Việt Nam Tụt Hậu Về Năng Lực Cạnh Tranh Kinh Tế Toàn Cầu

Ngày 13/10/2004, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (World Economic Forum), một tổ chức quốc tế độc lập, phi chính phủ, có mục tiêu nghiên cứu nhằm phục vụ nhu cầu phát triển của các quốc gia trên toàn thế giới, đã công bố kết quả xếp hạng của các quốc gia trong bản Báo Cáo Năng Lực Cạnh Tranh Toàn Cầu (Global Competitiveness Report) cho năm 2004-2005. Trong số Top 10, gồm đa số các nước Bắc Âu, còn có Hoa Kỳ xếp hạng 2, Đài Loan (hạng 4), Singapore (hạng 7) và Nhật (hạng 9). VN có chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh phát triển (Growth Competitiveness Index, GCI) là 77 (chỉ số năm 2003 là 60), trên tổng số 104 quốc gia được nghiên cứu. Chỉ số GCI này bao gồm 3 lãnh vực trọng yếu của nền kinh tế:

a) môi trường kinh tế vĩ mô (ổn định kinh tế, chi tiêu lãng phí của chính phủ, uy tín tài chánh.v.v…);
b) các thể chế công cộng (luật pháp, hợp đồng thương mại, tham nhũng.v.v…); và
c) kỹ thuật, công nghệ (công nghệ thông tin, chuyển giao công nghệ, phát minh khoa học kỹ thuật.v.v…).

Trầm trọng nhất đối với Việt Nam là chỉ số về công nghệ thông tin được xếp ở hạng 92/104 và chỉ số về tham nhũng là 97/104. Việt Nam nằm trong nhóm các nước tụt hạng nhiều nhất, mà theo lời nhận xét của Diễn Đàn WEF này thì “…Đây là những quốc gia có sự suy thoái trầm trọng ở một hay vài lãnh vực khác nhau. Thật vậy, các quốc gia này đều được biết đến nhiều qua các tin tức truyền thông quốc tế. Những trường hợp rõ ràng về các viên chức chính phủ tham nhũng, tình trạng trấn áp quyền tự do báo chí, và các quyền tự do dân sự khác đã góp phần gia tăng tình trạng tiền tệ, tư bản chảy ra nước ngoài, làm khó khăn thêm môi trường thương mại. Tình trạng bất ổn chính trị gắn liền với những chống đối trong nước, và trong một vài trường hợp, dẫn đến tình hình bất ổn dân sự, yếu kém của nền tư pháp, không ít thì nhiều, cũng đã được biểu hiện rõ nét tại những quốc gia này.” Điều đáng ghi nhận ở đây là những đánh giá của WEF rất khách quan và được coi trọng trong hầu hết giới đầu tư, thương mại ngoại quốc. Ngoài ra, trong một báo cáo kinh tế tháng 9/2004 của Ngân Hàng Thế Giới thì Việt Nam nằm trong nhóm cuối danh sách các quốc gia có môi trường kinh doanh yếu kém nhất thế giới cùng với Lào, Campuchia và Indonesia.

Khả năng cạnh tranh yếu kém của Việt Nam là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó vai trò của cơ chế và chính sách đóng phần trách nhiệm chính.

