Tương Lai Nào Cho Việt Nam 30 Năm Trước Mặt

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Trước xu thế tiến hóa của nhân loại về giá trị con người và quyền sống dân chủ, trước ngọn thủy triều đang tiếp tục bao kín cả địa cầu về kinh tế và thông tin, các chế độ độc tài, dù có cố gắng thay hình đổi dạng, rồi cũng sẽ lần lượt thực sự ra đi trong một vài thập niên trước mặt. Đợt sóng dân chủ tràn vào Đông Âu và Đông Nam Á của cuối thế kỷ trước đã được tiếp nối bởi một đợt sóng mới tràn vào Georgia, Ukraine, Kyrgyzstan, và nhiều nước Trung Đông. Các lãnh tụ độc tài chỉ có hai chọn lựa để đến cùng một số mạng — tiếp tục đóng kín và duy trì chính sách ngu dân để lần hồi lún xập vào bên trong như Bắc Hàn hay mở cửa giao tiếp với bên ngoài để tích tụ sức nổ tung vì những mâu thuẫn đến từ cơ chế cai trị lạc hậu và lòng khát khao tự do trổi dậy nơi dân chúng như Trung Quốc, Việt Nam, v.v.

Nhưng thoát khỏi chế độ độc tài không có nghĩa là sẽ đương nhiên phát triển để bắt kịp thế giới. Trước hết việc tái thiết đất nước tùy thuộc nhiều vào cách thức ra đi của chế độ độc tài trước đó, từ tự ý ra đi đến rút lui từng bước hay cố thủ đến cùng. Kế đến, việc canh tân đất nước cũng tùy thuộc vào nhu cầu và ý nguyện riêng của từng quốc gia. Và sau hết, nó tùy thuộc vào sự sẵn sàng tâm lý và những chuẩn bị vật chất cần thiết của từng dân tộc.

Do đó việc xác định nhu cầu và ý nguyện của dân tộc cũng như việc chuẩn bị những điều kiện thuận lợi cho tiến trình canh tân hậu độc tài cần được xúc tiến ngay từ bây giờ. Đây là điều vô cùng cần thiết nếu nhìn đến khoảng cách tụt hậu của Việt Nam so với các quốc gia trong vùng và thế giới.

Các cuộc thảo luận quanh chủ đề canh tân Việt Nam thường bị lún ngay vào cuộc tranh luận về phương pháp thực hiện khi cố gắng trả lời câu hỏi “Bắt đầu từ đâu?”. Nhìn cảnh nghèo đói của dân ta, nhiều nhà cố vấn phát triển quốc tế nghĩ ngay rằng việc gia tăng khả năng kinh tế phải là khâu đầu tiên, và từ đó làm lực xây dựng các nền tảng khác. Các nhà phân tích nhìn từ bên trong xã hội Việt Nam lập tức phản đối: nếu không cải thiện cơ chế xã hội trước thì việc ném thêm tiền vào từ bên ngoài chỉ làm loạn thêm nền kinh tế rừng rú hiện tại và làm giàu thêm cho thành phần tư bản đỏ tiếp tục lũng đoạn mọi mặt đời sống quốc gia. Nhưng lại cũng có người phê bình, nhưng lấy đâu ra nhân sự để cải tạo xã hội, không lẽ dùng lại hệ thống đang điều hành và làm ung thối xã hội hiện nay. Chắc chắn là phải huấn luyện và thuê mướn một hệ thống nhân sự mới. Và thế là vấn đề trở lại đầu của vòng tròn, đó là lấy tiền đâu để đào tạo cả một thế hệ nhân sự mới điều hành đất nước.

Kết luận có thể rút được từ cuộc tranh luận này là KHÔNG THỂ chia cắt công việc ra rõ ràng và gọn ghẽ thành từng khâu để thực hiện theo một trình tự trước sau. Mọi mặt xã hội và đất nước Việt Nam đều quyện chặt lấy nhau mà ngay cả những cuộc “cách mạng vô sản đẫm máu” trước đây tưởng có thể “xóa sạch làm lại” cũng không giải quyết được và chỉ để lại tang tóc. Do đó, những người mong muốn canh tân đất nước trong những năm tháng trước mặt không có chọn lựa nào khác ngoài cách tiến hành canh tân trên nhiều mặt với sự điều chỉnh các nỗ lực ưu tiên theo tình hình của từng giai đoạn. Và trong mỗi lãnh vực, sự thay đổi cũng phải được thực hiện từng bước tùy theo khả năng cung cấp nhân lực và vật lực của đất nước.

Vấn đề còn lại là xác định những nhu cầu của đất nước và nhận diện những công việc chuẩn bị có thể khởi động ngay từ bây giờ, cùng lúc với nỗ lực gỡ bỏ chế độ độc tài. Sau đây là một số đề nghị về nhu cầu của đất nước xoay quanh các lãnh vực Con Người, Cơ Chế, và Môi Trường.

A. Canh Tân Con Ngưòi

Hiển nhiên trong mọi nỗ lực canh tân con người luôn là yếu tố then chốt và mục tiêu tối hậu của các nỗ lực tái thiết và phát triển đất nước đều nhắm đến phục vụ con người. Vì vậy, dân tộc Việt Nam cần được canh tân để không những có khả năng thực hiện các nỗ lực phục hưng đất nước mà còn biết thừa hưởng và duy trì các kết quả đạt được.

Trước hết, các nỗ lực canh tân con người Việt Nam tương lai cần tránh vết xe cũ của những chính sách “Trồng Người”, “Xây Dựng Con Người Mới XHCN”, v.v… của những người CSVN, mà thực chất, nếu thành công theo chủ đích, là nhào nặn ra những con người máy, giống nhau như đúc, răm rắp nghe theo mệnh lệnh một cách mù quáng, say máu chém giết theo các khẳng định ý thức hệ. Và vì chính sách Trồng Người của các đảng cộng sản không chỉ dành riêng cho các đảng viên mà còn áp đặt lên toàn xã hội nên vòng đai bệnh hoạn bao trùm lên cả nước. Có thể nói hai căn bệnh cốt lõi của mẫu Người Mới XHCN từng hủy hoại nhiều thế hệ con người và xã hội Việt Nam là tính Phó Thác Lý Trí và Trống Rỗng Luân Lý.

Căn bệnh phó thác lý trí bắt nguồn từ chính ông Hồ Chí Minh với những tuyên bố công khai rằng ông có thể sai nhưng các ông tổ cộng sản như Marx, Lenin, Mao không thể sai được. Nghĩa là có nhiều điều từ hai nước cộng sản đàn anh phán xuống mà ông Hồ không hiểu hoặc không đồng ý nhưng vẫn mạnh dạn bảo đảng của ông thi hành vì tin rằng đã có người với khả năng trí óc hơn ông suy nghĩ chín chắn những điều đó rồi. Sự tin tưởng và phó thác đó được truyền xuống tầng cán bộ do chính tay ông huấn luyện, để rồi chính họ dạy bảo cấp thấp hơn rằng “chúng ta có thể sai nhưng Bác thì không thể sai được”. Và khi ra đến đại khối dân chúng thì mọi cán bộ đều khẳng định “tôi có thể sai được chứ Đảng thì không thể sai được”. Đây chính là sợi giây chuyền dẫn các sai lầm từ Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh xa xôi xuống tận các tổ dân phố, các làng mạc Việt Nam. Từng mô thức, từng chiến dịch, thậm chí từng câu khẩu hiệu, v.v. được rước thẳng về áp đặt lên đất nước, từ “Đấu Tranh Giai Cấp”, “Cải Cách Ruộng Đất”, “Chống Đế Quốc Tư Bản”, “Chống Bá Quyền Phương Bắc” … kéo dài đến “Kinh Tế Thị Trường Theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” ngày nay.

