Việt Nam: Một Nhà Văn Nữ Được Thả Nhưng Đàn Áp Vẫn Tiếp Diễn

HRW

(Nữu Ước, ngày 1 tháng 2, 2008) – Tổ chức Human Rights Watch tuyên bố hôm nay rằng: Chính phủ Việt Nam vừa thả nhà văn được giải Hellman-Hammett 2007 là bà Trần Khải Thanh Thuỷ ra khỏi tù, nhưng vẫn tiếp tục cầm tù hay quản chế hàng chục các nhà tranh đấu hoà bình khác.

Bà Thủy, người bị bắt ngày 21 tháng 4 năm ngoái, được thả ra sau một phiên toà bất chợt và không được quảng bá trước của Toà Án Nhân Dân Hà Nội vào ngày 31 tháng Giêng tây. Bà bị tuyên án 9 tháng 10 ngày, đúng thời gian bà đã bị giam giữ, vì lý do “phá rối trật tự công cộng” theo điều 245 của Bộ Luật Hình Sự.

Người thắng giải Hellman-Hammett 2007 rất có uy tín dành cho các văn nghệ sĩ bị trù dập, bà Thủy, 47 tuổi, là một trong số gần 40 người hoạt động hòa bình – kể cả hơn 10 phụ nữ – đã bị cầm tù hay bị quản chế trong vòng 18 tháng qua ở Việt Nam. Trong số này có luật sư về nhân quyền, thành viên các đảng đối lập, các nhà xuất bản chui, các nhà hoạt động cho các giáo hội độc lập, các nhà bất đồng chính kiến trên Internet, và các lãnh tụ công đoàn.

“Cũng như hàng chục các nhà bất đồng chính kiến hoà bình khác mà đã phải đi tù, bà Trần Khải Thanh Thủy đáng nhẽ không bị bắt mới phải,” bà Sophie Richardson, giám đốc biện hộ cho vùng Á châu của Human Rights Watch nói. “Chính phủ Việt Nam nên ngưng cấm cố người ta chỉ vì họ phát biểu quản điểm của họ.”

Trong thời gian bị cầm tù trên chín tháng ở Trung tâm Giam giữ Thanh Liệt (còn gọi là Trại B14), chính quyền không cho phép bà Thuỷ được gia đình thăm viếng cũng như bà không nhận được thư nào từ gia đình. Theo tin gia đình, chính quyền đã bác bỏ những lời yêu cầu để cho bà Thủy, người bị hai chứng bệnh lao và tiểu đường, được chuyển về chữa trị tốt hơn ở Trung tâm Lao Đống Đa ở Hà Nội. Trái lại, sức khoẻ của bà bị sa sút và bà đã bị thêm bệnh thấp khớp sau nhiều tháng phải ngủ mà không có chăn mền trên sàn xi-măng của một xà-lim nhỏ trong khi nhiệt độ mùa đông ở Hà Nội đều đặn ở dưới 7 độ Celsius (tương đương với 45 độ Fahrenheit).

Là một tác giả, nhà thơ và ký giả nổi tiếng, bà Thủy đã có mấy bộ tiểu thuyết, một số tiểu luận dùng hình thức biếm văn hay viết về chính trị phê phán chế độ cộng sản. Bà là một trong số hàng chục các nhà hoạt động xuất hiện trong một thời gian vào năm 2006 khi sự kiểm soát đối với các tiếng nói bất đồng chính kiến được nhà nước tháo gỡ đôi chút trước khi Hà Nội đứng ra làm chủ nhà đăng cai hội nghị thượng đỉnh APEC (Tổ chức cộng tác châu Á-Thái bình dương) vào tháng 11 năm 2006 và trước khi Hà Nội được nhận làm thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới vào cuối năm đó.

Tháng 9 năm 2006, bà Thủy tham gia vào ban biên tập báo Tổ Quốc, một bản tin bất đồng chính kiến in chui ở Việt Nam và lưu hành trên Internet. Tháng 10 năm 2006, bà có chân trong việc thành lập Công Đoàn Độc Lập, một nhóm bị luật cấm hoạt động ở Việt Nam bởi nơi đây tất cả các công đoàn phải thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động, tổ chức do Đảng Cộng Sản kiểm soát. Tháng 12 năm 2006, bà còn là sáng lập viên Hội Dân Oan Việt Nam.

Trước khi bị bắt, bà Thủy bị chính quyền câu lưu, thẩm tra và hạch xách một cách khá thường xuyên. Tháng 11 năm 2006, bà bị mất việc làm ký giả. Trong thời gian hội nghị APEC nhóm họp cùng tháng đó, bà bị khoá chặt ngay trong nhà mình và sau đó là như bị quản chế thực sự. Ngày 10 tháng 3, 2007, công an vào khám nhà bà và tịch thu máy vi tính, máy điện thoại di động, và hàng trăm hồ sơ khiếu kiện của dân oan.

Sau khi bà bị bắt ở một trạm xe buýt ở Hà Nội vào ngày 21 tháng 4 năm 2007, lúc đầu bà bị tố cáo là tuyên truyền chống chính phủ (theo điều 88) và phá rối trật tự công cộng (điều 245) nhưng trong phiên xử ngày hôm qua, chỉ có lời cáo buộc sau này là được duy trì tại toà.

