đó Hoa Kỳ nhảy vào vòng chiến và từ tháng 8-1918 trở đi, quân Đức thua liên tục. Ngày 9-11-1918, nhà vua thoái vị nhường chỗ cho chế độ cộng hòa đại nghị.

Vào tháng 6-1919, đại diện chính phủ mới ký hòa ước Versailles chính thức chấm dứt Thế Chiến I với nhiều điều khoản làm thương tổn nặng nề lên ngân sách và danh dự của dân Đức như phải nhượng 1/8 diện tích lãnh thổ với hơn 6,5 triệu dân, đặt một phần đất dưới quyền kiểm soát của quốc tế, mất hết các thuộc địa, chỉ được phép duy trì tối đa 100 ngàn lính, bồi hoàn thiệt hại chiến tranh cho nhiều nước, buộc các lãnh tụ như Kaiser Wilhelm II và một số tướng lãnh phải tự nhận đã phạm tội ác chiến tranh trước công chúng, v.v…

3. Thời gian khai dựng Đảng – 1919 – 1924:

Sự thất trận là một rúng động lớn cho xã hội Đức. Dân chúng và quân đội đói khát, sa sút tinh thần trầm trọng trong khi bộ máy chính quyền tuy đổi hình thức nhưng vẫn toàn nhân sự cũ nên không thay đổi thực sự là bao.

Notre-Dame Church in the town center of Versailles

Cùng lúc ấy, tin Cộng Sản lên nắm quyền tại Nga làm cả Âu Châu lên cơn sốt. Vào cuối tháng 12 – 1918, thợ thuyền tại Berlin và một số binh sĩ võ trang khởi loạn theo một số lãnh tụ cực tả. Cuộc nổi loạn bị quân đội dẹp tan chỉ vài tuần sau đó nhưng hậu quả là cả nước xoay về phía cực hữu. Munich, thủ đô của tiểu quốc Bavaria, trở thành một trong những trung tâm biến động chính. Cảnh sát, quân đội, và chính quyền cố tình dung dưỡng các nhóm hữu khuynh từ côn đồ đến trí thức để loại trừ các phần tử cánh tả.

Trong tình hình này Hitler được quân đội phái đi bí mật dò la những tổ chức mang màu sắc tả khuynh tại Munich. Năm 1919, ông len vào điều tra đảng Công Nhân Đức, nhưng thay vì thấy các cờ xí và sách báo Mác-xít, ông lại gặp những người rất đồng chí hướng về tương lai nước Đức. Hai ngày sau đó, Hitler trở thành 1 trong 7 đảng viên chủ chốt của đảng này.

Cùng lúc đó, cơn phẫn nộ của dân chúng Đức bắt đầu dội lên đầu chính phủ hậu chiến, thường được gọi là nền Cộng Hòa Weimar. Hai khuynh hướng quốc gia và cộng sản nổi lên đánh nhau khắp nơi, từ nơi đường phố đến giữa lòng các cơ quan công quyền. Nhà nước phải dựa dần vào quân đội để giữ trật tự và vì thế càng lúc càng mất khả năng kiểm soát..

Ngày 1 tháng 4, 1920, Hitler giã từ quân đội để tập trung vào việc phát triển Đảng. Tuy ngập ngừng bước đầu, tài hùng biện bắt đầu trở thành vũ khí chính của ông trong vai trò trưởng ban tuyên truyền vận động của Đảng. Số đảng viên tăng vọt từ 3.000 người năm 1921 lên 6.000 năm 1922, lên 55.000 năm 1923. Mối quan hệ giữa Hitler là Đại Úy Ernst Rohm, phụ tá chỉ huy trưởng quân đội tại Munich đóng góp rất nhiều cho những ngày đầu phát triển – vừa che mắt chính quyền vừa tuyển chọn đảng viên từ hàng ngũ quân đội và cựu quân nhân cho Đảng, cũng như cung cấp những tay chuyên đấm đá cho bộ phận S.A. sau này.

Trong thời gian này Hitler chính thức đổi tên đảng thành Đảng Công Nhân Quốc Gia Xã Hội Đức. Nguyên văn tiếng Đức là National Sozialistische Deutsche Arbeiter Partei, gọi tắt là NSDAP, và từ đó mà tên Nazi được rút ra. Ông mượn dấu hiệu 4 cánh tay lực lưỡng (swastika hoặc Hakenkreuz) của một nhóm Quốc Xã khác làm huy hiệu, và lập ra bộ đồng phục nâu đeo băng tay đỏ theo kiểu đồng phục đen của Mussolini bên Ý. Đảng Nazi cũng bắt đầu có báo riêng – tờ Volkischer Beobachter (Quan Sát Viên Quốc Gia).

Đầu năm 1920, tướng Von Luttwitz kéo quân chiếm Berlin lập nền độc tài quân sự. Quân đội lại được điều đến dẹp tan nhưng không trừng phạt thẳng tay các dư đảng vì từng là đồng đội với nhau. Sau biến cố này, các lãnh tụ quân đội tự biết cần phải có thêm sự tham gia của dân chúng mới hội đủ yếu tố thành công. Chính từ nhu cầu này mà họ bắt đầu để ý đến nhân vật Hitler tại Munich.

Hầu như tối nào Hitler cũng xuất hiện ở các nơi tụ họp để tranh luận với mọi khuynh hướng chính trị khác và thường được dân chúng tham dự nhiệt liệt hoan hô. Cũng có những tối ông dẫn đầu các nhóm “mạnh bạo” đi đập phá các cuộc họp bàn của các đảng phái đối thủ. Đến tháng 5 – 1920, các nhóm này được chính thức đặt tên Sturmabteilung, gọi tắt là S.A., tức “Bộ Phận Bão Tố của Đảng”. Kể từ đó, S.A. trở thành phương tiện bạo lực hữu hiệu cho Hitler trên đường phố Munich trong việc loại trừ đối thủ chính trị.

