Việt Nam: Thời Kỳ Lạc Quan Đang Gặp Phải Rạng Đông Buồn Thảm

Khánh Ðăng

Ðã hàng năm trời, họ kéo nhau đổ về Hà Nội với con số hàng ngàn. Họ là giới lao động nghèo ở nông thôn đi tìm một mức lương bổng khá hơn bằng các nghề như nấu ăn, quét dọn, phu hồ, và công nhân xí nghiệp. Cùng lúc khi họ đến, một mức tăng trưởng kinh tế đều đặn đã giúp thủ đô Hà Nội hòa nhập họ vào và cung cấp cho họ một nấc thang để thoát ra khỏi cảnh nghèo đói, đồng thời cho phép họ có một giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái họ.

Giới nhiều tiền lắm của tại Hà Nội đã từ lâu vẫn thường gọi họ là thứ nhà quê, một thành ngữ có vẻ khinh miệt dành cho thành phần bần nông, nhưng họ điển hình là một câu chuyện thành công cho giới lãnh đạo đảng.

Chỉ mới cách đây 10 năm, Việt Nam bị coi như là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới sau hàng thập niên chiến tranh khắc khổ, quản lý tồi tàn, và một chiến dịch cấm vận làm cho kinh tế bị lụn bại của Hoa Kỳ. Nhưng trong năm tới đây, nhà nước đang nhắm vào mục tiêu để thông báo đã hoàn tất việc xóa đói giảm nghèo, và dự định vào năm 2020, sẽ đưa Việt Nam đứng vào hàng ngũ các nước có nền kỹ nghệ hóa ở mức trung bình.

Nhưng bỗng nhiên, mọi thứ không quá đơn giản như thế. Tình trạng lạm phát gia tăng đang nổi bật lên và nền kinh tế đang sớm cho thấy có nhiều dấu hiệu bị khủng hoảng, có khả năng lôi kéo thành phần có lợi tức thấp vào vòng nghèo đói, và có nguy cơ làm tổn hại đến các mục tiêu đầy khoe khoang khoác lác của nhà nước.

Các chỉ số lạm phát đã cho thấy giá cả tăng 19.4% từ tháng 3/2007 đến tháng 3 năm nay. Thậm chí ngay tại thủ đô Hà Nội, tình hình còn tệ hơn với giá thực phẩm, xăng dầu và tiền mướn nhà còn tăng cao hơn nữa.

Lần đầu tiên trong nhiều năm trời, giới lao động nghèo và có lợi tức thấp hiện thời đang tràn ngập Hà Nội sẽ cảm thấy bị nghèo túng hơn thay vì khá hơn.

“Nó cũng giống như có tiền mà cứ bị ăn trộm mất hàng ngày”, anh Thâm, 28 tuổi, kiếm 2 triệu đồng (tương đương 973 đô la Hồng Kông) một tháng làm nghề bơm xăng cho khách tại một cây xăng ở Hà Nội. “Càng ngày càng trở nên khó khăn hơn để lo cho đời sống của gia đình”.

Ông Sang, một tài xế 56 tuổi, nói rằng ông để ý thấy mọi thứ đang trở nên mắc mỏ hơn, “Tôi phải bảo nhà tôi hãy cân nhắc cho cẩn thận trước khi cắp thúng đi chợ. Bà ấy có càu nhàu đấy chứ, nhưng tôi bảo bu nó rằng cả nước cần phải thắt lưng buộc bụng chứ không phải chỉ có nhà mình đâu”.

Nhà nước đã chuyển hướng đưa mục tiêu tăng trưởng xuống trong năm nay khi họ bắt đầu một chuỗi những biện pháp tạm bợ thiếu hiệu quả để kềm chế giá cả, buộc các nhà băng phải siết chặt thanh khoản, phát động các nỗ lực phát triển kinh tế và chỉ thị cho các công ty quốc doanh phải đầu tư một cách khôn khéo hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mô tả mặt trận chống lạm phát của nhà nước là một ưu tiên hàng đầu – việc này đã xác nhận rõ ràng điều mong muốn mà đảng hằng ấp ủ là tình hình ổn định thay vì tăng trưởng kinh tế.

Các chính sách trong nước chính là một phần của vấn đề. Việt Nam đang nhập cảng nạn lạm phát từ đối tác buôn bán lớn nhất của họ là Trung Quốc. Mục tiêu xuất cảng lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ hiện đang chịu đựng một sự kìm hãm với trị giá đồng đô la đang bị yếu thế.

Mọi người không có ai vui vẻ cả. Vài nhà đầu tư lâu năm của nước ngoài lo ngại rằng nhà nước quá mãnh liệt trong nỗ lực của họ để làm giảm thiểu nhu cầu thay vì khuyến khích cung cấp, theo từng phần một, bằng cách hồi sinh lại chính sách cải cách kinh tế.

Theo họ thì mở rộng quyền xử dụng đất đai và giảm bớt các luật lệ để khuếch trương cạnh tranh trong ngành thương nghiệp bán lẻ, phân phối, và dịch vụ tất cả đều có ích trong việc làm giảm lạm phát.

Với nguồn vốn đầu tư nóng hổi đang đổ vào – hơn 20 tỷ Mỹ kim hồi năm ngoái khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Mậu dịch Quốc tế – một số người cũng lo ngại rằng sẽ gây ra vấn đề chậm chạp trong việc chấp thuận và các khó khăn rắc rối về dịch vụ ngân hàng, vì nhà nước đang tìm cách kìm hãm phát triển.

Ông Nguyễn Minh Phong, một nhà nghiên cứu kinh tế thuộc Uỷ ban nhân dân Hà Nội nói rằng nhà nước chỉ muốn vặn vẹo chút ít thay vì kềm chế hẳn mức tăng trưởng. “Mười hai phần trăm (tỷ lệ lạm phát) thì có được không? Nhưng hai mươi phần trăm? Cái đó thì quá nóng bỏng cho chúng tôi”, ông ta nói.

Khánh Ðăng (theo South China Morning Post 15/4/08)