Từ Những Cơn Lốc Cách Mạng…

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Lời Mở Đầu: Ít ai có thể phủ nhận những biến cố chính trị trên đất nước Việt Nam suốt gần 200 năm qua mang nặng màu sắc và là một phần hệ quả của những cuộc cách mạng lớn trong lịch sử cận đại của nhân loại. Dù ở khá xa trung tâm những cơn lốc này, hậu quả của những trận bão rớt vẫn không kém phần đẫm máu và tang thương trên quê hương chúng ta mãi tận ngày nay.

Mời quý vị cùng lật lại một vài trang sử, trong kỳ vọng tìm được những qui luật và bài học cho công cuộc đấu tranh của chúng ta hôm nay.

Phần 1 : Cuộc Cách Mạng Pháp 1789

Ngày nay, tên gọi “Cuộc Cách Mạng Pháp 1789” dễ làm người nghe hiểu lầm rằng biến động này chỉ kéo dài vài tháng trong năm 1789. Thật ra, những tư tưởng về Tự Do, Bình Đẳng, và Nhân Quyền đã chuẩn bị cho xã hội Pháp (ít ra là những thành phần ưu tú của xã hội) hàng trăm năm trước, và chính cuộc Cách Mạng cũng kéo dài suốt 10 năm mới được các sử gia coi là tạm xong.

Tuy với lượng thời gian đằng đẵng như vậy, đây là cuộc Cách Mạng (CM) ít có định hướng nhất trong lịch sử cận đại và vì thế trôi quanh quẩn theo những vòng tròn trên nhiều phương diện; mà vòng tròn lớn nhất là sự khởi đi từ một chế độ quân chủ (Louis XVI) và kết thúc bằng nền cai trị của một hoàng đế (Napoléon Bonaparte).

A. Xã hội Pháp Những Ngày Trước Cách Mạng:

Như mọi cuộc cách mạng khác, những nguyên nhân dẫn đến cuộc CM Pháp rất phức tạp, có nguyên nhân là sự tích lũy mâu thuẫn lâu đời và cũng có nguyên nhân chỉ do ngẫu nhiên hoặc là tai họa do thiên nhiên đưa tới.

Những thành phần lãnh đạo xã hội:

Với sự khám phá ra các vùng đất mới ở Châu Mỹ, Á, Phi suốt 3 thế kỷ 16, 17, và 18, các ngành kinh doanh biến một số đô thị Tây Âu, đặc biệt là Paris, thành những trung tâm phồn thịnh và sản sinh tầng lớp dân giàu thành thị. Vào những năm trước cuộc CM Pháp, đây là thành phần có học thức và nắm giữ nhiều tiền bạc nhất. Họ cũng là chủ nợ của chính Vua Louis XVI và hầu hết giới quí tộc.

JPEG - 45.2 kb

Trong những thế kỷ trước, khi các cuộc chinh chiến giữa các chư hầu xảy ra triền miên, thành phần quí tộc có vai trò hữu ích trong việc bảo vệ lương dân trong địa hạt của mình. Nhưng khi giai đoạn lịch sử này qua đi, giới quí tộc chỉ còn là những gánh nặng và gánh nợ cho xã hội. Theo truyền thống, quí tộc không được hạ mình làm một việc gì, dù là chân tay hay trí óc, để mưu sinh và phải duy trì một nếp sống xa hoa xứng đáng với danh hiệu. Từ đó sản sinh một tầng lớp sống bám vào nhà vua, không có tài năng gì đặc biệt, mang nợ ngập đầu, và nắm giữ mọi vị trí quyền lực trong chính quyền. Hiển nhiên, giới quí tộc lại khá giỏi trong việc tận dụng các vị trí quyền hành làm khó để khai thác tiền bạc từ giới giàu đô thị và cũng là chủ nợ của họ. Mâu thuẫn giữa 2 thành phần này ngày một trở nên trầm trọng trong lúc vẫn cần nhau để sống còn.

Song song với 2 thành phần trên, xã hội còn được dẫn dắt bởi các tu sĩ Thiên Chúa Giáo. Trong giới tu sĩ cũng chia làm 2 giai cấp. Giai cấp Hồng Y và Giám Mục có đất đai để thu huê lợi nên khá giàu có; ngược lại, hầu hết các linh mục cấp dưới đều nghèo khổ như những nông dân mà họ phục vụ. Hiển nhiên, hai giai cấp này ủng hộ hai phía khác nhau trong xã hội và góp phần đẩy hai phía này ra xa hơn.

Các mâu thuẫn và mầm mống khác:

Vào cuối thế kỷ 18, dân số nước Pháp có khoảng 24 triệu, trong đó có 18 triệu nông dân và thợ thủ công. Họ là những người ở tầng thấp nhất trong xã hội và chịu đựng sự khai thác của mọi tầng lớp bên trên, kể cả các chủ thuê mướn thuộc giới giàu đô thị. Mỗi gia đình nông dân đội trên đầu hàng trăm thứ thuế, từ thuế xay lúa, thuế nướng bánh, thuế hái nho, thuế qua cầu, thuế đi đò, thuế đi chợ, v.v…

Chế độ thuế khóa khác biệt do nhà vua áp đặt lên các vùng mới sát nhập vào Pháp cũng làm nẩy sinh sự kỳ thị, kình chống giữa các vùng với nhau, và nuôi lòng uất hận đối với nhà vua. Đặc biệt đáng chú ý là vùng Bretagne, nơi xuất xứ của Hội Quán những người Bretons (Hội này được đổi tên nhiều lần và cuối cùng là Hội Quán những người Jacobins), có thể xem như “đất cách mạng” tương đương với một số vùng thuộc miền Trung nước ta.

Nhưng có lẽ các tác nhân mào đầu cuộc cách mạng là các hội đồng thành phố, đặc biệt là hội đồng thành phố Paris. Các hội đồng này đã từng bị Vua Louis XV dẹp bỏ nhưng chính Vua Louis XVI lại cho thành lập trở lại.

Vào những năm trước 1789, nước Pháp đang trải qua một giai đoạn tăng vọt dân số. Vì chính sách miễn quân dịch cho những người có gia đình, thanh niên thôn quê lấy vợ rất sớm và sinh sản đầy rẫy. Đến năm 1789, thành phần giới trẻ trong dân số đã lên khá cao và đây chính là thùng thuốc súng để bùng nổ cách mạng. Như giới trẻ ở mọi nơi khác, giới trẻ Pháp không nhẫn nhục chịu đựng bất công như các thế hệ trước. Họ cũng thấy tương lai đen tối dài đằng đẵng trước mặt và không sợ hãi bộc lộ sự tức giận của mình.

