Tôi đã nghĩ nhiều về vấn đề văn hóa gốc nguồn và bổn phận kép của người Việt hải ngoại và có hân hạnh đem ra trình bày hôm nay từ sau khi gặp một sinh viên xin chữ ký ủng hộ cha Nguyễn Văn Lý. Tôi đã khen người này và hỏi cô tại sao lớn lên ở hải ngoại mà lại quan tâm đến những vấn đề Việt Nam? Cô trả lời “cháu không biết làm sao giải thích!”. Và nói có nhiều người ngoại quốc cũng hỏi câu này, làm cháu băn khoăn. Nghe cô nói thế, tôi cảm thấy có nhu cầu phải nói về một vấn đề quan trọng tiềm ẩn trong mọi người mà không nói ra được. Đó là vấn đề văn hóa gốc nguồn.
1. Những mô tả và định nghiã về văn hóa
Khi nói về văn hóa các tác giả Việt Nam đều nói về cái hay cái đẹp của văn hóa. Trong tự điển Thiều Chửu chữ “văn” được định nghiã là “cái dấu vết do đạo đức lễ nhạc giáo hóa mà có vẻ đẹp rõ rệt” như văn minh, văn hóa. Chữ “hóa” là cảm hóa. Chuyển di tính chất, cải lương dân tục gọi là hóa. …”. “Lấy ân nghĩa mà cảm gọi là đức hóa, lấy lễ giáo mà cảm gọi là văn hóa”. Trong bài “Văn hóa là gì”, giáo sư Nguyễn Vô Kỷ đã định nghĩa văn hóa như sau: “Từ ngữ văn hóa là một tiếng Tàu đọc theo giọng Việt, tức tiếng Hán Việt. Nó gồm chữ văn nghĩa là đẹp, hay, khéo léo, và chữ hóa nghĩa là thay đổi, biến đổi. Nói chung thì: Văn hóa là tất cả những cái gì đã được làm thành đẹp, tốt, hay.” . Giáo sư Kỷ đã khai diễn thêm: “Văn hóa là sự lựa chọn cái đẹp, cái hay giữa những gì con người tìm thấy trong thiên nhiên, và sự lưạ chọn này có ý thức”… “Mỗi cộng đồng có một văn hóa cho phép nó phân biệt với cộng đồng khác”… Và “Văn hóa được gắn liền với dân tộc. Một dân tộc sẽ biến mất nếu văn hóa của nó bị mất vì sẽ không còn gì để định nghiã và nhận diện nó nữa”. Giáo sư Kỷ đã nêu ra một số những đặc thù tốt đẹp của văn hóa trong bài viết trên là để phản bác lại thái độ phi văn hóa, phản văn hóa của độc tài, áp bức tư tuởng nói chung và chủ nghĩa Cộng sản đại đồng vô sản với văn hóa “xô viết” nói riêng. Trước giáo sư Nguyễn Vô Kỷ cũng có một số bài của vài tác giả viết về văn hóa, nêu lên những nét tốt đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam để so sánh với sự suy đồi của văn hóa dưới chế độ độc tài Việt cộng. Rồi từ đó kết luận rằng vì hải ngoại có tự do nên có bổn phận chú tâm bảo tồn văn hóa ở hải ngoại để văn hóa truyền thống không bị mai một.
Định nghĩa văn hóa như là “hay, tốt, đẹp” không phải là sai nhưng chỉ là “nửa sự thật” và có tính phán xét. Sự phán xét này nếu không là chủ quan sai lầm thì cũng chỉ có giá trị ở một khoảng thời gian hay không gian nhất định. Thực thế, những điều coi là tốt đẹp ở một xã hội vào một giai đoạn có thể bị coi là không tốt đẹp hay là xấu xa, tồi tệ ở một xã hội khác, một giai đoạn khác. Ta có thể tìm thấy không biết bao nhiêu là dẫn chứng cụ thể trong thực tế.
