Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam Chuẩn Bị Ra Mắt Tại Hoa Kỳ

RFA

Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam Chuẩn Bị Ra Mắt Tại Hoa Kỳ

(Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Sau khi Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, được coi là tổ chức trung ương, ra đời tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, đến lượt Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam ở Hoa Kỳ chuẩn bị ra mắt tại Washington với tôn chỉ hành động là yểm trợ và tranh đấu quyền lợi cho giới công nhân thợ thuyền trong nước.

Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này.
Tải xuống để nghe.

Mời quí vị theo dõi buổi mạn đàm với ba thành viên trong Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam ở Hoa Kỳ, gồm phó chủ tịch Nguyễn Cao Quyền, phó chủ tịch ngoại vụ Jackie Bông, tổng thư ký kiêm thủ quĩ Trần Nhật Kim. Bài do Thanh Trúc thực hiện.

Thanh Trúc: Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam tại Hoa Kỳ được thành lập lúc nào và mục đích?

Ông Nguyễn Cao Quyền: Tôi là Nguyễn Cao Quyền. Tôi xin trả lời. Sở dĩ chúng tôi phải thành lập UBBVNLĐVN tại Hoa Kỳ theo quyết định của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam trung ương tại Warszawa đựoc thành lập ngày 30-11-2006, trong mục đích bảo vệ người lao động Việt Nam.

Chúng tôi xin tóm tắt là có 5 điểm cần phải ghi nhận:

1. Lương bổng của người lao động Việt Nam quá thấp. Môi trường làm việc thiếu vệ sinh và không an toàn.
2. Người lao động Việt Nam bị đối xử tàn tệ, bất công, nhân phẩm bị chà đạp.
3. Ở Việt Nam không có bảo hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế cho người lao động.
4. Luật pháp Việt Nam không bảo vệ người lao động Việt Nam.
5. Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam không bảo vệ người lao động Việt Nam mà chỉ bảo vệ quyền lợi của giới chủ, quyền lợi của những người cộng sản Việt Nam.

Ông Trần Nhật Kim: Tôi là Trần Nhật Kim. Tôi xin nói thêm là đơn xin thành lập UBBVNLĐVN tại Hoa Kỳ được chấp thuận vào ngày 26-2-2007.

Bà Jackie Bông: Tôi là Jackie Bông. Tôi xin bổ túc là phần đông số người lao động là phụ nữ vì họ chiếm tỷ lệ cao hơn đàn ông trong thành phần dân số Việt Nam. Người lao động phụ nữ Việt Nam làm việc rất đông, trong đó có bà Trần Thị Lệ Hằng – một trong những người lãnh đạo của Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam mà không loan báo. Cho nên chúng tôi thấy rằng bổn phận của phụ nữ ở nước ngoài chúng tôi là phải bảo vệ quyền lợi của giới phụ nữ ở Việt Nam.

Thanh Trúc: Thế thì Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam tại Hoa Kỳ có sự liên lạc nào với các thành phần chủ trương bảo vệ người lao động ở trong nước không?

Ông Nguyễn Cao Quyền: Chúng tôi vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với những thành phần lao động trong nước. Như quý vị đã biết, ngày 20-10-2006 Công Đoàn Độc Lập được thành lập tại Việt Nam. Sau ngày đó chúng tôi thành lập Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Dộng Việt Nam trung ương đặt trụ sở tại Warszawa (Ba Lan).

Sau khi tổ chức này được thành lập thì chúng tôi đi vào hoạt động ngay. Hoạt động đầu tiên của chúng tôi là thành lập một website Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam gọi tắt là UBBV www.baovelaodong.com. Trang web này chỉ trong 12 tháng qua đã được rất nhiều người trong nước biết đến.

Trên trang web này chúng tôi có trưng dẫn nhiều tiêu chuẩn quốc tế về quyền lợi của người lao động để anh chị em lao động trong nước có thể so sánh với những quy định trong luật lao động ở trong nước đang chi phối người lao động Việt Nam. Rất nhiều người trong nước đã biên thư cho chúng tôi, đã gửi điện thư cho chúng tôi để hỏi hoặc yêu cầu chúng tôi làm cố vấn pháp luật cho họ.