Căn bệnh trống rỗng luân lý đến từ sự cạnh tranh mãnh liệt của các đảng cộng sản để dành lấy độc quyền kiểm soát suy nghĩ của từng con người. Một khi nắm được chính quyền và mọi phương tiện truyền thông đại chúng, Đảng lập tức ra sức tẩy xóa mọi giá trị truyền thống và trói chặt các ảnh hưởng của mọi tôn giáo để thẳng tay nhồi vào đầu con người cái gọi là “đạo đức cách mạng”. Điều bất hạnh là, đạo đức cách mạng cộng sản không có gì liên quan đến đạo đức cả mà chỉ là một số qui luật mà đảng CS cần trồng nơi mỗi con người để đảng hoàn toàn kiểm soát con người đó và hoàn toàn kiểm soát xã hội. Cả một hệ thống luân lý phong phú từ bao đời được rút xuống còn một điểm quan trọng duy nhất tại cốt lõi, đó là “trung thành với Đảng và giai cấp”. Mọi giá trị khác đều không đáng kể hoặc có thể hy sinh. Và thế là trong tiến trình gạt tôn giáo ra để dành độc quyền xác định luân lý đó, chế độ tạo ra một khoảng trống đạo đức khổng lồ bao trùm lên xã hội và con người. Chính khoảng trống này dẫn đến tốc độ băng hoại kinh hoàng trong xã hội Việt Nam khi Đảng và Nhà Nưóc quyết định mở cửa tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Ngoài mẫu người cộng sản phải tránh, nhiều đặc tính khác của con người Việt Nam cận đại do lịch sử và hoàn cảnh đất nước để lại cũng phải được đặc biệt lưu tâm. Trưóc hết phải kể đến những phó sản tiêu cực của nền giáo dục Nho học để lại. Giữa những điều răn dạy cao quí về trung hiếu lễ nghĩa và vô số đức tính khác, người ta cũng thấy tích tụ sự khinh rẻ những công việc lao động chân tay, tính coi thường phụ nữ, v.v. và nặng nhất là sự tập trung tìm kiếm danh vọng cho cá nhân mà xem nhẹ bước tiến của tập thể.

Kế đến là hệ quả của thời kỳ lệ thuộc Pháp, Mỹ, Nga, Tàu quá lâu trong con người Việt Nam cận đại, mà nặng nề hơn cả là tính vọng ngoại, thiếu tin tưởng vào dân tộc. Tình trạng này không chỉ xảy ra cho dân tộc Việt Nam nhưng khá phổ thông tại hầu hết các nước từng bị lệ thuộc ngoại quốc lâu năm như Ấn Độ, Mã Lai, Phi Luật Tân, và vô số các nước cựu thuộc địa. Nếu khuynh hướng này không được lưu tâm đúng mức, làn sóng chuyên gia gốc Việt đổ về xây dựng đất nước trong giai đoạn hậu độc tài sẽ gia tăng kiến năng mới nhưng cũng cùng lúc thổi cao hơn nữa tính vọng ngoại cũ.

Tình trạng đói kém và loạn lạc lâu năm trên đất nước dẫn đến quan niệm phổ cập về sự khôn ngoan rất lệch lạc nơi con người. Cụ thể như nếu khôn thì phải biết “ăn”, biết tạo ra cơ hội để hối lộ, lấy cắp, xử dụng của công, v.v. Có dịp “ăn” mà không “ăn” bị xem là khù khờ. Người “khôn” cũng phải biết đi đường tắt: không học mà có bằng, không xếp hàng mà đi cửa sau, không nộp đơn tại công sở mà nộp vàng ở nhà tư, v.v… Và hậu quả tổng hợp của tình trạng tâm lý con người như vậy khiến mức dân trí của xã hội chúng ta không nhúc nhích được là bao vì ai cũng chỉ muốn đi đường tắt cho dễ. Tình trạng đó cũng khiến trong xã hội không ai muốn tin ai vì hở ra là có kẻ trèo lên lưng mình thủ lợi; và quan trọng hơn nữa, tình trạng tâm lý đó khiến các quan hệ giao thương lớn và dài hạn với các công ty ngoại quốc vô cùng khó khăn vì các đối tác nội địa chỉ chực chờ cơ hội là lường gạt, là bọc ra sau lưng các hợp đồng đã ký, là đi đường tắt, v.v… Nói tóm lại, là mọi hiện tượng đang thấy hiện nay sẽ vẫn tiếp diễn và có thể còn nặng hơn theo thời gian nếu căn bản con người không được canh tân tại Việt Nam.

Hậu quả của tình trạng trừng phạt những suy nghĩ độc lập và bưng bít thông tin quá lâu cũng khiến nhiều người Việt Nam không hình dung được khoảng cách tụt hậu của đất nước ta hiện nay so với thế giới mà chỉ so với những bước tiến rất nhỏ trong nước để rồi tự hào không đúng chỗ, ngay cả tưởng rằng những hình thức ăn chơi mới du nhập từ bên ngoài là mực thước đo lường sự tiến bộ của đất nước.

Để tránh những vết xe cũ đó, cách riêng là chính sách “đúc người” của Chủ Nghĩa Cộng Sản, các nỗ lực canh tân con người ngày nay sẽ KHÔNG nhào nặn con người theo cùng một mẫu, nhưng tạo điều kiện để mỗi công dân có thể phát triển tối đa theo năng khiếu của mình. Chủ trương này cần bao gồm 3 nỗ lực: Trước hết là vận động toàn xã hội nhận dạng và loại trừ dần những tàn dư tai hại do sống dưới chế độ độc tài lâu năm và hoàn cảnh lịch sử đất nước thấm nhập vào con người như liệt kê bên trên; Thứ hai; tạo điều kiện cho mọi cá nhân phát triển tối đa có thể được, nghĩa là tối đa theo năng khiếu của công dân và khả năng cung cấp của quốc gia; Và thứ ba, cổ động tinh thần liên đới giữa các công dân, giúp nhau để xã hội và đất nước cùng tiến.

Chính tinh thần liên đới này không những giúp cho đất nước nhanh tiến bộ mà còn giúp duy trì các thành quả đạt được vì tinh thần trách nhiệm và đóng góp được chia xẻ bởi đại khối quần chúng.