Học giả Đào Duy Anh có một định nghĩa ngắn gọn và khách quan về văn hóa, không ăn nhập gì với nguyên nghĩa chữ văn và chữ hóa như là tự điển Thiều Chửu: “Hai tiếng văn hóa chỉ chung các phương diện sinh hoạt của loài người. Văn hóa tức là sinh hoạt. Vì rằng các sinh hoạt của các dân tộc không giống nhau nên văn hóa các dân tộc khác nhau….” Định nghĩa này rất gần với những định nghĩa trong sách vở hay tự điển Tây phương. Hãy lấy một định nghĩa trong tự điển The American Heritage dictionary để so sánh: Văn hóa (culture) là “toàn bộ những mô thức hành xử truyền đi trong xã hội, nghệ thuật, tín ngưỡng, định chế và tất cả những thành phẩm khác của việc làm và tư tưởng con người đặc thù của một cộng đồng hay một dân tộc.” (the totality of socially transmitted behavior patterns, arts, beliefs, institutions, and all other products of human work and thought characteristic of a community or population). Ta nhận thấy không có nói gì “hay, đẹp, tốt” trong những định nghĩa này.
Các sinh hoạt đời sống vốn dĩ thay đổi tuỳ theo trình độ phát triển của con người và của môi trường cho nên văn hóa thay đổi tuỳ theo không gian và thời gian, và là đặc thù của mỗi tập thể. Sự thay đổi này là điều không thể tránh. Như trong câu cách ngôn “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”, hay như lời Án Tử đi sứ đối đáp với vua Sở “cây quít ở phía Nam sông Hoài thì ngọt, ở phía Bắc sông Hoài thì chua”. Thực tiễn cho thấy rõ người Việt miền Bắc dưới chế độ Cộng sản hành xử khác với người Việt ở miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà, dù là cùng máu huyết ruột thịt trong gia đình; người vượt biển khác với người HO hay đoàn tụ; người Việt ở Nhật khác với người Việt ở Mỹ, ở Pháp vân vân…
Do đó có thể nói rằng những biểu hiện văn hóa Việt Nam hải ngoại hiện nay là văn hóa Việt Nam của thời điểm bỏ nước, pha trộn với những đặc tính sinh hoạt điạ phương định cư. Trong nước, những biểu hiện văn hóa là pha trộn của tất cả những đặc thù xấu cũng như tốt của các chế độ Việt Nam Cộng Hoà, Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam, chủ nghiã tiêu thụ và tư bản mới xâm nhập vân vân. Vì những đặc thù này biểu hiện ra trong các mặt sinh hoạt tại Việt Nam, cho nên dù xấu hay tốt thì cũng là văn hóa Việt Nam. Cần nhận định rõ rằng là ta có thể không công nhận chế độ chính trị Cộng sản, nhưng ta không thể bảo lối sống, cách hành xử, nói tóm lại là dân phong, dân khí, dân trí trong nước không phải là Việt Nam, dầu tệ mạt cách nào, theo đánh giá chủ quan của ta.
Nếu văn hóa một cách tự nhiên thay đổi theo không gian và theo thời gian như thế thì văn hóa gốc nguồn là gì? Và có thực là hiện có một văn hóa gốc nguồn (hay truyền thống) Việt Nam hay không?
2-Văn hóa gốc nguồn và Văn hóa gốc nguồn Việt Nam
Đã hiểu văn hóa là sinh hoạt, thì cũng phải hiểu văn hóa gắn liền với con người. Bản chất con người sinh ra được định đoạt bởi những nhân di truyền (genes). Con người sơ sinh này gọi là con người di truyền (genotype). Tùy theo hoàn cảnh sống và giáo dục, môi trường, những con người di truyền này hành xử khác nhau. Cái mẫu người cư xử do bị điều kiện hóa này gọi là con người hoàn cảnh (phenotype). Người Việt Nam với quá trình lịch sử trên 4,000 năm khác với con người Việt Nam nguyên thuỷ. Bản chất gắn liền với nhân di truyền và những thay đổi di truyền để thích ứng (mutants) đã khiến con người Việt Nam, về căn bản, có những cung cách hành xử khác người da đen Phi châu hay các sắc dân khác ở châu Á, châu Mỹ, châu Phi. Văn hóa gốc nguồn chính là những đặc tính sinh hoạt dính liền với vốn di truyền và quá trình lịch sử này. Và chính vì thế mà trong cùng một hoàn cảnh thí dụ như khi mới tới định cư tại Hoa kỳ, người dân sắc tộc này hành xử khác với người dân sắc tộc kia. Ta có thể thấy những chứng minh cụ thể trong đời sống hàng ngày.