Vào giữa năm 1921, dựa vào một số mưu mẹo và công trạng gây quỹ cũng như thu hút đảng viên cho Đảng, Hitler đoạt được độc quyền lãnh đạo Đảng và đẩy dần các đảng viên sáng lập vào các vị trí biểu kiến. Thay vào đó, nhiều cộng sự viên đắc lực thuộc đủ loại thành phần tìm đến cộng tác với ông. Hitler giang tay đón nhận mọi thành phần, từ trí thức bất mãn đến trộm cướp sa cơ, miễn sao họ phục vụ được cho mục tiêu tối hậu của mình. Ngoài ra, vì biết khuynh hướng của các chánh án tại Munich nghiêng về phía Quốc Xã, Hitler cũng tận dụng phương tiện này thưa kiện các đối thủ chính trị về tội lăng mạ cá nhân và tổ chức của ông.

4. Cơ hội cướp chính quyền đầu tiên:

Đến mùa thu 1922 ngân khố Đức không còn tiền để tiếp tục bồi hoàn thiệt hại chiến tranh nữa. Với lý cớ này, đầu năm 1923 Pháp kéo quân vào vùng kỹ nghệ Ruhr, chặn đứng nguồn cung cấp sắt thép cho cả nước Đức. Đồng Đức Mã (Deusch Mark) vốn đã hấp hối lại càng trở nên vô giá trị. Mối nhục hiệp ước Versailles trong lòng dân chúng Đức lại dâng lên trong sôi sục căm hờn. Trong lúc chính phủ chẳng biết làm gì hơn ngoài việc kêu gọi dân chúng dùng các phương pháp tẩy chay thụ động, nhưng Hitler lập tức tận dụng và khuếch đại mối căm thù này bằng cách tố cáo sự bất lực của chính phủ là do có quá nhiều thành phần gốc Do Thái trong hệ thống công quyền. Ngọn lửa căm hờn trong dân chúng như được tưới thêm xăng ngùn ngụt bốc lên.

Trước tình hình này, kèm với tin tức về cuộc tiến quân về thủ đô La Mã của Mussolini bên Ý, Hitler cho rằng thời cơ đã chín mùi để chiếm chính quyền tại Đức. Cho bước chuẩn bị đầu tiên, ông thành lập một liên minh với các lực lượng cực hữu với tên gọi Liên Đoàn Đấu Tranh Đức Quốc (Deutscher Kampfbund) và tạo quan hệ với cựu tướng già Ludendorff vốn còn được lòng quân đội. Kế đó, 15.000 thành viên S.A. được đặt trong tình trạng sẵn sàng xuất hiện trong 14 cuộc “duyệt binh” ngay tại Munich. Chính quyền tiểu bang Bavaria lập tức báo động và giao toàn quyền dẹp loạn cho Ủy Viên Chính Phủ Gustav Von Kahr và chỉ huy trưởng quân đội Lossow ngày 26-9-1922.

Tình hình trở thành một cuộc giằng co tay ba: (1) Chính phủ liên bang tại thủ đô Berlin phải đối phó với loạn lạc khắp các tiểu bang, nơi thì do cánh tả cầm đầu như tại Saxony, nơi thì do cánh hữu chủ trương như tại Bavaria. Quân đội liên bang sẵn sàng đàn áp cánh tả nhưng không muốn ra tay đè cánh hữu. Berlin đặc biệt nghi ngờ dụng tâm của chính phủ tiểu bang Bavaria; (2) Kahr có lúc muốn đảo chánh để lên nắm chính quyền liên bang, có lúc lại chỉ muốn tách lìa Bavaria ra thành một tiểu quốc như thời xa xưa. Trong cả 2 ý định này, ông nhận thấy Hitler và liên minh Kampfbund có thể hữu dụng; (3) Hitler, ngược lại, cũng muốn dùng Kahr lên cướp chính quyền tại Bavaria, rồi dùng đó làm bàn đạp tiến chiếm chính quyền liên bang, và sau cùng quay lại diệt trừ Kahr cũng không muộn. Giữa 3 nhân tố này là chỉ huy ttưởng quân đội tiểu bang Lossow bối rối không biết đi theo hướng nào cho đến khi tình hình quyết định giùm cho ông.

Với quân đội dưới tay Lossow và cảnh sát dưới tay Seisser, Kahr cho tổ chức một đại hội gồm đủ mọi phe phái chính trị vào ngày 8 tháng 11. Hitler xin gặp Kahr nhiều lần trước ngày này nhưng bị từ chối nên càng nghi ngờ rằng đây là ngày Kahr tuyên bố tách rời Bavaria ra khỏi Liên Bang và bỏ ông lại phía sau. Hitler quyết định ra tay trước.

Đúng ngày 8-11-1923, Hitler và Goering kéo 600 thành viên S.A. bao vây nơi hội họp, đặt một khẩu đại liên ngoài hành lang, rồi kéo 25 người tung cửa phòng hội. Hitler bắn chỉ thiên rồi đứng trên ghế la lớn: “Cuộc cách mạng quốc gia đã bắt đầu !” rồi tuyên bố đại là quân cách mạng đã nắm mọi nơi hiểm yếu, đại diện chính phủ liên bang và tiểu bang đều đã bị bắt. Trong lúc các đại biểu bị giữ trong phòng họp, Hitler đưa Kahr, Lossow, và Seisser vào một phòng nhỏ kế đó, ra sức thuyết phục 3 người này nhập bọn nhưng không thành công. Tuy vậy, ông trở lại phòng hội tuyên bố bộ 3 này đã đồng ý theo phe cách mạng giữa tiếng hoan hô của mọi người. Vào lúc này vị tướng già Ludendorff cũng bị kéo tới. Tuy rất tức giận nhưng bị đặt trước “sự đã rồi” và đang trong tình trạng “nằm trên thớt”, Ludendorff, Kahr, Lossow, và Seisser đành ra trước hội trường nói đôi lời, hứa trung thành với phe cách mạng, và bắt tay nhau. Tưởng như thế đã đủ, Hitler để cho bộ 3 lãnh đạo Bavaria về nghỉ đêm.

