Từ Tây Tạng đến Việt Nam

Nguyễn Thanh Văn

Kỷ niệm 50 năm cuộc nổi dậy của người dân Tây Tạng chống lại sự thống trị của Trung quốc, ngày 10 tháng 3 vừa qua, cộng đồng Tây Tạng khắp nơi đã biểu tình phản đối Trung Quốc và biểu lộ sự kiên trì đấu tranh cho một đất nước Tây Tạng độc lập. Đây là điều Bắc Kinh vẫn lo ngại, đặc biệt là sau cuộc nổi dậy của người dân Tây Tạng vào dịp này năm ngoái, mà sự đàn áp đẫm máu của Bắc Kinh đã khiến các cuộc rước đuốc Thế vận hội Bắc Kinh trở thành những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên khắp thế giới. Do đó, từ nhiều tháng qua, chính quyền Cộng sản Trung quốc tại Tây Tạng đã lên tiếng báo động là cần phải thêm quân, để đủ sức đương đầu với điều họ gọi là «âm mưu nổi loạn của bè lũ Đạt Lai Lạt Ma».

Tuy rằng từ gần một năm nay, Bắc Kinh đã cô lập Tây Tạng với thế giới bên ngoài, nhưng hôm 9 tháng 3, ông Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố là cần phải «thiết lập một bức vạn lý trường thành» để «bảo vệ đất mẹ», và gởi thêm quân sang tăng cường kiểm soát Tây Tạng. Trước sự kiện này, Đức Đạt Lai Lạt Ma, một người ôn hòa, chỉ yêu cầu cho Tây Tạng được tự trị, cũng phải lên án việc Bắc Kinh là “diệt chủng văn hoá” và biến Tây Tạng thành “địa ngục trần gian”.

Tháng 10 năm 1949, sau khi chiếm được Hoa Lục, Mao Trạch Đông đã xua quân xâm lăng Tây Tạng. Ngay sau đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma gởi một phái đoàn đến Liên Hiệp Quốc để yêu cầu cộng đồng thế giới giúp ngăn chận sự xâm lăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc lúc đó đang bận tâm với chiến tranh Triều Tiên, nên đã lơ là vấn đề của Tây Tạng. Thấy cuộc vận động không thành, Đức Đạt Lai Lạt Ma gởi một phái đoàn tới Bắc Kinh để thương thuyết. Bắc Kinh buộc Tây Tạng ký bản Hiệp Ước 7 Điểm về „Giải Phóng Hòa Bình Tây Tạng“, công nhận chính quyền địa phương Tây Tạng có quyền quản trị các vấn đề nội bộ, nhưng đặt dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh.

Sau hiệp ước đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kêu gọi dân chúng sống chung hòa bình với Trung Quốc. Tuy nhiên, với bản chất xâm lăng và đồng hóa của Bắc Kinh, sự bất đồng giữa hai bên ngày càng gia tăng. Năm 1959, khi âm mưu bắt cóc Đức Đạt Lai Lạt Ma của Bắc Kinh bị bại lộ, người dân Tây Tạng nổi dậy ở nhiều nơi, và bị Bắc Kinh đàn áp đẫm máu, khiến 87.000 dân Tây Tạng thiệt mạng; Đức Đạt Lai Lạt Ma và mấy chục ngàn dân Tây Tạng phải lánh nạn qua Ấn Độ, thành lập chính phủ lưu vong. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, đa phần các tu viện tại Tây Tạng bị phá hủy và hàng ngàn người dân Tây Tạng bị giết.

Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 ra đi, Bắc Kinh xử dụng các Ban Thiền Lạt Ma để cai trị. Nhưng Bắc Kinh luôn kiểm soát rất chặt chẽ việc xác nhận vị Ban Thiền Lạt Ma kế nhiệm, để nối tiếp vị lạt ma tiền nhiệm đã qua đời. Vị Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 hiện nay là Gyaincain Norbu, không phải là người do Đạt Lai Lạt Ma lựa chọn. Người mà đức Đạt Lai Lạt Ma lựa chọn là Gedhun Choekyi Nyima.

Năm 1995, vị ban thiền được đức Đạt Lai Lạt Ma lựa chọn để kế nhiệm, lúc đó mới 6 tuổi đã bị mất tích, sau khi bị Trung Quốc bắt giữ.

Những gì diễn ra ở Tây Tạng 50 năm qua là điều luôn gợi lại cho dân tộc Việt Nam những đau thương mà dân tộc ta đã từng trải, với nhiều lần là nạn nhân của dã tâm bành trướng và diệt chủng của Trung Quốc. Hiểm họa xâm lược từ phương bắc luôn luôn là thực tế và là điều mà người Việt Nam lúc nào cũng cảnh giác. Chính lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam vào đầu thập niên 1980 đã phải thừa nhận sự thật này trong các tài liệu do họ phát hành.

Nhưng ngày hôm nay, không may cho dân tộc và đất nước chúng ta là tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam chỉ vì quyền lợi và quyền lực của họ, đã bịt mắt và bắt toàn dân thờ lạy 16 chữ vàng của Bắc Kinh. Sau những hiệp ước nhượng đất, nhượng biển, nay họ rước hàng ngàn người Trung Hoa vào Tây Nguyên để tiến hành khai thác bô-xít, hầu thoả mãn ý muốn của Bắc Kinh; dù rằng các nhà khoa học, quân sự và nhiều giới đồng bào đã liên tục lên tiếng cảnh báo về những hậu quả khôn lường trong việc khai thác này. Bên cạnh các vấn đề về môi trường, kinh tế, người ta đã đặc biệt nhấn mạnh về tính cách chiến lược sinh tử của Tây Nguyên đối với Việt Nam. Đến nỗi, vào năm 1975, khi được Bắc Kinh đề nghị viện trợ 2000 xe vận tải vào Trường Sơn, nhưng phải cho 500 lái xe người Trung Quốc đi cùng, chính cố tổng bí thư Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn đã nói: “Một thằng tôi cũng không cho… Nó nói đưa người vào giúp ta, nhưng thực chất là muốn đưa dân vào lập làng, lập huyện người Tàu ở Trường Sơn và Tây Nguyên. Nắm được Trường Sơn và Tây Nguyên là khống chế được toàn Đông Dương”.

Chắc chắn Bộ Chính Trị đảng CSVN hiện nay không phải là ngây thơ, để không biết sự nguy hại của việc khai thác bô-xít, đặc biệt là việc đem hàng ngàn, và có thể là hàng vạn người Trung Hoa vào Tây Nguyên; một việc đã được nhiều người mô tả là hành động „rước giặc vào nhà“. Và chắc chắn ngay bây giờ họ vẫn có thể ngưng cấp phép cho người Trung Hoa vào Tây Nguyên, hoặc hủy bỏ dự án nếu họ muốn. Nhưng ai có thể chặn đứng được sự đen tối của họ, nếu không phải là những người Việt Nam còn lương tâm và trách nhiệm với đất nước?

***

(*) Theo lời bà Bẩy Vân, vợ của cố Tổng bí thư CSVN Lê Duẩn trả lời phỏng vấn đài BBC