Tỷ Phú Đỏ

Ngô Nhân Dụng

Người giàu nhất Trung Quốc hiện nay là một phụ nữ mới 26 tuổi. Bà Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan) trở thành tỷ phú sau khi được thân phụ sang tên các cổ phần của công ty địa ốc do ông làm chủ. Gia tài của bà ước khoảng 17 tỷ rưỡi Mỹ kim. Trong khi công ty Aseana sẽ bán bớt các tài sản ở Kuala Lumpur để đầu tư thêm trong ngành xây dựng ở Việt Nam thì hàng trăm người Việt đang đi biểu tình khiếu kiện về đất đai bị chiếm đoạt. Những tin tức trên, từ Mã Lai Á, Việt Nam sang Trung Quốc có liên hệ gì với nhau hay không? Xem kỹ, tất cả đều liên can đến đất đai.

Nhà nghiên cứu Rupert Hoogerwerf đã lập danh sách các người giàu nhất ở Trung Quốc. Trong năm qua, tài sản trung bình của các đại gia trong lục địa đã tăng gấp đôi. Trong năm ngoái, số các tỷ phú tăng lên gấp bảy lần. Năm 2002 ông Hoogerwerf chưa thấy ai được coi là tỷ phú Mỹ kim. Năm ngoái, ông đã đếm được 15 tỷ phú. Năm nay, giới tỷ phú Trung Quốc đã đạt thắng lợi “vượt chỉ tiêu,” số người có tài sản trên một tỷ Mỹ kim, khoảng 8 tỷ nhân dân tệ, đã lên tới 106 vị. Bà Trương Nhân (Zhang Yin), tỷ phú hàng thứ nhì ở Trung Quốc đã 50 tuổi, kinh doanh trong công nghệ giấy và tái chế giấy, tài sản bà chỉ có 10 tỷ Mỹ kim. Nhưng người giàu thứ ba, ông Xu Rongmao, 57 tuổi, tài sản 7 tỷ rưỡi Mỹ kim, cũng kinh doanh ngành địa ốc.

Mấy năm nay, ông Hoogerwerf đã lập danh sách những người Trung Hoa giàu nhất Trung Quốc, không kể dân Hồng Kông. Tiêu chuẩn để ghi vào danh sách là tài sản phải từ 800 triệu nguyên trở lên (100 triệu Mỹ kim, nay là 105 triệu). Năm ngoái ông đếm được 500 người đạt chỉ tiêu, năm nay đã lên 800 người. Tổng số tài sản của các đại gia này khoảng 457 tỷ Mỹ kim, tính bình quân là 562 triệu Mỹ kim mỗi người. Bản báo cáo của ông Hoogerwerf nói tài sản các đại gia ở Trung Quốc tăng tăng 100 % trong một năm qua, tăng nhanh gấp mười lần tỷ lệ tăng trưởng 10% của GDP.

Tại sao một nước theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” lại có những nhà tư bản làm ăn khấm khá như vậy? Hiểu tình trạng bên Trung Quốc có thể sẽ tiên đoán được những gì sẽ xảy ra ở Việt Nam. Và cũng sẽ hiểu tại sao đồng bào của chúng ta cứ đi biểu tình hoài, biểu tình mãi, Ðảng và nhà nước cũng không bao giờ nhả đất đai ra. Vì đất đã biến thành vàng, và Ðảng và nhà nước nắm toàn quyền trên việc sử dụng đống vàng đó!

Ða số các nhà tư bản mới ở Trung Quốc khá lên nhờ đầu tư vào nhà đất. Trong số 20 người đứng đầu, đã có 13 người giàu nhờ kinh doanh đất đai và xây cất, trong đó có thân phụ bà Dương Huệ Nghiên. Làm cách nào họ được quyền khai thác đất đai, chỉ có Ðảng và nhà nước biết với họ.

Ðọc tin ở Trung Quốc, chúng ta phải liên tưởng đến mấy công ty địa ốc ở Malaysia, Mã Lai Á, họ đang tính sang Việt Nam làm ăn. Một công ty ghi tên trên thị trường chứng khoán London, Anh Quốc, đã lập quỹ đầu tư mang tên là Vinaland, có tên Vina trong đó vì chuyên đầu tư địa ốc ở Việt Nam. Một quỹ khác, Aseana đang làm chủ 5 dự án nhà cửa tại Malaysia, mới bán cổ phần gây thêm số vốn 162 triệu, hiện làm chủ các tài sản trị giá 242 triệu. Quỹ Aseana đã hùn vốn trong bảy dự án xây dựng ở Việt Nam, tổng số vốn 100 triệu đô la Mỹ. Họ đang bán bớt các tài sản cũ để trong tương lai sẽ có 60% đầu tư tại Việt Nam, chỉ còn 40% Mã Lai Á.