Vừa về đến nhà Lossow được lệnh của quân đội liên bang phải dẹp cuộc nổi loạn, ông đành ra lệnh tập trung quân lính từ các đồn gần đó về Munich. Cùng lúc, Kahr ra tuyên bố phủ nhận các lời đã phải hứa tại hội trường và ra lệnh giải tán đảng Nazi và liên minh Kampfbund. Đến sáng ngày 9-11,

Hitler biết cuộc đảo chánh đã thất bại, nhưng trước lời thuyết phục của Ludendorff rằng quân đội sẽ không dám bắn vào ông, Hitler đồng ý kéo 3.000 người ủng hộ với cờ quạt biểu ngữ tuần hành từ hội trường vào trung tâm thành phố.

Tuy súng ống, gậy gộc của S.A. nhiều hơn số cảnh sát gấp nhiều lần, nhưng đoàn người phải đi qua những đường phố rất hẹp trong thành phố nên khả năng trấn áp hầu như mất hẳn. Không biết bên nào nổ súng trước nhưng tên đạn bay tung toé sau đó khiến nhiều người chết tại chỗ. Trong số người bị thương có Goring, Hitler và nhiều lãnh tụ biểu tình khác. Lực lượng S.A. chạy tứ tán. Ngày 11-11-1923, Hitler bị bắt giam.

5. Giai đoạn nín thở để gầy dựng lại – 1924 -1931:

Ngày 26-2-1924, Hitler bị đưa ra tòa xét xử. Trong phiên tòa kéo dài 24 ngày, Hitler không những đã vượt qua được tình trạng xuống tinh thần sau cuộc đảo chánh thất bại, mà còn tỉnh táo dùng chính tòa án làm phương tiện quảng bá khuynh hướng Quốc Xã và phân tích nhu cầu phải thay đổi chính phủ vào quần chúng Đức vốn sẵn có cảm tình với cánh hữu và đang chú tâm đến vụ án. Qua báo chí, đây là cơ hội đầu tiên cho Hitler, 34 tuổi, truyền đạt ý tưởng và tên tuổi của mình đến dân chúng bên ngoài tiểu bang Bavaria.

Kết cuộc, chánh án miễn cưỡng tuyên phạt Hitler 5 năm tù, nhưng chỉ 9 tháng sau ông đã được tự do. Trong thời gian ở tù ông viết cuốn Phía Bên Tôi (Mein Kampf) liệt kê quan điểm và viễn cảnh nước Đức tương lai mà ông muốn xây dựng. Cùng lúc ông tìm cách phá hoại mọi hoạt động của đảng Quốc Xã để đảng này mất ghế trong Quốc Hội, lực lượng chia năm xẻ bảy, các lãnh tụ lần lượt chán nản bỏ đi, và do đó không ai có thể thay thế ông. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là việc rút ưu khuyết điểm và quyết định chuyển sang chiến lược phát triển ý thức hệ Quốc Xã vào dân chúng để rồi dùng các tổ chức quần chúng tiến lên giành quyền bằng con đường hợp pháp.

Ngày 20-12-1924, Hitler bước ra khỏi nhà tù. Ông bắt đầu thay đổi tông điệu. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với thống đốc Bavaria là Heinrich Held, Hitler thú nhận cuộc đảo chánh vừa qua là một lầm lỡ, ông chỉ muốn giúp chính phủ chống nạn Marxist mà thôi và nguyện từ nay sẽ tôn trọng thẩm quyền của chính phủ tiểu bang. Tuy với thái độ nghi hoặc và khinh thường, thống đốc Held vẫn quyết định cho phép đảng Quốc Xã và tờ báo của đảng này hoạt động chính thức trở lại, bằng câu nói khá trịnh thượng: “Khi con thú hoang đã bị vào vòng kiểm soát rồi, thì ta có thể nới lỏng giây xích cho nó một chút cũng được”.

Bảy ngày sau khi ra khỏi tù, Hitler tập trung tàn dư của đảng Quốc Xã vào cuộc họp đầu tiên. Tài hùng biện của ông lại làm các đảng viên bùng lên sau 2 giờ gặp mặt. Thay vì tấn công vào chính phủ ông chuyển đổi mục tiêu thành chống Marxists và người Do Thái, nhưng cũng nói nhỏ rằng chống Do Thái tức bao gồm việc chống lại cơ chế và chính phủ hiện tại. Biết được tin này, chính phủ Bavaria quyết định tước vũ khí giá trị nhất của Hitler bằng cách cấm ông diễn thuyết trước công chúng. Các tiểu bang khác lần lượt ra lệnh cấm tương tự.

Trong nội bộ, Hitler phải đối phó với một lãnh tụ đang lên là Gregor Strasser. Với tài hùng biện và khả năng lý luận không kém gì Hitler, Gregor Strasser và em ông, Otto Strasser, phát triển đảng Quốc Xã sâu vào miền Bắc nước Đức, nhấn mạnh ý tưởng chống Tư Bản ngang hàng với nhu cầu xây dựng tinh thần quốc gia, trở thành dân biểu quốc hội, lập 1 tờ báo cho quần chúng và 1 tờ cho nội bộ, v.v. Chính từ tòa soạn của 2 tờ báo này, Strasser thu hút được một nhân vật mà sau này trở thành thiên tài về tuyên truyền cho Hitler, đó là Paul Josef Goebbels. Năm đó, Goebbels chưa đầy 30 tuổi.

Với một số mánh khóe chính trị và đặc biệt là tài hùng biện, Hitler lần hồi thuyết phục được Goebbels ngả về phía mình và bắt đầu tấn công ngược lại cánh Strasser bằng cả báo chí lẫn bạo lực trên đường phố.