Bên cạnh các nguyên nhân kể trên là các lý do nhỏ hơn, như ảnh hưởng từ cuộc đấu tranh đòi độc lập của Hoa Kỳ, nạn mất mùa và mùa đông giá lạnh bất thường năm 1788, một vài tai nạn trong các lễ lạc tại Paris, v.v…

B. Diễn Tiến Cuộc Cách Mạng:

Vạn sự rắc rối cũng từ Quốc Dân Đại Hội

Để giải quyết tình trạng thâm thủng ngân sách liên tục mỗi năm hàng trăm triệu quan, Vua Louis XVI muốn gia tăng một số thuế má nhưng ông lại ngại sự chống đối của giới quí tộc, tu sĩ, tư bản đô thị, và hội đồng thành phố Paris. Cuối cùng nhà vua che đậy ý định này trong quyết định triệu tập một Quốc Dân Đại Hội (QDĐH) để bàn thảo một số thay đổi cho đất nước.

Tin này vừa được tung ra, dân chúng bàn tán xôn xao khắp nơi, vừa tranh luận về các nguyên tắc chọn lựa đại biểu, vừa dự phóng những thay đổi lớn lao mà Đại Hội sẽ khởi công. Tại thời điểm này dân chúng nói chung còn thương mến nhà vua.

Cuối cùng các đại biểu được bầu theo 3 thành phần xã hội. Giới quý tộc có 270 đại biểu, trong đó có khoảng 90 người có khuynh hướng cải tổ chế độ cho dân chúng đỡ khổ. Giới tu sĩ có 266 đại biểu, bao gồm 48 hồng-y và giám-mục. Số còn lại là các linh mục nghèo. Giới thứ dân có 700 đại biểu. Do trình độ nông dân thợ thuyền còn thấp kém, hầu hết các đại biểu thứ dân thuộc giới giàu đô thị hoặc trung lưu có trình độ giáo dục cao.

JPEG - 64.9 kb
Ngày 4/5/1789, hơn 1200 đại biểu qui tụ tại điện Versailles

Ngày 4/5/1789, hơn 1.200 đại biểu qui tụ tại điện Versailles, cách Paris vài cây số, để ra mắt nhà vua. Ngay tại buổi họp đầu tiên , các đại biểu đã chán chường thất vọng. Họ phải đứng suốt 8 giờ liền để nghe các bản phúc trình dày đặc những con số và dần dần nhận ra chủ đích của Đại Hội chỉ là để tăng thuế. Qua ngày hôm sau, các đại biểu quý tộc và tu sĩ bắt đầu kéo nhau đi họp riêng. 700 đại biểu thứ dân ngơ ngác nhưng vẫn nhất định “họp”. Chẳng ai biết họ nói chuyện gì, nhưng các đại biểu thứ dân cứ đến họp hàng ngày suốt hơn một tháng. Thỉnh thoảng lại có vài đại biểu linh mục nghèo bỏ qua họp với thứ dân. Ngày 16/6/1789, đại biểu Sieyès đề nghị Đại Hội chính thức tự nhận là Quốc Hội và 700 người có mặt đủ thẩm quyền để đại diện Quốc Hội.

Ngày 20/6/1789, Vua cho đóng cửa phòng hội trong điện Versailles. Các đại biểu thứ dân lục tục kéo qua một nhà đánh banh “họp” tiếp. Ngày 22/6/1789, Vua sai đóng cửa nhà đánh banh. Các đại biểu lại kéo vào nhà thờ Saint Louis họp. Lần này có 148 đại biểu tu sĩ xé rào qua họp với thứ dân.

Ngày 23/6/1789, nhà vua đành gọi cả 3 loại đại biểu vào điện Versailles với đủ loại binh mã thị uy và hạ lệnh cho Đại Hội phải giải tán lập tức. Một số đại biểu quý tộc tuân lệnh nhưng số còn lại lập tức hội ý và tuyên bố tính “bất khả xâm phạm” của các đại biểu.

JPEG - 55 kb
Camille Desmoulins

Tình hình căng thẳng bao trùm khắp Paris. Vua gọi thêm 20.000 quân về Versailles. Các đại biểu phập phồng lo sợ. Công viên nào cũng có người diễn thuyết thuộc đủ mọi khuynh hướng. Cả 48 khu phố phường đều thành lập các đoàn tự vệ. Trong một cuộc diễn thuyết, Camille Desmoulins buột miệng kêu gọi “Dân chúng hãy tự võ trang”, thế là dân chúng ùn ùn kéo đi đập phá các tiệm bán khi giới, phá các kho đạn, và táo bạo hơn cả là phá ngục Bastille, ngày 14/7/1789.

JPEG - 70 kb
Phá ngục Bastille, ngày 14/7/1789.

Theo các sử gia ngày nay, vụ phá ngục Bastille chẳng có mục đích gì cao cả như người ta truyền tụng và cũng chẳng nhắm giải phóng các tù nhân chính trị. Chủ đích duy nhất là để lấy số vũ khi trong kho của nhà tù, và vì hiểu lầm ý của viên thống đốc nhà tù mà đoàn vệ quân thành Paris bắn đại bác vào cửa tù rồi dân chúng xông vào giết sạch số lính canh. Và cũng từ đó, các toán võ trang kết hợp thành một lực lượng có tên là Ba Lê Công Xã dưới sự chỉ huy của La Fayette (Người đã tình nguyện giúp quân Mỹ giành độc lập từ Anh Quốc).

Vua phải chào thua

Vụ phá ngục Bastille táo bạo làm rung chuyển Paris. Nhiều người trong hoàng tộc và quý tộc trốn ra nước ngoài. Vua Louis XVI đành xuống nước. Ngày 17/7/1789, nhà vua đến tòa đô sảnh chấp nhận lá cờ CM 3 màu – xanh và đỏ là màu của Paris và trắng đại diện cho nhà vua.

Các tỉnh bắt đầu theo gót Paris. Dân chúng nổi lên lập các đoàn tự vệ, chiếm đóng công sở ở thành thị, đòi chia lại ruộng và cướp các kho lúa ở nông thôn. Cướp bóc nổi lên khắp nơi.