Công ty xây dựng Ireka đã làm ăn ở Malaysia cũng đang chuyển hướng sang Việt Nam khai thác đất đai. Ông Lai Voon Hon, chủ tịch Ireka, nói rằng Việt Nam là một thị trường rất béo bở trong việc xây dựng nhà cửa, xây cao ốc làm văn phòng, và các khách sạn lớn cỡ quốc tế. Ông Lai nói ông không lo ngại những vụ dân Việt Nam khiếu kiện khi đất đai của họ bị tịch thu hoặc trưng dụng. Vì ông tin tưởng là với “nghị định 84” buộc dân chúng phải nhường đất lại cho cán bộ Ðảng sử dụng, thì các công ty đầu tư địa ốc ngoại quốc sẽ được an toàn. Rủi ro rất thấp mà mức lời mỗi năm chắc chắn được vài chục phần trăm sau khi trả hoa hồng. Công ty Ireka quản lý các dự án này sẽ hưởng hoa hồng 2% trên tổng số tài sản, ngoài ra còn được chia 20% tiền lời nếu các dự án này lời trên 10 phần trăm. Các công ty Nhật Bản, Nam Hàn, Ðài Loan cũng đang đến Việt Nam đầu tư về địa ốc. Một năm Việt Nam có thể sẽ tiếp nhận 12 tỷ Mỹ kim đầu tư ngoại quốc, riêng khoản chi vào việc xây dựng cũng khối tiền! Những quan chức nào sẽ bảo trợ cho các vụ đầu tư này, chắc chắn sẽ được hưởng thứ hoa hồng khác.

Sau khi đọc bản tin về các nhà tỷ phú ở Trung Quốc làm giàu nhờ địa ốc, lại đến tin các nhà đầu tư chuyển từ Malaysia sang Việt Nam, chúng ta có thể đoán rằng những cuộc biểu tình khiếu kiện về đất đai của đồng bào ta chắc sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Hàng trăm đồng bào mình lại mới từ các tỉnh kéo nhau lên Sài Gòn kêu oan vì nhà, đất của họ bị các cán bộ nhà nước “chiếm” mà không bồi thường thỏa đáng. Họ đã kéo tới cả Thanh Minh Thiền Viện để kêu cứu với Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, nhưng đất đai là một nguồn lợi béo bở quá, đời nào các quan chức cộng sản chịu nhả ra!

Các đảng Cộng Sản ở Trung Quốc và Việt Nam vẫn giữ nguyên chủ trương không cho phép dân làm chủ đất, tất cả đất đai đều thuộc về nhà nước. Không phải là vì họ còn trung thành với chính sách tập thể hóa của Stalin, nhưng vì họ tin tưởng ở đồng tiền. Nắm được đất là nắm tiền. Ðảng Cộng Sản dùng nhà nước như một dụng cụ, giúp cho các cán bộ làm giàu. Do đó họ không cho tư nhân nào làm chủ đất. Nghị Ðịnh 84 là một “dụng cụ trấn lột” một cách có hệ thống, không thua gì đạo luật cải cách ruộng đất thời Hồ Chí Minh! Ngày nay các lãnh tụ Ðảng có tiến bộ hơn Hồ Chí Minh vì họ không giết nhiều người như thời cải cách ruộng đất. Họ đang điều khiển đảng Cộng Sản trong giai đoạn cuối cùng, giai đoạn giải thể.

Lịch sử những cuộc cách mạng cộng sản khắp thế giới đều bắt đầu bằng một vụ truất hữu và tịch thu toàn diện tài sản của người dân. Ðảng Cộng Sản thu các tài sản vào một mối, chia cho các đảng viên sử dụng. Làm ăn mãi chỉ thấy phá hoại, Ðảng phải thay đổi. Tới đoạn chót, các đảng Cộng Sản hoặc bị lật đổ hoặc bắt buộc phải “đổi mới,” là một quá trình làm ngược lại. Tài sản đang tập trung vào một mối lại được chia ra, phân phối cho nhiều người. Câu hỏi căn bản là: đem chia lại cho ai, chia như thế nào?

