Việt Nam: 1 trong 10 quốc gia đối xử tệ nhất với giới Blogger

RFA

Thiện Giao, phóng viên RFA 2009-05-01

Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả vừa cho công bố bảng xếp hạng 10 quốc gia đối xử tệ nhất với giới blogger, tức những người sử dụng Internet để viết nhật ký cá nhân. Việt Nam được đánh giá ra sao?

Chính quyền và blog

Trong danh sách của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (Committee To Protect Journalists) công bố vào ngày 30 tháng Tư, Việt Nam bị xếp đứng thứ 6, tức là khá hơn 5 quốc gia và tệ hơn 4 quốc gia khác trong số 10 chính quyền đàn áp mạnh tay nhất đối với người viết blog.

Các nước được xếp tệ hơn Việt Nam gồm có Miến Điện, Iran, Syria, Cuba, Ả Rập Saudi. Các quốc gia được xem là đỡ hơn Việt Nam thì có Trung Quốc, xếp hạng thứ 8.

Trong lời mở đầu bảng xếp hạng, Ủy Ban viết rằng sự bùng nổ văn hóa trực tuyến tại nhiều quốc gia Châu Á và Trung Đông đã tạo nên sự trấn áp mạnh mẽ từ phía chính quyền. Tại Miến Điện thì chính quyền quân sự kiểm soát chặt chẽ sự truy cập Internet và kết án nhiều năm tù cho hành động đăng tải các thông tin nhạy cảm.

Tại Châu Á thì thói quen viết blog đang ngày càng nở rộ ở Việt Nam và Trung Quốc đã vấp phải sự kiểm soát và theo dõi chặt chẽ của chính quyền. Vì lẽ này, Việt Nam và Trung Quốc trở thành 2 trong số những quốc gia Châu Á đối xử tệ nhất với giới bloggers.

Trường hợp Việt Nam

Trong phần liên quan đến Việt Nam, Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả viết rằng giới bloggers đã “liều lĩnh trám vào khoảng trống thông tin do truyền thông nhà nước để lại. Chính quyền phản ứng bằng cách ban hành ngày càng nhiều qui định. Cơ quan hữu trách cũng đã yêu cầu các công ty công nghệ quốc tế, như Yahoo, Google, Microsoft cung cấp thông tin của các blogger.”

Một trong các blogger nổi tiếng Việt Nam, đã tham gia viết blog ngay từ khi phương tiện này còn phôi thai tại Việt Nam, đã đề cập đến chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, sau đó chịu án tù 2 năm rưỡi hồi tháng 10 vừa qua, cũng đã được Ủy Ban nhắc đến trong phần nói về Việt Nam. Đó là nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, tức Nguyễn Hoàng Hải, với bút danh “Điếu Cày.”

Nói chuyện với chúng tôi nhân dịp bản xếp hạng được công bố, bà Dương Thị Tân, vợ blogger “Điếu Cày” nói rằng bà vừa đi thăm chồng hồi đầu tháng Tư, và rằng “Điếu Cày không bao giờ hối hận những điều đã làm.” Bà nói: “Anh cũng khẳng định, phần đời còn lại sẽ dành để đấu tranh cho công lý. Còn về bản án, thì rõ ràng người ta đã ép buộc cho chúng tôi.”

Mặc dầu Điếu Cày bị kết án tù với tội danh “trốn thuế,” hầu hết giới blogger Việt Nam đều biết anh phải trả giá cho hành động lên tiếng về chủ quyền của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thời điểm trước khi bị bắt, Điếu Cày đã từng trả lời phỏng vấn với đài chúng tôi với những nhận thức khá rõ nét về vai trò của blog trong môi trường thiếu thông tin tại Việt Nam. Ông nói, rằng “Gần đây, nhất là những tháng cuối năm 2007, người dân ngày càng nhận biết blog là nguồn thông tin rất quý, là công cụ phát biểu ý kiến rất tốt. Blog là nơi mọi người có thể tham gia mà không bị sự cản trở của nhà nước. Blog là một sự tự do thông tin, tự do báo chí tốt tại Việt Nam hiện nay.”

Một blogger khác, là nhà thơ, nhà báo tự do Trần Tiến Dũng thì nhận định, rằng “con đường thành hình quan điểm xã hội của các blogger sẽ còn nhiều gian nan.” Ông Dũng, hiện đang sinh sống tại Sài Gòn, nói rằng giới blogger “sẽ còn phải nỗ lực hơn nữa.”

Ông Dũng cũng đưa ra nhận định, là kể từ khi có loại hình giao tiếp này, blog đã trở thành “hiện tượng xã hội mang tầm vóc quốc gia về vấn đề thông tin.” Đây là lần đầu tiên, nhiều thành phần khác nhau của xã hội đã đưa lên Internet quan điểm của mình về nhiều sự kiện, cả chung và riêng. Và “cách nhìn nhận của họ có nhiều chiều thông tin khác nhau.”

Tìm mọi cách kiểm soát

Chính quyền Việt Nam ngày càng ban hành nhiều quy định liên quan đến việc kiểm soát blog.

Đầu tháng 10 năm ngoái, Việt Nam cho ra đời “Cục Quản Lý Phát Thanh, Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử,” đặt dưới quyền quản lý của Bộ Thông Tin – Truyền Thông. Cơ quan này có chức năng xây dựng qui định quản lý thông tin trên Internet, trong đó có “quy định về quản lý blog cá nhân.”

Trước đó, Thủ Tướng Chính Phủ cũng đã ban hành Nghị Định liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet tại Việt Nam. Nghị định liệt kê một số hành vi bị cấm khi sử dụng Internet, trong đó có hành vi “chống lại nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”

Cho đến thời điểm cuối năm, “Thông Tư 07” ra đời, chính thức qui định rõ ràng những điều lệ nhằm kiểm soát hoạt động và nội dung của các blog.

Bản xếp hạng của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả được xây dựng thông qua một bản thăm dò ý kiến gồm 8 câu hỏi liên quan đến điều kiện truy cập blog trên toàn thế giới.

Chẳng hạn, blogger có bị bỏ tù hay không; có bị làm phiền, bị đe dọa, hay bị hành hung không; blogger có phải đăng ký với chính quyền không; Nhà Nước có ra quy định hay luật để kiểm duyệt blogger không? Vân vân.

Kết quả xếp hạng cuối cùng được các chuyên gia của Ủy Ban đề xuất, sau đó nhân viên Ủy Ban cùng một số chuyên gia độc lập bỏ phiếu chọn 10 quốc gia tệ nhất.