Vài Suy Nghĩ Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền

Phạm Phú Đức

Nhân ngày quốc tế nhân quyền (10/12) lần thứ 48, kỹ sư Đỗ Nam Hải và giáo sư Nguyễn Chính Kết được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao tặng Giải Nhân Quyền 2006. Cách đây hơn một tháng (5/11), Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, đã được Hiệp Hội Rafto trao Giải Nhân Quyền 2006 tại cố đô Bergen, Na Uy. Nói chung, khá nhiều người Việt trong vài thập niên qua đã là những nhà tranh đấu cho nhân quyền được thế giới biết đến. Đặc biệt, từ năm 1999 đến nay, Hòa Thượng Thích Quảng Độ đều được đề cử giải Nobel Hòa Bình, và Ngài từng khẳng định rằng đoạt giải Nobel hay không không quan trọng, điều quan trọng là thế giới không quên Việt Nam.

Trong nỗi niềm suy tư về đất nước, chúng ta có bao giờ tự hỏi: nên vui, hay buồn, khi nghe tin một hay nhiều người Việt Nam được trao giải nhân quyền? Bởi rằng, một mặt, các giải thưởng nhân quyền của người Việt hay quốc tế có chức năng quan trọng trong việc tố cáo sự chà đạp nhân quyền đã và đang diễn ra, và những người nhận giải thưởng đều là những tấm gương dấn thân vì lý tưởng cao đẹp, cho nên còn gì chính đáng hơn. Mặt khác, chính những người này đã phải trả giá rất đắt cho niềm tin và lý tưởng của mình bằng nhiều năm tù đầy. Cho nên ngày nào không còn người Việt nào nhận được giải thưởng nhân quyền vì tranh đấu cho Việt Nam, thì ngày đó không phải là diễm phúc cho dân tộc sao? Chúng ta không cần giải thưởng, chỉ cần thấy sự chấm dứt mọi vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và trên thế giới. Thử nghĩ, trong tương lai không xa khi Việt Nam được tự do dân chủ thật sự, những tấm gương dấn thân hiện nay vẫn tiếp tục góp phần tranh đấu cho nhân quyền ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở những nơi nạn độc tài còn ngự trị, thì hành động đó cao thượng và hãnh diện cho người Việt biết chừng nào!

Về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, thì vào năm 2005, “Sách Trắng về Nhân Quyền…” do Bộ Ngoại Giao Cộng Sản Việt Nam phổ biến đề cao các thành tựu về việc thực hiện và thúc đẩy quyền con người. Tuy nhiên, trên thực tế, ai nấy đều biết rằng chỉ có một thiểu số gồm lãnh đạo và đảng viên được hưởng các đặc quyền không khác gì thứ bất khả xâm phạm. Còn đối với đại đa số người dân thì, tính từ 1986 đến nay, quyền con người được ‘bảo vệ’ bởi 13 ngàn văn bản pháp luật các loại, trong đó có hơn 40 bộ luật và luật, trên 120 pháp lệnh, gần 750 văn bản của chính phủ, và trên 3 ngàn văn bản của các bộ, ngành… Thế nhưng, cách đây 3 năm, Đại úy công an Hàn Văn Khanh khuyến cáo ông bà Hà Sĩ Phu cuối năm 2003 khi vừa mới đi chữa bệnh từ Hà Nội về: “Bất cứ công dân nào, đi khỏi nhà một ngày là phải có phép của công an, công an không cho phép, không ai được đi !…” Quyền tự do tối thiểu như đi lại mà còn chưa được tôn trọng thì nói gì đến các thứ quyền chính trị khác. Trong nhiều tháng qua kể từ khi khối 8406 được thành lập và công khai thách thức chế độ, bao nhiêu nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam đã bị ngược đãi, trù dập, khủng bố, sách nhiễu bằng đủ mọi hình thức kém văn hóa, đặc biệt bị cản trở đi từ nơi này sang nơi khác, liên tục bị công an hỏi cung, có khi bị hành hung… Xã hội Việt Nam tràn đầy các vấn nạn gây bức xúc, vậy thì sao công an rãnh rỗi đi gây khó khăn cho người dân thay vì dồn nỗ lực bảo vệ an ninh cho đúng chức năng của mình!

Mặc dầu ít nhiều cảm thấy hổ thẹn và bị sỉ nhục bởi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp chính người dân của mình, những ai quan tâm không thể làm ngơ và lặng căm trong việc tố cáo hành động sai trái này trước dư luận quốc tế, bởi rằng nhân quyền là một giá trị phổ quát không phân biệt màu da, tôn giáo chính kiến, sắc tộc v.v… Do sự vận động mạnh mẽ này mà trong nhiều năm qua, quốc hội Âu Châu, Hoa Kỳ, Úc và các tổ chức nhân quyền trên thế giới đã nhiều lần lên tiếng tố cáo sự vi phạm tại Việt Nam. Năm trước, vào ngày 1/12/2005, “Quyết Nghị về tình trạng Nhân quyền tại ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam” được toàn thể 730 vị Dân biểu thuộc Quốc hội Châu Âu đồng thanh thông qua tại thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, tố cáo nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí… Ngày 30/5/2006, 50 dân biểu quốc hội Hoa Kỳ cam kết sát cánh ủng hộ các nhà dân chủ trong khối 8406: “…sự can đảm và quyết tâm của quý vị để bảo vệ tự do của con người bằng những phương tiện bất bạo động là tấm gương sáng cho người dân cả nước, cho chính chúng tôi và cho toàn thế giới.” Mới vừa qua, ngày 6/12, nhiều dân biểu và thượng nghị sĩ của quốc hội Úc tại Canberra đã ký tên vào lá thư ngỏ hỗ trợ tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, đặc biệt Tuyên Ngôn Dân Chủ của Khối 8406. Tất nhiên, Bộ Ngoại Giao Việt Nam hay các Toà Đại Sứ của họ trên thế giới rất dị ứng với các sự kiện này, nên đã không ngần ngại ngăn cản, phản đối mỗi khi đụng tới ‘nọc độc’ của họ, dù có những lúc phản ứng một cách thiếu hiểu biết và kém cõi, như trường hợp của ông Trần Văn Hinh tại Canberra vừa rồi.