JPEG - 32.1 kb
Georges Jacques Danton

Thành phần quý tộc tiếp tục lũ lượt xuất ngoại. Số còn lại có khuynh hướng cấp tiến và muốn thực thi công bằng xã hội. Đêm ngày 4/8/1789, các đại biểu quý tộc tuyên bố từ khước các đặc quyền của mình. Quốc Hội bắt đầu đưa ra ý kiến thiết lập hiến pháp với quyền tối thượng thuộc về toàn dân và một chính phủ tam quyền phân lập. Hiển nhiên, nhà vua và một số đại biểu theo khuynh hướng bảo hoàng không thích ý định này. Vua tiếp tục dùng dằng mua thời gian trong lúc khuyến dụ quân đội trung thành với mình và chờ cơ hội làm chủ lại tình hình. Cùng lúc đó các lãnh tụ như Danton và chủ bút Marat của báo “Bạn Dân” liên tục khích động dân chúng phải mạnh tay hơn nữa không để các thành quả bị lật ngược.

Đêm 6/10/1789, đáp lời kêu gọi của Danton, gần 10.000 dân chúng kéo từ Paris đến điện Versailles cùng với Ba Lê Công Xã đòi buộc nhà vua phải ký các biểu quyết của Quốc Hội và phải về sống tại Paris.

JPEG - 8.7 kb
Jean-Paul Marat

Sau vụ nổi loạn này, chính Quốc Hội cũng sợ mất khả năng kiểm soát tình hình. Thành phần đại biểu ôn hòa vốn đang chiếm đa số quyết định truy tố một số người chủ mưu, kể cả chủ bút Marat. Trong mấy tháng sau đó, Quốc Hội cũng hoàn tất một bản hiến pháp tương đối ôn hòa với tam quyền phân lập. Nhà vua đứng đầu ngành hành pháp và quốc hội gồm 745 đại biểu đứng đầu ngành lập pháp. Tuy nhiên, vì sợ sự quá khích của dân chúng, quyền bỏ phiếu được thu lại cho những thành phần có tài sản ở mức tối thiểu qui định mà thôi.

Để giải quyết vấn nạn ngân khố trống rỗng, Quốc Hội không còn cách nào hơn ngoài dự tính nhúng tay vào các tài sản của giáo hội Công Giáo. Tổng Giám Mục De Talleyrand là người đầu tiên lên tiếng “hiến tài sản cho Nhà Nước”, thế là cuộc trưng thu bắt đầu. Giới tu sĩ cao cấp sống theo lợi tức thu từ đất đai bắt đầu phải ngả theo Quốc Hội và vì vậy, dù không cố ý, một giáo hội Công Giáo mới tách rời khỏi Roma bắt đầu thành hình. Sự kiện này gây căm phẫn tại một số vùng sùng đạo và gặp sự phản đối của chính Vua Louis XVI. Tình hình càng thêm rối mù.

Ngày 14/7/1790, kỷ niệm một năm ngày phá ngục Bastille, nhà vua tuyên thệ trung thành với Hiến Pháp trước 400.000 người tụ tập tại quảng trường Mars, nhưng cùng lúc tiếp tục cầu cứu ngoại bang, mua chuộc các đại biểu thân thiện, và muốn trốn ra một vùng ủng hộ nhà vua để tạo thế đối trọng với Quốc Hội.

Mãi đến ngày 20/6/1791, nhà vua mới thực hiện ý định trốn ra khỏi Paris. Nhưng với số rương hòm của Hoàng Hậu, đoàn hầu cận đông đúc, và nhất là cỗ xe khổng lồ chở hoàng gia, lính canh tại Varennes nghi ngờ chặn đoàn xe lại và có người nhận dạng được Vua Louis. Thế là đoàn xe bị hộ tống trở lại Paris trong tiếng nguyền rủa của dân chúng suốt dọc đường.

Kể từ ngày đó, nhà vua bị loại hẳn ra khỏi vị trí quyền lực. Thực quyền nằm trọn trong tay Quốc Hội.

Quốc Hội cũng dội

JPEG - 3.8 kb
Maximilian Robespierre

Sau biến cố 20/6/1791, khối ôn hòa trong Quốc Hội lại cố kéo Paris ra khỏi không khí cực đoan bằng cách truy tố các kẻ xúi dục dân chúng trong vụ này. Các thành viên Hội Quán Jacobins chuyên khích động quần chúng như Danton, Robespierre, v.v. và đặc biệt là chủ bút Marat bị truy lùng gắt gao.

JPEG - 19.5 kb
Pierre Victurnien Vergniaud

Đến tháng 9/1791, Quốc Hội Lập Hiến mãn nhiệm kỳ. Một cuộc bầu cử được xúc tiến mau lẹ và trình diện trước quốc dân Quốc Hội Lập Pháp đầu tiên với khoảng 700 đại biểu vào tháng 10/1791. Có thể chia số đại biểu thành 3 khối: cánh Hữu, cánh Trung Dung, và cánh Tả. Cánh Hữu gồm 264 đại biểu có khuynh hướng tôn trọng Hiến Pháp và nhà vua, dù chỉ còn hư danh. Cánh Trung Dung gồm khoảng 300 đại biểu, không có lập trường nhất định, khi ngả hữu lúc nghiêng tả, nhưng tựu trung không muốn xảy ra thêm xáo trộn hay đổ máu. Cánh Tả, gồm 136 đại biểu, là thành phần chưa hài lòng với các thay đổi và liên tục bành trướng thế lực trong Quốc Hội. Cánh Tả vào lúc này có 2 nhóm chính. Nhóm Gironde do những đại biểu như Vergniaud và Brissot lãnh đạo; và nhóm Montagne cực đoan hơn nhiều, bao gồm hầu hết các thành viên Hội Quán Jacobins, do Danton và Robespierre lãnh đạo.

JPEG - 11.3 kb
Jacques Pierre Brissot

Cánh Tả bắt đầu tước dần các đặc quyền dành cho nhà vua, đưa người của họ vào chức thị trưởng Paris và thay thế La Fayette trong vai trò chỉ huy Ba Lê Công Xã. Cùng lúc đó, nước Áo và Phổ bắt đầu động binh đánh qua biên giới Pháp và những vùng trung thành với Giáo Hội Công Giáo Roma và nhà vua cũng công khai nổi loạn. Tại Quốc Hội, chỉ còn 2 nhóm thuộc cánh Tả còn sức tranh cãi. Nhóm Gironde chủ chiến chống ngoại xâm trong lúc nhóm Montagne chủ hòa để củng cố chính quyền CM trước đã. Cuối cùng nhóm Gironde, với tài hùng biện của Vergniaud và Brissot, thuyết phục được Quốc Hội khai chiến.