Số người ở Việt Nam theo dõi việc làm của chúng tôi trên internet ngày càng đông. Chính tôi là người đã phải trả lời các câu hỏi của chính các anh chị em đó, vì tôi, ngoài chức vụ Phó Chủ Tịch của Ủy Ban ở Hoa Kỳ này cũng còn là cố vấn pháp luật cho Ủy Ban trung ương tại Warszawa.

Trong thực tế còn nhiều công tác khác chúng tôi đang làm. Có những công tác dài hạn mà kể ra đây thì rất nhiều, nhưng các công tác ngăn hạn như là giúp đỡ các cá nhân và gia đình người lao động ở Việt Nam khi họ hoặc bị thương tật hoặc bị bắt giam ở Việt Nam.

Bà Jackie Bông: Chúng tôi cũng giúp đỡ cho những nạn nhân trong vụ cầu Cần Thơ đang xây bị sập vừa qua. Các nạn nhân này phải được bồi thường theo luật Việt Nam cũng như theo luật lao động quốc tế, cho nên chúng tôi cũng có thêm một mục tiêu mới. Ngoài ra, các lãnh đạo của Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông tại Việt Nam đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam, bị tra tấn, v.v. thì chúng tôi muốn giúp đỡ gia đình họ, như ông Trần Quốc Hiền hay ông Cao Văn Nhâm.

Ông Nhâm thì đào thoát qua Cam Bốt. Những người lãnh đạo công đoàn độc lập tại Việt Nam bị bắt thì chúng tôi được biết là họ bị giam tại Trại B5 thuộc tỉnh Đồng Nai, vì có rất nhiều cuộc dình công liên tục ở Đồng Nai, ở Bình Dương. Trong tháng 3 năm nay có tất cả 35 vụ đình công, với 33 vụ xảy ra ở các công ty nước ngoài.

Ông Nguyễn Cao Quyền: Tôi xin bổ túc thêm tin tức về những người đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ là ông Nguyễn Tấn Hoành thuộc Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông. Ngoài ra các ông Lê Trí Tuệ và Cao Văn Nhâm hiện đang bôn ba tại Cam Bốt để tránh sự bắt bớ của nhà cầm quyền Việt Nam. Đây là những mục tiêu mà chúng tôi cần phải giúp đỡ.

Ông Trần Nhật Kim: Tôi là Trần Nhật Kim. Tôi muốn xin bổ túc thêm một chút nữa là anh Lê Trí Tuệ sau khi đã trốn sang Cam Bốt thì lại mất tích. Cho tới giờ phút này chúng ta không biết anh đang ở đâu và đời sống của anh như thế nào.

Bà Jackie Bông: Bây giờ bà Trần Thị Lệ Hằng, ông Đoàn Văn Chiên và Đoàn Hữu Chương đang bị nhà cầm quyền Việt Nam cố tình bỏ quên trong trại giam B5 ở Đồng Nai.

Thanh Trúc: Được biết Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam tại Hoa Kỳ dự định tổ chức một buổi gây quỹ để, như theo lời bà Jackie Bông, trước mắt sẽ giúp đỡ gia đình các nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ và sau đó để yểm trợ những công nhân đình công nhằm bảo vệ quyền lợi của họ ở trong nước. Xin nói rõ về dự tính này ạ.

Ông Nguyễn Cao Quyền: Chúng tôi sẽ có một bữa gây quỹ vào ngày 16 tháng 11 săp tới. Số tiền gây quỹ, theo như dự định của chúng tôi, thứ nhất là gửi về giúp nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ mà theo tin tức thì có 53 người chết là các công nhân xây cầu. Gia đình của họ rất là nheo nhóc.

Còn phần khác thì chúng tôi gửi về nước để yểm trợ các gia đình những người đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ như anh Nguyễn Tấn Hoành, chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, ông Đoàn Hữu Chương, bà Nguyễn Thị Tuyết thuộc Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, và những người như anh Lê Trí Tuệ, ông Cao Văn Nhâm nếu chúng tôi liên lạc được thì chúng tôi cũng giúp đỡ.