Khi nghe tin ‘quốc tế’ hiểu, thông cảm và hỗ trợ công cuộc đấu tranh vì tự do nhân quyền, ai trong chúng ta không lấy làm cảm động. Nhưng, mặc dầu nhân quyền là giá trị thiêng liêng được Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1948, và ngày hôm nay được hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả Trung Quốc và Việt Nam, cam kết thi hành, thế nhưng trong chủ trương bang giao quốc tế, quyền lợi quốc gia vẫn là trên hết, và nhân quyền đôi khi trở thành một món hàng để mặc cả với nhau. Điển hình là tại Việt Nam, tình trạng đàn áp tôn giáo, nhất là đối với các vị lãnh đạo tinh thần, thì khá hiển nhiên, nhất là khi một tổ chức như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chưa được phục hoạt. Vậy mà ông đại sứ Hoa Kỳ John V. Hanford cho rằng Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trên mặt tôn giáo để biện bạch cho việc rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách ‘những quốc gia cần đặc biệt quan tâm’ (CPC). Hòa Thượng Thích Quảng Độ nhìn vấn đề này rất rõ khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ quyết định rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, trước khi Tổng Thống George W Bush đến Việt Nam tham dự hội nghị APEC. Trả lời phỏng vấn trên đài Á Châu Tự Do (15- 16/11/2006), Hòa Thượng nói: “CPC chỉ là một món hàng người Mỹ đặt ra để đòi hỏi, để trả giá với nhau. Trước kia, Hà Nội chưa trả giá đúng mức thì họ chưa đưa ra. Bây giờ đã đúng mức đòi hỏi, thì họ đưa ra thôi. Chứ đâu phải họ đặt cái CPC vào đó để vì thật tâm giúp các tổ chức tôn giáo đang bị Cộng sản đàn áp!”

Tháng trước, Quan Hệ Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn (PNTR) không đạt túc số 2/3 phiếu thuận cần thiết tại quốc hội Hoa Kỳ (13/11). Một sự kiện xảy ra ngoài sự dự đoán của nhiều người. Dù đảng Dân Chủ chiếm đa số tại Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ trong kỳ bầu cử tháng 11 vừa qua, nội các chính phủ Bush (đảng Cộng Hoà), kể cả Ngoại Trưởng Condoleezza Rice, đều cam đoan, và trấn an, với nhà cầm quyền Việt Nam rằng quốc hội rồi sẽ thông qua mà thôi. Lý do để tin chắc, một phần có thể vì quốc hội hiện nay là do đảng Cộng Hòa chiếm đa số, nhưng phần khác, dù quy chế PNTR có được đưa ra biểu quyết vào năm tới khi đảng Dân Chủ chiếm đa số ở cả hai viện, thì xác xuất được thông qua là gần như chắc chắn. Bởi rằng, quy chế PNTR có được thông qua tại quốc hội hay không, chủ yếu là dựa trên tiêu chuẩn đánh giá sự tương quan quyền lợi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, mà trong đó, nhân quyền không phải là yếu tố quan trọng mang tính quyết định, và khi cần, có thể bị hy sinh, để đạt mục tiêu thực tiễn (realism) đối với Tòa Bạch Ốc tại Washington DC.

Dù sống trong sự kiềm kẹp khắt khe, thân thể thì bị bủa vây nhiều vòng, nhưng mọi nỗ lực của nhà cầm quyền CSVN trong việc khống chế (tư tưởng) Hòa Thượng Thích Quảng Độ trong nhiều thập niên qua chỉ chứng minh rõ ràng một điều: thất bại. Qua cuộc phỏng vấn với RFA nói trên, Hòa thượng Thích Quảng Độ khẳng định rằng: 1) GHPGVNTN không đặt sự tồn vong vào CPC, mà vào giữa lòng dân tộc Việt Nam; 2) ai (thế lực quốc tế) giúp cho công cuộc chung này cũng được, giúp thì cám ơn, không thì dân tộc Việt Nam phải biết tự bảo vệ mình; 3) không thể ngồi chờ sung rụng mà phải đoàn kết để chung vai hành động với nhau; 4) phải chứng tỏ sức mạnh toàn dân bằng hành động cụ thể, nếu không thì đừng mong có tự do dân chủ…

Tự do, dân chủ và nhân quyền không tự nhiên mà có, phải đấu tranh, và kể cả hy sinh, mới có. Cũng không thể có tự do đúng nghĩa trong chế độ độc tài. Mà đã là độc đảng thì làm gì có dân chủ! Mà đã không dân chủ thì làm sao nhân quyền được tôn trọng! Do đó, chỉ khi nào chính người dân đứng lên giành lấy nhân quyền, xây dựng dân chủ, thì chính họ sẽ được tự do. Tự do của kẻ khác ban cho thì cũng có thể bị tướt đoạt bởi bất cứ ai và bất cứ lúc nào. Cho nên, hãy bắt đầu cuộc đấu tranh cho nhân quyền bằng sự đấu tranh cho tự do của chính mình vậy.

Melbourne 10/12/2006