Tuy nhiên, quân đội chính quy Pháp lúc này chỉ còn 82.000 người dù trên giấy tờ là 300.000. Số lính này thiếu súng ống, quần áo, và ngay cả giày dép. Chỉ huy quân đội chỉ còn lại đúng 3 ông tướng: Luckner, Rochambeau, và La Fayette, trong đó Luckner lại là người Đức (giống dân chính tại 2 nước Áo và Phổ). Thế là quân Pháp thua liên tục.

Nhóm Gironde không muốn lãnh trách nhiệm đã hô hào chủ chiến nên khuyến khích dân chúng trút tội lên đầu nhà vua và gieo nghi ngờ là ông đã thông tin cho quân địch. Ý định giết vua bắt đầu nhen nhúm trong công luận. Nhà vua kinh sợ cho gia tăng phòng thủ điện Tuileries.

Cùng lúc đó, Danton và Robespierre tập trung vào số tình nguyện quân từ các tỉnh kéo về Paris và lực lượng thuộc Ba Lê Công Xã. Hai ông thay thế người chỉ huy và đổi tên thành Công Xã Khởi Nghĩa, rồi xuất quân đêm 9/8/1792.

JPEG - 77 kb
Cuộc tấn công vào điện Tuileries, ngày 10-8-1792.

Đoàn quân bao vây điện Tuileries và giao tranh với toán lính ngự lâm sau khi đã lừa người chỉ huy của họ qua tòa Thị Chính và giết chết. Súng nổ suốt đêm và máu đổ lênh láng khắp khuôn viên Tuileries. Sáng ngày 10/8/1792, nhà vua ra lệnh cho ngự lâm quân đầu hàng. Kể từ ngày ấy, một giai đoạn mới bắt đầu. Thực quyền chuyển dần từ Quốc Hội sang tay Công Xã Khởi Nghĩa dưới sự khuynh loát của nhóm Montagne. Nhà vua và toàn gia quyến bị giam tại ngục Le Temple.

Chỉ có người cầm súng nói đúng (?)

Với lực lượng súng ống nắm được trong tay, nhóm Mongtagne bắt đầu ý định thanh toán mọi thế lực dám cản đường hay ngay cả dám chia quyền với họ. Tuy nhiên, những người lãnh đạo nhóm Montagne chưa dám diệt ngay các đối thủ còn đang nắm quyền vì quân ngoại quốc đã tiến đến sát Paris, chỉ còn khoảng 50 dặm đường. Thay vào đó, họ gia tăng ảnh hưởng của mình bằng cách khích động dân chúng đổ tội lên đầu số người bị tình nghi làm gián điệp cho ngoại quốc, một tội danh rất mù mờ và tạo nhiều oan ức. Chủ bút Marat kêu gào sùi bọt mép trên các trang báo: “Trước khi đánh kẻ địch bên ngoài, phải giết kẻ địch bên trong. Phải lấy máu của chúng để tế thần Tự Do trước khi xuất trận”. Thế là, với tất cả sự sợ hãi và căm hờn, ngày 2/9/1792, từng toán dân chúng Paris kéo tới các nhà ngục đâm chém tại chỗ các tù nhân bị tố cáo tội gián điệp. Cảnh giết chóc man dại kéo dài 4 ngày liền với hơn 1.100 tù nhân mất mạng.

Kế đến, nhóm Montagne bắt đầu tố cáo nhóm Gironde ăn tiền của địch quân và âm mưu khôi phục chế độ quân chủ. Ngược lại, nhóm Gironde tố cáo bàn tay đẫm máu của nhóm Montagne trong biến cố 2 tháng 9. Trước tình trạng chia rẽ cực độ này, Quốc Hội Lập Pháp tuyên bố tự giải tán ngày 20/9/1792.

JPEG - 62 kb
Kellermann

JPEG - 42 kb
Dumouriez

May mắn cho nước Pháp, và có lẽ may mắn nhất cho nhóm Gironde, giữa lúc chính quyền trung ương rối loạn thì quân Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Dumouriez và Kellermann, đánh thắng quân Phổ trận đầu tiên tại vùng Valmy. Tuy đây chỉ là một trận nhỏ và dựa vào may mắn là chính, nhưng vẫn đủ để vực dậy tinh thần quân dân Pháp và khiến vua nước Phổ quyết định rút quân vì hy vọng phục hồi đế chế Pháp quá thấp.

Khi Quốc Hội Lập Pháp tự giải tán ngày 20/9/1792, bản Hiến Pháp 1791 coi như cũng tan theo mây khói. Một quốc hội khác được gấp rút bầu lại theo thể thức phổ thông đầu phiếu vào tháng 9/1792, gồm 740 đại biểu, và được đặt tên là Quốc Ước Hội Nghị. Tuy với một tên khác, cơ chế này chỉ càng làm nổi rõ vai trò bao trùm của 2 cánh chính. Cánh Montagne với Danton, Robespierre, Saint Just, Couthon, Desmoulins, … do đa số dân chúng Paris và Công Xã Khởi Nghĩa bầu lên; trong khi cánh Gironde với Vergniaud, Rolland, Pétion, … do cử tri các tỉnh ngoài Paris bầu lên là chính. Cường điểm của cánh Gironde là tài hùng biện tại Quốc Hội, trong khi cánh Montagne có cả tài hùng biện lẫn khả năng điều động các tay súng và gậy gộc thuộc Công Xã Khởi Nghĩa.

Kể từ sau trận Valmy, áp suất ngoại xâm tiếp tục suy giảm; và với đối thủ chung là nhà vua đã bị hạ bệ, hai nhóm Gironde và Montagne bắt đầu truy diệt nhau.

Tả mấy cho vừa

JPEG - 64.2 kb
Louis XVI

Trong năm 1792, năm đầu tiên của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, cánh Gironde còn chiếm đa số trong Quốc Ước Hội Nghị nhờ kể công trạng chủ chiến đã dẫn đến các chiến thắng ngoài biên thùy. Cánh này muốn nhân nhượng cho nhà vua vốn đã mất hết quyền lực, để tránh gây thêm chiến tranh từ các đế chế khác tại Âu Châu cũng như không để khởi động một giai đoạn bạo lực mới chỉ có lợi cho cánh Montagne. Ngược lại các thủ lãnh Mongtagne muốn xử tử nhà vua để chặt đứt mọi âm mưu khôi phục đế chế. Tình trạng dằng co tiếp tục kéo dài đến ngày 20/11/1792, khi một thợ khóa chỉ cho Quốc Hội tủ giấy tờ bí mật liên quan đến nhiều âm mưu của nhà vua, ông liền bị đem ra xét xử ngày 11/12/1792.