Ở các nước Ðông Âu, các lãnh tụ cộng sản nhượng bộ để chế độ dân chủ tự do được thiết lập, dân chúng nước họ được phép góp ý kiến vào việc tái phân tài sản qua thể chế dân chủ. Công việc tái phân phối thế nào cũng bị nhiều người lạm dụng, nhưng nhờ chế độ dân chủ, nhờ báo chí tự do, việc nhũng lạm cũng giảm bớt.

Các đảng Cộng Sản ở Trung Quốc và Việt Nam tham hơn, họ nhất định nắm chắc, giữ kỹ độc quyền chính trị. Họ không chấp nhận dân chủ hóa, để chính họ đóng vai tái phân tài sản.

Giản dị nhất là sau khi đã cướp hết tài sản toàn dân một lần rồi thì bây giờ đảng ta sẽ chia lại các tài sản đó cho chính các đảng viên. Trên hết là các lãnh tụ, sau các ngài rồi sẽ chia tới các cán bộ, theo thứ tự từ trên xuống.

Hình thức chia chác dễ dàng nhất là lấy ngay đất cát của quốc gia đem chia cho nhau. Báo chí trong nước đã khui ra vụ các quan chức tỉnh Bình Dương chia chác 70 mẫu đất, làm ồn lên một thời gian, cuối cùng lại êm vì dính nhiều quan lớn quá. Các quan trong tỉnh đã quy hoạch lại rừng cây kỹ nghệ để chia cho các cán bộ cao cấp, biến của công thành của riêng, chỉ cần làm giấy tờ chia chác xong là đất có chủ mới. Sau đó lại chính các quan trong tỉnh làm dự án lập khu công nghiệp ngay trên các miếng đất “tư nhân” này. Theo đúng quy hoạch, các quan chức được nhà nước bồi thường về đất đai của họ, dù chính họ được phát đất của nhà nước. Giá bồi thường do chính các quan ấn định với nhau, không thấy ai biểu tình phản đối cả. Thế là chỉ cần thay đổi mấy tờ giấy thôi, đóng mấy cái triện son, không cần làm gì khác, các quan chức trong tỉnh đã chia nhau mấy trăm triệu Mỹ kim. Bình Dương từng là đất khởi nghiệp của ông Chủ Tịch Nhà Nước Nguyễn Minh Triết. Cho nên khi báo chí khui vụ này ra, đảng Cộng Sản đã cho lập một ủy ban điều tra, ủy ban đó kết luận tất cả các vụ mua bán, chia chác trên đều hợp pháp! Chính họ làm ra luật pháp thì họ đâu cần làm việc gì sai pháp luật?

Trên đây chỉ là một vụ biến đất công thành đất tư để chiếm tài sản quốc gia một cách trắng trợn. Nhưng các quan chức còn hàng ngàn mánh khóa khác để làm giàu. Và một cách là ký giấy cho các công ty ngoại quốc đầu tư vào địa ốc, mỗi chữ ký đều đáng tiền cả. Theo thông lệ ở bên Trung Quốc, thì mỗi dự án, mỗi hợp đồng đều được cắt đứt 10 phần trăm cho các quan hưởng. Khi ông phó thị trưởng Bắc Kinh bị một nhà kinh doanh ngoại quốc công khai tố cáo, đảng Cộng Sản phải đưa ông ra tòa, người ta mới biết có một nhà thầu xây dựng cho Thế Vận Hội 2008 đã xây hẳn một biệt thự tối tân, tập trung các nàng hầu thiếp cho ông giải trí.

Những nhân vật trong tỉnh Bình Dương mới được báo chí nhắc đến tên lần nữa như ông Dũng Bình Vôi sẽ có ngày trở thành tỷ phú đô la, các ông bí thư tỉnh, bí thư huyện chắc phải thành công không kém. Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy còn nhiều người Việt lên hàng tỷ phú đô la không thua gì các đồng chí “Trung Quốc vĩ đại.” Chắc chắn sẽ có nhiều người trở thành tỷ phú nhờ biết khai thác đất đai cùng các nhà tư bản ngoại quốc. Quý vị “dân oan” đang đi biểu tình khiếu kiện ở Hà Nội và Sài Gòn hãy thử nhờ luật sư kiện, coi cái Nghị Ðịnh 84 nó nói gì mà được các nhà tư bản ngoại quốc nghiên cứu kỹ để họ được yên lòng bỏ tiền vào Việt Nam như vậy. Có đại biểu Quốc Hội nào biết cái nghị định đó nói gì không? Có ai đòi thay đổi hay hủy bỏ cái nghị định đó chưa? (Người Việt; Friday, October 12, 2007)

Ngô Nhân Dụng