Thứ nhất, về mặt chính sách, tình trạng chính sách kinh tế bất nhất, không ổn định và thiếu tính cạnh tranh đã gây nhiều lo lắng và khó khăn cho giới đầu tư, kinh doanh cả trong lẫn ngoài nước. Từ đó, việc áp dụng, thi hành các chính sách kinh tế này cũng gây nhiều trở ngại cho doanh nghiệp. Lấy thí dụ, để thành lập một doanh nghiệp ở Việt Nam, phải mất 11 thủ tục với thời gian chờ đợi là 63 ngày và chi phí là 170 Mỹ kim, trong khi ở các quốc gia tiên tiến khác thì chỉ cần vài thủ tục trong khoảng 2-7 ngày và chi phí chừng vài Mỹ kim. Chính sách phân biệt đối xử trong kinh doanh vẫn còn hiện hữu. Chính sách bảo hộ kinh tế vẫn còn nặng nề. Nhiều ngành công nghệ cao chưa được cho phép vận động vốn đầu tư ngoại quốc, vì dụ như quản lý tài sản, dịch vụ định giá doanh nghiệp, định mức tín nhiệm, dịch vụ mua bán nợ, tư vấn kiến trúc đô thị, phát triển nguồn nhân lực, tư vấn phát triển cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường.v.v… Hơn nữa, các lãnh vực như điện, nước, sản xuất thép, phát triển cơ sở hạ tầng.v.v… cũng chưa được cho phép bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việc giới hạn tỉ lệ vốn đóng góp của các công ty nước ngoài trong doanh nhiệp VN không được quá 30% là một chính sách bảo hộ kinh tế đầy mâu thuẫn và gây nhiều trở ngại cho việc đầu tư của nước ngoài. Tuy nhiên, nhằm vuốt ve và chiêu dụ giới doanh nghiệp tư nhân trong nước, Thủ tướng Cộng sản VN (CSVN) mới đây đã chính thức công bố ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh Nhân Việt Nam. Theo thống kê của CSVN, khối doanh nghiệp tư nhân và khoảng 2,5 triệu hộ kinh doanh cá thể chiếm khoảng 27,5% tỷ trọng GDP. Và chính quyền cũng đã phải thừa nhận rằng: “…Còn không ít cán bộ, công chức tham nhũng, sách nhiễu, khiến cho không ít các chính sách đúng đắn bị biến dạng. Đâu đó trong tư duy của lãnh đạo một số bộ, ngành vẫn có quan niệm sai lầm “quản lý được đến đâu thì mở ra đến đó” làm cản trở biết bao những ý tưởng kinh doanh hay…”

Thứ nhì, về mặt cơ chế, đây cũng là mấu chốt của vấn đề cạnh tranh kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh trong bối cảnh toàn diện của một xã hội công dân, năng động, trong sạch và cởi mở. Theo báo chí trong nước ghi lại, các nhà doanh nghiệp tại VN đã tuyên bố thẳng thừng rằng: “Nền kinh tế VN là một “Thể Chế 6 Không”: Không minh bạch, Không nhất quán, Không đồng bộ, Không ổn định, Không khả thi, và Không tiên liệu được. Còn việc thi hành thể chế được đánh giá là quá nhiều khó khăn, vướng mắc, “hành dân là chính”. Thể chế nào, doanh nhân ấy, không có thể chế tốt sẽ không có doanh nhân giỏi.” Ngoài ra, thương trường tại VN không chỉ đòi hỏi giới doanh nhân một “chữ tín” quan trọng cho thương hiệu của mình mà chính quyền còn đặt nặng “bản lãnh chính trị” như một yêu cầu cần phải đáp ứng trong quá trình “làm việc” với các cơ quan chính quyền nhà nước. Theo lời của một tờ báo trong nước, “…Bản lĩnh chính trị giúp doanh nhân VN có chính kiến rõ ràng trước những vấn đề chính trị lớn của đất nước trong quá trình đổi mới để vận dụng chính sách một cách phù hợp nhất.” Trong một xã hội dân chủ, bất kỳ đảng phái hay chính phủ cầm quyền nào cũng không dám đặt áp lực hoặc yêu cầu giới thương gia phải tuân thủ hay ngả theo khuynh hướng, quan điểm chính trị nào, và làm gì có tới chuyện đòi hỏi một “bản lãnh chính trị”, nghe thật mơ hồ, mang tính áp đặt và hù dọa chính trị của nhà cầm quyền CSVN. Chủ trương “phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của CSVN chỉ mang tính chất khẩu hiệu, trái với quy luật phát triển tự nhiên của nền kinh tế thị trường và đồng thời đi ngược lại quyền lợi và quyền tự do chính kiến của giới doanh nhân tại Việt Nam. Và cũng chính vì sự áp đặt về quan điểm chính trị, sự yếu kém của hệ thống cơ chế chính quyền, cộng với những chính sách bất nhất, không khả thi, mà Việt Nam đã bị tụt hạng trầm trọng về năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. (Đ.V.)