Vấn nạn kế tiếp cho Hitler là cơn dịch tố cáo lãnh tụ lấy quĩ của Đảng phung phí xa hoa lan rộng dần ra khắp mọi cấp đảng viên. Để đối phó, ông cho lập tòa án nội bộ năm 1926 vừa để chặn đứng các tố cáo vừa làm phương tiện loại trừ các đối thủ trong Đảng.

Công việc chấn chỉnh lại đội ngũ S.A. cũng không dễ dàng. Chỉ huy trưởng, cựu đại úy Pfeffer von Salomon, giữ riêng đội ngũ S.A. cho riêng mình, không “dính tới chính trị”. Dịch đồng tính luyến ái lan tràn trong đội ngũ tại Munich. Lệnh của Hitler không còn mấy giá trị đối với S.A. tại cả Berlin lẫn Munich. Hitler thay đổi nhiều nhân sự lãnh đạo nhưng mãi đến năm 1929, ông mới tìm được bàn tay sắt của Heinrich Himmler để nắm chặt S.A. cho nhu cầu của Đảng.

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất cho Hitler là tình hình kinh tế bắt đầu đi lên … một cách kỳ quặc. Chính phủ liên bang, tiểu bang, các ngành công nghiệp đua nhau đi mượn bừa tiền từ Hoa Kỳ về trang trải các khoản nợ nần cũ, trang bị lại máy móc, v.v. bất kể phân lời cao và mặc dù trong lúc chưa có kế hoạch rõ ràng làm sao để trả nợ ngoại trừ dự tính “nếu cần thì mượn nữa”. Kết quả là quân Pháp rút khỏi vùng Ruhr sau khi nhận được tiền bồi hoàn chiến tranh. Dân chúng bắt đầu có thêm lương thực, công ăn việc làm, và lợi tức nên bớt dần sự oán hận chính phủ. Ngay cả tài tuyên truyền của Goebbels cũng chẳng lay động được mấy ai.

Hitler tiên đoán căn nhà xây trên cát này sẽ xụp đổ nhanh chóng. Tháng 9-1928, ông tập trung cán bộ lãnh đạo Đảng tại Munich để thẳng thừng phân tích tình hình và đặt ưu tiên phải giữ vững tinh thần và niềm tin của đảng viên trong giai đoạn này.

Chỉ trong vòng 1 năm, lời tiên đoán của Hitler trở thành sự thật. Nạn khủng hoảng thị trường chứng khoán tại Mỹ năm 1929 khiến toàn bộ nền kinh tế Đức sụp đổ nhanh chóng. Hàng triệu người mất việc và hàng triệu gia đình rơi vào cảnh đói lạnh cùng lúc đã là cơ hội bằng vàng cho đảng Quốc Xã. Trong cuộc bầu vào Quốc Hội 1930, đảng Quốc Xã chiếm được 107 ghế, so với con số hẩm hiu 12 ghế năm 1928. Số đảng viên cũng tăng từ 27.000 năm 1925 lên 178.000 năm 1929 và gần 400.000 năm 1930.

Cùng lúc này, Hitler, qua sự hợp tác với nhà tài phiệt Hugenberg, bắt tay được với giới doanh thương kỹ nghệ gia vốn rất ngại sự lớn mạnh của phong trào cộng sản tại Đức đang đòi “đấu tranh giai cấp” . Giới này lập tức đổ tiền vào tay Hitler và phong trào Quốc Xã như một biện pháp thủ thân.

Với nguồn tài chánh dồi dào, số đảng viên tăng vụt, và số ghế trong Quốc Hội tăng gần gấp 10 lần, trong thoáng chốc Hitler trở thành chính khách của Âu châu chứ không chỉ trong phạm vi Đức quốc.

C. Những ngày tháng quyết định – 1931 – 1934:

Tại thời điểm giữa năm 1931, nước Đức nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Hindenburg, 1 vị cựu tướng lãnh 84 tuổi, và thủ tướng Bruning. Một nhân vật rất quan trọng khác là tướng Schleicher, được xem là tiếng nói uy tín và nặng ký nhất của quân đội về những vấn đề chính trị.

Nhờ sự sắp xếp của Schleicher, Hitler được diện kiến tổng thống và thủ tướng lần đầu tiên vào mùa thu 1931. Hitler, trong tình trạng không sáng suốt lắm vì người cháu gái kiêm nhân tình của ông là Geli Raubal vừa tự tử trước đó 3 tuần, lại say sưa thuyết giảng. Lần này, ông bị tác dụng ngược và cuộc họp xem như thất bại. Sau khi Hitler ra về, Hindenburg nhận xét: “Anh chàng kỳ quái này làm sao mà leo lên ghế thủ tướng nổi. Cùng lắm thì chỉ đến chức Bộ trưởng Bưu Điện thôi.”

Cháu gái kiêm nhân tình của Hitler

Cũng trong tuần đó, các đảng phái cánh hữu lại kéo quân về một đại hội tại Harzburg để thành lập liên minh đối lập. Nhưng tại đây, mỗi đảng ra sức biểu diễn sức mạnh lực lượng của mình để dành ghế minh chủ. Số quân S.A. mà đảng Quốc Xã kéo về quá ít so với lực lượng Stahlhelm của Hugenberg (nhà tài phiệt kiêm chính khách đã nói ở trên) trong cuộc diễn hành. Trên khán đài danh dự, hào quang của Hugenberg và Seldte lấn át các lãnh tụ còn lại. Hitler phát biểu lấy lệ rồi hậm hực bỏ ra về trước khi đoàn Stahlhelm diễn hành qua khán đài. Thế là Liên Minh Đối Lập Quốc Gia tan hàng trước khi chính thức thành hình.

