Về Hội Nghị Của Diễn Đàn Nghị Viện Á Châu–Thái Bình Dương (APPF) Tại Hạ Long

Hội Nghị APPF-13 (Asian Pacific Parliamentary Forum) khai mạc vào ngày 10/1/2005, kết thúc ngày 13/1/2005 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đã tập trung thảo luận các chủ đề như An ninh – chính trị, Kinh tế – thương mại, Môi trường, bệnh tật, tội phạm, văn hóa, và Các công việc sắp tới của APPF. Cơ cấu APPF được thành lập vào ngày 15/3/1993, gồm 27 nước thành viên, có cả Mỹ, Trung Cộng, Nhật Bản và Nga. Trên nguyên tắc, APPF được mở rộng cho tất cả các nghị viện, nghị sĩ của các quốc gia, của ASEAN, APEC và Diễn Đàn Nam – Thái Bình Dương. Chủ tịch Điều hành APPF có nhiệm kỳ 1 năm và là Chủ tịch Quốc hội của nước chủ nhà Hội Nghị thường niên APPF. Kỳ này, Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam (CSVN), làm Chủ tịch Điều hành APPF lần thứ 13.

Hội Nghị lần này có sự tham dự của khoảng 180 đại biểu từ 23 quốc gia trong khu vực, trong đó có 8 đại biểu cấp Chủ tịch Quốc hội và 4 đại biểu cấp Phó Chủ tịch Quốc hội. Kết quả Hội Nghị là 22 Nghị Quyết được thông qua, liên quan đến 4 chủ đề chính của Hội Nghị, cùng một Thông Cáo Chung. Với chủ đề thứ nhất bao gồm tình hình an ninh, chính trị khu vực và trên thế giới, nạn khủng bố quốc tế, tình hình bán đảo Triều Tiên, Trung Đông.v.v…, toàn Hội Nghị chỉ có thể nêu lên, báo cáo một cách tổng quát những vấn đề lớn mà không thể đi sâu vào chi tiết để đề nghị giải pháp hiệu quả, thiết thực cho các quốc gia thành viên. Thứ nhì, về kinh tế và thương mại, Hội Nghị tập trung bàn thảo các vấn đề như toàn cầu hóa, phối hợp thúc đẩy các vòng đàm phán mới của WTO, và gia tăng trao đổi hợp tác kinh tế song phương cũng như đa phương. Thứ ba là các vấn đề được sự quan tâm chung của khu vực như nạn ô nhiễm môi trường, các căn bệnh HIV/AIDS, truyền nhiễm, dịch cúm gia cầm (đang trở lại tại Việt Nam), tội phạm đa quốc gia, trao đổi văn hóa. Và cuối cùng là thảo luận tổng quát vài kế hoạch công việc trong thời gian tới của APPF.

Với Hội Nghị APPF-13 kỳ này, chúng ta có thể nhìn từ những khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, mục tiêu chính yếu của nước chủ nhà CSVN là nhằm đánh bóng chế độ và tăng cường khả năng ngoại giao trên trường quốc tế. Sau thất bại của những năm “tự cô lập và bị thế giới cô lập”, chính quyền CSVN đang cố gắng giương cao ngọn cờ “hòa bình, hợp tác hữu nghị và phát triển thương mại” để xây dựng một hình ảnh Việt Nam bớt tính “võ trang” (militant) và cực tả như trước đây, nhất là từ sau năm 1975 đến giữa cuối thập niên 1980.

Thứ nhì, từ việc thảo luận tình hình khu vực và thế giới để đi đến chương trình hành động được tiến hành bằng công tác cụ thể, áp dụng giải pháp (nếu có) là cả một tiến trình cần có quyết tâm cao của các cấp chính quyền và cơ cấu chính trị và hành chánh quốc gia khả dĩ để thực hiện các kế hoạch đề ra. Với cơ cấu chính quyền độc đảng hiện nay, với sự tròng tréo, dẫm chân lên nhau giữa hai cơ chế của Đảng và của Nhà nước CSVN, sự thất bại hoặc trì trệ của nhiều chương trình công tác mang tính quốc gia hoặc địa phương là điều chắc chắn và đã được chứng minh qua thực tiễn trước mắt của xã hội Việt Nam ngày nay.