Một điều quan trọng khác cần được nhận diện là tình hình suy đồi tại Việt Nam ngày nay đã quá tệ hại và vượt quá sức sửa chữa của chính quyền mới trong tương lai, dù đó là một chính quyền thực tâm vì nước vì dân. Nỗ lực canh tân con người Việt Nam đòi hỏi mọi nguồn lực trong xã hội. Cụ thể như trong lúc chính phủ tận dụng mọi phương tiện quốc gia, từ hệ thống truyền thông đến hệ thống hành pháp và tư pháp, nhắm đề cao phẩm giá con người, phục hồi dân khí, phục hồi niềm tự tin vào chính mình và vào dân tộc, thì các đoàn thể tôn giáo và xã hội là những động cơ rất quan trọng và hữu hiệu trong việc phục hồi luân lý và tình liên đới trong xã hội.

Cũng có nhiều nỗ lực có thể được thực hiện ngay từ bây giờ, mà quan trọng và hữu hiệu nhất giật xập bức màn bưng bít thông tin và tạo phương tiện cho nhiều sinh viên Việt Nam ra du học tại nước ngoài. Bức màn bưng bít thông tin cần phải kéo xuống ngay để đồng bào chúng ta cùng nhận ra thực tế tụt hậu của đất nước, cùng nhận ra vai trò tai hại của chế độ độc tài, và cùng nhận ra những nhu cầu cấp bách và cùng chấp nhận những hy sinh cần thiết để xây dựng lại đất nước. Trong cùng chiều hướng đó, người Việt Nam cần giúp nhau nhìn xuyên qua những bài bản tuyên truyền của nhà cầm quyền độc tài hiện tại và nhất quyết không chấp nhận lối so sánh “giật lùi” với những năm tháng tan hoang dưới chế độ kinh tế chỉ huy bao cấp để rồi tự hào không đúng chỗ và quên đi khoảng cách ngày càng xa dần giữa Việt Nam và thế giới.


Các nỗ lực vận động, khuyến khích, và tài trợ cho con em và các sinh viên nghèo tại Việt Nam ra du học nước ngoài là những đóng góp thiết thực cho tương lai đất nước. Đây không chỉ là nguồn kiến năng cho tương lai mà còn là những hạt mầm dân chủ quí giá. Càng nhiều người, đặc biệt là thành phần trẻ, được nếm mùi sống, sinh hoạt, học hỏi trong không khí tự do thì càng gia tăng niềm nhận thức chung rằng “tình trạng độc tài hiện nay là bất thường”, “các quyền tự do cơ bản của con người là đương nhiên chứ không phải ân huệ”, v.v…và từ đó gia tăng áp suất thay đổi trên đất nước. Trong cùng chiều hướng đó, nỗ lực khuyến khích giới trẻ VN trong và ngoài nước tiếp cận và san xẻ kiến thức với nhau băng qua sự kiểm soát của chế độ hiện nay cũng cần được đặc biệt lưu tâm.

B. Canh tân cơ chế

Như đã được trình bày trong phần mở đầu, các nỗ lực canh tân đất nước phải được tiến hành song song mới mong đạt được kết quả. Các nỗ lực canh tân con người chắc chắn không thể thực hiện được dưới cơ chế độc tài hiện tại hay trong tình trạng hỗn loạn vô trật tự, vô chính phủ. Chính những cải thiện về cơ chế chính trị cho thấy nhu cầu cần phải có những con người Việt Nam mới để điều hành cơ chế này và từ đó dồn ưu tiên cung cấp phương tiện cần thiết cho việc canh tân con người. Cũng trong cơ chế điều hành đất nước mới, mức độ cần thiết của hối lộ, đi tắt, dành giật, v.v… để sống còn cũng giảm dần để tạo điều kiện thuận lợi xây dựng tâm thức mới nơi con người.

Sau mấy ngàn năm tiến hóa và thử nghiệm đủ loại phương thức điều hành xã hội, loài người nói chung đến nay đã công nhận thể chế Dân Chủ là phương cách hữu hiệu nhất để duy trì trật tự đủ trong xã hội sống chung nhưng chỉ ràng buộc sự phát triển và ý nguyện tìm kiếm hạnh phúc của từng con người ở mức tối thiểu.

Tuy nhiên khi chọn thể chế dân chủ, những ai ủng hộ thể chế này cũng cần biết rõ và chấp nhận vô số những phiền phức đi kèm. Trước hết là nỗ lực rất lớn và cấp tốc trong việc hướng dẫn đại khối quần chúng về các quyền lợi và trách nhiệm trong một chế độ dân chủ. Vì nếu thiếu các hiểu biết này, các chọn lựa của quần chúng không mang nhiều giá trị hay ích lợi mà chỉ đưa đến những chờ đợi không thực tế để rồi thất vọng. Thậm chí có người mong muốn trở lại với chế độ độc tài. Đây là những thực tế đang thấy tại một số nước vừa thoát khỏi xiềng xích cộng sản tại Đông Âu.

Các khó khăn to lớn khác phải đối diện phần lớn nằm trong giai đoạn chuyển tiếp. Nhìn từ kinh nghiệm Liên Xô và Đông Âu, người ta có thể hình dung được vai trò quậy phá để duy trì tình trạng “nước đục” của các thành phần tàn dư chế độ CSVN trong buổi giao thời. Đây là thành phần thiểu số tư bản đỏ giàu có nhất nước, sẵn sàng dùng tiền bạc khuynh loát từng khu vực kinh tế, hủ hóa hệ thống điều hành mới, và tạo bạo loạn trong xã hội. Cùng lúc cũng sẽ có nhiều thành phần từ cộng đồng người Việt hải ngoại khuân vác rác rưởi về nước. Đó là những mưu mẹo chính trị bất chính và những thủ thuật lạm dụng dân chủ học được từ các nước ngoài, được đem về để tận dụng tình hình rối ren với kỳ vọng đi trước những thành phần trong nước còn tương đối xa lạ với việc tranh đua trong một thể chế dân chủ. Và sau hết là sức ép từ cộng đồng thế giới muốn thấy ngay kết quả và rất dị ứng đối với những biện pháp mạnh mà chính phủ mới có thể phải dùng để đối phó với các thành phần phá hoại đang lợi dụng tình hình. Trong tình cảnh đó, chính phủ mới phải tận lực vận động toàn dân để không những làm chỗ dựa cho chính phủ mà còn tiếp tay cách ly các thành phần phá hoại và thuyết phục thế giới về nhu cầu thực tế của tình hình. Đây là công việc vô cùng khó khăn đối với một chính phủ mới.

Nhưng với tất cả những phiền phức và khó khăn đó, mục tiêu thiết lập thể chế Dân Chủ trên đất nước Việt Nam vẫn là mục tiêu đáng theo đuổi và là con đường phải đi qua để đưa đất nước tiến lên vì đây là thể chế duy nhất có khả năng tự sửa chữa lần hồi được.