Mở ngoặc ở đây là từ khi tiếp xúc với Tây phương, người Việt trong thế kỷ 20, thường được mô tả với nhiều đặc tính sinh hoạt xấu cũng như tốt. Tốt thì là “cần cù”, “hiếu khách”, “hiếu học” vân vân… Xấu thì là “trong mỗi người là một ông quan”, là “chia rẽ”, là “hay đánh bạc” vân vân… Tùy theo lập trường tích cực hay tiêu cực mà mỗi người đã thấy người Việt đáng khen hay đáng chê. Khen thì tương tự như trong cuốn “Người Việt cao quí”. Chê thì miệt thị mạt sát tất cả như trong Tổ quốc ăn năn của Nguyễn Gia Kiểng, như kiểu Bá Dương chê người Trung quốc. Cả hai loại nhận định này đều hoặc là nặng cảm tính chủ quan, hoặc là vì những lý do chính trị, chỉ dựa trên những hiện tượng, mà không thấy, hay cố tình bỏ sang bên bản chất.
Theo tôi, bản chất truyền thống – tức là văn hóa gốc nguồn – Việt Nam là yếu tố đã khiến dân tộc ta cả ngàn năm bị đô hộ bởi người Tầu mà không bị đồng hóa, đã khiến mọi thế lực bên ngoài từ xưa tới nay đều sa lầy tại Việt Nam. Cái bản chất Việt Nam này đã trở thành tàng thức trong mỗi người Việt, được hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử đấu tranh. Nó là nguồn duy trì ý thức tự hào dân tộc, chống bỏ vong thân tha hóa, nhưng vẫn thích ứng, chọn lọc thay đổi, trong những hoàn cảnh bị trấn áp chính trị khắc nghiệt hay bị lôi kéo bởi những nền kinh tế xã hội cao hơn. Bản chất này đã khiến những người Việt tị nạn sau một thời gian ngắn ngủi đã có một chỗ đứng xã hội trong đất lạ quê người, dù là chỉ với hai bàn tay trắng và khởi đầu không rành ngôn ngữ. Bản chất này đã khiến nhiều người sang Pháp du học đầu thế kỷ 20 lại là những người hô hào chống Tây, và ngày nay thì có những tuổi trẻ trưởng thành ở hải ngoại mà lại quan tâm về đất nước
Một cách đơn giản, nó được biểu hiện với những bà hay cô đội nón mặc áo bà ba hay đồ bộ đi chợ trên đường phố ngoại quốc, ở sự trưng bày những nghệ phẩm Việt Nam trong nhà, ở sự tiếp tục giành một chỗ tốt nhất trong nhà cho bàn thờ gia tiên. Ở một mức tích cực hơn, đó là những sinh hoạt chung nhân ngày lễ ngày tết trong môi trường văn hóa xa lạ, đó là sự phát triển những cơ chế cộng đồng, các hội sinh viên, là sự quan tâm tới quê hương dưới nhiều hình thức. Nói chung, nó làm cho các nguồn tư tưởng bên ngoài vào Việt Nam đã biến đổi để thích nghi với cuộc sống Việt Nam. Bản chất này không hiển lộ ra ở mọi người một cách đồng dạng, và không luôn luôn mang tính tích cực. Nhưng ngay cả trong những trường hợp tiêu cực, nó vẫn cho thấy sự dẻo dai, thích ứng, mà nổi bật hơn cả là ý muốn vượt trội. Sự vượt trội này được ẩn ngay trong chữ Việt để chỉ tên nước, có nghĩa là vượt qua, vượt lên.
Không có tàng thức di truyền này, thì qua những giai đoạn dài lấn áp bởi các thế lực chính trị kinh tế xã hội mạnh mẽ hơn nhiều lần, dân Việt đã không còn tồn tại. Hay đã chỉ tồn tại mà không thích ứng được, cho nên ở mức chót của lạc hậu như các sắc dân còn bán khai rải rác trên nhiều vùng trái đất hiện nay.
3. Văn hóa gốc nguồn, sự hội nhập vào sinh hoạt giòng chính và toàn cầu hóa
Trong hoàn cảnh người Việt hải ngoại có nhu cầu thăng tiến trong xã hội định cư qua hội nhập sinh hoạt giòng chính, phải chăng nói đến văn hóa gốc nguồn là không thích hợp? Tôi có dịp nói chuyện với tiến sĩ tâm lý học Aruna, một thuyết trình viên trong đại hội này, thì được biết rằng tỉ số thất chí suy trầm (depression) và tự tử so trong các sinh viên Mỹ gốc Á châu cao hơn sinh viên Mỹ. Tôi không đi vào chi tiết bài trình bày rất bổ ích của bà trong hội nghị nhưng có thể nói ngay rằng một trong các kết luận của bà là không thể chối bỏ hành trang quá khứ, mà phải tổng hợp cả hai văn hóa.