Thứ ba, thiết nghĩ đây chỉ là dịp để chính quyền CSVN phô trương (show-off), là dịp chụp hình lấy tiếng (photo-op) chứ thành quả Hội Nghị, nếu có, là mơ hồ và thiếu thực tế. Bản thân cơ cấu APPF này không có tầm ảnh hưởng “hành pháp” cụ thể mà chỉ là một diễn đàn lỏng lẻo của những vị đại diện các cơ quan lập pháp trong các nước và các cơ chế thành viên. Việc chọn địa điểm Hội Nghị tại Vịnh Hạ Long cũng cho thấy phần nào mục đích chính chỉ là “du ngoạn”, gặp gỡ xã giao để Việt Nam có dịp giới thiệu cụ thể sản phẩm du lịch “Vịnh Hạ Long”.

Thứ tư, nước chủ nhà Việt Nam không có khả năng chủ động đề nghị cho Hội Nghị các vấn đề quan trọng có ích thật sự cho quyền lợi quốc gia, dân tộc trước những sự kiện hay tình hình an ninh quốc gia mà điển hình là Việt Nam đang chịu sức ép nặng nề từ Trung Cộng, nhất là vấn đề chủ quyền cũng như quyền khai thác vùng lãnh hải quốc gia ở Vịnh Bắc Bộ, hay các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; hoặc mới đây là vụ hải quân Trung Cộng bắn chết 9 ngư dân Việt Nam, làm 6 người bị thương và 8 người Việt Nam khác mất tích ngay trên Vịnh Bắc Bộ vào ngày 8/1/2005, ngay trước thềm Hội Nghị APPF tại Vịnh Hạ Long!

Ta cũng biết rằng chủ trương thâm độc lâu nay của Trung Cộng vẫn là chỉ thảo luận song phương về vấn đề chủ quyền quanh vùng biển Đông với từng quốc gia một, tức là không chấp nhận đàm phán đa phương với nhiều quốc gia liên hệ. Trung Cộng đã chiến thắng ngay từ ban đầu vì họ có quyền và thực lực để áp đặt trước vấn đề đối với các quốc gia yếu kém hơn như Việt Nam chẳng hạn. Ngoài ra, vụ sóng thần tại Nam Á đã trở thành tâm điểm của nhiều sự bàn tán tại Hội Nghị với việc ra đời một Nghị Quyết về hợp tác và hỗ trợ vượt qua nạn động đất và sóng thần. Trong khi đó, vấn đề an ninh và chính trị, nhất là tình hình an ninh tại Vịnh Bắc Bộ và khu vực biển Đông nói chung thì hầu như không được nhắc đến một cách cụ thể, hay có những biện pháp khả thi để ngăn chặn những vụ “đụng độ” quân sự hay dân sự giữa các quốc gia liên hệ. Lý do có lẽ là nước chủ nhà đăng cai Hội Nghị đã không dám làm phật lòng phái đoàn quan khách đến từ Bắc Kinh khi đề cập đến tình hình khá căng thẳng hiện nay tại Hoàng Sa, Trường Sa, Vịnh Bắc Bộ và khu vực biển Đông. Sự kiện các ngư dân Việt Nam đánh cá ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ đã bị Trung Cộng bắn giết, dù xảy ra trong thời gian tổ chức Hội Nghị nhưng hoàn toàn không được đề cập tại Hội Nghị, cũng đủ cho thấy tầm ảnh hưởng yếu kém của nước chủ nhà trong thế vận động chính trị quốc tế. Do đó, nếu nhìn kỹ vào Hội Nghị APPF lần thứ 13 này, người ta có thể thấy rằng nước chủ nhà Việt Nam chỉ có thể tổ chức Hội Nghị chứ hoàn toàn không có khả năng ảnh hưởng nội dung Hội Nghị, hay nói cách khác là không có khả năng vận động chính trị-ngoại giao quốc tế, dù chỉ là trong khu vực Á Châu – Thái Bình Dương. (Đ.V.)