Việt Nam: Thêm một ủy viên Bộ Chính trị phải từ chức

Thanh Phương - RFI

Từ trái sang phải: Trương Thị Mai - người vừa bị "cho thôi giữ các chức vụ," Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và Đinh Thế Huynh. Ảnh chụp ngày 20/07/2016. Ảnh: AP - Hau Dinh

Hôm qua, 16/05/2024, Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam đã bầu bổ sung 4 ủy viên sau khi một ủy viên khác là bà Trương Thị Mai phải từ chức và nghỉ việc.

Theo báo chí trong nước, Ban Chấp hành Trung ương đảng hôm qua đã chấp nhận cho bà Trương Thị Mai “thôi giữ các chức vụ” ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Trung ương.

Thông cáo của Ban chấp hành Trung ương cho biết, bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương “đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, ảnh hưởng đến uy tín của đảng và cá nhân.” Cho nên bà đã có đơn xin “thôi giữ các chức vụ.

Giữ chức thường trực Ban Bí thư và trưởng Ban Tổ chức Trung ương từ năm 2023, bà Trương Thị Mai như vậy là ủy viên thứ 3 trong Bộ Chính trị phải từ chức chỉ trong vòng hai tháng, sau Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong tháng Ba và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong tháng Tư.

Vụ từ chức của bà Trương Thị Mai đáng chú ý, bởi vì không chỉ là phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính trị, bà còn là nhân vật số 5, sau nhóm gọi là “tứ trụ” (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc hội) và có lúc được xem là một ứng viên cho chức chủ tịch Quốc hội.

Trước khi Trung ương đảng chấp nhận cho bà Mai từ chức, Bộ Chính trị thông báo đã bổ nhiệm tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội, vào chức vụ thường trực Ban Bí thư.

Từ 18 ủy viên ban đầu, Bộ Chính trị nay chỉ còn 12 ủy viên, vì trong 18 tháng qua đã có tổng cộng 6 ủy viên từ chức trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động. Nhưng hôm qua, Trung ương đảng đã bầu bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị để thay thế những người đã từ chức.

Bốn ủy viên mới gồm ông Lê Minh Hưng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, bà Bùi Thị Minh Hoài, trưởng ban Dân vận Trung ương và ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trung ương đảng cũng thông báo đã “giới thiệu nhân sự” cho hai chức vụ chủ tịch nước và chủ tịch Quốc Hội, nhưng không nói rõ tên tuổi của hai nhân vật này. Họp lại kể từ ngày 20/05, Quốc Hội Việt Nam sẽ chính thức thông qua việc bổ nhiệm hai chức vụ lãnh đạo đó.

Những xáo trộn chưa từng có trong thượng tầng lãnh đạo của Việt Nam đang ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Theo các số liệu do hãng tin Reuters trích dẫn hôm nay, kể từ đầu năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán đi gần 2 tỷ đô la chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM, cho dù chỉ số của thị trường chứng khoán lớn nhất Việt Nam này đã tăng 22% từ đầu năm 2023. Phân nửa số chứng khoán bán ra là trong năm nay, khi chính trường Việt Nam bắt đầu có biến động, đặc biệt là kể từ sau vụ từ chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Thanh Phương

Nguồn: RFI