Trong cơn sốt gây ra bởi khẩu hiệu toàn cầu hóa, sẽ có người cho rằng nhờ những tiến bộ giao thông, viễn thông và mạng lưới điện tử toàn cầu, những sinh hoạt xã hội ở các nước tân tiến sẽ không còn xa lạ đối với một thổ dân trên hải đảo Thái Bình dương hay là một bộ lạc Phi Châu. Văn hóa toàn cầu sẽ là không tránh khỏi. Và như vậy nói văn hóa gốc nguồn phải chăng là thủ cựu? Đó chỉ là mường tượng lý thuyết. Một cách thực tế nhất thì toàn cầu hóa chỉ làm không gian ngắn lại, và người ta tiếp xúc với nhau gần hơn, cọ sát chặt chẽ hơn, mà ở dạng tiến bộ nhất và tốt đẹp nhất thì như tại nước Mỹ. Nghĩa là những người thuộc đủ mọi chủng tộc sống cạnh nhau với nhiều cơ hội tiến lên và trong thịnh vượng. Tuy nhiên, sự cạnh tranh để sống còn rất là ráo riết trong môi trường này. Và ta có thể thấy ngay rằng trong nước Mỹ sự thành công hay thất bại của một cá nhân nói riêng cũng như của cả một tập thể sắc tộc nói chung tùy thuộc vào không những khả năng của người đó mà còn vào cái văn hóa truyền thống – nghiã là cái di sản tinh thần của người đó và tập thể đó. Chối bỏ di sản này, hay không phát huy được di sản này trong khung cảnh văn hóa mới sẽ giới hạn những thành tựu cá nhân cũng như tập thể. Nhìn vào xã hội Mỹ mà ta đã thấy như là một mẫu tiến tới cao nhất của một xã hội toàn cầu tương lai có thể cho chúng ta những kết luận hữu ích về vị trí của mỗi quốc gia trong khung cảnh toàn cầu.
Thực vậy, những người da đen Phi châu khi bị bắt sang làm nô lệ ở Mỹ châu, hoàn toàn ở thế yếu kém và thụ động, thậm chí phải lấy tên theo tên người chủ, đã không giữ được những nét đặc thù văn hóa nào ngoài những điệu nhạc và vũ từ đời sống bộ lạc thô sơ, bên cạnh những đặc tính thể chất di truyền. Những điệu nhạc và vũ này đã phát triển và thay đổi, phản ảnh đời sống, tâm trạng ở đất mới và đặc thù sắc tộc xưa. Khi phong trào chống kỳ thị phát triển mạnh thập niên 60, người Mỹ da đen đã hô hào trở lại nguồn – mơ hồ là Phi châu – để xây dựng một bản thể, với những lối kết tóc, hay những trang phục và khẩu hiệu “black is beautiful” hoặc ngay cả thay tên đổi họ theo kiểu Phi châu vân vân. Những nỗ lực này đã chỉ có những kết quả giới hạn. Những vấn đề xã hội của người Mỹ gốc Phi châu vẫn còn đầy rẫy sau gần nửa thế kỷ được biệt đãi, và không có dấu hiệu gì thay đổi trong tương lai trông thấy. Kỳ thị bị coi là nguyên nhân. Tranh đấu là để đòi quyền lợi và để được đối xử bình đẳng vẫn tiếp tục nhưng đã mất nhiều hiệu quả. Vì vấn đề không hoàn toàn ở chủ trương kỳ thị mà pháp luật đã bỏ và cấm đoán. Vấn đề là ở chính người da đen, do thiếu di sản văn hóa hay mất di sản văn hóa. Chính do mất di sản văn hóa này mà người Mỹ Phi châu đã chỉ có những thăng tiến cá nhân, mà không có được những thành tựu đáng kể về mặt tập thể và những khó khăn tiêu cực kéo dài trong khi sống trong một môi trường đầy cơ hội và phồn thịnh. Các cộng đồng Mỹ da đen tiếp tục là những ốc đảo lạc hậu tuy được hưởng những tiện nghi vật chất và tiêu thụ không khác bất cứ một người dân Mỹ nào khác. Sức mạnh của tập thể người Mỹ da đen chủ yếu chỉ là sức mạnh của số đông. Số đông này được phục vụ và khai thác bởi các chính trị gia cơ hội. Những trường hợp cá nhân thành công thì hoà nhập vào xã hội chung, ngoài các ốc đảo.