Để góp phần giúp cho nền dân chủ tương lai sớm bắt rễ tại Việt Nam, ngay từ bây giờ người Việt Nam cần chuyển về nước càng nhiều càng tốt các ý niệm, các tác phong hành xử và ngay cả các trường hợp lạm dụng trong các nền dân chủ trên thế giới. Đại khối quần chúng Việt Nam rất cần các dữ kiện này và hiển nhiên không thể chờ đợi từ giới cầm quyền độc tài hiện tại. Chỉ nhìn cách đối xử của Nhà nước Hà Nội với bác sĩ Phạm Hồng Sơn khi ông phiên dịch các bài tìm hiểu về chế độ Dân Chủ, người ta có thể thấy rõ tầm quan trọng và mức thiếu thốn các dữ kiện này trong đại khối quần chúng Việt Nam trong nước hiện nay.

Hiện nay trên thế giới có nhiều kiểu cách tổ chức thể chế dân chủ, nhưng tựu trung một nền dân chủ đúng nghĩa phải hội đủ một số nguyên tắc cơ bản trong cả hai mặt đối nội và đối ngoại như sau:

Về mặt đối nội, cơ chế chính trị mới phải đem lại tối đa tự do cho con người hay nói cách khác, chỉ tạo nên những ràng buộc tối thiểu cần thiết vì nhu cầu của quốc gia. Thay vào chủ trương “mỗi công dân, mỗi đoàn thể trong xã hội chỉ được sinh hoạt trong phạm vi cho phép của luật pháp” mà thể chế độc tài hiện tại đang áp đặt, nền dân chủ mới phải xác định “mỗi công dân, mỗi đoàn thể được làm tất cả mọi chuyện theo sở nguyện ngoại trừ vùng cấm tối thiểu của luật pháp”.

Mục tiêu cao nhất của cơ chế mới là để bảo vệ và thăng tiến dân tộc chứ không nhằm phục vụ riêng một phe nhóm hay giai cấp nào. Ngoài việc tạo nền tảng để đường hướng phát triển đất nước thỏa mãn nguyện vọng của đại khối dân chúng, cơ chế dân chủ cũng phải có đủ ràng buộc để bảo vệ các khối thiểu số trong mọi lãnh vực và bảo vệ các quyền căn bản của từng công dân.

Hệ thống tam quyền phân lập bao gồm Hành Pháp, Lập Pháp, và Tư Pháp phải được thiết lập để cân bằng, kiểm soát và xác định thẩm quyền của những người đang điều hành chính phủ. Không một cá nhân nào được phép đứng trên pháp luật, kể cả người đứng đầu ngành hành pháp trong vai trò tổng thống hay thủ tướng.

Cơ chế chính trị mới cần tạo chỗ đứng cho cả hai nhu cầu Lãnh Đạo Chính Trị và Guồng Máy Hành Chánh. Các vị trí lãnh đạo chính trị rất cần thiết để các đảng phái một khi được người dân tín nhiệm có thể chỉ đạo hướng phát triển của đất nước theo chương trình mà họ đã vận động trước cử tri. Nhưng cùng lúc, để việc điều hành sinh hoạt thường nhật của chính phủ không bị rối loạn hay gián đoạn mỗi khi có thay đổi lãnh đạo chính trị, quốc gia cần phải có một guồng máy hành chánh phi chính trị, hoàn toàn dựa trên nhu cầu và khả năng chuyên môn. Nhân viên trong toàn bộ guồng máy hành chánh chỉ cần hội đủ điều kiện chuyên ngành chứ không cần phải là thành viên của đảng đang nắm quyền. Chỉ một vài vị trí đứng đầu guồng máy được bổ nhiệm từ giới chức lãnh đạo chính trị để điều hướng vĩ mô theo chương trình phát triển của đảng cầm quyền.

Trong tinh thần đó, hai bộ phận đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ nhân dân nhưng cũng dễ bị lạm dụng để đàn áp nhân dân là hệ thống quân đội và cảnh sát. Do đó cách tổ chức và thẩm quyền của hai bộ phận này phải được qui định rõ ràng bởi pháp luật chứ không để tùy thuộc vào đảng cầm quyền. Quân đội và cảnh sát được điều động bởi giới chức lãnh đạo chính trị nhưng chỉ phục vụ đất nước và dân tộc trong phạm vi qui định của pháp luật chứ không làm công cụ riêng cho đảng cầm quyền. Ngoài ra để tránh tình trạng độc tài quân phiệt có thể xảy ra, việc bổ nhiệm nhân sự vào hệ thống chỉ huy cao cấp và ngân sách hoạt động hàng năm của hai bộ phận này phải do các giới chức dân sự thuộc ngành hành pháp quyết định với sự phê chuẩn của ngành lập pháp.

Về mặt đối ngoại, cơ chế chính trị mới phải có đủ các điều khoản kiểm soát và ràng buộc để đảng cầm quyền không thể tùy tiện đưa đất nước vào vòng lệ thuộc một thế lực ngoại quốc hay lén lút ký kết các thỏa ước với nước khác mà dân tộc Việt Nam không biết hoặc không chấp nhận.

Cùng lúc với trách nhiệm bảo vệ công dân Việt Nam, cơ chế chính trị mới cũng phải góp phần làm gia tăng uy tín của quốc gia trước thế giới qua sự thể hiện tính pháp quyền, tính trong suốt của cơ chế công quyền, tính tôn trọng các qui ước quốc tế, và cung cấp đủ các bảo đảm cho người ngoại quốc, đặc biệt là những nhà đầu tư ngoại quốc, giao tiếp với Việt Nam.

Và quan trọng hơn cả, cơ chế mới phải bao gồm các điều khoản ràng buộc giới chức lãnh đạo chính trị phải có trách nhiệm bảo vệ bờ cõi và các quyền lợi quan trọng của quốc gia; Nếu đảng cầm quyền sao lãng hay đi ngược lại trách nhiệm này, cơ chế chính trị mới cần có sẵn những điều khoản cung cấp phương thức chọn lựa gấp rút để dân chúng thay thế giới chức chính trị đang cầm quyền.

C. Canh tân môi trường

Tuy các nỗ lực canh tân con người và canh tân cơ chế có tính nền tảng rất quan trọng và ảnh hưởng lâu dài, đa số các thay đổi cụ thể, hiển hiện trong đời sống hàng ngày là kết quả của những nỗ lực canh tân môi trường sống, với hai lãnh vực lớn là xã hội và kinh tế

Về mặt xã hội:

Trước hết một ý niệm quan trọng liên quan đến mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội cần được xác định. Tại một số nước trên thế giới, cách riêng là dưới các chế độ độc tài, thành phần nắm quyền thường nhân danh quyền lợi tập thể để tước đoạthầuhết các quyền cá nhân. Ngược lại, tại một số nước dân chủ hiện nay, nhiều thành phần nhân danh quyền tự do cá nhân để đòi hỏi phải duy trì nhiều loại sinh hoạt dù có sản sinh đủ thứ bệnh hoạn trong xã hội. Chắc chắn xã hội Việt Nam mới phải chọn một lằn ranh cân bằng giữa hai nhu cầu. Điểm quan trọng là lằn ranh này sẽ không cố định nhưng do toàn dân lựa chọn theo từng thời kỳ dựa trên tình hình và nhu cầu của đất nước. Để việc chọn lựa lằn ranh được hợp lý và hữu ích, một tinh thần chung sống hay một ý thức công dân mới cần được vận động trong toàn dân. Đó là tinh thần Hòa giữa các thành viên trong xã hội với nhau — bao dung chấp nhận những dị biệt và biến chính sự đa dạng đó thành sức mạnh. Đó là tinh thần Đồng giữa các thành viên và xã hội — cùng chia trách nhiệm xây dựng, bảo vệ xã hội và cùng hưởng quyền lợi do xã hội đem lại. Chính tinh thần Hoà và Đồng này giúp cho từng cá nhân ý thức được trách nhiệm trong việc xử dụng các quyền tự do của mình, và giúp cho tập thể chọn mức quân bình hợp lý giữa tự do cá nhân và lợi ích tập thể. Đây là loại chủ đề có thể đuợc chuyển tải và khuyến khích đem ra bàn luận công khai trong xã hội Việt Nam ngay từ bây giờ.