Bà Jackie Bông: Tại buổi gât quỹ ngày 16 tháng 11 tới đây chúng tôi cũng có mời các nhân vật trong chính quyền, trong AFC-CIO (Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Hoa Kỳ).

Thanh Trúc: Bộ Lao Động Hoa Kỳ phải không ạ?

Bà Jackie Bông: Dạ, cả Bộ Lao Động Hoa Kỳ nữa. Và những nhân vật trong Quốc Hội, những người bạn ngoại quốc ngưòi Mỹ và rất nhiều người Việt Nam tham gia. Chúng tôi mong quý vị này ý thức được vai trò của Hiệp Hội lao động bên Việt Nam mà những người của tổ chức này đang bị bắt giam chỉ vị họ nói lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi của người lao động trong nước.

Thanh Trúc: Có một câu hỏi xin mạn phép được nêu lên với quý vị là nhà nước Việt Nam vốn nhạy cảm với vấn đề nhận tiền từ nước ngoài. Họ cho rằng như vậy là cấu kết với các thành phần phản động ở nước ngoài, hoặc là nhận tiền ở bên ngoài để phát động trong nước làm mất an ninh trật tự trong nước. Quý vị nghĩ sao? Nếu quý vị lên tiếng như thế này thì liệu có hại cho hiệp hội bảo vệ người lao động trong nước hay không?

Ông Nguyễn Cao Quyền: Ở trong nước chính quyền muốn nghĩ thế nào thì nghĩ vì họ thừa biết là họ không giúp đỡ những nạn nhân của họ vì lý do chính trị. Chẳng lẽ vì lý do chính trị mà người Việt hải ngoại vì vấn đề đó mà không có hành động gì để trợ giúp.

Thanh Trúc: Nhưng mà chính vì sự trợ giúp đó lại gây khó khăn cho chính những người trong nước được giúp đỡ.

Bà Jackie Bông: Dạ thưa, những người ở trong nước tự họ đã thành lập ra Hiệp Hội, như thế là họ có can đảm chấp nhận sự trù dập của chính quyền và họ có thể phải hy sinh mạng sống của họ nữa. Điều đó chứng tỏ tinh thần quả cảm của họ. Cho nên chúng tôi ở bên ngoài chỉ yểm trợ họ mà thôi. Sự nguy hiểm thì họ đã chấp nhận rồi.

Thanh Trúc: Câu hỏi này xin nêu lên với ông Trần Nhật Kim, Tổng Thư Ký và cũng là Thủ Quỹ của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tất cả những buổi gây quỹ quyên giúp để giúp đỡ những ngưòi bị nạn trong nước đều bị người ở ngoài thắc mắc là làm thế nào, bằng cách nào chuyển tiền đến tận tay người nhận mà không gây nguy hiểm cho họ.

Ông Trần Nhật Kim: Thật ra vấn đề gửi tiền về giúp đỡ các nạn nhân hoặc các công nhân trong nước có rất nhiều điều phức tạp. Điểm thứ nhất là chúng tôi không thể công khai hoá tên của họ được là vì để bảo toàn sự an ninh cho họ. Tuy nhiên, tất cả hồ sơ gửi tiền cũng như tất cả các biên nhận hoặc số tiền họ nhận là bao nhiêu thì chúng tôi đều có bằng cứ và khi cần thì chúng tôi sẽ phổ biến. Nhưng trong hiện tại thì chúng tôi không thể công khai hoá vấn đề này vì sự an ninh của người nhận.

Thanh Trúc: Hồi nãy bà Jackie Bông có nêu lên vấn đề là hiện nay công nhân trong nước đã tổ chức những cuộc đình công. Chuyện đó xảy ra phần lớn ở các công ty có vốn nước ngoài hay công ty do người nước ngoài làm chủ. Duới cái nhìn của quý vị, phải chăng những người ở nước ngoài đến Việt Nam làm ăn thì họ đã coi thường sức lao động rẻ của người Việt Nam. Họ có những cư xử như vậy chăng? Ý kiến của quý vị như thế nào để cải thiện tình trạng đó?