Những phụ nữ khác bị bỏ tù, câu lưu hay quản chế trong 18 tháng qua gồm:

Lê Thị Công Nhân, 29 tuổi. Là một luật sư hoạt động và sáng lập viên của Uỷ Ban Nhân Quyền Việt Nam cũng như là phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến Việt Nam, cô bị bắt vào tháng 3 năm 2007. Hiện cô đang phải chịu án ba năm ở Trại 7, Thanh Hoá, chiếu theo điều 88 (tuyên truyền chống chính phủ). Tháng trước, cô tuyệt thực một tuần lễ để phản đối cái mà xem như là một âm mưu nhằm cố ý xách động các tù nhân khác nhắm vào cô bởi những người bạn cùng xà-lim.

Trần Thị Lệ Hồng, 49 tuổi. Một trong những sáng lập viên Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam, bị bắt tháng 11 năm 2006. Hiện đang chịu án ba năm ở tỉnh Đồng Nai dựa trên điều 258 (lạm dụng các quyền dân chủ – về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, tự do hội họp và tự do lập hội “để xâm hại vào quyền lợi của Nhà nước”).

Nguyễn Thị Tuyết. Một thành viên Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam, bị bắt tháng 11 năm 2006 và giam giữ tại Đồng Nai. Được thả ra tháng 12 năm 2007 sau hơn một năm tù mà không hề được đưa ra xét xử.

Trần Thị Thùy Trang, 33 tuổi. Một luật sư và cộng sự viên của luật sư Lê Quốc Quân, bị bắt hồi tháng 3 năm ngoái và giam giữ trong sáu tháng tại một trung tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Được thả ra tháng 9 năm 2007 nhưng vẫn bị theo dõi.

Hoàng Thị Anh Đào, 22 tuổi. Bí thư Đảng Thăng Tiến Việt Nam, bị bắt vào tháng 2 năm 2007. Tháng 3, bị tuyên án 2 năm tù treo dựa theo điều 88. Còn bị quản chế 3 năm.

Lê Thị Lệ Hằng, 45 tuổi. Thành viên Đảng Thăng Tiến Việt Nam, bị bắt tháng 2 năm 2007 và tuyên án 18 tháng tù treo dựa theo điều 88 rồi được tạm tha. Hiện bị quản chế 3 năm.

Hồ Thị Bích Khương, 35 tuổi. Một người chủ trương quyền của nông dân, bị bắt tháng 4 năm 2007 ở Nghệ An, hiện đang bị giữ tại một trung tâm thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, theo điều 88.

Dương Thị Trọn, 60 tuổi. Thành viên Giáo hội Hoà Hảo độc lập, bị bắt vào tháng 10 năm 2006. Tháng 5 năm 2007, bị tuyên án 4 năm tù ở tỉnh Đồng Tháp cùng với bốn đồng đạo Hoà Hảo khác bị tố là phá rối trật tự công cộng (điều 245).

Lữ Thị Thu Duyên. Tham gia trong các cuộc xuống đường của nông dân đòi đất và là thành viên Khối 8406 cổ võ dân chủ, bị đặt vào trong tình trạng quản chế 6 tháng ở Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12 năm 2007.

Lữ Thị Thu Trang (em của Lữ Thị Thu Duyên). Tham gia trong các cuộc xuống đường của nông dân đòi đất và là thành viên của Khối 8406 cổ võ dân chủ, bị đặt vào trong tình trạng quản chế tại gia 6 tháng ở Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12 năm 2007.

Bùi Thị Kim Thành. Một luật sư tìm cách giúp dân oan, bà bị bắt tháng 11 năm 2006 và bị cưỡng bách đưa vào một nhà thương tâm thần trong chín tháng. Được thả ra tháng 7 năm 2007, bà vẫn bị công an theo dõi.

Trong khi chính quyền Việt Nam từ chối không chịu đưa tin về dân số trong các trại tù, người ta vẫn ước lượng là con số tù nhân chính trị ở Việt Nam lên đến cả hàng trăm. Đây là những người bị giam giữ vì các tín ngưỡng tôn giáo của họ, những người kêu gọi cải cách dân chủ, những người tham gia trong các cuộc biểu tình ôn hoà, và những người tìm cách trốn sang Căm-pu-chia để xin tỵ nạn chính trị.

Những cuộc bắt bớ và tù tội này vẫn tiếp diễn. Ngày 29 tháng 1 vừa rồi, một toà án ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án hai thanh niên sáu năm tù và ba năm quản chế sau đó vì đã phát tán truyền đơn kêu gọi chấm dứt sự cai trị của Đảng CSVN. Hai thanh niên đó, Trương Quốc Huy, 28 tuổi – trước đây đã bị tù vì tham gia trong một nhóm chat trên mạng lưới toàn cầu vì dân chủ – và Hằng Tấn Phát, 24 tuổi, bị cáo buộc là tuyên truyền chống chính phủ dựa theo điều 88 của bộ Luật Hình Sự.

“Hàng trăm tù nhân tôn giáo và chính trị hiện đang phải ở đằng sau các chấn song sắt ở Việt Nam,” bà Richardson tuyên bố. “Mặc dầu Việt Nam hiện là thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và lúc nào cũng khẳng định là mình tôn trọng nhân quyền, Việt Nam tiếp tục tội danh hoá các hình thức bất đồng chính kiến trong hoà bình, cũng như bắt bớ những nhóm tôn giáo không được nhà nước coi là hợp pháp, các đảng đối lập và các công đoàn độc lập.”

Để xem thêm công việc của Human Rights Watch về Việt Nam, xin thăm: http://www.hrw.org/doc?t=asia&c=vietna

Để xem chương về Việt Nam trong bản Tường trình thế giới năm 2008, xin vào thăm: http://hrw.org/englishwr2k8/docs/2008/01/31/vietna17630.htm