Cùng với việc đề cao tinh thần Hoà và Đồng, những nỗ lực chính để canh tân xã hội Việt Nam phải bao gồm những cố gắng đề cao Giá Trị Con Người, phát huy Nền Tảng Gia Đình, và đẩy mạnh các chương trình Giáo Dục Đại Chúng.

Để nâng cao giá trị con người, không những nhiều loại tệ đoan trong xã hội như nạn buôn người, ăn thai nhi, v.v… phải được loại bỏ, mà nhiều qui định khác để bảo vệ người lao động, bảo vệ các công dân tàn tật, bảo vệ môi sinh, v.v… phải được ban hành và áp dụng chặt chẽ. Ngay từ bây giờ, người Việt khắp nơi đã có thể chia sẻ với đồng bào trong nước về những tác hại lên con người nếu không biết bảo vệ môi sinh, về những biện pháp đòi hỏi điều kiện lao động an toàn mà công nhân các nước ngoài thường làm, về những cơ quan quốc tế chống nạn buôn bán nô lệ để thúc đẩy các bàn thảo bên ngoài các phương tiện truyền thông do nhà cầm quyền kiểm soát.


Kế đến gia đình vừa là phương tiện hữu hiệu để giáo dục cá nhân vừa là rào cản đối với những ảnh hưởng tiêu cực thổi đến từ thế giới bên ngoài. Khi nền tảng gia đình bị băng hoại như hiện nay, không những các chức năng giáo dục và bảo vệ không còn nữa, mà nhiều vấn đề của gia đình trở thành vấn đề cho xã hội phải giải quyết. Ngoài ra gia đình cũng là cái nôi duy trì một phần lớn truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy, mà nỗ lực phát huy nền tảng gia đình phải được đặc biệt lưu tâm.

Và sau hết, giáo dục đại chúng cũng phải được đưa lên ưu tiên hàng đầu, bao gồm hai lãnh vực: truyền đạt kiến thức khoa học kỹ thuật và phục hồi các giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc.

Nền giáo dục tương lai phải tận dụng các phương tiện hiện đại để tạo cơ hội cho người dân ở mọi tuổi tác, mọi trình độ có thể tiếp tục học hành; và nền giáo dục đó cũng phải thực tiễn để đáp ứng chính sách nhân dụng và nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Bên cạnh hệ thống giáo dục học đường, việc phát triển kiến năng còn được thực hiện qua chính sách khuyến khích tiếp cận với kho tàng kiến thức của thế giới qua sách báo, mạng lưới toàn cầu, thăm viếng các hãng xưởng ngoại quốc, và du học.

Việc phục hồi và phát huy các giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc cũng vô cùng cần thiết để thúc đẩy công dân không chỉ lo thăng tiến cho riêng mình mà còn mang lý tưởng giúp nhau cùng tiến và phục vụ ngược lại xã hội.

Với tình trạng ruỗng nát và lan tràn, cũng như khả năng nhân vật lực của Việt Nam hiện nay, có thể nói ngay rằng ba nỗ lực canh tân xã hội chính yếu kể trên đã vượt quá khả năng của một chính phủ dân chủ tương lai, dù là một chính phủ có khả năng và hết lòng với đất nước. Để có thể khởi động và thúc đẩy các nỗ lực này đạt đến mục tiêu, người Việt Nam cần những động lượng mới qua sự hình thành của một hay nhiều liên minh dân tộc và sự tiếp tay của các tôn giáo vừa hồi sinh.

Thật vậy, trong những giai đoạn khó khăn lớn của lịch sử Việt Nam những liên minh dân tộc đã được hình thành để đưa đất nước qua cơn hiểm nghèo — từ những hội nghị Diên Hồng và Bình Than đến sự kết tụ quanh những anh hùng từ dân gian như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, v.v. Ngày nay, để tháo gỡ gông cùm độc tài cộng sản đang cột chặt dân tộc trong đói nghèo và tụt hậu, nhu cầu kết tụ dân tộc trong một liên minh mới đang ngày càng trở nên cấp thiết. Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã gói ghém sứ mạng của Liên Minh Dân Tộc này như sau:

“Để đối trị xu thế độc đảng và chuyên quyền, cần hình thành một liên minh dân tộc bao gồm mọi khuynh hướng chính trị và tôn giáo làm nền tảng cho một chính quyền dân chủ đa nguyên. Cụ thể là bỏ điều 4 trên Hiến pháp hầu xác định vị trí tối thượng của văn hóa và tư tuởng Việt khởi phát từ thời đại các Vua Hùng, đồng lúc tạo cơ sở cho sự hình thành và ra đời của liên minh dân tộc này;

Để đối trị chế độ độc tài toàn trị, cần thực thi toàn vẹn những công ước quốc tế liên hệ đến nhân quyền, đến các quyền dân sự và chính trị, mà Việt Nam đã ký kết, tham gia. Cụ thể là ban hành tự do lập hội không thông qua Mặt trận Tổ quốc, một công cụ tay sai của đảng Cộng sản ; tự do ngôn luận không thông qua lý luận hay tư duy toàn thống Mác – Lê; tự do báo chí do tư nhân điều hành và độc lập với đảng Cộng sản ; tự do nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi người lao động. Các tự do căn bản này là nền tảng bảo đảm cho sự phát biểu các ngưỡng vọng và quyền sống của nhân dân;

Để đối trị xu hướng vọng ngoại, từ ý thức hệ đến các cơ cấu tổ chức xã hội, cần phát huy nền văn minh truyền thống Việt Nam, một nền văn minh biết tiếp thu và dung hóa tinh hoa của các luồng văn hóa nhân loại.”