Về phiá người da trắng từ các nước Âu châu khác nhau, vì cái ưu tiên kinh tế đã lấn áp hết những ưu tiên truyền thống khác, và nhất là vì cùng chung một màu da, một gốc văn hóa Do thái và Chúa Trời (JudeoChristian), vấn đề di sản văn hóa không mấy đặt ra trong những người Âu châu di dân sang Mỹ. Ngược lại chỉ có vấn đề quyền lợi, mà những tranh chấp đẫm máu đã dẫn tới sự hình thành triết lý thực tế “sống và để người khác sống” trong một đất nước giầu có tài nguyên và cơ hội, để từ đó trở thành cái nền tự do dân chủ của xã hội Mỹ.
Ngược lại người Do thái đã sống với văn hóa truyền thống rất mạnh, bất kể là ở đâu. Một trong những lý do khiến ý thức bảo tồn mạnh mẽ ở người Do thái có lẽ là vì lịch sử mấy ngàn năm phấn đấu để sinh tồn. Vì thế, đã nẩy sinh ra chủ nghiã Zionism đấu tranh tái lập một nước Do thái. Kết quả là nước này đã được hình thành sau thế giới đại chiến thứ hai với thủ tướng Ben Gurion ở Liên sô về và những cấp lãnh đạo khác từ nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh đó thì cộng đồng Do thái nhỏ bé về phương diện dân số tại Mỹ, đã dần dà trong vòng nửa thế kỷ chiếm một vai trò quan trọng nổi bật trong đời sống chính trị kinh tế Mỹ. Người Do thái có thể coi là mẫu mực của một sắc dân đóng vai trò lưỡng tính, chu toàn nhiệm vụ đối với đất Mỹ mà cũng đồng thời đối với nước Do thái xa xôi trên bờ Điạ Trung Hải. Người Do Thái đã phát huy được trong đời sống di sản văn hóa truyền thống và đặc tính văn hóa của xã hội dịnh cư. Họ không có mặc cảm về “cái hay, cái dở” bề ngoài vì ưu thế vật chất của xã hội định cư để mà bỏ những đặc thù văn hóa, nhưng họ dư khả năng để sống và phản ứng theo những cung cách ứng xử ở xã hội định cư. Nói khác đi, họ đã sống với di sản văn hóa: ăn đồ kosher, học tiếng Hebrew, đội mũ che chỏm yamulke, giữ gìn những ngày lễ truyền thống (Hannukah, Yom Kippur, Rosh Hashana vân vân không nghỉ theo chủ nhật, ngày Sabbath của Trời thì cứ thứ bảy mà theo chứ không nhập làm chủ nhật của đa số Thiên chúa giáo…). Người Do thái hội nhập hoàn toàn trong đời sống xã hội kinh tế chính trị, nhưng phát huy mạnh mẽ được những di sản tinh thần mạnh mẽ và gắn bó với nước Do Thái xa xôi.
Với quyết tâm này, người Do thái đã giữ được đặc thù Do thái, tuy rằng họ cũng chịu những ảnh hưởng của môi trường sống. Vì thế trong nước Do Thái, người Do Thái Sephardim (ở Tây ban Nha) khác người Ashkenazim (ở Đức, Mỹ và Tây Âu) và người Do thái Đông phương (sống ở Bắc Phi châu), hoặc Do thái từ Liên sô mới đến. Họ có những suy nghĩ khác nhau về chủ nghiã Zionism cũng như đối với tôn giáo Do Thái. Nhưng bao trùm lên hết vẫn là mẫu số tinh thần chung Do Thái.
4. Người Việt hải ngoại, người Việt quốc nội và văn hóa gốc nguồn.
Trở lại vấn đề văn hóa gốc nguồn Việt Nam, như ta đã thấy, trong tàng thức mỗi người Việt là nhân tố tinh thần khiến dân Việt tồn tại và phát triển dầu trải qua những thời gian dài có nguy cơ tiêu diệt vì bị khống chế bởi những thế lực phi dân tộc mạnh mẽ. Trong những trường hợp thách đố nghiệt ngã, quá khứ cũng như hiện tại, cái tàng thức này đã tạo nên cách sống và phản ứng sinh tồn đặc biệt của người Việt.