Đêm Noel năm đó, nhà vua bắt đầu viết chúc thư trong lúc Quốc Hội tranh luận gần 3 tuần lễ về tính mạng của ông. Phái Gironde muốn tha tội chết cho Vua nhưng các lãnh tụ Montagne đòi chặt Thiên Tử làm 83 miếng để gởi cho 83 tỉnh. Ngày 21/1/1793, Louis XVI bước lên máy chém, khởi đầu cho giai đoạn “CM ăn thịt chính những đứa con của mình”.

JPEG - 45.8 kb
Ngày 21/1/1793, Louis XVI bước lên máy chém.

Như đã tiên đoán, cái chết của Louis XVI làm rúng động các đế chế Âu Châu. Mặt trận tại biên giới miền Đông và miền Tây nước Pháp lại sôi động, lần này có thêm sự tham gia của Anh Quốc và Tây Ban Nha. Đoàn quân tình nguyện Pháp, theo luật mới của Quốc Ước Hội Nghị cho phép xin giải ngũ, đã rút từ 400.000 xuống còn 228.000 và tiếp tục lếch thếch vì ngân khố quốc gia vẫn trống rỗng. Nhưng cú sét đánh nặng nề nhất cho quân đội, và có lẽ xui xẻo nhất cho nhóm Gironde, là sự phản bội của tướng Dumouriez, kẻ từng chỉ huy trận Valmy. Quân ngoại quốc chiếm lại đất Bỉ và tràn qua biên giới Pháp. Để đáp ứng với tình hình, Quốc Ước Hội Nghị lập ra Ủy Ban Cứu Quốc và một loạt những biện pháp kiểm soát gắt gao.

Tại thủ đô, trăm tội đổ lên đầu nhóm Gironde, từ thất trận đến các vụ nổi loạn tại các tỉnh, đến tình hình suy sụp kinh tế. Giữa lòng Paris, bắt đầu xuất hiện nhóm Enragés do Jacques Roux lãnh đạo còn “tả” hơn cả nhóm Montagne. Lập tức các lãnh tụ Mongtagne xử dụng nhóm Enragés làm gậy đập Gironde như đã dùng Công Xã Khởi Nghĩa đập nhà vua trước đây. Người ta bắt đầu thấy các lập luận “Tất cả hiểm họa quốc nội là do bọn tư sản mà ra” và đại diện cho giới tư sản chính là phái Gironde.

Cánh Gironde cũng không vừa. Tại các tỉnh ngoài Paris họ khích động dân chúng ruồng bắt các đại diện Mongtagne và gởi các toán vệ binh về Paris. Tại thủ đô, họ xâm nhập vào các buổi hội họp của phái Montagne ở khắp 48 khu phố và ép Quốc Hội ra lệnh bắt giam chủ bút Marat.

JPEG - 13.4 kb
Hanriot

Cánh Montagne, với lực lượng 48 khu phố trong tay, tràn vào tòa án buộc chánh án phải tha bổng Marat và buộc Quốc Hội phải trục xuất 22 đại biểu Gironde. Ngày 2/6/1793, 80.000 người võ trang và Công Xã Khởi Nghĩa dưới sự chỉ huy của Hanriot kéo tới buộc Quốc Hội ra lệnh bắt 22 lãnh tụ Gironde. Số đại biểu Gironde còn lại bỏ chạy tứ tán. Đây là lần đầu tiên dân chúng Paris phạm đến chính Quốc Hội do họ bầu lên và để lại một nhóm duy nhất nắm giữ toàn bộ quyền lực, Montagne.

Trước những biến chuyển tại Paris, 60 trong số 83 tỉnh của nước Pháp nổi loạn đi ruồng bắt các người thuộc nhóm Montagne để giết. Lyon và Marseille là 2 tỉnh quyết liệt hơn cả.

JPEG - 6.3 kb
Saint-Just

JPEG - 25.1 kb
Couthon

Tin thất trận liên miên tại biên giới lại tạo áp suất lên Quốc Hội phải kiếm nơi đổ lỗi. Ủy Ban Cứu Quốc, trong đó có Danton, bị giải tán để bầu lại. Một ủy ban mới bao gồm nhiều lãnh tụ Mongtagne cực đoan khét tiếng như Robespierre, Saint Just, Couthon đứng ra thâu tóm cả 3 quyền hành pháp, tư pháp, và lập pháp. Cơ chế này trở thành bộ phận tối cao của chính phủ, rất đắc lực trong việc chốngngoạixâm nhưng cũngkhởiđầumột giai đoạn khủng bố kinh hoàng làm kiểu mẫu chonhiềuchếđộ chuyên chính khác đến tận ngày nay.

Đặc biệt trong các chính sách của Ủy Ban CứuQuốc là việc thiết lập một hệ thống tâm linh mớivới các thần tượng Tự Do, Bình Đẳng, Công Lý,Tổ Quốc,…mà cao hơn hết là thần tượng Thiên Nhiên.Theo chiều hướng đó tên các tháng trong niên lịch được đặt lại theo các hiện tượng thiên nhiên như: mặt trời, sương mù, băng tuyết, … Tôn giáo chính hiện hữu là Thiên Chúa Giáo bị bài xích mạnh mẽ.

JPEG - 18.2 kb
Jacques Rene Hebert

Riêng phái Enragés, sau việc góp công loại trừ nhóm Gironde, càng ngày càng trở nên kiêu căng và cực đoan hơn. Lãnh tụ mới của họ là chủ bút Hébert nên cả nhóm được đặt tên mới là phái Hébert. Họ liên tục đòi thực hiệm “một cuộc cách mạng thứ 2”, chém cho sạch những thành phần “phản Cách Mạng”, từ những tên bảo hoàng đến những đứa tư sản.