Với phạm vi của LMDT mỗi hành động chung sẽ được thực hiện đồng loạt và đều khắp trên cả nước khiến bộ máy độc tài có muốn cũng không thể ngăn chặn được. Với sức liến kết của LMDT người Việt Nam có thể nối liền các sinh hoạt dân sự trong mọi lãnh vực băng ngang qua chế độ. Từ đó, LMDT tạo vô số các quan hệ trong ngoài, hàng ngang, song song giữa dân chúng với nhau và ngoài luồng kiểm soát của chế độ. Tình thế này dẫn dần đến một thực tế về sinh hoạt đa nguyên mà chế độ muốn gom lại cũng không được nữa. Thực trạng đa nguyên đó làm lỏng dần và vô hiệu hóa từng bước sự kiểm soát của chế độ, và sau cùng đẩy những kẻ cầm quyền độc tài vào thế phải chấp hiện thực trạng. Tóm lại, với một liên minh dân tộc đúng nghĩa và đủ lớn rộng, không những chế độ độc tài có thể gỡ bỏ được mà sự thay đổi còn có thể diễn ra không cần đổ máu. Đó là thực tế đã xảy ra trong các cuộc cách mạng gỡ bỏ hệ thống cai trị cộng sản tại Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, và nhiều nước khác tại Đông Âu.

Tuy nhiên, một liên minh dân tộc không chỉ cần thiết để phá bỏ xiềng xích độc tài hiện tại mà còn rất cần thiết để xây dựng lại đất nước Việt Nam. Chính LMDT giúp vận động toàn dân bắt tay vào việc chữa trị các tật bệnh trầm trọng trong xã hội Việt Nam hiện nay, từ nạn tàn phá môi sinh, băng hoại luân lý đến nạn ung thư tham nhũng, cướp phá tài nguyên quốc gia, v.v… Những căn bệnh này đã tràn lan vào từng ngõ ngách của đời sống và vượt quá khả năng giải quyết của một chính quyền. Thang thuốc cho đất nước và xã hội Việt Nam đòi hỏi sự đóng góp của mọi thành phần dân tộc đồng loạt và rộng khắp.

Và cũng chính LMDT sẽ góp phần quan trọng trong việc giải thích với toàn dân những nhu cầu lâu dài của đất nước để cùng chấp nhận những hy sinh giai đoạn trong một số lãnh vực nhằm dồn sức phát triển đất nước cho có kế hoạch lớp lang. Nếu không có sự đồng lòng của toàn dân, chính phủ mới chỉ có thể đưa ra những biện pháp vá víu ngắn hạn và vì thế mục tiêu phục hồi đất nước để bắt kịp thế giới sẽ mất thời gian hơn nhiều hoặc vĩnh viễn không thể đạt tới.

Một trong những khó khăn trong việc hình thành một liên minh dân tộc hôm nay đến từ sự dị ứng của toàn dân Việt Nam đối với cái gọi là Mặt Trận Tổ Quốc đang hiện diện trên đất nước. Thay vì đại diện cho quyền lợi và ước vọng của toàn dân như tên gọi, MTTQ lại chỉ là công cụ của giới cầm quyền để kiểm soát xã hội và lừa bịp thế giới. Cùng lúc đó, một phần lớn dân tộc sau hơn nửa thế kỷ qui tụ dưới ngọn cờ của đảng CSVN vì lòng yêu nước yêu dân tộc đang từng bước nhận ra bản chất thực sự của đảng này. Nhiều nhân chứng như nhà thơ Bùi Minh Quốc, văn sĩ Dương Thu Hương, và hàng ngàn cựu chiến binh khác đang vạch ra sự vô lý của cuộc chiến chống Mỹ với hàng triệu nhân mạnh VN bị hy sinh mà thực chất chỉ là để đảng CSVN nắm trọn đất nước và để mở rộng đế quốc cộng sản. Nhiều tiếng nói lương tâm của những người từng nằm trong guồng máy cai trị như các ông Bùi Tín, Lê Hồng Hà, Trần Độ, v.v. cũng đang vạch rõ dần bản chất của Đảng là chỉ phục vụ Đảng chứ không vì dân mà cũng chẳng vì nước. Nhưng có lẽ bằng chứng đáng kinh ngạc nhất về lòng yêu nước của thành phần lãnh đạo đảng CSVN là các hiệp định ký kết dâng nhượng đất biển tổ tiên cho Trung Quốc vừa qua. Sự nhận diện rất phũ phàng này chắc chắn sẽ không cho phép những lãnh tụ CSVN lừa bịp dân tộc một lần nữa, nhưng cùng lúc cũng khiến nhiều người rụt rè bước vào một liên minh dân tộc mới.

Ngoài ra cũng còn lý do đến từ sự lo ngại của từng tổ chức về khả năng mình bị hòa tan hoặc bị lấn lướt nếu đứng vào một LMDT. Và sau hết là những ngờ vực còn quá sâu đậm giữa những thành phần dân tộc do hoàn cảnh lịch sử để lại.

Việc hình thành một LMDT ở đầu thế kỷ thứ 21 này, do đó, đòi hỏi một số điều kiện tối thiểu sau đây:

- Phải vượt qua được sự chia cắt do cuộc chiến mà dân tộc ta bị đảng CSVN lừa bịp kéo vào còn để lại. Có lẽ đây là chướng ngại lớn nhất và đòi hỏi lòng yêu nước và ước vọng tương lai dân tộc thật cao nơi mỗi người Việt Nam thì mới vượt qua được.

- LMDT mới phải đặt căn bản trên lòng yêu nước và tình liên đới thực sự giữa đồng bào với nhau. LMDT này không đơn thuần là một liên minh chính trị. Trong khi các liên minh chính trị chỉ có tính ngắn hạn để vượt qua một cuộc bầu cử hay hoàn tất một nhiệm kỳ, LMDT là sự liên kết dài hạn để thay đổi tương lai của cả đất nước. Và trong khi các liên minh chính trị chỉ dựa trên những hứa hẹn êm tai hời hợt, LMDT đòi hỏi sự cảm thông và tin tưởng sâu xa để cùng chấp nhận những chọn lựa khó khăn vì lợi ích lâu dài của đất nước. Chính LMDT cũng sẽ là hạt nhân phục hồi tình liên đới giữa người Việt Nam với nhau trên toàn đất nước và khắp 5 châu.

- LMDT mới phải được xây dựng trên căn bản Hòa và Đồng. Các thành viên LMDT không nhắm tiêu diệt hay xoá tên nhau. Không thành viên nào phải lo ngại bị hòa tan. Mọi sự hòa nhập, nếu có, đều dựa trên căn bản tự nhiên và tự nguyện. Chính LMDT này sẽ là mẫu mực cho xã hội Việt Nam tương lai.

- LMDT mới phải tôn trọng nguyên tắc dân chủ. Mọi thành viên dù lớn hay nhỏ đều có tiếng nói. LMDT sẽ dựa trên một số luật lệ vận hành do mọi thành viên cùng hội ý đề ra, chứ không đơn thuần dựa vào cá nhân. Từ đó tránh được thói quen chờ đợi minh chủ hay tranh giành vị trí minh chủ.

- LMDT mới phải tôn trọng nguyên tắc đa nguyên. Mọi thành viên coi những khác biệt ý kiến là điều bình thường miễn là không đi ngược lại những mục tiêu chung; nhưng cùng lúc không chấp nhận những ý kiến mang tính vu cáo, bôi xấu, chia rẽ, phát xuất từ lòng ganh tị, thù hằn.

Hiển nhiên còn phải mất nhiều thời gian mới mong đạt được những điều kiện nêu trên. Và chính vì vậy mà nỗ lực vận động, tìm hiểu, giải tỏa, và tiến lại với nhau cần phải được khởi động bởi nhiều cá nhân cũng như hội đoàn ngay từ bây giờ.