Vài tuần sau đó, để lấy lại tư thế hay tự xoa dịu tự ái, Hitler cho tổ chức một cuộc diễn hành riêng của đảng Quốc Xã tại Brunswick. Hơn 100.000 quân S.A. và S.S. (đội bảo vệ riêng cho Hitler) vung gót giày qua khán đài trong 6 giờ đồng hồ giữa tiếng reo hò của đám đông. Phải mất 38 chuyến xe lửa và 5.000 chuyến xe đò mới chở hết số người tham dự tới Brunswick. Trong phần diễn hành buổi tối, số đuốc đoàn người cầm đi làm sáng dậy một góc trời.

Với tình hình thuận lợi mọi mặt, Hitler bắt đầu nỗ lực ly gián văn phòng tổng thống và thủ tướng bằng cách liên tục tấn công thủ tướng Bruning và đổ hết trách nhiệm đổ vỡ kinh tế lên đầu ông. Mọi đề nghị trao đổi quyền lợi từ Bruning để mua thời gian chờ cho kinh tế đi lên đều bị Hitler và các cố vấn của ông (Goebbels, Goring, Rohm, Strasser, Frick) từ khước.

Ngày 22-2-1932, Hitler đổi mục tiêu và chính thức tuyên bố tranh cử với Hindenburg vào ghế tổng thống. Mọi kỹ thuật tân tiến nhất của thời bấy giờ như quay phim, thu thanh vào dĩa nhựa, được Goebbels xử dụng cho cuộc vận động. Ba nhà hùng biện bậc nhất của Đảng, Hitler, Goebbels, và Strasser, đi diễn thuyết khắp nơi và đến đâu họ cũng lôi cuốn cử tọa bùng lên cuồng nhiệt.

Đến ngày bỏ phiếu, Hitler kém Hindenburg 7 triệu phiếu. Đây là sự thất bại lớn. Tuy nhiên Hindenburg cũng không đủ số phiếu đa số tuyệt đối nên dân chúng lại phái bỏ phiếu lần hai. Lần này, với nhiều sáng kiến vận động mới của Goebbels, Hitler tăng thêm được 2 triệu phiếu từ cả cánh hữu lẫn cánh tả nhưng vẫn không đủ để thắng Hindenburg. Tuy nhiên với uy tín đang lên trong lòng dân, Hitler lao ngay vào cuộc tranh cử chức thống đốc tiểu bang Prussia (lớn nhất nước Đức).

Không may cho đảng Quốc Xã (và có lẽ may cho mọi người khác), chính quyền Prussia khám phá bản kế hoạch bí mật mà chi nhánh S.A. tại đây dự phòng sẽ thực hiện nếu đảng Cộng Sản lên nắm quyền. Kế hoạch này ghi rõ phải thủ tiêu những ai, trưng dụng những tài sản nào, hủy bỏ những luật lệ nào, thiết lập chính phủ lâm thời và tòa án quân sự do Quốc Xã chỉ đạo, thiết lập chế độ cưỡng bách lao động và tem phiếu lương thực, v.v… Sau đó, chính quyền cũng tịch thu được lệnh của Rohm (chỉ huy trưởng S.A. toàn quốc) chỉ thị chi nhánh S.A. tại Prussia chuẩn bị cướp chính quyền nếu Hitler chiếm đa số phiếu, cũng như chỉ thị chi nhánh S.A. dọc theo biên giới Ba Lan không tiếp tay với việc bảo vệ Đức Quốc nếu quân đội Ba Lan tràn qua biên giới.

Hiển nhiên, với các vụ tai tiếng này, Hitler thất cử tại Prussia. Hơn thế nữa, bộ Nội Vụ liên bang ra lệnh giải tán cả S.A. lẫn S.S. và các tổ chức ngoại vi của họ. Với con số 400.000 thành viên S.A. trong tay, Rohm muốn nổi loạn nhưng Hitler không muốn nếm lại hậu quả như 1923 nên ra lệnh rút hết áo nâu ra khỏi đường phố và hệ thống chỉ huy S.A. tạm thời giả dạng đảng viên bình thường. Sự nhượng bộ này đủ làm hài lòng bộ Nội Vụ và các chính quyền tiểu bang. Nhờ đó đảng Quốc Xã được để yên.

Tại điểm này, tướng Schleicher bắt đầu nghĩ ông có thể kéo Hitler vào hàng ngũ quân đội dưới quyền kiểm soát của ông, hoặc tối thiểu ông có thể thông đồng với Rohm để tách S.A. ra khỏi đảng Quốc Xã và biến họ thành nghĩa quân dưới sự điều động của quân đội. Trong cả 2 trường hợp này, ông phải duy trì đội ngũ S.A. cho các tham vọng tương lai. Với mục đích đó, Schleicher vận động tổng thống Hidenburg và Quốc Hội truất phế Bộ trưởng Nội Vụ rồi đến thủ tướng Bruning vào cuối tháng 5-1932. Được bổ nhiệm thay thế Bruning là Franz von Papen, một người mà Schleicher nghĩ là sẽ ngoan ngoãn nằm trong vòng điều khiển của ông. Thế là không tốn công sức mà đảng Quốc Xã loại trừ được 2 kẻ thù quan trọng.

Tình cảnh giằng co kéo dài suốt nửa năm sau của 1932, một phần vì sự rạn nứt giữa Schleicher và Papen trong chính phủ liên bang, phần khác vì sự tranh cãi ngày một nặng nề giữa Hitler và Strasser trong nội bộ đảng Quốc Xã. Ngày 4-6-1932 Papen vận động tổng thống hạ lệnh giải tán Quốc Hội để bầu lại. Dưới sự điều động của Goebbels, đảng Quốc Xã lại ra sức vận động. Trong 2 tuần cuối cùng, Hitler bay tới nói chuyện tại gần 50 tỉnh lớn nhỏ. Kết quả sau cùng, đảng Quốc Xã tăng số ghế từ 107 lên 230 tại Quốc Hội.