JPEG - 30.9 kb
Hoàng Hậu Marie Antoinette

Kết quả là Tòa Án Cách Mạng được thiết lập ngày 5/9/1793. Người đầu tiên Tòa gởi lên máy chém là Hoàng Hậu Marie Antoinette. Theo sau bà là khoảng 40.000 người khác bao gồm đủ loại nhân vật cách mạng và những người chẳng dính dáng gì đến cách mạng hay chính trị – mấy chục thành viên Gironde, cựu quận công kiêm đại biểu d’Orléans, người đã bỏ tiền tổ chức Ba Lê Công Xã, bà Du Barry, nhân tình của Vua Louis, bác học Lavoisier, công chúa Elisabeth, em của Vua Louis, ông Malhesherbes, luật sư biện hộ cho Vua Louis, 8 nữ tu giòng Carmel, v.v… Có trường hợp cả làng bị lên máy chém chỉ vì dám hạ cây nêu biểu tượng cho thần Tự Do.

Các tướng trẻ dưới sự lãnh đạo của Ủy Ban Cứu Quốc đã bỏ các chiến lược phòng thủ cổ điển mà chú trọng vào chiến thuật tấn công liên tục làm soi mòn quân số đối phương. Phương pháp này dẫn đến nhiều chiến thắng quan trọng không những trong việc chống ngoại xâm mà cả trong nỗ lực diệt nội loạn. Người chém chém người chém … và cứ thế tiếp tục.

Nhưng cũng như lần trước. Tình hình chiến trận tại biên thùy sáng sủa cũng là lúc các lãnh tụ chính trị rảnh tay thanh toán nhau thêm quyết liệt. Không khí khủng bố bao trùm cả nước Pháp. Giữa đấu trường lúc này còn lại 3 nhóm đều thuột tả phái nhưng ở những mức độ khác nhau: nhóm Herbert, nhóm Danton, và nhóm Robespierre.

Riêng lãnh tụ Danton, phần vì mỏi mệt, phần vì thấy các mục tiêu Cách Mạng đã đạt được mà máu vẫn đổ ngày một nhiều hơn, ông bắt đầu lên tiếng cùng với Desmoulins kêu gọi một số chính sách khoan hồng và xa lánh dần chính trường. Ông bỏ mặc chuyện quốc sự và thường xuyên lui về trang trại vắng ở ngoài thành Paris cuốc đất và săn bắn để giải tỏa tâm hồn.

Trong lúc đó Robespierre vẫn miệt mài thu tóm quyền lực. Ông đã có ý định diệt cả 2 nhóm đối thủ nhưng còn e ngại thanh thế của Danton nên tập trung vào nhóm Herbert trước. Để chiếm đoạt khối dân chúng nòng cốt của Herbert, Robespierre cho Ủy Ban Cứu Quốc ban hành luật tịch thu tài sản, ruộng đất của các “kẻ thù của nền cộng hòa” và phân phát cho dân nghèo. Kế hoạch này ứng nghiệm như thần. Lời kêu gọi dân chúng nổi loạn vào tháng 2/1794 của nhóm Herbert rơi vào khoảng không nhưng lại cung cấp lý cớ cho Robespierre gởi toàn bộ các thủ lãnh Herbert lên máy chém.

Cuối cùng đến cánh Danton, ngày 30/3/1794, Saint Just, một học trò của Robespierre bắt đầu buộc tội cánh Danton có âm mưu bảo hoàng. Và vì chiếm đa số trong Ủy Ban Cứu Quốc, Robespierre dễ dàng có sắc lệnh của Ủy Ban để bắt toàn bộ cánh Danton. Các buổi xử án sau đó cũng chỉ để làm cảnh dù bài tự biện hộ của Danton làm rúng động cử tọa. Kết quả sau cùng, Georges Jaques Danton, 34 tuổi, bước lên đoạn đầu đài cùng với các bạn hữu của ông.

Sau cái chết của Danton, Robespierre tiến lên địa vị tối cao trong chính phủ và nắm trọn vẹn sinh mạng Pháp quốc trong tay. Ông quyết định dùng ngày Quốc Khánh 3/6 hàng năm để suy tôn hệ thống tâm linh mới do ông sáng lập để thay thế Thiên Chúa Giáo. Nhưng với uy quyền như vậy, Robespierre vẫn chưa hài lòng. Ông cho Couthon trình trước Quốc Ước Hội Nghị một đạo luật mới cho phép Ủy Ban Cứu Quốc xử tội bất cứ ai, kể cả các đại biểu, và việc xét xử cũng không cần đến bằng chứng. Chỉ cần “ý kiến” của các thành viên Ủy Ban là đủ để buộc tội. Nói cách khác, với vai trò khuynh loát của ông trong Ủy Ban, Robespierre có thể bắt giết tất cả mọi người ông muốn.

Nhưng điều đó cũng có nghĩa mọi người sẽ tìm giết Robespierre trước khi ông ra tay. Ý định này lan tràn từ các thành viên Ủy Ban Cứu Quốc, đến Quốc Ước Hội Nghị, và cả dân thành Paris; có lẽ chỉ ngoại trừ vài người cật ruột với Robespierre. Chính từ sự đồng ý bất thành văn đó mà ngày 28/7/1794 cả Quốc Ước Hội Nghị bất ngờ cùng ào lên nhận chìm các phát biểu của Robespierre và tạo diễn đàn cho các lời buộc tội ngược lại. Quốc Hội nhanh chóng biểu quyết bắt trọn bộ nhóm Robespierre.

Công Xã Khởi Nghĩa, dưới quyền Hanriot tức tốc kéo tới nhà tù giải thoát nhóm Robespierre và đưa về tòa Thị Chính. Tại đây, có người khuyên Robespierre ra lệnh cho Công Xã Khởi Nghĩa đem súng ống đến uy hiếp Quốc Hội. Không hiểu vì quá kiêu căng hay hoang tưởng là dân chúng vẫn yêu thích mình, Robespierre từ chối cách uy hiếp này và chỉ chấp nhận hoặc thắng bằng tranh luận công khai hoặc thắng do dân chúng đứng lên đòi phải thả ông ra. Trong lúc cánh Robespierre còn đang lưỡng lự thì Quốc Hội ra lệnh thay thế người chỉ huy Công Xã, rồi cho tụ họp các phe cánh Danton còn sót lại xông vào tòa Thị Chính lôi nhóm Robespierre về điện Tuileries. Trưa ngày 29/7/1794, Robespierre và các thủ lãnh thân cận bước lên máy chém giữa tiếng reo hò mừng rỡ của dân chúng Paris.

