Việt Nam Không Được Gia Nhập WTO Vào Năm Nay Vì Đã Bị Khóa Sổ

Ngày 13 tháng 12 năm 2005 sắp đến, nghĩa là chỉ còn ba tuần lễ nữa, Hội nghị lần thứ sáu cấp Bộ trưởng của Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) sẽ được tổ chức tại Hồng Kông. Theo quy định của WTO, một quốc gia muốn tham dự hội nghị với tư cách chính thức thì quốc gia đó phải là thành viên của WTO hoặc đã hoàn tất thủ tục gia nhập 8 tuần trước khi hội nghị khai diễn. Việt Nam không thuộc vào hai diện trên nên nếu có muốn đến tham dự thì cũng chỉ là một quan sát viên mà thôi. Nói như thế có nghĩa là Việt Nam coi như không thể là thành viên của WTO trong năm 2005. Gần 10 năm trước kể từ khi có ý định gia nhập WTO, chính quyền CSVN đã tiến hành 11 phiên họp với Hội đồng điều hành WTO và kết thúc đàm phán song phương với 22 đối tác (quốc gia).

Trong phiên đàm phán đa phương lần thứ 10 vào ngày 20 tháng 5 năm 2005 tại Geneve, phái đoàn thương thảo của Hà Nội đã ngõ ý cho các nước biết rằng vì mong muốn được gia nhập vào WTO nên CS Việt Nam đã làm việc rất tích cực và đã cho Quốc hội thông qua nhiều đạo luật trong kỳ họp thứ 7 có liên quan tới hiệp định, cam kết của Việt Nam khi được trở thành hội viên của WTO. Khác với những phấn khởi lúc đầu của phái đoàn Phan Văn Khải sau chuyến Mỹ du vào cuối tháng 6 vừa qua, cùng với sự hứa hẹn ủng hộ của chính Tổng thống Bush, để giúp cho Hà Nội có thể hoàn tất thủ tục gia nhập WTO trong năm nay, ông Shishir Priyadarshi (Trưởng ban Phát triển của WTO) trong chuyến viếng thăm Hà Nội vào tháng 10 vừa qua đã nói rằng đàm phán song phương của Việt Nam với 6 đối tác còn lại, trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản, không đơn giản và thu hẹp khoảng cách với họ trong một thời gian ngắn ngủi từ đây cho đến cuối năm 2005. Quyền thương mại, trợ cấp, hạn chế nhập khẩu, doanh nghiệp nhà nước, giấy phép nhập khẩu và nhất là luật lệ của Việt nam …là những vấn đề mà 6 đối tác này rất quan tâm và CS Việt Nam khó mà đáp ứng hết.

Trương Đình Tuyển, người đứng đầu bộ Thương Mại và cũng là trưởng phái đoàn đàm phán của Hà Nội về việc gia nhập WTO, thổ lộ rằng cho đến thời điểm này (10/11/2005) Mỹ vẫn chưa tỏ ý định về lần gặp nhau tiếp theo, trong khi các đối tác khác ’’cạn bớt’’ thiện chí và bình thản chờ đợi ngày Mỹ kết thúc đàm phán với Việt Nam. Các nước mà Trương Đình Tuyển cho là ’cạn bớt’ thiện chí chính Nhật Bản vì Tokyo đã không nhượng bộ CS Việt Nam trong cuộc đàm phán song phương vào tháng 10 vừa qua tại Hà Nội theo như lời hứa của Thủ tướng Koizumi với ông Phan Văn Khải trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi vào chiều 1/7/2005 là Nhật Bản sẽ bỏ qua không đòi hỏi nhiều khoản mà CSVN khó có thể đáp ứng với điều kiện CSVN phải ủng hộ Nhật Bản vào ghế Thường vụ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Hà Nội không ủng hộ thành thử Tokyo không nhượng bộ.

Khi chưa là thành viên của WTO thì tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không được hưởng chế độ bình đẳng với các thành viên WTO, đặc biệt là hàng dệt may sẽ tiếp tục nằm trong chế độ hạn ngạch. Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã trả lời với báo chí như sau : Gia nhập WTO càng muộn thì yêu cầu càng cao. Điều đó nghĩa là có những điều kiện đòi Việt nam mở cửa rộng hơn, sâu hơn. Thứ hai là các đối tác nước ngoài có thể sẽ cân nhắc hơn khi làm ăn với ta Ngoài ra nếu chưa vào WTO thì tất nhiên vẫn phải chịu hạn ngạch. Đó là trở ngại nhất định cho ngành dệt may.

Ông Khoan còn nói thêm là “năm nay, giả dụ chưa vào được WTO thì đó không phải lỗi tại ta. Chúng ta không thể chấp nhận những cái chúng ta không làm được. Bây giờ chúng tôi nghĩ là không đặt ra mục tiêu, ngày tháng nữa. Bao giờ đáp ứng được điều kiện của ta thì ta vào, càng sớm càng tốt”. Nếu vào thời điểm này mà chưa hoàn tất thủ tục gia nhập thi chắc chắn năm nay CSVN sẽ không được vào WTO, thế nhưng ông Vũ Khoan sử dụng nhóm từ “năm nay, giả dụ chưa vào được WTO” vì ông Khoan vẫn còn nuôi một chút hy vọng là sự có mặt tại Hà Nội vào ngày 17 và 18 tháng 11 này của ông David A Sampson (Thứ trưởng Thương mại Hoa Kỳ) có thể sẽ thay đổi được tình hình. Thế nhưng cái chút hy vọng cuối cùng đó của ông Khoan đã bị tan vỡ khi những người tháp tùng phái đoàn ông Thứ trưởng Thương mại này đánh tiếng cho biết đừng nên kỳ vọng vì Hoa Kỳ và các nước lớn khác trong WTO đang bận rộn chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng ở Hồng Kông và thúc đẩy vòng đàm phán tự do mậu dịch toàn cầu Doha.

Gia nhập WTO có lợi hay hại cũng tùy thuộc vào nội lực của nền kinh tế của nước đó, ngoài ra sự tín nhiệm của các thành viên WTO đối với mình là điều rất quan trọng. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay chưa thể nào mạnh được vì xí nghiệp quốc doanh là chủ lực và sự tín nhiệm của các nước đối với Việt Nam hiện nay gần như không có. Khi mà hai chướng ngại này chưa tháo gỡ được mà cứ đòi vào WTO cho bằng được thì chỉ rước lấy thảm bại.