Tuy chưa đủ đa số để lập chính phủ, Hitler vẫn dùng kết quả này kèm với con số hơn 1 triệu đảng viên và 400.000 quân S.A. và S.S. để đặt yêu sách đòi các ghế thủ tướng liên bang, thống đốc tiểu bang Prussia, bộ trưởng Nội Vụ Prussia, và bộ trưởng Tuyên Truyền Prussia cho đảng Quốc Xã. Yêu sách này không những bị Schleicher, Papen, và Hidenburg từ khước, mà báo chí còn được cho biết chi tiết cuộc họp giữa Hitler và tổng thống Hidenburg, trong đó Hitler bị vị tổng thống già dạy dỗ về nhân cách và bổn phận đối với đất nước. Đây là lần mất mặt đau đớn nhất cho Hitler trong cuộc đời chính trị của ông.

Ngày 12-9-1932, Quốc Hội vừa được bầu nhóm họp lần đầu tiên. Để đề phòng bất trắc, Papen xin một bản lệnh giải tán Quốc Hội của tổng thống thủ sẵn trong túi. Quả như ông tiên đoán, bất ngờ đảng Quốc Xã bỏ phiếu cùng với đảng Cộng Sản bất tín nhiệm thủ tướng. Papen liền xuất trình lệnh giải tán Quốc Hội. Thế là chỉ sau 1 ngày họp cả nước lại đi bầu.

Đây là cuộc tranh cử lần thứ 5 trong vòng 1 năm, đảng Quốc Xã vừa mỏi mệt vừa cạn ngân quỹ. Kết quả sau cùng, họ chỉ còn 196 trên tổng số 584 ghế tại Quốc Hội. Trong lúc uy tín của cả thủ tướng Papen lẫn đảng Quốc Xã đều suy giảm, tướng Schleicher bắt đầu cuộc vận động để giành ghế thủ tướng cho chính mình. Câu dọa nạt quân đội không còn ủng hộ thủ tướng Papen nữa vẫn mang giá trị quyết định.

Ngày 2-12-1932, Schleicher chính thức nhậm chức. Sau khi lôi kéo Hitler không được, Schleicher cố tình làm rạn nứt đảng Quốc Xã bằng cách mời Strasser ra làm bộ trưởng trong nội các của ông. Lập tức trong nội bộ lãnh đạo đảng Quốc Xã phát sinh 2 khuynh hướng tranh cãi nhau kịch liệt tại cuộc họp ngày 5-12. Hai ngày sau đó, Strasser rút ra khỏi Đảng và đưa vợ con qua Ý nghỉ ngơi. Theo nhật ký của Goebbels còn để lại thì đây là những ngày thảm não nhất cho Đảng Quốc Xã. Hitler phải dùng đủ mọi cách, kể cả nước mắt và hăm dọa tự tử, để giảm thiểu số đảng viên ra đi.

May mắn cho Hitler, các diễn biến mấy tuần sau đó nhanh chóng chuyển hướng sự chú ý và tinh thần của Đảng ông. Tại điểm này, để chống kẻ thù chung là Schleicher, Papen và Hitler bí mật gặp nhau ngày 4-1-1933, dẹp bỏ xích mích cũ và mặc cả quyền lợi trong việc hợp tác lật đổ Schleicher. Chính bản thân nội các Schleicher cũng không vững chắc lắm vì sự tự phụ của ông thủ tướng này đã khiến hầu hết các đảng phái từ trái qua phải tẩy chay.

Trong thời gian này, Hitler mặc cả riêng rẽ với cả 2 cánh Papen và Schleicher để tránh không bị phản vào giờ chót như những lần thương lượng trước. Chỉ sau khi dùng mọi biện pháp thuyết phục, hăm dọa để lôi kéo con trai tổng thống và chỉ huy trưởng quân đội Blomberg về phía mình, Hitler mới chính thức thả rơi Schleicher.

Theo đề nghị của Papen, ngày 30-1-1933 tổng thống Hindenburg chính thức bổ nhiệm Hitler làm thủ tướng, thay thế Schleicher.

D. Từ vị trí quyền lực, cuộc Cách Mạng bắt đầu :

Khác với cuộc CM Pháp và Nga đã khởi đầu bằng việc thay thế thể chế, CM Đức chỉ thực sự bắt đầu sau khi đảng Quốc Xã lên nắm quyền bằng con đường tạm xem là hợp pháp (nếu không kể những trò khủng bố, đánh đấm đối thủ chính trị ngoài đường phố).

Ngày 22-2-1933, ba tuần sau ngày lên cầm quyền, Goring thiết lập một hệ thống cảnh sát tăng cường khoảng 50.000 người. Bao gồm trong số này là 25.000 thành viên S.A. và 15.000 S.S. Những “cảnh sát phụ” này vẫn mặc đồng phục nâu và đen của Đảng Quốc Xã nhưng đeo thêm một băng trắng trên tay. Hai ngày sau đó, cảnh sát xông vào tổng hành dinh của đảng Cộng Sản và “khám phá” một kế hoạch nổi dậy cướp chính quyền. Kế hoạch này không hề được đưa ra công luận như hứa hẹn. Ba ngày sau, tòa nhà Quốc Hội bốc cháy. Một lần nữa tội lỗi lại đổ lên đầu đảng Cộng Sản và đảng Dân Chủ Xã Hội thiên tả.

