Vận động quốc tế trước phiên kiểm điểm định kỳ tình hình nhân quyền VN đã diễn ra thế nào?

Việt Tân

Phái đoàn đảng Việt Tân, Ủy Ban Thuỵ Sĩ-Việt Nam (Cosunam), Freedom House và Hmong Human Rights Coalition vận động Phái bộ Thường trực Na Uy tại LHQ, Geneva trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tình hình nhân quyền Việt Nam 2024. Ảnh: Việt Tân

Trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu, 2 và 3 tháng 5, 2024, vài ngày trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tình hình nhân quyền Việt Nam 7/5/2024 trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva (Universal Periodic Review – Vietnam, 4th Cycle), một phái đoàn gồm đại diện của đảng Việt Tân, Ủy ban Thụy Sĩ-Việt Nam (Le Comité Suisse – Vietnam – COSUNAM), Freedom House và Liên minh Nhân quyền H’mong (Hmong Human Rights Coalition) đã đi vận động nhân quyền cho Việt Nam.

Phái đoàn đã gặp đại diện của Văn phòng Phái bộ Thường trực tại LHQ (Permanent Mission to UN) của 8 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, 4 nhóm làm việc (UN Working Group), đại diện Đặc sứ của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) và các tổ chức nhân quyền phi chính phủ. Các quốc gia tiếp đón phái đoàn vận động là Văn phòng Phái bộ Thường trực tại LHQ Na Uy, Anh Quốc, Luxembourg, Mỹ, Hoà Lan, Đan Mạch và Thụy Sĩ.

Phái đoàn đảng Việt Tân, Freedom House, Ủy Ban Thuỵ Sĩ-Việt Nam và Liên minh Nhân quyền H’mong vận động Phái bộ Thường trực Thụy Sĩ tại LHQ, Geneva trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tình hình nhân quyền Việt Nam 2024. Ảnh: Việt Tân

Mục đích của cuộc vận động là tạo thêm sự quan tâm và đề nghị các nước tiếp tục đòi hỏi nhà nước cộng sản Việt Nam chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động và cải thiện nhân quyền tại Việt Nam.

Từ nhiều tháng trước, chúng tôi đã liên lạc với nhiều văn phòng thường trực của các quốc gia thành viên LHQ, gửi tài liệu về những vi phạm nhân quyền của Việt Nam, và những kiến nghị do Việt Tân cùng một số tổ chức nhân quyền quốc tế khác soạn thảo.

Trong các buổi gặp gỡ, chúng tôi đã trao đổi về sự đàn áp tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, về sự đàn áp xuyên quốc gia như bắt cóc những nhà đấu tranh đang tỵ nạn chính trị tại Thái Lan, đàn áp các nhà đấu tranh cho môi trường và chuyên gia năng lượng, về quyền công nhân như thành lập công đoàn và quyền tự do lập hội theo Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và những vấn đề khác…

Những chứng nhân, những câu chuyện về sự đàn áp đức tin của người H’Mông và người Thượng theo đạo Tin Lành tại Tây Bắc và Tây Nguyên tại Việt Nam; những câu chuyện về sự đàn áp và bắt bớ những tiếng nói chỉ trích và đối lập trên mạng Internet, v.v.. đã tạo sự đồng tình và cảm thông, và sự cam kết của mọi phía là cần phải tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ với nhà nước cộng sản Việt Nam.

Phái đoàn đảng Việt Tân, Ủy Ban Thụy Sĩ-Việt Nam, Freedom House, và Liên minh Nhân quyền H’mong vận động Phái bộ Thường trực Hòa Lan tại LHQ, Geneva trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tình hình nhân quyền Việt Nam 2024. Ảnh: Việt Tân

Các nhà đại sứ nhân quyền rất quan tâm, nhiệt tình và niềm nở. Họ cám ơn phái đoàn đại diện của các tổ chức đã chịu khó đến Geneva để gặp họ. Họ đã có nhiều đề nghị và hướng dẫn cách thức vận động để sự lên tiếng đối với các vi phạm nhân quyền được mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Những buổi gặp gỡ này đã cho các thành viên của phái đoàn nhiều ý tưởng để khai triển và vận động sự quan tâm và hỗ trợ nhân quyền của thế giới.