Trong mọi xã hội, đặc biệt là những xã hội nặng bản chất truyền thống như Việt Nam, tôn giáo đóng vai trò then chốt trong nỗ lực phục hồi giá trị và sức sống của con người. Thấm sâu vào tiềm thức chung của dân tộc và hiển hiện nơi văn hóa của người Việt Nam các tinh lý, các hệ tư tuởng lồng trong giáo lý đạo Phật, quan niệm về vũ trụ của đạo Lão, các qui tắc hành xử của đạo Khổng, và gần đây hơn là giáo lý tình yêu thương của đạo Thiên Chúa. Thật vậy, trong đời sống hàng ngày, từ ảnh hưởng của Phật giáo, người Việt có truyền thống rất khoan dung; từ Lão giáo, cha ông Việt Nam sống hài hòa không những với thiên nhiên mà cả với xóm làng; từ Khổng giáo, người Việt có truyền thống trọng giáo dục và nhân cách; từ đạo Thiên Chúa, người Việt thể hiện tình liên đới rõ ràng qua hành động phục vụ tha nhân trong xã hội. Tôn giáo do đó không chỉ xác định nền tảng luân lý Việt Nam mà còn là căn bản suy tư của con người Việt Nam truyền thống.

Trong tình trạng hiện nay, chính chủ trương loại trừ ảnh hưởng của tôn giáo ra khỏi xã hội của Nhà Nước CSVN là căn nguyên nảy sinh vô số các tệ nạn xã hội. Khi mà lòng khoan dung, ảnh hưởng từ giáo lý Phật giáo bị loại bỏ, con người được huấn luyện để nuôi căm thù, để “đấu tranh giai cấp triệt để”, để thẳng tay diệt trừ những ai mang ý kiến trái ngược với mình, v.v.. Khi mà tính trọng giáo dục, ảnh hưởng từ Khổng thuyết, bị phai lạt, những câu chuyện về cha mẹ học trò kéo đến trường đánh thày cô đăng đầy trên mặt báo,và cả nền giáo dục trở thành một ngành bán buôn. Khi mà lòng bác ái, ảnh hưởng từ cả Phật giáo lẫn Thiên Chúa giáo, bị cấm thể hiện qua các hoạt động từ thiện, người ta dần dần chỉ còn sống cho mình và sẵn sàng dùng người khác làm phương tiện giải trí, làm bậc thang, làm nguồn khai thác tiền bạc cho mình mà không còn vướng bận gì với lương tâm.


Vì vậy, việc chính phủ mới giúp các tôn giáo phục hoạt không chỉ đúng với quyền tự do tôn giáo của con người mà chính các tôn giáo sẽ giúp chính phủ vực dậy cả xã hội, khôi phục giá trị con người và từ đó cả nước có sinh lực mà đi lên. Một cách cụ thể, chính quyền:

- Phải giúp các tôn giáo lập lại các cơ sở từ thiện để băng bó xã hội về mặt thể chất. Giảm bớt nỗi đau của những thành phần bị xã hội đẩy ra bên lề.
- Phải nhờ tôn giáo phục hồi tình liên đới, tình yêu thương giữa những con người với nhau sau bao nhiêu năm sống trong ngờ vực, thù hằn.
- Phải nhờ tôn giáo làm sống lại tiêu chuẩn luân lý truyền thống của dân tộc giữa cơn lốc băng hoại hiện tại
- Và trong nỗ lực phát triển đất nước tương lai, tôn giáo rất quan trọng trong việc giúp con người cân bằng trong cuộc sống, không bị cuốn hút vào những mục tiêu thuần túy vật chất, mất hẳn tâm linh.

Tuy nhiên cũng để tránh những biến động như từng thấy trong quá khứ khi tôn giáo xen kẽ với chính quyền, luật pháp cần minh định lằn ranh giữa tôn giáo, chính trị và chính quyền. Một cách cụ thể, tôn giáo cần quan tâm và vận động cho từng chương trình phát triển luân lý hay giải quyết vấn nạn của xã hội nhưng không trực tiếp tham gia cơ chế điều hành chính quyền, không vận động cho các ứng viên chính trị, và không ra tranh cử với tư cách đại diện tôn giáo. Và khi có chia rẽ chính trị trầm trọng đến độ ảnh hưởng xấu lên đất nước và xã hội, các vị lãnh đạo tôn giáo cần nêu tiếng nói lương tâm và tự nguyện đóng vai trò hòa giải, chứ không nên ngả theo phe phái nào, hay trực tiếp dính vào các thương lượng chính trị giữa các phe phái trong chính trường.

Chính quyền phải tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tôn giáo phục hồi và phát triển theo sức của mình nhưng không nhúng tay vào các sinh hoạt tôn giáo, dù là để làm mạnh một tôn giáo nào đó lên cho bằng với các tôn giáo khác. Việc truyền đạo và kiện toàn hệ thống hoàn toàn là việc mà từng tôn giáo phải lo. Các luật lệ của chính quyền để khuyến khích tôn giáo phát triển phải được áp dụng thật đồng đều cho mọi tôn giáo lớn nhỏ.

Để giúp các tôn giáo đóng góp hữu hiệu cho xã hội trong giai đoạn hậu độc tài, ngay tại thời điểm này, người Việt khắp nơi có thể vận động áp lực thế giới để bảo vệ các giáo hội độc lập (không lệ thuộc chế độ) trong nước; giúp đỡ phương tiện để các tôn giáo có thể củng cố hệ thống và giảng dạy các thế hệ kế thừa có chiều sâu đạo pháp; vạch rõ ý đồ của chế độ nhằm tầm thường hóa tôn giáo bằng cách trộn lẫn tôn giáo với mê tín dị đoan hoặc cố nâng các lãnh tụ cộng sản lên hàng thần thánh như việc đưa “bồ tát Hồ Chí Minh” vào một số chùa chiền. Và quan trọng không kém vào lúc này là nỗ lực giúp giải tỏa những ngộ nhận lịch sử đối với một vài tôn giáo còn khá phổ biến trong quần chúng Việt Nam và giúp tạo các mối liên hệ giữa những vị lãnh đạo tôn giáo trong cũng như ngoài nước.

Về mặt Kinh tế:

Trước hết các tệ nạn trong tình trạng kinh tế hiện tại phải được nhận dạng và ngăn chặn trong tương lai. Có thể nói mục tiêu phục vụ của nền kinh tế hiện nay không phải vì dân hay vì nước, mà là để duy trì sự cai trị của đảng CSVN. Và để đạt đến mục tiêu đó, nền kinh tế phải là nguồn thu nhập tài chánh cho đảng CSVN và hệ thống cán bộ cầm quyền. Các lợi ích cho dân chúng là sản phẩm phụ và không được vượt quá những lợi ích đưa về cho hệ thống Đảng. Chính vì thế, nền kinh tế hiện nay là sân chơi hầu như độc quyền của thiểu số đang nắm quyền và các mạng làm ăn của họ và bên dưới bảng hiệu Kinh Tế Thị Trường Theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa người ta chỉ thấy những kế sách ngắn hạn, tùy tiện ra luật, và tùy tiện áp dụng luật. Những tuyên bố hoa mỹ của Trung Ương bị lập tức vô hiệu hóa bởi các quan chức tại từng địa phương, những người vẫn cố ý duy trì vòng đai quyền lực của mình và duy trì tình trạng bất nhất để dễ kiếm ăn. Nền kinh tế Việt Nam tương lai chỉ tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt kinh tế. Các cơ quan công quyền và hệ thống công chức không trực tiếp “làm kinh tế”.