Ông Nguyễn Cao Quyền: Theo thống kê, từ năm 1995 đến năm 2007 ở Việt Nam đã xảy ra 1500 vụ đình công. Mới đầu những vụ đình công xảy ra tại các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng trong những năm gần đây các vụ đình công cũng xảy ra trong các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân. Họ đình công vị bị trả lương chậm, bị trả lương thấp, định mức lao động cao, và bị xúc phạm nhân phẩm. Những vấn đề này đáng lẽ phải có công đoàn độc lập để bênh vực cho họ vì tổ chức Tổng Liên Đoàn Việt Nam của nhà cầm quyền đã ăn rơ với các xí nghiệp nên không bênh vực cho quyền lợi của công nhân.

Ngoài ra, đạo luật lao động năm 1994 rất thiếu sót và làm theo ý múôn của những người chịu trách nhiệm về lao động của nhà nước Việt Nam. Bản thân của đạo luật này rất thiếu sót thì những bộ luật bổ tức năm 2202 và 2006 còn gây khó khăn thêm cho người lao động Việt Nam về quyền lợi của họ cũng như quyền của họ được đình công.

Mới đây, nghị định 122 của thủ tướng hiện tại đưa ra những lý do công ích và lý do vai trò thiết yếu của xí nghiệp để cấm đình công.

Thanh Trúc: Ý ông muốn nói cái nghị định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra những thành phần lao động hay là những xí nghiệp, những công ty mà công nhân ở đó không được phép đình công, có phải không ạ?

Ông Nguyễn Cao Quyền: Vâng. Danh sách của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra các công ty không được phép đình công. Nếu nghiên cứu kỹ thì đây là danh sách những công ty do đảng cộng sản Việt Nam làm chủ. Ví dụ Công ty phát hành báo chí của trung ương cũng bị cấm đình công. Nếu trong vài ngày mà công nhân của công ty này đình công thì nền kinh tế Việt Nam có sụp dổ không? Làm sao mà sụp dổ được! Tất cả những chuyện đó cho thấy rõ ràng luật pháp tại Việt Nam không bảo vệ người lao động.

Trong thực tế, Tổng Liên Đoàn Lao Động ăn lương nhà nước và chẳng những bênh vực giới chủ mà lại còn bênh vực chính quyền. Thực trạng này cho thấy người lao động Việt Nam bị bơ vơ cho nên phải có người hiểu biết tranh đấu cho quyền lợi của họ và giúp đỡ họ trong thực tế. Đó là nhiệm vụ mà Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam do người Việt hải ngoại tự nhận trách nhiệm để làm công việc đó.

Bà Jackie Bông: Xin nói là mới đây, vào tháng 5-2007, Bộ Lao Động Thưong Binh & Xã Hội đã ra nghị định cưỡng bách công nhân trở lại làm việc khi họ đình công. Nhà cầm quyền Việt Nam luôn hô hào giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo thì không hiểu có mâu thuẫn hay không khi họ lại đàn áp giới công nông? Người Việt hải ngoại làm sao chịu được những bất công đó đối với đồng bào của mình trong nước?

Ông Trần Nhật Kim: Sở dĩ công nhân bị ép buộc trong những hoàn cảnh thật khó khăn vì người đại diện cho Tổng Liên Doàn Lao Động Việt Nam cấu kết với chủ công ty để bóc lột sức lao động của chính công nhân của mình.

Bà Jackie Bông: Công nhân Việt Nam làm việc với 1 đồng, 2 đồng đôla một ngày, thật là quá rẻ. Làm cả ngày 8 tiếng, có khi bị bắt buộc phải làm việc 12 tiếng mà lại không có tiền phụ trội cho nên rất nhiều công ty quốc tế ồ ạt đổ vào Việt Nam để lợi dụng được giá nhân công rẻ. Trong khi đó người công nhân lại chịu thiếu thốn mọi bề, đồng lương đó chẳng những không đủ cho họ bồi duỡng để tái hồi phục sức lao động mà còn không giúp đỡ được cho chính gia đình của họ nữa.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông Nguyễn Cao Quyền, bà Jackie Bông, và ông Trần Nhật Kim đã góp tiếng trong buổi mạn đàm ngày hôm nay về Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.