Mục tiêu của các đòn phủ đầu này là để 81 dân biểu cộng sản và nhiều dân biểu cánh tả khác không dám bén mảng đến Quốc Hội. Nhiều cuộc hành hung đại biểu trên đường phố bắt đầu diễn ra trước sự làm ngơ của cảnh sát. Hitler hy vọng với sự vắng mặt của cánh tả và sự hợp tác của thành phần đứng giữa, ông sẽ có đủ 2/3 dân biểu hiện diện để thông qua Luật Ủy Quyền (nguyên tên là Luật Để Loại Trừ Nguy Hại cho Nhân Dân và Chế Độ). Bộ luật này cho phép trong vòng 4 năm chính quyền (hành pháp) được thực thi luật pháp do thủ tướng ban hành không cần thông qua Quốc Hội và có thể có hiệu lực lập tức, cho phép vượt khỏi hạn chế của Hiến Pháp, cho phép chung kết thoả ước với ngoại quốc. Nói cách khác, toàn bộ quyền lực được tập trung vào tay thủ tướng cho dù Quốc Hội và văn phòng tổng thống vẫn còn đó.

Vào ngày bỏ phiếu, 23-3-1933, các dân biểu phải đi ngang qua hàng rào quân S.S. áo đen bao vây bên ngoài Quốc Hội. Bên trong, quân S.A. áo nâu trải dọc theo hành lang và các bờ tường. Sau cuộc tranh luận ngắn ngủi trong không khí cực kỳ căng thẳng và Hitler xả cơn điên giận tuyên bố vung vít, số phiếu thuận là 441, chống 94.

Bước kế tiếp, Hitler cho quân đội loại trừ hệ thống chính quyền (cả hành pháp lẫn lập pháp) tại từng tiểu bang và nhân danh chính phủ trung ương chỉ định 18 thống đốc gốc Nazi thay thế. Riêng Hitler kiêm luôn chức vụ thống đốc tiểu bang quan trọng nhất, Prussia.

Để tiêu diệt hạ tầng của đảng Cộng Sản là Công Đoàn Đức, Hitler tuyên bố ngày Lao Động 1 tháng 5 là ngày nghỉ lễ toàn quốc và cho tổ chức một cuộc tụ họp khổng lồ tại Berlin để nghe thủ tướng đọc diễn văn chào mừng. Sáng sớm ngày hôm sau, người ta thấy quân S.A. và S.S. chiếm đóng toàn bộ các văn phòng công đoàn. Hầu hết các lãnh tụ công đoàn bị bắt và giam vào các trại tập trung. Các thành viên không chức tước được sát nhập vào Mặt Trận Lao Động Đức do nhà nước điều khiển.

Đối với đảng Dân Chủ Xã Hội thiên tả, Goring ra lệnh chiếm đóng trụ sở, đóng cửa tòa soạn báo, và tịch thu ngân quỹ ngày 10-5. Một tháng sau đó, đảng Dân Chủ Xã Hội được công bố là kẻ thù của nhân dân và nhà nước và bị cấm hoạt động.

Ngày 14-7, nhà nước loại trừ mọi đảng phái còn lại với quyết định ký bởi Hitler, Frick, và Gurtner:
Điều 1: Đảng Công Nhân Quốc Gia Xã Hội Đức là đảng chính trị duy nhất tại nước Đức.
Điều 2: Bất cứ ai duy trì hệ thống tổ chức của một đảng chính trị nào khác hoặc thành lập một đảng chính trị mới sẽ bị trừng phạt 3 năm khổ sai hoặc 3 năm tù ở, nếu hành động này đã không bị phạt nặng hơn bởi các khoản luật khác.

Trong tình trạng bàng hoàng (hay kinh hoàng), không một cá nhân hay tổ chức nào dám lên tiếng phản đối, kể cả những nhân vật chính trị khét tiếng trước ngày 30-1-1933 và các tướng lãnh quân đội.

Giải quyết xong chuyện bên ngoài, Hitler quay vào tẩy rửa nội bộ và nhân đó trả thù các đối thủ chính trị cũ, từ Schleicher và vợ, Strasser, Rohm và hầu hết bộ tham mưu S.A., đến Kahr (của thời 1923), các cố vấn của Papen, linh mục Stempfle, v.v. Theo nhà nước, tất cả những người này tham dự vào một âm mưu đảo chánh do một thế lực ngoại bang (Pháp) giúp đỡ.

Ngày 2-8-1934, tổng thống Hindenburg qua đời. Chỉ trong vòng 1 giờ sau đó, chính phủ thông báo sát nhập văn phòng tổng thống và thủ tướng làm một và Hitler trở thành Quốc Trưởng kiêm Chỉ Huy Tối Cao Quân Đội.

E. Một vài nhận xét:

Đến bài thứ 3 này, có lẽ chúng ta cùng đồng ý là khả năng sản sinh ra những lý thuyết mới không đóng góp nhiều cho sự hữu hiệu của một tổ chức Cách Mạng (CM). Quan trọng hơn nhiều là khả năng nắm bắt và khai dụng chính xác và đúng lúc những tâm thức sẵn có, lộ dạng hay tiềm ẩn, trong quảng đại quần chúng. Các lý thuyết mới, nếu có và nếu hoàn toàn mới, thường phải mất vài thập niên mới thực sự thấm nhập vào quần chúng. Cũng có những lý thuyết thoạt nghe tưởng mới nhưng thực sự chỉ là kết hợp những tâm thức sẵn có hoặc chỉ được hiểu theo tâm thức sẵn có. Thí dụ cả chủ nghĩa Cộng Sản chỉ mang nghĩa “được thêm đất” trong lòng những người nông dân và “được thêm lương” trong lòng những người công nhân; còn ý niệm giải phóng giai cấp thì hơn nửa thế kỷ rồi được bao nhiêu công nhân hay nông dân thực sự thấu hiểu (nhắc lại như vẹt thì không kể).

