Việt Nam: Tổng bí thư Trọng bệnh nặng, “cuộc chiến kế vị” bùng phát?

RFI

Ông Nguyễn Phú Trọng trên đoàn chủ tịch Đại hội đảng 11 ngày 12/01/2011 Ảnh: Reuters/Kham

Việc lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, 79 tuổi, cầm quyền từ năm 2011, một lần nữa phải nhập viện trung tuần tháng Giêng 2024 đã làm dấy lên nhiều đồn đoán. Một số người nói đến nguy cơ ông Trọng qua đời. Hiện tại chính quyền Việt Nam và báo chí chính thức tại Việt Nam chưa đưa ra thông tin nào về sức khỏe của lãnh đạo đảng.

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 12/01/2024, ông Nguyễn Phú Trọng ‘‘đã từng tỏ ra miễn cưỡng’’ khi tái ứng cử chức vụ lãnh đạo đảng nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2021, với giải thích ông muốn nghỉ hưu vì đã già và sức khỏe không tốt. Trước đó, trong bài phát biểu nhậm chức chủ tịch nước năm 2018, cũng như khi tái đắc cử lãnh đạo đảng lần thứ hai năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng đều bày tỏ lo ngại về tuổi già, sức khỏe suy yếu.

Theo nhiều nhà quan sát, vị trí kế nhiệm chức vụ tổng bí thư đảng hiện vẫn còn để trống đang gây lo ngại tại Việt Nam về một cuộc chiến quyền lực ‘‘dữ dội’’ trong đảng, một khi ông Nguyễn Phú Trọng không còn khả năng cầm quyền. Trả lời RFI từ Berlin, nhà báo Lê Trung Khoa (Thời Báo Đức) cho biết cụ thể:

‘‘Bởi vì ông Nguyễn Phú Trọng hiện làm đến nhiệm kỳ thứ ba tổng bí thư, nhưng cho đến thời gian vừa qua ông không tìm được người nào hoặc ông không giao quyền kế cận cho người nào cả. Nên khi ông Nguyễn Phú Trọng chẳng may bị sao và không thể điều hành một cách bình thường công việc của mình nữa, và bây giờ thực tế đã xảy ra việc ông bị bệnh nặng, thì sẽ rất nguy hiểm. Nếu chẳng may ông chưa kịp chuyển giao quyền lực mà ông lại mất, hoặc không có khả năng điều hành, thì theo tôi được biết qua thông tin trong nước, họ sẽ rất lo ngại về việc xảy ra hỗn loạn. Cuộc chiến quyền lực trong đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ rất dữ dội, và sẽ xảy ra nhiều chuyện rất nghiêm trọng, không mong muốn.

Hiện nay nổi lên nhất trên thực tế, theo những nguồn tin tôi được biết, vẫn là ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An và ông Phan Văn Giang, bộ trưởng Quốc Phòng, đang ngấp nghé chỗ gần ông Nguyễn Phú Trọng nhất để được làm những việc ông Nguyễn Phú Trọng giao phó khi ông gặp trắc trở. Ông Tô Lâm giống như cánh tay phải của ông Trọng, thực hiện những mệnh lệnh của ông Nguyễn Phú Trọng trong việc chống tham nhũng, và cũng là cái cách để ông Nguyễn Phú Trọng có thể sử dụng hình thức đó để tiêu diệt những mầm mống, phe phái hoặc những nơi ông ta không muốn, mặc dù ông Tô Lâm có rất nhiều sai phạm trong nhiều vụ việc khác nhau. Những sai phạm đó dường như ông Nguyễn Phú Trọng bỏ qua, hoặc để sang một bên chưa đụng đến, mục đích là dùng ông Tô Lâm giống như thanh kiếm của mình để thực hiện những mục tiêu gọi là ‘đốt lò.’

Về khả năng kế cận ông tổng bí thư, hai nhân vật nói trên dường như có chỉ số rất cao, cao hơn cả Thủ tướng Phạm Minh Chính, và Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ. Nhưng thực tế thì chưa biết được, vì khi có việc gì xảy ra thì Bộ Chính Trị sẽ là bên đầu tiên đưa ra dự trù nhân sự, sau đó sẽ đưa ra Trung Ương để thông qua. Trong thời gian đó sẽ còn có thể xảy ra nhiều chuyện khác, bởi vì nó liên quan đến lá phiếu bầu. Về ông Phạm Minh Chính, đương kim thủ tướng, theo thông tin tôi được biết, ông ấy cũng đang khá chật vật, trong việc điều hành chính phủ. Chưa chắc ông đã có điều kiện để đi lên một bước nữa, tức là đảm nhiệm chức danh tổng bí thư. Vì ông Phạm Minh Chính có những vấn đề, mà theo tôi biết ông có liên quan đến ‘các vụ rất lớn,’ như vụ AIC. Tất nhiên một người đương chức, là thủ tướng của Việt Nam, thì khó ai có thể truy tố hoặc điều tra.”

Nguồn: RFI