Vì sao Trọng không dám đả động đến Biển Đông và Bãi Tư Chính?

Thường Sơn - VNTB

Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư đảng CSVN.

Hội nghị trung ương 11 của đảng cầm quyền – diễn ra trong suốt một tuần lễ của nửa đầu tháng Mười, 2019 – đã cung cấp thêm một bằng chứng hùng hồn về ý chí… không kiện Trung Quốc.

“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế” – ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc hội nghị trên với sự lồng ghép câu ‘thần chú’ đó, sau khi đã phát biểu khai mạc Hội Nghị 11 bằng cách thập thò ‘phân tích dự báo tình hình Biển Đông’.

Biểu đồ đi xuống trong phát ngôn của Trọng – từ lúc bắt đầu còn dám nhắc tới ‘Biển Đông’, để cuối cùng xuôi xị và mất tích hoàn toàn những từ ngữ này, và càng không một chữ nhắc tới Bãi Tư Chính, cho thấy điều gì?

Hội Nghị Trung Ương 11 diễn ra trong bối cảnh đã hơn ba tháng kể từ ngày Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ cho tàu này xâm phạm Bãi Tư Chính như vào chốn vô chủ quyền, nhưng lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam vẫn chưa một lần dám nổ súng cảnh cáo. Trong khi đó, toàn bộ chóp bu Việt Nam từ Nguyễn Phú Trọng trở xuống vẫn kiên định ‘câm như hến’ mà không một lần dám nêu tên Trung Quốc, càng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới ‘văn dốt, võ dát’ này dám kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Vì sao Trọng không dám nói về vụ Bãi Tư Chính và gọi thẳng ra cái tên ‘bạn vàng’ Trung Quốc?

Hiện tượng câm nín trên càng khiến dư luận nghi ngờ rằng phải chăng giới chóp bu Việt Nam đã ‘há miệng mắc quai’ vì ‘Vi phạm các thỏa thuận song phương’.

Cần nhắc lại, vào ngày 18 tháng Chín, 2019 lần đầu tiên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã tung ra tối hậu thư lên án Việt Nam đã xâm phạm quyền lợi của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính.

Rất đáng chú ý, tuyên bố trên có nội dung: “Kể từ tháng Năm năm nay, phía Việt Nam đã tiến hành khoan dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính (Wan’an Tan) của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Trung Quốc. Đây cũng là hành vi vi phạm các thỏa thuận song phương, bao gồm Hiệp định về các nguyên tắc cơ bản hướng dẫn giải quyết các vấn đề liên quan đến biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, Điều thứ năm của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những điều khoản của UNCLOS.”

Tuy Cảnh Sảng – người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc – không nói rõ về thỏa thuận song phương nào, nhưng chừng đó là quá đủ để dư luận hình dung và liên tưởng đến hàng loạt ‘thỏa thuận song phương’ mà giới chóp bu Việt Nam đã lén lút ký với Trung Quốc nhưng không công khai cho người dân biết, dẫn tới hậu quả mất thác Bản Giốc trước đây, liên quan đến vô số đồn đoán về ‘Mật ước Thành Đô’ 1990 – hay còn gọi là ‘thỏa thuận bán nước’, những thỏa thuận song phương nào đó về xử lý tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến ‘đường lưỡi bò 9 đoạn’ của Trung Quốc, và quá nhiều thiệt hại trong quan hệ kinh tế Việt – Trung sau này.

Phải chăng cái gọi là ‘thỏa thuận song phương’ mà những qua chức chóp bu như Nguyễn Phú Trọng đã ký kết với Bắc Kinh đã quá bất lợi cho phía Việt Nam để đẩy tới tình thế ‘há miệng mắc quai’ – cả Bộ Chính Trị Việt Nam phải câm như hến khi bị phía Trung Quốc bắt bẻ? Nếu đúng thế, những điều khoản nào bị sơ hở và bất lợi? Trách nhiệm soạn thảo, thông qua và ký kết những điều khoản bất lợi đó thuộc về những quan chức nào? Bộ Chính Trị và Quốc Hội Việt Nam có dám đòi hỏi Nguyễn Phú Trọng và những quan chức cận thần của ông ta phải công khai các thỏa thuận song phương đã ký với Trung Quốc cùng những điều khoản bất lợi đang khiến Trọng ‘ngậm hột thị’, khiến ông ta chỉ có thể hé miệng về ‘bảo vệ chủ quyền’ hết sức chung chung tại Hội Nghị Trung Ương 11 như một chiêu thức mị dân?

Thường Sơn

Nguồn: Việt Nam Thời Báo