Thật oái ăm, cách mạng Pháp và Nga diễn ra trong bạo động và khói súng khi chẳng có đảng phái CM nào có một lực lượng đáng kể. Trong khi đó Đảng Quốc Xã Đức có lực lượng rất hùng hậu (lên đến 400.000 quân S.A. với khá nhiều súng ống) lại chỉ làm CM thành công qua ngã chính trường. Diễn biến tình hình thường vượt ngoài ước tính của các nhà CM. Một kết luận có thể rút ra từ điều này là: Khả năng phân tích và chẩn đoán tình hình chỉ có thể quan trọng ngang hàng với khả năng thích ứng với các biến chuyển và nhận ra cơ hội khai dụng trong cả những giai đoạn khó khăn nhất.

Nhân nói đến khả năng thích ứng với tình hình, nhiều người phải ngạc nhiên trước khả năng tự chế của Hitler. Tuy tự bản chất luôn sống chan hòa trong bạo lực, từ tâm thức đến hành động, Hitler vẫn biết lúc nào cần phải nhẫn nại, “đấu dịu” với nhà nước để rảnh tay xây dựng lực lượng và chờ cho những trở lực tạm thời của tình hình qua đi. Hitler cũng rất tinh tế trong việc nhận ra những phương tiện quanh ông, ngay cả các phương tiện đến từ kẻ thù.

Cũng như Lénin, Hitler không toàn năng như một số thêu dệt thường thấy của người thời nay. Sở trường của Hitler là khả năng hùng biện đôi lúc cũng dùng quá đà và gây những tai hại đáng kể. Tuy là một tay cáo già trong chính trường, ông vẫn rơi vào bẫy của đối thủ, bị gạt vào giờ chót, phải chấp nhận một lực lượng kiêu binh trong tổ chức (S.A.) và có nhiều quyết định đưa Đảng vào ngõ cụt trong một số giai đoạn. Nói rộng hơn, Đảng Quốc Xã Đức trước ngày thành công đã trải qua nhiều thất bại nặng nề kể cả việc lãnh đạo phải ngồi tù và vô số các vụ loạn lạc và thanh trừng ngay trong nội bộ.

Nhìn kết quả vùng lên của đất nước Đức dưới thời Hitler, chúng ta phải công nhận một chế độ độc đoán, tuy mang nhiều độc tố, vẫn có sức mạnh kinh khủng của riêng nó, đặc biệt trong gian đoạn hiểm nghèo của đất. Ngược lại, một chế độ dân chủ, giữa những ưu điểm quan trọng, vẫn có những điểm yếu trầm trọng của nó, đặc biệt là trong lúc đất nước nhiễu nhương. Lằn ranh ở đâu sẽ có lợi nhất cho mục tiêu đấu tranh và xây dựng đất nước của chúng ta? Đây không phải là câu hỏi thuần lý thuyết, nhưng sẽ nổi lên mỗi khi chúng ta áp dụng vào những hoạt động đấu tranh thực tế – đâu là lằn ranh tối hảo giữa đặc tính CM và tinh thần dân chủ trong cơ chế của tổ chức chính trị? – và áp dụng vào việc vận hành đất nước mai sau – mức độ dân chủ nào sẽ thích hợp nhất cho đất nước chúng ta ?

Tuy nhiên, tại điểm này, hy vọng chúng ta đã có thể đồng ý những nguyên tắc căn bản:

(1) Tuy dân chủ là phương tiện vô cùng quan trọng để khai dụng tổng lực của mọi thành viên tổ chức và mọi thành phần dân tộc và cũng là phương tiện để bảo vệ những thành quả mà tổ chức và dân tộc đã đạt được, nhưng tự bản chất dân chủ chưa phải là mục tiêu tối hậu.
(2) Mọi loại dân chủ đều mang nhiều mức độ và có giới hạn.
(3) Mức độ dân chủ không thể là một lằn ranh cố định mà sẽ thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh; lý tưởng là nó được chủ động thay đổi để phục vụ mục tiêu chính của đất nước.
(4) Nhu cầu đất nước và trình độ dân tộc phải được đặt nặng hơn áp suất thế giới và các tác dụng biểu kiến khi quyết định mức độ dân chủ thích hợp cho quốc gia.

CM Đức đẩy chúng ta đối diện với 2 vấn đề lớn: Khuynh Hướng Quốc Gia và Chế Độ Toàn Trị. Chúng ta đều đồng ý nguồn sức để đấu tranh và canh tân lại quê hương là lòng yêu nước, ý thức quốc gia-dân tộc của toàn dân. Sự tự hào về dân tộc và lòng ái quốc là ngọn lửa mà chúng ta bắt buộc phải khơi dậy. Nhưng khơi như thế nào cho hữu hiệu và đến đâu thì nó trở thành loại tinh thần quốc gia cực đoan? Có cần thiết phải hô hào dân tộc ta siêu việt hơn các giống dân khác không?….Tinh thần tự thi đua với chính mình để phát triển tối đa so với tiềm năng của dân tộc và sống xứng đáng với sự hy sinh của tiền nhân liệu có đủ để khơi động lòng yêu nước của dân chúng tới mức thể hiện ra hành động không? Tại sao dân Đức vốn thông minh và kỷ luật lại có thể điên dại theo Hitler như vậy ?

Một chế độ toàn trị thành hình không chỉ từ tham vọng của thành phần lên nắm quyền mà đôi khi, trong một bối cảnh giai đoạn nhất định của đất nước, còn đến từ ước muốn của dân chúng. Sau một thời gian chiến tranh nhiễu nhương, kinh tế khủng hoảng nặng nề, mọi giá trị xã hội đảo lộn trong sóng gió, tâm lý chung của quần chúng mong chờ một nơi “trú ẩn tâm lý” và một lãnh tụ “cứng cỏi” (mà bình thường họ đã chỉ trích là “độc đoán”), dù chỉ là tạm thời. Do đó điều cần quan tâm là chủ nghĩa toàn trị, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng, có lực thu hút cả 2 phía – những kẻ cai trị và những người bị trị. Đây có phải là tâm lý của một phần khá lớn dân tộc hiện nay không? Nếu đúng, chúng ta cần làm gì để giải tỏa?

Vũ Thạch