Trở về điểm đầu của vòng tròn

Sau khi thoát nạn Robespierre, Quốc Ước Hội Nghị dùng lý cớ 2 cuộc nổi loạn của dân để diệt nốt các tàn dư Montagne, tước bớt quyền hành của Ủy Ban Cứu Quốc, và ban hành đạo luật Tự Do Tín Ngưỡng. Vào tháng 10/1795, Quốc Hội soạn thảo ra Hiến Pháp mới và thiết lập một Chấp Chính Ban để đứng đầu ngành hành pháp.

GIF - 20.8 kb
Napoleon Bonapartes

Với sự tài trợ của ngoại quốc và nhân lúc tình hình đang chuyển hướng sang phía hữu, cánh bảo hoàng bắt đầu trổi lên. Ngày 5/10/1795, họ kéo 20.000 người về Paris âm mưu đảo chánh. Không may cho họ, vị tướng chỉ huy 5.000 quân bảo vệ Quốc Hội là Napoléon Bonaparte. Âm mưu này thất bại thảm hại.

Chấp Chính Ban ra đời trong không khí ăn chơi phóng túng cực độ của giới giàu Paris và cảnh cùng khổ của giới nghèo. Với hầu hết các thành viên tham nhũng thối nát, Ủy Ban này rất yếu kém và càng phải dựa vào tài năng của vị tướng 28 tuổi, Bonaparte.

JPEG - 35.1 kb
Hiệp Ước Campo-Formio

Ông vừa dẹp xong nội loạn Babeuf thì phải kéo quân đi đánh Áo Quốc. Chiến thắng của ông xung vào cho công quỹ Pháp 50 triệu quan quí giá. Về đến Pháp tháng 9/1797, ông lại chỉ huy dẹp nhóm bảo hoàng đã lan vào mọi cơ chế chính phủ, rồi đại diện chính phủ ký kết hiệp ước Campo-Formio sát nhập nhiều phần đất mới vào nước Pháp.

Đầu năm 1798, Bonaparte khởi động một chuyến viễn chinh nhưng rồi bị kẹt tại Ai Cập vì không kình nổi với hải quân Anh. Thừa cơ hội, Anh Quốc và Âu Châu tập hợp 350.000 quân tiến chiếm nước Pháp vốn chỉ có 170.000 quân phòng vệ. Cả nước rúng động nháo nhác tìm lãnh tụ không ra. Giữa lúc ấy, Bonaparte lọt qua được vòng vây của hải quân Anh, sau 47 ngày lênh đênh trên biển. Ông tiến vào Paris như một vị cứu tinh của quốc gia và nhanh chóng được suy tôn lên ngôi hoàng đế.

Pháp quốc lại trở về chế độ đế chế.

JPEG - 83.6 kb

C. Một Số Nhận Xét:

- Như chính Karl Marx và Lênin từng thú nhận là đã nghiên cứu kỹ lưỡng các kinh nghiệm rút từ cuộc Cách Mạng Pháp, Đảng CSVN đã áp dụng nhiều bài học từ biến cố này. Đặc biệt là việc dùng chiêu bài Cứu Nguy Quốc Gia để nắm trọn quyền lực và áp đặt các chính sách kiểm soát ngặt nghèo lên toàn dân. Khi cơn hiểm nguy quốc gia đã qua, nghĩa là không còn lý do để áp đặt các chính sách này nữa, họ lại cố tình đẩy đất nước vào một mối hiểm nguy khác để tiếp tục có lý do duy trì độc tài và toàn trị. Đó chính là nguyên nhân Việt Nam bị ném tiếp vào “cuộc chiến Chống Mỹ” do Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chủ xướng mà nhiều cán bộ ĐCSVN ngày nay thú nhận. Tạo ra tình hình đất nước hay chế độ bị đe dọa liên tục là nhu cầu của chế độ CS để biện minh cho độc tài và chính sách toàn trị.

- Các nguyên nhân dẫn đến cuộc CM Pháp không mới lạ gì đối với người Việt chúng ta ngày nay, đặc biệt là sự bất công trong cách chính phủ đối xử khác biệt với từng vùng, sự tăng vọt thành phần trẻ trong dân số, sự can thiệp của chính phủ vào tôn giáo, v.v…. CSVN học được nhiều thủ thuật từ Ba Lê Công Xã nhưng cũng lập lại nhiều lỗi lầm của Louis XVI và giới cầm quyền sau ông. Biết được điều này, chúng ta cũng biết được đối tượng và lãnh vực đấu tranh nào cần đặt trọng tâm trong cuộc đấu tranh hiện nay.

Cũng cần nói thêm, một trong những nguyên nhân khá lý thú dẫn đến sự sụp đổ chế độ của Vua Louis XVI là sự tiếp tay của chính giai cấp quý tộc trong việc nuôi dưỡng và truyền bá các lý tưởng bình đẳng, tự do, công bằng, v.v… trong xã hội Pháp. Họ tôn sùng các tác phẩm, bảo trợ các đoàn kịch, và tìm xem các vở kịch phê phán chế độ. Tại Việt Nam ngày nay, người ta bắt đầu thấy sự xuất hiện của những cuốn phim được nhà nước cho phép trình chiếu như Vua Bãi Rác, Gái Bán Bar, v.v… liệt kê công khai mặt trái của chế độ và được dân chúng kéo nhau đi xem đông đảo.

- Nhìn lại các diễn tiến, chúng ta cũng thấy dân chúng nhập cuộc chỉ vì một vài lý do đơn giản và chỉ để đạt một thay đổi nhỏ nào đó. Nhưng có lẽ chính vì nhờ chủ đích nhỏ mà họ dám tham gia. Nếu được kêu gọi vì một lý tưởng cao vời hay để tạo những thay đổi lớn lao, chưa chắc họ đã dám xuống đường. Sau đó, mức độ bạo dạn và các đòi hỏi của dân chúng chỉ có thể gia tăng từng bước một.

- Một giai cấp có thể ích lợi cho quốc gia trong một giai đoạn, như thành phần quý tộc trong các thế kỷ trước cuộc Cách Mạng Pháp chẳng hạn, cũng có thể trở thành gánh nặng và gánh nợ ghì lại sự phát triển đất nước trong các giai đoạn sau đó. Vấn đề là không giai cấp nào chấp nhận điều đó, nhất là khi đang ngồi ở vị trí nắm quyền. Chính vì lẽ này mà nền Dân Chủ là một trong những yếu tố tối cần cho việc phát triển quốc gia, giúp đất nước đáp ứng được với các thay đổi của thế giới. Người dân sẽ chọn lựa kịp thời thành phần lãnh đạo thích hợp nhất cho từng giai đoạn của đất nước.

