Việt Nam Có Là Điểm Đến An Toàn Không ?

Trần Trọng Nghĩa

Trước khi gia nhập WTO, Hà Nội quảng cáo Việt Nam là “điểm đến an toàn” cho khách du lịch. Từ đầu năm 2007, họ còn thêm rằng Việt Nam là điểm đến an toàn cho giới đầu tư. Nhiều tờ báo trong nước đã trích đăng những con số khích lệ về số khách ngoại quốc đặt chân tới Việt Nam trong năm 2006. Cụ thể Thông Tấn Xã của CSVN đã đưa tin “lượng khách du lịch quốc tế đến VN trong 10 tháng qua lên gần 3 triệu lượt người, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước”. Báo Lao Động thì viết: “Theo các chuyên gia về du lịch, Việt Nam đang là điểm đến của 2 làn sóng du lịch từ nước ngoài”. Báo này giải thích, làn sóng thứ nhất là những người đi du lịch thuần túy và làn sóng thứ hai với những người kết hợp du lịch với tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đối với khách du lịch nước ngoài thì Hà Nội cũng phân ra làm mấy loại và chú ý nhất đến loại “khách giầu”. Theo Thông Tấn Xã CSVN thì trong năm qua “Tuy lượng khách Trung Quốc giảm, nhưng khách đến từ các thị trường có mức chi trả cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đan Mạch, Singapore và Malaysia vẫn có tốc độ tăng trưởng cao, do đó doanh thu từ du lịch không giảm nhiều”. Ý nói khách Tầu tuy đông nhưng tiêu sài không điệu nghệ. Tuy nhiên cũng còn một làn sóng thứ ba không thấy Hà Nội nhắc đến, bao gồm hàng trăm ngàn người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài về nước thăm gia đình hay ăn Tết.

Việt Nam airlines đã có 4 lần phải hạ cánh khẩn cấp vì trục trặc kỹ thuật.

Trong tháng vừa qua máy bay của hãng hàng không Việt Nam airlines đã có 4 lần phải hạ cánh khẩn cấp vì trục trặc kỹ thuật. Trong một tháng mà có đến 4 lần trở ngại kỷ thuật đối với một hãng máy bay là quá nhiều. Hình ảnh của Việt Nam Airlines đã lem luốc vì những bê bối trong quản lý và điều hành, nay lại bị bôi đem về mặt kỹ thuật. Du khách đã có phản ứng tẩy chay và Việt Nam Airlines vừa phải ra một văn bản chiều ngày 6/2/2007 vừa qua, “xin lỗi hành khách do máy bay của hãng liên tiếp gặp sự cố trong thời gian gần đây…”. Không biết Việt Nam là “điểm đến” an toàn đến đâu; nhưng bước chân lên máy bay của Việt Nam không có an toàn chút nào. Rủi ro được chia đều cho du khách nước ngoài và cả Việt Kiều về nước du lịch. Đây cũng là điều mà du khách phải thận trọng và suy nghĩ kỹ càng trước khi có quyết định chọn Việt Nam Airlines hay một hãng hàng không khác.

Mỗi năm Việt Nam có chừng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100 – 200 ca tử vong

Tới Việt Nam, du khách nước ngoài và đa phần Việt Kiều chia tay, mỗi người một ngả. Người nước ngoài đến Việt Nam du lịch thường đi theo các tours và ăn ở trong những khách sạn sang trọng. Việt kiều thường về ở nhà họ hàng, bè bạn và phải đương đầu với những rủi ro mà những du khách nước ngoài ít khi gặp phải. Rủi ro hàng ngày tới từ khâu ăn uống. Nói cách khác, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam không được bảo đảm. Vấn đề này đã thực sự trở thành mối ưu tư của mọi người, đặc biệt là của kiều bào ở nước ngoài vốn đã quen với môi trường vệ sinh sạch sẽ. Báo điện tử VietNamNet ngày 05/02/2006 cho biết “Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có chừng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100 – 200 ca tử vong”. Có nhiều nguyên nhân ngộ độc như thực phẩm nhiễm vi khuẩn bệnh, thực phẩm bị ô nhiễm bởi hóa chất như thuốc trừ sâu, thuộc giết chuột, phẩm màu, hóa chất bảo quản thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật vv… Gần đây, báo chí trong nước loan báo bánh phở có chất formol tái xuất hiện. Theo báo Lao Động điện tử ngày 06/02/2007, tại Sài Gòn, Trung Tâm Y Tế Dự Phòng đã khám phá chất formol và hàn the trong 16 mẫu bánh phở trên tổng số 20 mẫu xét nghiệm. Có mẫu chứa tới 6,9mg/1kg bánh, một hàm lượng cao ngoài sức tưởng tượng. Ngoài ra, báo trong nước cũng như nước ngoài đã báo động là trong nhiều trứng gà vịt có chứa hoá chất nhuộm Sudan I và IV có tác dụng gây ung thư cho người ăn. Nhiều loại thịt heo có hàm lượng cao các chất kích thích tố bị cấm dùng trong chăn nuôi tại các quốc gia trên thế giới. Rau quả cũng vẫn chưa sạch, tuy rằng ở nhiều siêu thị, có dán nhãn rau sạch.

Ra phố đi ăn hàng, rủi ro ngộ độc thực phẩm càng nhiều.

Ra phố đi ăn hàng, rủi ro ngộ độc thực phẩm càng nhiều. Trên 1 triệu rưởi cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, nôm na gọi là hàng quán, chỉ có khoảng 400.000 đăng ký với cơ quan quản lý vệ sinh. Theo báo chí trong nước thì 55,2% kem bán ngoài đường không đạt chất lượng, hầu hết có nhiễm vi khuẩn bệnh. 87,5% các thức ăn phục vụ cho khách ăn tại chỗ bị nhiễm vi khuẩn bệnh. 85,7% nước giải khát lề đường không đạt tiêu chuẩn vì có các chất phụ gia như hàn the, màu công nghiệp hay đường hóa học… Ngoài ra, các quán ăn thường dùng gia vị nhập từ Trung Quốc, không rõ làm bằng những chất liệu gì, như các quán lẩu Tầu, Lẩu Thái vv… rất được ưa chuộng tại Hà Nội một thời, nay đã bớt khách cũng vì những độc chất có trong các gói gia vị này.

Vấn đề an toàn thực phẩm chưa được CSVN quan tâm đúng mức. Trong tháng vừa qua, CSVN tổ chức Hội Nghị toàn quốc về an toàn thực phẩm tại Hà Nội. Nhưng chẳng có người nào đến dự khiến Nguyễn Tấn Dũng nổi giận lôi đình. Tết nhất, về quê ăn Tết cùng với thân nhân, gia đình là một niềm vui. Nhưng rất có thể niềm vui biến thành đau đớn trong bệnh viện, hay có khi ngoài bãi tha ma thì thật là không đáng. Việt Nam không phải là “điểm đến an toàn” trong lúc này.