Do điều kiện đặc biệt hình thành cộng đồng Việt Nam hải ngoại, tuyệt đại đa số các trường hợp phải bắt đầu lại từ số không, với hai bàn tay trắng, nghiã là từ bậc thang xã hội thấp nhất, ngay cả trong lãnh vực của mình. Mặt khác, thì bị thôi thúc bởi nhu cầu gìn giữ bản sắc đã bị chà đạp bởi chế độ Cộng sản và bị coi thường trong thang xã hội vật chất mới. Chính hoàn cảnh này đã tạo nên sức mạnh phấn đấu cho mỗi người và cho tập thể, đã củng cố sự gắn bó keo sơn với quê hương và khát vọng cứu nước và canh tân đất nước. Cái tâm thức này đã khiến người Việt hải ngoại tuy sống thích ứng với môi trường mới, nhưng không tan biến thành người khác.
Người Việt trong nước hiện nay có một tâm trạng khác. Sau bao ngày bị bưng tai bịt mắt, nay được mở cửa ra ngoài, người trong nước nhìn ra ngoài như từ trong tối. Tất cả bên ngoài là rực rỡ. Tất cả là cho thỏa mãn những khát khao dồn nén, trong cơn say chủ nghĩa tiêu thụ mới du nhập. Kết quả là một lao đầu không ngần ngại vào vùng sáng đầy hấp dẫn, và bỏ hết không ngần ngại tất cả những gì gọi là giá trị dân tộc, vì cái mặc cảm nghèo nàn lạc hậu kéo dài và những lạm dụng ngôn từ cao đẹp rỗng tuếch của nhiều năm dài sống dưới chế độ toàn trị chuyên chính vô sản, như là ta đang thấy. Trong tâm lý này, cái ý thức Việt tính đã giảm đi mà cái tàng thức lịch sử và văn hóa lại càng không bị đánh thức do hy vọng lạc quan về một tương lai sáng lạn dễ dàng trong sự phồn thịnh toàn cầu. Không nhận ra được bản chất thách đố khắc nghiệt của thế giới toàn cầu tư bản để mà sửa soạn đối phó và khai dụng bằng sức mạnh truyền thống sẽ khiến dân tộc bị tha hóa, vong thân, hoàn toàn rơi vào trong vòng lũng đoạn của chủ nghĩa tiêu thụ tư bản, không thể ngóc đầu lên được, tương tự như nhiều nước tiểu nhược Á Phi Mỹ châu khác.
Văn hóa gốc nguồn, trong khung cảnh toàn cầu ngày nay, do đó không chỉ cần phát huy tại hải ngoại mà ngay cả ở trong nước. Sự phát huy không phải chỉ là trên hình thức, qua những nghệ phẩm hay qua nghi lễ như thường làm. Phát huy phải bằng nội dung cuộc sống, bằng sự hiểu rõ ý nghĩa của những đặc thù trong cách ứng xử, trong mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình và xã hội để có thể thích ứng mà vượt lên. Người thanh niên Việt hải ngoại cần được hiểu rõ rằng bổn phận kép đối với nước định cư và quê hương không có gì mâu thuẫn, mà ngược lại bổ túc cho nhau, lợi ích cho cá nhân mình, và cho cả hai nước, đặc biệt là trong tình hình toàn cầu mà khoảng cách giữa các nước thu nhỏ. Người thanh niên trong nước cần hiểu rằng trong vùng ánh sáng rực rỡ nhìn từ xa của toàn cầu hóa là những thách đố tiêu hủy đối với những con người và tập thể không có sức mạnh tinh thần tự lập tự tồn. Người trong nước cũng như ngoài nước cùng hãnh diện phát huy các sức mạnh tinh thần của dân tộc, đã trở thành tàng thức, hướng dẫn một cách không giải thích được cung cách ứng xử đặc thù VN. Nói nôm na là cái lối VN. Nói văn chương thì là con đường Việt Nam, mà chữ Hán Việt thì gọi là cái đạo. Cái quốc đạo, hay Việt đạo.
Trần Xuân Ninh