- Thành phần hưởng lợi nhiều nhất từ một chế độ độc tài và thường xuyên lớn tiếng bênh vực chế độ cũng là thành phần bỏ chạy nhanh nhất ra nước ngoài, khi có dấu hiệu chế độ bị lung lay. Điều này đã xảy ra trong giới quý tộc Pháp lúc Cách Mạng bùng nổ và nhiều phần sẽ lại xảy ra trong trường hợp Việt Nam. Lý do đơn giản là vì những khối gia sản khổng lồ đã được chuyển ra ngoại quốc từ trước và sự thúc đẩy phải sống để hưởng thụ khối gia sản ấy.

- Một cuộc cách mạng có thể phải kéo dài nhiều năm trước khi nền móng của nó đủ vững chãi để không thể bị đảo ngược. Vì vậy hiện tượng “anh hùng thấm mệt” kiểu Danton – tạm để qua bên khía cạnh đạo lý của cuộc cách mạng này – vô cùng nguy hiểm và có thể làm nhiều sinh mạng bị hy sinh vô ích. Một tổ chức đấu tranh có chủ đích vừa phải chuẩn bị cho mình tư tưởng để đi đường dài vừa phải lưu tâm tiết kiệm và bồi dưỡng sức lực trên suốt đường đi.

- Hiện tượng tâm lý bệnh hoạn của thầy trò Robespierre, Saint Just, Couthon, Marat, … chúng ta ngày nay dễ nhận ra nhờ biết được tiểu sử của họ. Tất cả đều có quãng đời thơ ấu thiếu tình thương và một quá trình trưởng thành không bình thường. Tuy nhiên, nếu nhìn từ một góc cạnh nào đó người đương thời vẫn có thể ca tụng họ là những người “lý tưởng tuyệt đối”. Thực ra lý do họ tham gia cách mạng là vì nhu cầu tâm lý của họ hơn là vì giới dân nghèo mà họ tưởng là đang tận hiến để phục vụ. Thời nay chúng ta cũng dễ rơi vào tình trạng phục vụ những nhu cầu tâm lý của mình, như “để tung hoành cho thỏa chí trai”, “để phát huy năng khiếu lãnh đạo, hùng biện, tham mưu … thiên phú của mình”, hay “để lưu lại danh gì với núi sông”, v.v… trong lúc vẫn tưởng là đang đấu tranh vì những người Việt đau khổ mà ta vẫn nhận là mục tiêu phục vụ.

- Và sau cùng là hấp lực của vòng xoáy ốc cực đoan. Trong mọi chế độ độc tài, khi phải giải thích với dân chúng về một thất bại, lối thoát dễ nhất cho chế độ là quy vào lý do chưa cực đoan đủ. Nói theo ngôn ngữ thời nay là “chưa triệt để cách mạng”, “chưa kiên quyết”, “chưa thẳng tay trừng trị”. Để rồi lôi cổ một số người ra đổ tội, kết tội, và xử tội kèm theo một số chính sách mới khắt khe hơn. Nếu sau một thời gian, thất bại vẫn tiếp tục, vòng cực đoan lại thu hẹp hơn nữa và kéo xuống sâu thêm một bậc. Sau nhiều năm tháng, vòng xoáy đổ tội và xử tội ăn dần vào chính hệ thống cán bộ chân tay của chế độ khi không còn người ngoài để đổ tội. Lịch sử nhân loại cận đại đã chứng kiến vòng xoáy cực đoan của cuộc Cách Mạng Pháp đạt đến cực điểm dưới chế độ Stalin và Pol Pot.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Lời kêu gọi tham dự biểu tình UPR 2024 diễn ra vào ngày 7/5 trước trụ sở Liên Hiệp Quốc

Ngày 7 tháng 5 này, nhà nước CSVN sẽ bị kiểm điểm trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council – UNHRC) về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta chỉ rõ sự gian trá của CSVN trước diễn đàn quốc tế.

Chúng tôi kêu gọi đồng bào tham dự buổi biểu tình diễn ra ngày 7/5/2024, trước Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Genève, Thụy Sĩ, nhằm lên án những vi phạm nhân quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Đảng

Để chống lại sự lăng loàn, độc đoán của đảng, ở những nước đa đảng (như Mỹ, Pháp, Hàn, Nhật, Sing chẳng hạn), họ cấm tiệt việc sử dụng ngân sách phục vụ cho riêng đảng nào đó. Tất cả đều phải tự lo, kể cả chi phí cho mọi hoạt động lớn nhỏ, từ chiếc ghế ngồi họp tới cái trụ sở mà đảng sử dụng. Tham lậm vào tiền thuế của dân, nó sẽ tự kết liễu sự nghiệp bởi không có dân nào bầu cho thứ đảng bòn rút mồ hôi nước mắt mình làm lãnh đạo mình.

Ảnh chụp màn hình VOA

Nhóm trí thức Việt Nam đề nghị lãnh đạo chớ ‘nói suông,’ nên chân thành hoà giải

GS. TS. Nguyễn Đình Cống, người đã công khai từ bỏ đảng Cộng sản vào năm 2016 và là một thành viên ký tên trong bản kiến nghị, nói với VOA:

“Thực ra, đây là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Nhân dân Việt Nam hy sinh xương máu của cả hai bên để mang lại một chiến thắng cho đảng Cộng sản. Còn đối với dân tộc thì chẳng được gì cả. Nó chỉ mang lại được sự thống nhất về mặt lãnh thổ thôi. Còn sau chiến thắng ấy, không giải quyết được vấn đề đoàn kết dân tộc. Đảng thì được. Đảng được vì đạt được chính quyền toàn quốc. Còn dân tộc thì việc hoà giải dân tộc mãi cho đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được.”

Ngày 30 Tháng Tư, người Việt ở hải ngoại gọi là ngày mất nước, ngày quốc hận. Ảnh minh họa: David McNew/Getty Images

Không cần hòa giải, cần đấu tranh!

Bốn mươi chín năm đã đủ lâu để những người có suy nghĩ đều nhận ra sự thật không ai là “bên thắng cuộc,” cả dân tộc là nạn nhân trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Gần nửa triệu thanh niên miền Bắc, 280.000 thanh niên miền Nam bỏ mạng, 2 triệu thường dân vô tội chết trong binh lửa – đó là cái giá máu mà dân tộc này đã phải trả cho cái gọi là công cuộc “giải phóng miền Nam.”