Vấn Đề Khiếu Kiện Đất Đai Đang Tạo Sức Ép Đáng Kể Lên Đảng CSVN

Sáng ngày 15 tháng 8 năm 2005, khi nghe tin có đoàn kiểm tra tình hình thi hành luật Đất đai đến làm việc với sở Tài nguyên Môi trường của thành phố Vũng Tàu đồng bào đã ùn ùn kéo đến để yêu cầu đoàn kiểm tra phải giải quyết về những bất công liên quan đến việc trưng dụng đất đai mà không bồi thường thỏa đáng của chính quyền địa phương. Được biết hiện nay hơn 680 hectare (mẫu) đất đai của dân chúng bị chính quyền Vũng Tàu trưng thu để thực hiện 84 dự án, ảnh hưởng đến 7.823 gia đình nhưng số gia đình được bố trí tái định cư chỉ vỏn vẹn 545 gia đình.. Lãnh đạo thành phố Vũng Tàu vẫn cường điệu tuyên bố rằng bất cứ một dự án nào khi triển khai đều công bố ra cho dân biết, sau khi áp giá đền bù xong đưa cho dân xem lại nên ít có trường hợp người dân khiếu nại. Nếu có thì cán bộ khi đứng ra giải quyết không bao giờ nạt nộ dân… Ngay chính ông Nguyễn Khải, Trưởng đoàn kiểm tra số 1, cũng không nghe lọt tai về những lời giải thích đó nên đã bảo rằng: “Nói như các anh thì chỗ nào cũng tốt. Vậy sao hàng trăm người dân phải mất công, mất việc đến gặp đoàn?. Nghe các anh nói tôi càng băn khoăn.”

Ông Lê Viết Dũng là một nạn nhân điển hình bị chính quyền địa phương trưng thu đất đai một cách bất công. Trước đây ông gia đình ông Dũng cư ngụ tại ấp Thanh Bình 2, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa, Vũng Tàu) đã bị Ủy ban nhân dân xã thu hồi 554 mét vuông vào năm 1993 với lý do đất nằm trong quy hoạch xây chợ Bình Châu. Gia đình ông Dũng phải bồng bế nhau đi ở nhờ. Một năm sau, ông Dũng thấy xã chỉ xây chợ một nửa diện tích thu hồi, nửa còn lại xã đem phân lô bán. Ông Dũng khiếu nại nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.

Ở Long An, Ủy ban nhân dân tỉnh cho rằng nhìn chung thì tình hình khiếu nại, tranh chấp đất hiện nay trên tòan địa bàn tỉnh không còn điểm nóng. Thế nhưng ngay tờ mờ sáng ngày 15 tháng 8 có hàng trăm người dân ở khắp nơi trong tỉnh đã kéo về hội trường UBND tỉnh để gởi đơn khiếu kiện cho đoàn công tác kiểm tra số 12 do ông Võ Tư Can làm trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra số 6 của ông Phạm Ngọc Chuyển đã được UBNH tỉnh Kiên Giang báo cáo là việc quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đai trong địa hạt tỉnh nhà còn chậm, một số nơi quản lý còn lỏng lẻo; việc cá nhân, tổ chức bao chiếm đất không được phát hiện và giải quyết kịp thời, giao cấp đất sai thẩm quyền, không đúng đối tượng… Sau khi đọc xong ông Chuyển chỉ nhận xét về cách làm việc của chính quyền tỉnh Kiên Giang như sau: Một số quyết định, chỉ thị của UBND tỉnh cần phải được xem xét lại, vì nếu viết như thế này thì sai luật rồi.

Tại tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Cao Sang (Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường) nói rằng không có nhiều đơn khiếu kiện của người dân liên quan đến vấn đề trưng dụng đất đai. Chỉ có một số vấn đề chưa giải quyết còn tồn đọng là giá bồi thường giải phóng mặt bằng thấp hơn giá thị trường, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo quy định. Ông Sang còn thú nhận rằng hiện có 101/ 284 xã có cán bộ chưa được đào tạo các vấn đề liên quan đến luật đất đai.

Tại Thừa Thiên – Huế, người dân rất bức xúc vì chính quyền tùy tiện thu hồi đất đai. Theo tờ Tuổi Trẻ thì chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ mà đoàn kiểm tra đã nhận được 20 đơn kiến nghị, khiếu nại liên quan đến đất đai. Vượt hàng chục cây số từ thôn La Khê, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, bà Võ Thị Tám (76 tuổi) là một trong những người có mặt rất sớm tại trụ sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thừa Thiên. Bà Tám có bảy sào đất khai hoang, có trích lục hẳn hoi, đã sử dụng hơn 40 năm nay, thế mà vào ngày 12 tháng 8 năm 2005, phòng Tài nguyên Môi trường huyện và UBND xã Thủy Bằng đã cho xe máy cày càn ủi đất đai lẫn hoa màu mà không có một tờ giấy thu hồi, đền bù nào cả.

Ông Nguyễn Hòa Diệp cư ngụ tại số 348/ 1 đường Bạch Đằng, thành phố Huế, cho biết cha của ông là chủ mảnh đất 2.900 mét vuông ở thôn Lê Xá Đông, xã Phú Lương, huyện Hương Thủy. Mảnh đất này từng là nơi ông Diệp sinh sống, sau khi chuyển lên sống ở thành phố ông đã giao cho người cháu canh giữ, trồng cây cối… Theo lời ông, “Cách đây hai năm chúng tôi xây bia để tưởng niệm cho cha mình thì một vị lãnh đạo của xã Phú Lương đã cho người tới đập phá. Chúng tôi kêu cứu về huyện, huyện không giải quyết thỏa mãn. Chúng tôi lên tỉnh, tỉnh bảo ra bộ Tài nguyên Môi trường, chúng tôi ra Hà Nội đến bộ thì bộ bảo đây là việc của chính quyền địa phương chứ không phải của bộ.”

Hành động đứng lên đòi lại đất đai, ruộng vườn của mình bị chính quyền trưng thu một cách tùy tiện mà không đền bù xứng đáng ngày càng nhiều, cho thấy là vấn đề đất đai khó có thể giải quyết, dù rằng CSVN đã đưa ra không biết bao nhiêu luật lệ, chỉ thị. Sự kiện này người ta có hai loại giải thích. Một là Cộng sản Việt Nam không hề có chính sách giải quyết các vụ khiếu kiện đất đai mà hoàn toàn thả nổi vì không thể nào lấy nhà hay đất đai từ trong tay cán bộ đã cưỡng đoạt trước đó, để trả lại cho dân. Làm như vậy sẽ tạo ra những bất mãn trong nội bộ đảng. Hai là Cộng sản Việt Nam không có khả năng giải quyết rốt ráo vấn đề vì chính trong bộ phận lãnh đạo thiếu sự nhất quán trong các chính sách ruộng đất nên mới kéo dài sự lùng bùng trong gần 2 thập niên qua.