Nền kinh tế hiện nay vẫn bị què cụt vì “định hướng XHCN” tiếp tục đè bẹp các lực tự nhiên của “thị trường”; Nghĩa là các quan tâm và mục tiêu chính trị vẫn trói chặt nền kinh tế, từ việc tiếp tục duy trì khu vực quốc doanh thua lỗ, đối xử bất bình đẳng với khu vực kinh tế tư nhân, tiếp tục coi các số liệu kinh tế là “bí mật quốc gia”, giới hạn các phương tiện tham khảo từ mạng lưới toàn cầu chỉ vì lo sợ các ảnh hưởng chính trị, v.v.. Nền kinh tế Việt Nam tương lai chắc chắn phải nằm ngoài mọi ràng buộc ý thức hệ.

Từ hai bài học này, nền kinh tế tương lai phải vừa tự do vừa nhắm vào mục tiêu phục vụ dân tộc. Ở pham trù vi mô, tức ở mức hoạt động kinh tế hàng ngày giữa các cá nhân, các nhà sản xuất, thương gia, tiêu thụ trong mọi ngành nghề, các sinh hoạt và giá cả được định đoạt bởi các lực tự nhiên của thị trường. Luật pháp chỉ bao gồm những qui định tối thiểu để mọi cá thể cạnh tranh một cách bình đẳng và đối phó với những trường hợp biến động kinh tế trầm trọng.

Cùng lúc đó, ở phạm trù vĩ mô, tức ở mức quốc gia, chính quyền có trách nhiệm khuyến khích các vùng kinh tế đặc biệt, các ngành kỹ nghệ cao cấp đòi hỏi vốn đầu tư cao mà các hãng tư không kham nổi, v.v. để thu hút đầu tư, đa dạng hóa nền kinh tế, nâng cấp khả năng lực lượng lao động, liên tục tạo thêm công ăn việc làm, và nâng cấp dần khả năng cạnh tranh chung của hàng hóa và dịch vụ từ Việt Nam. Nếu không có các kế sách thúc đẩy này, nền kinh tế VN sẽ dừng lại ở một vài ngành sản xuất thấp, không vươn lên được, không có khả năng xoay chuyển khi tình hình kinh tế thế giới thay đổi hay rơi vào biến động.

Trên nền tảng kinh tế Tự Do và Dân Tộc đó, chính quyền mới cần mở rộng các nỗ lực phát triển kinh tế ra xa hơn hai khu vực châu thổ sông Hồng và trung tâm Sài Gòn. Đặc biệt các dự án xây dựng cơ cở hạ tầng như đường xá, phương tiện viễn thông, năng lượng cần được nối vào những vùng hẻo lánh hoặc kém mở mang hơn để giảm thiểu chênh lệch giữa thành thị với nông thôn và giữa các vùng của đất nước. Chính sách này cũng giải tỏa nhiều vấn đề cho các thành phố quá đông dân từ các vùng khác tìm về sinh sống.

Chính quyền cần tạo tối đa thuận lợi cho nền kinh tế tư nhân phát triển bằng cách giới hạn tối đa các can thiệp trực tiếp vào sinh hoạt kinh tế, nhưng nhanh chóng tạo nền tảng cho các sinh hoạt kinh tế, từ luật lệ lao động và thương mãi, cơ sở hạ tầng, đến các mạng lưới an sinh xã hội.

Chính quyền khuyến khích các ngành nghề khai dụng ưu thế tương đối của lực lượng lao động và địa hình Việt Nam, nhưng cùng lúc cũng khuyến khích các bộ phận trí tuệ quốc gia, như các đại học và các viện nghiên cứu, liên tục tìm cách nâng cấp các ưu thế này và liên tục tìm cơ hội tiến lên các ngành nghề tạo tối đa lợi ích cho dân tộc.

Sau hết, nền kinh tế Việt Nam phải được gấp rút chuẩn bị để gia nhập vào kinh tế khu vực và toàn cầu. Chính quyền cần tạo thuận lợi tối đa cho người dân theo sát tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là nối mạng Internet rộng rãi vào mọi giới sản xuất từ thành thị đến nông thôn để nắm bắt chính xác và kịp thời tình hình cung cầu trên thị trường thế giới chứ không thể cứ chạy theo sau như hiện nay. Việc áp dụng ngay các phương pháp tân tiến cũng phải đi trực tiếp đến người dân chứ không đi qua hệ thống chính quyền quá chậm. Chính quyền cần tổ chức để nền kinh tế Việt Nam kết hợp với các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á hoặc Nam Á trước, và dùng đó làm bàn đạp cũng như tư thế mặc cả để tiến vào kinh tế toàn cầu. Chính quyền cũng cần chuẩn bị những kế hoạch dùng một phần lợi nhuận kinh tế để nâng đỡ và huấn luyện nghề mới cho những thành phần bị ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế toàn cầu.

*****

Nhìn vào lịch sử thế giới, đặc biệt là những biến chuyển trong 2 thập niên qua, và những nỗ lực đấu tranh liên tục của người Việt Nam, ngày ra đi của chế độ độc tài CSVN chắc chắn sẽ phải xảy ra trong những năm tháng trước mặt. Tuy nhiên, hết độc tài không đương nhiên có nghĩa là đã có hạnh phúc cho dân tộc. Mục tiêu và khát vọng của người Việt Nam là một đất nước tự do, ấm no và phải có chỗ đứng ngang hàng với nhân loại. Đây quả là một mục tiêu khó khăn và đòi hỏi rất nhiều công sức. Chính vì vậy mà những gì có thể tiến hành vào lúc này để rút ngắn thời gian chuẩn bị hậu độc tài cần được khởi công ngay.

Hãy cùng biến những uẩn ức, ưu tư, và ước mơ cho đất nước suốt bao thế hệ thành những hành động cụ thể ngay từ thời điểm này !

Vũ Thạch

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Thông báo (trái) của cơ quan an ninh điều tra Hà Nội bắt tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh (phải) và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2. Ảnh: Sài Gòn Nhỏ

Tiếp tục giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, Hà Nội muốn nói điều gì?

Hà Nội đã im lặng hành động, thay cho một tuyên bố sắc lạnh, rằng các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân liên kết với nhau sẽ không có giá trị gì với bộ máy đàn áp đang có quá nhiều lợi thế. Trước sự sững sờ của mọi người, ngày 22/3, công an đã tới viện pháp y tâm thần để đưa quyết định kéo dài thời gian tạm giam thêm đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh, và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2.

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.